Tóm tắt kịch bản phim BƯỞNG VÀNG của Nguyễn Cao Thâm
TÓM TẮT TRUYỆN PHIM
Chủ Khách sạn Dạ Hương là bà Hay. Ỷ thế anh trai làm Chủ tịch UBND tỉnh (Chủ tịch tỉnh) và nhiều mối quan hệ họ hàng, làm cán bộ lãnh đạo của tỉnh, bà Hay biến khách sạn của bà là nơi đánh bạc, mại dâm, tổ chức sử dụng chất ma túy.
Thảo được bà Hay tuyển dụng vào làm việc ở nhà hàng của Khách sạn Dạ Hương. Một lần, đang phục vụ ăn uống cho khách, cô bị một gã đàn ông gạ gẫm mua dâm. Cô cự tuyệt, bị ông ta hành hung. Nghĩa ngồi ăn bên cạnh, thấy vậy, nhảy vào bênh vực Thảo. Hai bên đánh nhau. Ông khách bị Nghĩa đánh bị thương và gãy đôi kính đắt tiền. Đám Cường Rồ, Ty Lé là bảo vệ khách sạn xông vào đánh, hạ nhục Nghĩa và yêu cầu Nghĩa nộp phạt với số tiền lớn. Nghĩa không đủ tiền, bọn chúng nhốt Nghĩa vào phòng kín, yêu cầu Nghĩa gọi điện cho người nhà mang đủ tiền nộp phạt, chúng sẽ tha. Thảo thương Nghĩa vì cô mà gặp họa; mặt khác, lo sợ bị bà chủ ép cô bán dâm nên cô bí mật đánh cắp chìa khóa, giải thoát cho Nghĩa rồi theo Nghĩa trốn lên vùng vàng Ma Lu.
Tại Ma Lu, Nghĩa tình cờ gặp lại Phúc, bưởng vàng, là người quen của anh thời hai người tham gia phong trào sinh viên tình nguyện. Trong lúc Phúc đang bế tắc về kĩ thuật khai thác vàng sa khoáng thì Nghĩa, với chuyên môn kĩ thuật khai thác hầm mỏ, đã giúp đỡ Phúc chuyển hướng khai thác từ đào đãi vàng sa khoáng sang khai thác vàng gốc bằng phương pháp đào chống hầm lò. Bằng phương pháp này, họ đã “trúng ục” vàng.
Thảo được Phúc tuyển vào làm cấp dưỡng. Cô chăm chỉ, căn cơ, tận tụy với mọi người, được Phúc quan tâm đặc biệt với nhiều hứa hẹn. Cuộc sống của phu vàng nơi hoang dã, thiếu thốn nhưng tràn ngập tình thương yêu.
Sau khi Nghĩa và Thảo bỏ trốn, bọn Cường rồ, Ty Lé luôn bị bà chủ khách sạn Dạ Hương quát tháo, chửi bới, đe dọa, khiến bọn chúng chán nản, muốn bỏ việc. Liễu là vợ hờ của Ty Lé, chuyên cung cấp ma túy cho các con nghiện ở Dạ Hương và vùng vàng Ma Lu. Qua Liễu, bọn chúng biết, vùng vàng Ma Lu đang rực lửa nên lập băng nhóm lên Ma Lu trấn lột. Tuy nhiên, để hợp thức hóa những hành động cướp bóc, chúng hối lộ cho bà Hay để bà xin các giấy tờ của Sở tài nguyên và bí mật chụp ảnh chung với Chủ tịch tỉnh rồi lập chốt bảo vệ trên đường vào Ma Lu dưới danh nghĩa “Đội bảo vệ trật tự Ma Lu”, ngang nhiên thu phí những người ra vào mỏ và sát phạt các bưởng vàng.
Khánh Bụi, một bưởng vàng có máu mặt ở Ma Lu làm ăn thua lỗ, đời sống phu vàng khắc nghiệt, khiến nhiều phu vàng bỏ về quê. Có người bị Khánh Bụi bắt được, tra tấn dã man. Một công nhân bị chết vì tai nạn, Khánh Bụi đền bù mạng sống rẻ mạt. Khi người nhà nạn nhân mang xác qua chốt gác, bị bọn Cường Rồ, Ty Lé chặn lại. Biết được thông tin về Khánh Bụi, bọn Cường Rồ, Ty Lé đến lán Khánh Bụi kiểm tra. Cho rằng, Khánh Bụi đối xử thậm tệ với công nhân, để xảy ra tai nạn chết người, bọn chúng bắt Khánh Bụi nộp phạt. Hai bên to tiếng, dẫn đến đánh nhau. Khánh Bụi thua, phải cống nạp cho bọn chúng. Lợi dụng lúc đánh nhau, phu vàng của Khánh Bụi bỏ trốn.
