Phụ huynh Tâm Việt nói gì khi biết con mình bị chửi mắng?

Đoạn clip phản ánh giáo viên Trung tâm Huấn luyện trẻ tự kỷ Tâm Việt mắng học sinh tự kỷ đang gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến khác nhau. Nhóm phóng viên Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt đã có buổi tiếp xúc với phụ huynh có con đang huấn luyện tại Tâm Việt để lắng nghe ý kiến của họ trước thông tin trên. Dưới đây là những ghi nhận.

TS. Lê Ngọc Hướng - Giảng viên chính Học viện Nông nghiệp - Chủ tịch Hội phụ huynh Tâm Việt- Bố em Lê Ngọc Thiện Đức:


TS. Lê Ngọc Hướng (bên phải) cùng quan điểm với Trung tướng Lê Phúc Nguyên (bên phải), cựu Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân – người luôn dõi theo hoạt động của Tâm Việt: “ Dư luận cần có cái nhìn khách quan và độ lượng về mô hình đào tạo mới mẻ và hiệu quả này để những khiếm khuyết trong chăm sóc, huấn luyện trẻ tự kỷ được khắc phục, lòng tốt được nhân lên.”

Tôi cho rằng, không ai hiểu công việc chăm sóc, huấn luyện trẻ tự kỷ của các thầy cô Tâm Việt bằng chúng tôi. Phụ huynh chúng tôi có trang riêng trên zalo, kết nối giữa các phụ huynh với giáo viên, cập nhật thường xuyên việc ăn, ở, sinh hoạt, huấn luyện của các con thông qua video clip. Nhiều phụ huynh còn ăn ở tại Trung tâm nhiều ngày; thậm chí như anh Bích (Móng Cái) ở tại Trung Tâm cả năm trời để cùng thầy cô chăm sóc, dạy bảo các con. Qua nhiều kênh thông tin và thường xuyên thăm các con, chúng tôi rất mừng khi các con tiến bộ từng ngày. Qua đó, chúng tôi cũng đã chứng kiến sự tận tụy, chịu đựng gian khổ của các thầy cô Tâm Việt. Các con chúng tôi bị hội chứng tự kỷ còn khổ hơn những người khuyết tật. Nhiều cháu không kiểm soát được hành vi, phóng uế bừa bãi, rồi la hét, đập phá, thậm chí tấn công lại giáo viên. Chăm sóc, dạy bảo những đứa trẻ đặc biệt như vậy suốt cả ngày đêm thì các thầy cô giáo khó tránh khỏi những lời nói, hành vi không chuẩn mực đạo đức trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, việc giáo viên mắng chửi, đe dọa học sinh ở Tâm Việt chỉ là cá biệt và cần phải rút kinh nghiệm. Chúng tôi cũng mong muốn dư luận xã hội nhìn sự việc này khách quan và độ lượng để những khiếm khuyết trong các việc chăm sóc, huấn luyện trẻ tự kỷ được khắc phục, lòng tốt được nhân lên, giúp Trung tâm phát triển.

Ông Nguyễn Bá Phúc - Tân K, Nghệ An - Bố em Nguyễn Bá Oanh.


Ông Nguyễn Bá Phúc- Tân Kỳ, Nghệ An-Bố em Nguyễn Bá Oanh: “Con tôi được như hôm nay là nhờ Tâm Việt”.

Con tôi năm nay tròn 20 tuổi, bị chứng tự kỷ tăng động từ nhỏ, chữa trị khắp nơi, tốn kém vô cùng nhưng bệnh càng nặng, nhất là từ khi cháu đến tuổi dậy thì. Cháu có thói quen ăn uống kỳ quặc, không bao giờ ăn cơm, mà chỉ ăn cháy; không ăn phở, ăn canh. Nồi cơm nấu cho cháu phải bấm điện 3 lần, thành cháy, nắm thành viên, cháu mới ăn. Thức ăn phải là thịt thăn, thịt bò khô, mực khô. Trái ý cháu là cháu đánh lại bố mẹ. Có lần, tôi đánh cháu mà nước mắt trào ra. Vợ chồng tôi suốt ngày thay nhau bám theo cháu, rời mắt là cháu chạy ra đường, gào thét, đánh bất cứ ai. Hàng ngày, chúng tôi phải cho cháu uống thuốc chống tăng động để cháu ngủ yên, bớt la hét, đập phá. Từ bé, cháu đã không tự chủ đi vệ sinh...

