Vụ nam thanh niên chết trong phòng xông hơi ở Hải Dương: Chủ nhà nghỉ Sơn Lịch không thể dửng dưng!
Vụ việc xảy ra vào khoảng 19h ngày 20/10/2014, tại tầng 2 của nhà nghỉ Sơn Lịch (thôn Phủ, xã Thái Học, Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Nạn nhân là anh Phạm Văn Đức (SN 1989, trú tại ngõ 2, khu 3, thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang). Theo cơ quan điều tra (CQĐT), anh Đức chết do bị bỏng nặng từ “hơi nước nóng” của phòng xông hơi nhà nghỉ. Từ đó đến nay, chủ Nhà nghỉ Sơn Lịch vẫn dửng dưng, mặc gia đình nạn nhân “sống chết mặc bay”.
Oan nghiệt từ “hơi nước nóng” của phòng xông hơi
Ngày 10/12/2015, CQCSĐT Công an tỉnh Hải Dương ra Quyết định số 03/QĐ-CQCSĐT (PC45), không khởi tố vụ vụ án hình sự vụ việc, trong đó nêu rõ: “Sự việc anh Phạm Văn Đức chết ngày 20/10/2014 là do anh Đức sau khi thuê phòng tại nhà nghỉ Sơn Lịch đã tự ý vào phòng xông hơi 202, mở van và xả hơi nước nóng dẫn đến bị bỏng, suy tuần hoàn, hô hấp cấp không hồi phục được rồi tử vong”. Đó là lí do CQCSĐT Công anh tỉnh Hải Dương không có căn cứ để khởi tố hình sự vụ án.
Quyết định của trên của CQKSĐT ngày ấy không làm yên lòng những thành viên trong gia đình nạn nhân cũng như dư luận! Vì sao chỉ là “hơi nước nóng” phòng xông hơi của nhà nghỉ lại khiến anh Đức chết thê thảm như vậy? Người đi xông hơi mà chết thảm thế này thì ai còn dám đi xông hơi? Chúng tôi đã xem những bức ảnh chụp thi thể anh Đức, thật xót xa. Toàn thân anh Đức cháy đen; hai tay co quắp như đang phòng thủ, trên vùng đầu có một vết xước dài, trên hai hàng lông mi và sống mũi có những vết thương lõm lại...Xem những bức ảnh ấy, bất cứ ai cũng đặt câu hỏi, vì sao “hơi nước nóng” của phòng xông hơi lại khiến cơ thể anh Đức cháy đen như vậy? Liệu nhà nghỉ Sơn Lịch có thực hiện đúng các Quy định về quản lý, sử dụng nồi hơi và bình chịu áp lực đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hay không?
Chủ nhà nghỉ Sơn Lịch không thể dửng dưng!
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhà nghỉ Sơn Lịch kinh doanh đa ngành nghề, bao gồm: lưu trú, xông hơi, massage, karaoke…, thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện. Đối với dịch vụ xông hơi, massage, các chế tài quy định rất nghiêm ngặt. Theo đó, trong phòng mat-xa phải có hệ thống chuông cấp cứu và các quy định khác.Việc sử dụng nồi hơi đốt than cung cấp cho các phòng xông hơi cũng có nhiều quy định nghiêm ngặt trong việc quản lí, vận hành và những điều kiện đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi không thấy hồ sơ liên quan đến việc đưa thiết bị này vào hoạt động kinh doanh của Nhà nghỉ Sơn Lịch. Được biết, Nhà nghỉ Sơn Lịch đã từng bị bị xử phạt về hành vi không kiểm định định kỳ nồi hơi đốt than (theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 07/QĐ-XPVPHC ngày 4/6/2015 về việc không kiểm tra định kỳ thiết bị nồi hơi đốt than trong năm 2014) – Năm mà nạn nhân Nam bị chết do bị bỏng nhiệt tại nhà nghỉ này.
Trở lại vụ việc đau lòng nêu trên: Khi nhân viên của Nhà nghỉ Sơn Lịch phát hiện anh Đức đã chết co cứng, tay giơ lên trước mặt, nhưng chủ nhà nghỉ lại cho người “trùm chăn tới đầu” đưa đi “cấp cứu” mà không báo với cơ quan chức năng để thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc vi phạm này của Nhà nghỉ Sơn Lịch khiến hiện trường không được giữ nguyên, đặc biệt liên quan đến hệ thống xông hơi đã bị tắt, điều chỉnh lại dẫn đến việc xác định không được cụ thể, rõ ràng nguyên nhân, lý do dẫn đến cái chết của nạn nhân.
Hoàn cảnh đáng thương của gia đình nạn nhân
Mặc dù vụ việc không được CQĐT khởi tố hình sự, nhưng nếu những câu hỏi trên chưa được làm rõ thì chủ nhà nghỉ Sơn Lịch không thể không liên đới chịu trách nhiệm gây hậu quả nặng nề cho gia đình nạn nhân! Vậy mà từ đó đến nay, chủ nhà nghỉ Sơn Lịch dửng dưng như không có việc gì xảy ra; không hề động viên, thăm hỏi gia đình nạn nhân.
Cháu Phạm Hoài An, con gái anh Phạm Văn Đức trước di ảnh của bố.
Kết quả xét nghiệm ADN khẳng định cháu Phạn Hà An là cháu nội của bà Dương Thị Quyên-mẹ anh Đức.
Chúng tôi đã đến thăm gia đình nạn nhân, chứng kiến cảnh côi cút của mẹ đẻ và con gái anh Đức thật đáng thương. Sau khi anh Đức mất gần 2 tháng, con anh mới chào đời. Thời gian sau, vợ anh đi xây dựng gia đình, để con gái bé bỏng lại cho mẹ anh nuôi. Cuộc sống của hai bà cháu không những côi cút, thiếu thốn tình cảm mà còn gặp khó khăn về kinh tế. Mẹ anh Đức- bà Dương Thị Quyên, nay ngoài 50, làm nghề buôn bán chạy chợ. Sau khi anh Đức mất một cách oan nghiệt, bà suy sụp, trong mình lại mang nhiều căn bệnh như khớp, loãng máu, cao huyết áp...nên việc buôn bán chạy chợ thất thường, thu nhập giảm sút, không ổn định.
Nhìn đứa cháu nội cầm di ảnh bố, bà Quyên ứa nước mắt, sụt sịt: “Cháu tôi đã mất cha khi còn ở trong bụng mẹ. Mẹ nó thì đã lấy chồng, tôi ngày một già, lại bệnh tật, mà cháu nó thì còn thơ dại quá. Rồi tương lai của nó sẽ ra sao?...”.
Hoàn cảnh bi đát, tội nghiệp của gia đình bà Quyên hiện nay chính là là hậu quả từ “hơi nước nóng” trong phòng xông hơi của nhà nghỉ Sơn Lịch. Vậy mà gần 5 năm nay, chủ nhà nghỉ Sơn Lịch dửng dưng được chăng?
Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”
Quy định của khoản 4 Điều 7 Nghị định 72/2009/NĐ-CP:
Tổ chức kinh doanh ngành nghề có điều kiện phải: “có trách nhiệm phát hiện và kịp thời báo cho cơ quan công an về các vụ việc hoặc nghi vấn có liên quan đến an ninh, trật tự trong quá trình kinh doanh”.
Theo: Trang Nhung/donghanhviet.vn