Tám Dô-một bưởng vàng khác-cũng bị bọn Cường Rồ, Ty Lé sát phạt vì gây ô nhiễm môi trường. Khánh Bụi cùng đường, tranh cướp phu vàng của Tám Dô. Hai bên đánh nhau. Bọn Cường Rồ đến dàn xếp, sát phạt cả hai...
Bọn Cường Rồ đến quán thịt chó bà Lan Què nhậu nhẹt, chúng không trả tiền còn hành hạ bà. Ông Thạch Ngầu, người tình của bà can ngăn, bị chúng đánh cả hai. Thảo lén lên xem, phát hiện ra bọn chúng, liền trốn chạy, rơi xuống vực, bị thương. Phúc cho người đi tìm. Nghe Thảo kể lại sự việc, Phúc đưa cô vào hang đá ẩn nấp đồng thời chỉ đạo anh em chuẩn bị đối phó với bọn Cường Rồ.
Khi bọn Cường Rồ kéo đến lán của Phúc, Phúc bảo Nghĩa trốn và căn dặn anh em không được liều lĩnh, để anh và ông Thạch Ngầu chủ động ra thương lượng với bọn chúng. Không ngờ, bọn chúng chê tiền bồi dưỡng quá ít, hành hạ Phúc và ông Thạch Ngầu. Nghĩa cùng đàn em của Phúc thấy thủ lĩnh bị hành hạ liền xông ra, bị bọn Cường Rồ đánh tơi bời. Chúng bắt Nghĩa-kẻ mà chúng đang truy lùng- mang về xích ở cột lán, yêu cầu Phúc nộp phạt với số tiền lớn vì tội lỗi mà Nghĩa gây ra ở Khách sạn Dạ Hương.
Bị bọn chúng bắt giữ Nghĩa trái phép nhưng Phúc không thể trình báo công an vì sợ chính quyền biết được việc khai thác vàng trái phép, sẽ ra lệnh truy quét. Phúc cũng đã kêu gọi các bưởng đoàn kết chống lại bọn Cường Rồ nhưng Khánh Bụi và Tám Dô không tham gia vì sợ thế lực của chúng. Cuối cùng, Phúc đành cho người về xuôi, mời Khôi-từng là hiệp sĩ đường phố- lên giải cứu Nghĩa.
Trước khi bị bọn Cường Rồ bắt giữ, Nghĩa đã giúp đỡ Tám Dô và Khánh Bụi về kĩ thuật khai thác hầm lò. Nhờ đó, hầm lò của họ trúng “ục” vàng. Giờ, khi Nghĩa bị bọn Cường Rồ bắt giữ, Khánh Bụi và Tám Dô tỏ ra ân hận đã không hợp tác với Phúc để chống lại bọn chúng. Nhằm đền ơn cho Nghĩa, Khánh Bụi và Tám Dô tìm cách bắt cóc Ty Lé để thương lượng đánh đổi. Trong khi hai bên đang thương lượng thì ông Thạch Ngầu và bà Lan Què đón Khôi lên, một mình anh đánh bọn Cường Rồ, giải thoát cho Nghĩa.
Bọn Cường Rồ, Ty Lé bị các bưởng đoàn kết chống lại, đứng đầu là Khôi, võ nghệ cao cường nên chúng lập mưu giết Khôi để giành lại vị thế. Ban đêm, chúng cho người trinh sát, tìm nơi ngủ của Khôi. Không ngờ, hai thằng trinh sát phát hiện ra Thảo. Chúng về báo với Cường Rồ và Ty Lé. Ty Lé lại nẩy ra âm mưu bắt cóc Thảo nhằm nhử Khôi đến cứu Thảo, bọn chúng sẽ mai phục bắn lén Khôi. Khi chúng hành động, bị quân của các bưởng bủa vây. Cùng đường, Cường Rồ nhắm súng vào Khôi, bị Phúc tước súng để bảo vệ Khôi. Hai bên giằng khẩu súng, Phúc bị Cường Rồ bắn chết.