Mới 8 tháng huấn luyện ở Tâm Việt, cháu đã hòa nhập cùng các bạn; tự ăn cơm như các bạn. Đặc biệt, cháu không dùng thuốc chống tăng động mà vẫn thuần tính, vui chơi, tập luyện cùng các bạn, sinh hoạt hoạt điều độ; cháu đã biết tự vệ sinh cá nhân, biết đi xe một bánh, biết đứng thăng bằng trên con lăn...

Mức học phí của Tâm Việt rẻ hơn nhiều so với những lần tôi đưa con đi điều trị ở Hà Nội. Ngoài tiền chữa trị, bố con tôi còn phải ở thuê nhà trọ, ăn cơm bụi, tốn kém vô cùng.

Tôi không quan tâm đến dư luận nói gì về Tâm Việt. Chỉ biết rằng, con tôi được như hôm nay là nhờ Tâm Việt. Gia đình tôi mang ơn các thầy cô Tâm Việt.

Chị Lê Thị Thanh Vân – Tp. Cẩm Phả, Quảng Ninh - Mẹ em Võ Tuấn Anh (16 tuổi)


Chị Lê Thị Thanh Vân – Tp.Cẩm Phả, Quảng Ninh- Mẹ em Võ Tuấn Anh: “Gia đình chúng tôi đặt niềm tin vào Tâm Việt”.

Con trai tôi có tên thân mật là Tony, sinh ngày 27/4/2003, bị chứng tự kỷ dạng tăng động từ khi hơn 1 tuổi, chữa trị khắp nơi và đưa vào các trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ nhưng không tiến bộ. Tháng tháng 11 năm 2016, qua một người bạn giới thiệu, tôi đưa con vào Trung tâm Tâm Việt. Đến nay, sau 3 năm huấn luyến tại Tâm Việt, con tôi đã trở thành chàng trai cao lớn, vạm vỡ; được thầy cô và các bạn gọi bằng biệt danh “Hoa hậu Thân thiện”. Tôi đã nhiều lần ăn ở tại Tâm Việt, biết được sự tiến bộ từng ngày của con; biết con đã thực hiện thành công các bài tập: nhảy 3 con lăn, tung 5 bóng, đội chai, đi xe đạp 1 bánh đội chai tung 3 bóng 100 lần, đi xe đạp 1 bánh lùi đội chai tung bóng thật điêu luyện. Con còn diễn thuyết, hùng biện. Điều bất ngờ là con đã giảm được gần 10kg. Tony rất giỏi giao tiếp, biết cách bày tỏ cảm xúc nên dễ gây thiện chí với thầy cô, bạn bè; biết quan tâm yêu thương tất cả mọi người. Tony còn góp mặt trong nhiều chương trình lớn của Đài truyền hình: Điều ước thứ 7, Hành trình truyền cảm hứng v.v.và tham gia huấn luyện các em, giúp thầy cô đào tạo, chăm sóc những em nhỏ hơn.Tôi tự hào về con tôi.

Bố chồng tôi nguyên là nhà quản lí giáo dục phổ thông nổi tiếng ở Quảng Ninh. Ông từng tuyên bố, sẵn sáng bán cả nhà để chữa trị cho Tony! Nhưng ông không phải bán nhà mà cháu nội ông vẫn tiến bộ vượt bậc. Cả gia đình bên nội, bên ngoại chúng tôi vô cùng vui mừng và đặt niềm tin vào Tâm Việt. Nếu không tin, làm sao chúng tôi lại gửi con mình vào Tâm Việt suốt 3 năm nay!