Trước khi chết, Phúc trăn trối với mọi người: Khai thác vàng tự do không thể yên ổn; cần phải có sự bảo vệ của chính quyền và sự quản lí nhà nước của các cơ quan chức năng địa phương. Anh dành toàn bộ số tiền trong tài khoản và số vàng đào được để anh em thành lập doanh nghiệp và xin cấp phép khai thác. Phúc cũng thổ lộ tình cảm với Thảo và hiến giác mạc cho mẹ cô.
Sau khi gây án, bọn Cường Rồ, Ty Lé rời Ma Lu, ẩn nấp ở nhà Liễu. Trong lúc cùng đường, Ty Lé lại nẩy ra kế bẩn, mang những video clip hắn ghi được cảnh bà quan hệ tình dục với ông Non (trên danh nghĩa, họ quan hệ bất chính) và các hình ảnh tổ chức đánh bạc, mại dâm ở Khách sạn Dạ Hương để tống tiền bà Hay. Nhưng bà Hay ngoan cố, đe dọa chúng nên bị chúng bắt cóc con gái, yêu cầu bà chuộc con gái với số tiền lớn hơn. Bà Hay không thể đáp ứng vì bao nhiêu tiền thu được từ Khách sạn Dạ Hương, bà đã nướng vào chiếu bạc. Trong khi con gái bị bắt cóc nhưng bà không dám báo cho công an để truy tìm, vì sợ bọn Cường Rồ tung ra những bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật. Đến lúc, tính mạng con gái bị đe dọa, bà mới tìm đến ông Non để vay tiền nhưng bị ông Non trở mặt. Cuối cùng, bà cầu cứu anh trai, là Chủ tịch tỉnh cho bà vay tiền để cứu con gái.
Con gái bà bị giam tại hầm nhà Liễu, bị bọn ngáo đá hãm hiếp đến chết. Khi nộp tiền cho bọn Cường Rồ thì bọn chúng cắt liên lạc. Xác con gái bà được người dân tìm thấy ở lều canh ngô.
Ở diễn biến khác. Sau khi biết tin ở Ma Lu có bưởng vàng bị bắn chết, nhà báo Quy bịa lí do muốn đi vùng cao phản ánh tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt, đề nghị ông Non cử cho một thanh niên đưa cô đi. Người được ông Non cử đi tháp tùng Quy là kĩ sư An. An kém Quy 5 tuổi, hiền lành, thật thà. Đến thị trấn vùng cao, hai người vào khách sạn, ở cùng phòng. Tại đây, Quy thú thật với An về ý định của mình là vào Ma Lu, lấy tư liệu về nạn khai thác vàng trái phép để viết bài đăng báo. An lo sợ làm trái lệnh của ông Non nhưng muốn giúp Quy khám phá sự thật nên cùng Quy đóng giả người buôn gạo vào Ma Lu. Sự nhập vai vụng về của An bị quân của Khôi phát hiện bắt giữ, tịch thu camera ghi hình về nạn khai thác vàng trái phép. Khai thác thông tin về Quy và An, Khôi cùng anh em trong đội đào vàng vô cùng vui mừng. Họ đang muốn tiếp cận với lãnh đạo tỉnh để thực hiện ý nguyện của Phúc nhưng không biết bắt đầu từ đâu, may quá lại gặp được Quy và An.
Quy không sử dụng tài liệu khai thác được từ chuyến đi thực tế để đăng báo mà sử dụng nó làm cầu nối để Khôi tiếp cận với ông Non, Giám đốc sở tài nguyên. Tại cuộc gặp gỡ với ông Non, Khôi đã hối lộ ông để ông nhận lời giúp đỡ trọn gói, từ khâu thành lập doanh nghiệp (làm dịch vụ) và thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản cho công ty của Khôi với tên gọi là Công ty Thiên Phúc. Sau khi thành lập, công ty Thiên Phúc là “sân sau” của ông Non và Quy; Ông Non và Quy không góp vốn nhưng hàng tháng vẫn được Thiên Phúc cống nạp.
Thủ tục cấp phép khai thác vàng tận thu, ông Non giao cho Giang thực hiện. Cô này nhiều bằng cấp tại chức, trình độ chuyên môn yếu kém. Bù lại, cô khéo ăn nói lại là cháu ông Chủ tịch tỉnh nên luôn được lãnh đạo các ngành của tỉnh quan tâm, giúp đỡ. Dưới sự chỉ đạo của ông Non, cô ta sử dụng tài liệu trong các hồ sơ đã cấp mỏ lưu tại sở, đưa vào hồ sơ thẩm định cấp phép khai thác mỏ vàng Ma Lu (thực chất là số liệu ma), trình các ngành liên quan của tỉnh thẩm định rồi được cậu ruột là Chủ tịch tỉnh kí quyết định cấp phép khai thác vàng tận thu cho Công ty Thiên Phúc.
Tại Sở Tài nguyên, đám con cháu ông Non, bà Hay chiếm giữ những vị trí quan trọng. Thế nhưng, con trai ông Non là Nam Ngố, có bằng kĩ sư chuyên ngành địa chất, được đào tạo chính quy, lại không được ông Non tin dùng vì anh ta nghiện ma túy, ngao du với đám xã hội đen, lúc cao hứng thường mang những chuyện cơ mật của cơ quan ra để khoe khoang. Không được bố tin dùng, Nam Ngố luôn chửi rủa, nhiếc móc đám con cháu ông ông Non, bà Hay ngu, “học lớp hai, khai lớp bốn”. Trong cơ quan, các kĩ sư: Ngọc, Liên, Thơm có năng lực chuyên môn cao nhưng cũng không được trọng dụng và luôn nơm nớp lo sợ bởi những lời đe dọa của bà Hay cùng đám con cháu; từ đó tạo mối mâu thuẫn ngấm ngầm giữa hai phe. Mối mâu thuẫn bùng phát khi Khách sạn Dạ Hương bị niêm phong; bà Hay bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra xác minh những hành vi vi phạm pháp luật của bà. Nam Ngố không thể “đào mỏ” tống tình bà Hay, đành quay sang “xin đểu” đám con cháu của ông bà. Bị đám con cháu ông bà coi khinh về nhân cách và bị phe của Ngọc, Thơm, Liên kích động, Nam Ngố nổi khùng vạch trần lối sống sa đọa và năng lực yếu kém của Tuyết và Giang. Nam Ngố cho rằng, hai cô không đủ tư cách để dạy bảo anh ta và không đủ năng lực để thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác mỏ vàng Ma Lu.
Quá bí bách về tiền bạc và muốn thể hiện năng lực chuyên môn của mình, Nam Ngố gặp ông Non xin được tham gia thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác mỏ vàng Ma Lu. Nhưng đây là công việc gian dối, bí mật, ông không thể cho thằng con nghiện ngập, ba hoa tham gia. Hết cách kiếm tiền; hết tình cha con, Nam Ngố rình chộp lúc ông Non quan hệ tình dục với Giang xô cửa xông vào đập phá. Lần này, Nam Ngố trấn lột bố được số tiền lớn để đi cai nghiện.
Công ty Thiên Phúc ra đời trên cơ sở tập hợp các bưởng vàng ở Ma Lu và phát triển nhanh chóng. Máy móc thiết bị khai thác được đầu tư mới, khá hiện đại; cơ sở vật chất phục vụ đời sống công nhân được xây dựng khá khang trang; tệ nạn xã hội và ô nhiễm mội trường được đẩy lùi; mối quan hệ giữa doanh nghiệp với địa phương được thiết lập. Tuy nhiên, trước sự phát triển đó, doanh nghiệp lại đối mặt với đám lưu manh mới, tinh vi hơn, xảo quyệt hơn, đó là đám cán bộ các cơ quan nhà nước từ huyện tới tỉnh. Hết cán bộ môi trường, đến thanh tra, rồi phòng thuế, công an... Họ đến kiểm tra, thanh tra, bới bèo ra bọ, buộc doanh nghiệp phải hối lộ quà cáp, phong bao.
Vào một ngày cuối năm, ông Non cùng nhà báo Quy và kĩ sư An lên Ma Lu thăm, chúc Tết công nhân, dự tổng kết năm; thực chất ông Non và Quy lên thu “tô” và khảo sát, đánh giá tình hình khai thác vàng của công ty. Trong lúc hội nghị đang đến phần nội dung quan trọng thì xảy ra sự cố bục nước trong hầm vàng. Kĩ sư An nhận định, có thể do trong lòng đất có một túi nước đã bị bục. Kĩ sư Nghĩa thắc mắc, hồ sơ cấp phép có đủ số liệu về kết quả khoan thăm dò địa chất rồi, sao lại không phát hiện ra túi nước?. Tuy nhiên, sự cố không nghiêm trọng, không gây tai nạn về người. Chừng vài chục phút sau, lượng nước trong hầm đã rút hết, Khôi ra lệnh cho mọi người vào hầm kiểm tra, tìm biện pháp ngăn chặn sự sập đổ của đất đá.