Chị Đỗ Thị Cúc - Hiện sống ở Tp. Hồ Chí Minh - Mẹ cháu Hà Chi, 10 tuổi.


Chị Đỗ Thị Cúc- Tp. Hồ Chí Minh-Mẹ cháu Đỗ Hà Chi: “Gia đình tôi thực sự coi cô Dung, cô Hân là người mẹ của con tôi”.

Tôi thật bất ngờ khi xem đoạn clip về Tâm Việt, vội vàng đáp máy bay từ Tp. Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Thoạt nhìn cô Dung, cô Hân người gầy sọp, mặt hốc hác, da tái nhợt trong gió lạnh đầu mùa, lòng tôi tê tái, thương các cô vô hạn. Chính cô Dung là người trực tiếp nôi dạy con gái tôi từ khi cháu vào Tâm Việt, cách đây hơn 2 năm. Ngày ấy, sau khi gần như tuyệt vọng về hướng điều trị cho Hà Chi, tôi đã đưa con đến Tâm Việt. Đó ngày 9/10/2017. Chia tay con, ruột tôi đau quặn, nước mắt chứa chan. Con tôi còn nhỏ dại quá lại mắc chứng tự kỷ. Những cơn động kinh liên tục và các loại thuốc khiến con tôi quặt quẹo, có lúc không đi nổi, không tự đi vệ sinh được và thường có những hành vi la hét...Thử hỏi, có người mẹ nào lại yên lòng khi gửi lại đứa con như vậy, phó thác việc chăm sóc, nuôi dạy con cho các thầy cô Tâm Việt!

Nhưng bây giờ thì tôi hoàn toàn yên tâm vì Hà Chi đã tiến bộ bất ngờ. Hà Chi đã khỏe mạnh, rắn rỏi, biết chào hỏi mọi người, biết tự ăn cơm, đi dép, biết đứng trên con lăn, đội chai, tung bóng. Và đặc biệt, Hà Chi không còn phải dùng thuốc mà ít khi lên cơn động kinh. Mọi người trong Tâm Việt gọi con tôi bằng cái tên trìu mến: Hà Chi Công Chúa.


Bữa ăn của các con Tâm Việt. Trong ảnh: Cô Dung cho Hà Chi ăn cơm (ảnh chụp tháng 3/2019.)

Cô Hân và Hà Chi (ảnh chụp tháng 11/2018)

Công lao ấy thuộc về thầy cô Tâm Việt, đặc biệt là cô Dung, cô Hân. Tôi đã tận mắt chứng kiến con tôi quấn quýt với hai cô; được các cô bón ăn từng thìa cơm; được các cô tắm rửa, gội đầu; được đi Đà Lạt, đi biểu diễn ở những nơi sang trọng v.v. Con tôi gọi cô Dung, cô Hân bằng mẹ và gia đình tôi thực sự coi hai cô là mẹ của Hà Chi. Hôm về Tết, Hà Chi nhớ các thầy cô, nhớ bạn, luôn gọi tên các cô và đòi ra với các cô. Con tôi cũng thực sự coi các cô là mẹ rồi. Một người mẹ thì có lúc nặng lời với con là chuyện bình thường, có gì mà dư luận ồn ào như vậy!

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh - Hoàng Mai - Hà Nội - mẹ cháu Phạm Nhật Hải.


Cô giáo Nguyễn Thị Thanh-Hoàng Mai- Hà Nội- mẹ cháu Phạm Nhật Hải: “Chúng tôi không mong con trở thành kỷ luật gia mà chỉ mong con trở thành người bình thường”.