Trước khi xảy ra sự cố sập hầm, hàng tháng, ông và Quy đều được Công ty Thiên Phúc cống nộp. Tuy nhiên, ông cho rằng, số vàng cống nạp cho ông quá ít so với sản lượng vàng khai thác được. Ông bàn với Quy, hai người cần vào hầm đã kiểm tra, đánh giá sơ bộ sản lượng vàng nhằm nâng cao lượng vàng cống nộp. Quy cùng ý nghĩ với ông Non và muốn khám phá lòng đất nên theo đoàn cán bộ Công ty vào hầm. Kĩ sư An thấy Quy vào hầm sau sự cố sẽ rất nguy hiểm nên can ngăn cô. Ông Non cũng yêu cầu An vào hầm. Đoàn cán bộ vào hầm gồm: Giám đốc Bê, kĩ sư Nghĩa, ông Thạch Ngầu, ông Non, kĩ sư An và nhà báo Quy. Khi vào hầm, An và Nghĩa trẻ khỏe nên mang theo nước uống và đồ ăn khô.
Đúng như nhận định của An, túi nước ngầm bị vỡ, khiến một khối đất đá khổng lồ chặn ngang hầm; trên khối đất đá lộ ra những cục vàng. Ông Non cuống cuồng nhoài người lên đống đất đá nhặt vàng khiến một tảng đá mất thế cân bằng trượt xuống. Nghĩa hô mọi người rút ra ngoài rồi nhanh chân chạy thoát khỏi vùng nguy hiểm. An lao vào Quy, đẩy cô tránh tảng đá. Hai người bị ngã, hòn đá đè vào bàn chân An. Ông Non sợ hãi bỏ chạy, bị ông Thạch Ngầu chặn lại, đòi chém. Hòn đá quá to, không cách gì bẩy nó ra khỏi chân Ca, buộc Khôi phải chặt bàn chân của An để đưa anh ra khỏi vùng nguy hiểm. Khi ga-rô cầm máu cho An, đất đá ào ào tụt xuống.
Lượng đất đá tụt xuống tạo thành hang động. Khôi cõng An mò mẫm trong khoảng không gian chật hẹp tối om, rồi bất ngờ tìm đến đáy của cái hang lộ thiên, ánh sáng từ mặt đất chiếu xuống chói lòa. Tuy nhiên, đây là cái hang sâu, thành dựng đứng, bám đầy rêu trơn nhẫy, Khôi không thể leo lên được. Một lúc sau, Quy và ông Non cũng lóp ngóp từ ngách hang bò ra. Ông Thạch Ngầu bị mất tính. 4 người ở đáy hang cuống cuồng leo lên, tụt xuống rồi hú gọi người ứng cứu nhưng bất lực, ngồi chờ vận may. Sự sống của họ dưới đáy hang sâu chỉ có mấy chai nước và mấy túi bánh, xúc xích. Họ nhường nước và bánh cho An vì anh bị thương. Riêng ông Non, quyết liệt tranh giành nước uống. Bị Khôi ngăn cấm, ông ta tìm cách giết Khôi để độc chiếm nước uống liền bị Khôi dùng dây đèn ắc quy, trói. Trong khốn cùng, Khôi và Quy dành sự sống cho An; Quy bộc lộ tình yêu với An. Tình cảm trong sáng, thánh thiện của An khiến Quy nhận ra, những toan tính thực dụng của cô trở nên tầm thường, nhỏ bé.
Dù bị trói nhưng ông Non vẫn không từ bỏ dã tâm giết Khôi để độc chiếm nước uống và đồ ăn. Lợi dụng lúc Khôi ngủ say, hắn tìm cách tháo dây trói rồi ôm tảng đá dáng mạnh xuống đầu Khôi, khiến Khôi ngất lịm. Được độc chiếm nước, đồ ăn, ông Non còn đòi chiếm đoạt Quy. Ông ta gạ gẫm cô, đằng nào cũng chết, hãy cùng ông sống như bầy đàn. Trong lúc ông dùng sức lực để cưỡng bức Quy, bị Quy kêu gào, cắn xé, Khôi chợt tỉnh. Ông Non sợ hãi lủi vào ngách hang.
Đang mò mẫm tuyệt vọng, ông Non va vào xác người, rú lên. Một ánh đèn bật sáng rọi vào mặt ông. Thì ra, đó là ông Thạch Ngầu. Ông bị kẹt trong một ngách hang khác với mấy chai nước và mấy túi bánh. Ông vừa viết xong di chúc thả vào vỏ chai lavi, nhắn nhủ vợ con và bà Lan Què. Ông Non bịa chuyện, bị kẹt, từ hôm qua không được ăn uống gì. Ông Thạch Ngầu thương cảm, nhường nước và bánh cho ông Non. Chợt nhận ra tiếng lục bục trong đống đất đá, ông Thạch Ngầu nhận định, lực lượng cứu hộ đang đào hầm tới chỗ họ. Lo sợ nếu lực lượng cứu hộ đào lò tới đây sẽ phát hiện ra Khôi, Quy và An ở đáy hang lộ thiên nên ông Non bịa lí do, chèn đất đá vào ngách hang để gia cố vị trí an toàn cho khoảng không gian của hai người. Ông Thạch Ngầu tin lời ông Non, hai người dùng đá lấp kín ngách hang, thông với hang nơi Khôi, Quy và An đang bị kẹt..
Sau hơn một ngày nỗ lực đào bới, lực lượng cứu hộ đã giải thoát cho ông Non và ông Thạch Ngầu. Riêng ba người còn lại, bị ông Non và ông Thạch Ngầu bị kín ngách hang nên lực lượng cứu hộ ra sức tìm kiếm nhưng không thấy. Trưởng Ban Chỉ đạo cứu hộ - ông Chủ tịch UBND tỉnh-chủ trì cuộc họp với Ban chỉ huy lực lượng cứu hộ, nhận định: Các nạn nhân Khôi, Quy và An không còn khả năng sống sót; trong khi Tết Nguyên đán đang đến gần; lực lượng cứu hộ vật lộn với mưa rét, vật lộn với đất đá đã kiệt sức nên tuyên bố tạm thời kết thúc cuộc cứu hộ; ra Giêng sẽ huy động thêm lực lượng tìm kiếm xác các nạn nhân. Quyết định của ông Chủ tịch tỉnh bị công nhân Công ty Thiên Phúc và người nhà các nạn nhân la ó phản đối. Đức, Nghĩa, Tám Dô, Khánh Bụi tập hợp anh em, quyết tâm tìm kiếm những người còn lại bị kẹt trong lòng đất. Do lực lượng mỏng, Đức và Nghĩa vào bản huy động thêm những thanh niên trong chi đoàn kết nghĩa với chi đoàn Công ty. Nhiều người dân trong bản cũng tham gia cứu hộ. Sau khi quan sát thực địa, cụ Dìn- già làng- phát hiện có một cái hang đá, gọi là Lù Tẳng, trước đây nó thông với hang vàng nhưng lực lượng cứu hộ không biết để đến đó tìm kiếm. Cụ Dìn kể, ngày xưa, khi mà hủ tục mê tín dị đoan chưa được bài trừ, những người mắc bệnh phong (bệnh hủi) bị dân bản đưa ra miệng Lù Tẳng. Họ bắc tấm ván đặt người bệnh lên đấy, bỏ mặc người bệnh vật lộn với đau đớn đến chết, rồi tự rơi xuống Lù Tẳng. Vì thế mà từ xa xưa đến nay, không ai dám đến gần khu vực Lù Tẳng. Thời bé, cụ đi tìm trâu lạc rồi bị lạc ở đó. Trên miệng hang có một cây bưởi, không biết người ta trồng từ bao giờ. Vào mùa mưa lũ, nhiều quả bưởi từ trong các hang chảy ra suối Nà Mòn. Cụ đoán, “cái hang Lù Tẳng ấy nối thông với hầm vàng. Các anh cứ cho người tìm kiếm theo hướng đó xem sao”.
Quả nhiên, theo sự chỉ bảo của cụ Dìn, lực lượng cứu hộ của công ty và các trai bản đã cứu được Khôi, An và Quy bị kẹt dưới đáy hang Lù Tẳng.