Ai đó cho rằng, Tâm Việt đào tạo trẻ tự kỷ trở thành kỷ lục gia là không đúng! Ai có con bị tự kỷ mới hiểu nỗi khổ của người làm cha, làm mẹ. Trước khi quyết định đưa con vào Tâm Việt, hầu hết chúng tôi đã đưa con đi khắp nơi để chữa trị, đi bấm huyệt, đi học lớp dành cho trẻ tự kỷ, thậm chí có người còn đưa con đi lên chùa nhưng vô vọng. Trước khi quyết định đưa con vào Tâm Việt, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ lưỡng về phương pháp nuôi dạy, huấn luyện trẻ tự kỷ của Tâm Việt; đã tham khảo nhiều phụ huynh có con được huấn luyện tại Tâm Việt. Gửi con vào Tâm Việt, chúng tôi không mong con trở thành kỷ lục gia mà chỉ mong con trở thành người bình thường. Chúng tôi hiểu, các bài tập tung bóng, đạp xe v.v. chỉ là những nội dung trong chương trình huấn luyện của Tâm Việt chứ không tập làm xiếc. Và thực sự, con tôi cũng như con của nhiều phụ huynh khác đã tiến bộ đến bất ngờ. Chúng tôi tin tưởng vào việc chăm sóc, huấn luyện trẻ tự kỷ của Tâm Việt.

Chị Nguyễn Thị Hoa –Trung Thành- Phổ Yên, Thái Nguyên – mẹ cháu Đỗ Trung Anh (14 tuổi).


Chị Nguyễn Thị Hoa –xã Trung Thành- Phổ Yên, Thái Nguyên – mẹ cháu Đỗ Trung Anh: “Tôi thấy mình đã chọn đúng Tâm Việt để gửi gắm con tôi”.

Con tôi thông minh, có trí nhớ tuyệt vời nhưng bị điếc. Cháu đi học vì không nghe rõ, nói không rõ tiếng nên bị bạn bè trêu chọc nên cháu trở nên khùng tính, bướng bỉnh và hay đánh anh trai…

Một lần vào đầu tháng 9, tôi đưa 2 con trai đi khám sức khỏe, thì có ghé qua Trung tâm Tâm Việt để xem tình hình, thì thấy ở đây các cháu tự kỷ tập luyện rất say mê. Con trai (Trung Anh) của tôi thấy chỗ đông người là lại đuổi đánh anh, mắng cả mẹ nên lúc đó, tôi quyết định cho con ở lại. Mặc cho con gào khóc, hai mẹ con tôi về, khóc cả chặng đường dài vì thương con. Nhưng khi đến tối, thấy giáo viên của Tâm Việt quay video Trung Anh ngoan ngoãn, tự ăn cơm thì tôi mừng lắm.

Ba ngày sau tôi cùng mấy bác của Trung Anh mang  đồ lên cho con, nhưng chúng tôi không nói cho cháu biết, cứ quan sát và quay lại các hoạt động của cháu và mừng rơi nước mắt khi cháu ngoan ngoãn, tập luyện. Nhìn thấy mẹ và các bác, cháu chạy ra chào hỏi, tôi thật sự bất ngờ…

Một tháng sau, cùng với con trai lớn lên thăm Trung Anh thì thấy cháu chạy ra ôm mẹ và hỏi han tíu tít – bằng những câu nói ngọng nghịu, khó nghe nhưng tôi thật sự xúc động vì con mình đã tiến bộ nhanh chóng. Anh trai cháu nói với tôi rằng: “Mẹ mà cho em vào đây sớm thì em đã khỏi rồi mẹ ạ”. Tôi lại hỏi đùa Trung Anh là “Có về với mẹ và anh không ?”. Trung Anh chạy tót lên xe đạp 1 bánh và bảo: “ Ở đây vui khỏe lắm, con không về đâu…”

Qủa thật, bao nhiêu năm đưa con đi khắp nơi, tốn kém bao nhiêu tiền của nhưng con không tiến bộ. Nay, con tôi mới vào Tâm Việt hơn 1 tháng, con đã tiến bộ, mừng đến phát khóc. Tôi thấy mình đã chọn đúng Tâm Việt để gửi gắm.

Tạp chí Đồng Hành Việt sẽ tiếp tục phản ánh ý kiến của phụ huynh./.

Theo: Nhóm PV Đồng Hành Việt/donghanhviet.vn.