Đức ông Hoàng Cần là nhân vật lịch sử hay nhân vật truyền thuyết? (Tham luận của Nhà thơ Trần Nhuận Minh tại Hội thảo về Đức ông Hoàng Cần)

Cuộc hội thảo này được tổ chức là dịp để chúng ta tìm hiểu thêm về đức ông Hoàng Cần và tạo thêm điều kiện để bảo vệ và phát triển di tích thờ ông, nhằm góp phần khẳng định giá trị của di tích, để lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận đền thờ Hoàng Cần ở Tiên Yên là di tích văn hóa.  Là người đã chú ý tìm hiểu điều này từ nhiều chục năm, tôi rất hoan nghênh hội thảo này và hoàn toàn nhất trí về việc lập hồ sơ đề nghị được công nhận là di tích văn hóa. Tôi khẳng định thế để các phần sau, tôi không trở lại vấn đề này mà đi thẳng vào điều tôi nghĩ là chúng ta cùng quan tâm, để trong một chừng mực nhất định, liệu có thể xác quyết được,  một số điều có tính khoa học. Đây là việc rất quan trọng, vì chỉ có thế, di tích mới thực sự có giá trị, để giáo dục, nhất là các thế hệ trẻ, về tình yêu đất nước quê hương, về sự trung thực, điều căn cốt nhất để làm NGƯỜI. Đặc biệt giá trị này, lại đi vào lòng người, linh thiêng như một thứ tôn giáo, vì thế trách nhiệm khoa học của chúng ta lại càng phải cao, để mọi người  và các thế hệ sau, tin vào chúng ta, là những người trung thực, trọng đạo lí, nhưng cũng trọng lẽ phải. Nếu bất cứ ai đó, phát hiện ra chúng ta sai, hoặc không có căn cứ, đủ độ tin cậy mà đã thiết lập một xác tín, dù chỉ 1 điều thôi, nhất là điều đó lại quan trọng, thì người ta có quyền nghi ngờ tất cả những điều đúng đắn khác còn lại mà chúng ta đưa ra và công nhận với nhau ở đây. Trong chừng mực có thể, chúng ta nên tránh không để điều đó  xảy ra. Đây là cuộc hội thảo khoa học, vì thế, những gì cần trình bày, nhất là cần thảo luận trên cơ sở khoa học, đều cần được tiến hành và cố gắng làm rõ. Với tinh thần ấy, tôi xin phép trình bày 2 vấn đề trên. Và để tiện theo dõi, tôi chia ra thành 4 điều nhỏ, để dễ trao đổi:

1 – Đức ông Hoàng Cần là nhân vật lịch sử hay nhân vật truyền thuyết ? Việc thử xác định điều này có ảnh hưởng gì đến giá trị của di tích không?

Tư liệu về Hoàng Cần mà chúng ta có, rất mỏng, đối với tôi, chỉ vẻn vẹn có một số dòng từ  2 tập sách và một tấm bia đá, cả 3,  đều ở thời Nguyễn, nghĩa là cũng gần đây, mà nhân vật này, nếu có thật, thì đã sống trước khi được ghi vào sách khoảng 650 năm ( tính cho tròn số, từ thời Trần đến khi cuốn Đồng Khánh dư địa chí có ghi mấy dòng về ông được hoàn thành).

Hai tập sách là Đại Nam nhất thống chí, bắt đầu biên soạn năm 1875, hoàn thành năm 1883, và Đồng Khánh dư địa chí, bắt đầu biên soạn sau sắc chỉ của vua Đồng Khánh nhà Nguyễn, tháng 5 năm 1887, hoàn thành năm 1897. Còn bia Miếu Cửa Suốt thờ Hoàng Cần được khắc và dựng năm Tự Đức thứ 6 ( 1853). Như vậy, có thể thấy, Hoàng Cần trong thư tịch cũ còn lại, sớm nhất là năm 1853, trong bia đá Miếu Cửa Suốt và muộn nhất là năm 1897, trong Đồng Khánh dư địa chí, tất cả đều ở thời Nguyễn.

Điều đáng chú ý là, cả 3 tư liệu này, đều ghi “ Tương truyền  thời Trần… ”…  Nghĩa là theo truyền thuyết còn lưu lại. Trong Sắc do vua Tự Đức ban, ngày 24/ 9 năm 1853, phong cho Hoàng Cần, lúc ấy Hoàng Cần đã thành “thần”, nhà vua  đã gọi Hoàng Cần là thần, trong câu: “ Trẫm … nhớ công lao to lớn của thần...” Ngoài 3 văn bản được coi là văn bản gốc này, hiện tôi chưa tìm thấy bất cứ một tư liệu nào khác. Nếu chỉ căn cứ vào đó, mà khẳng định Hoàng Cần là một nhân vật lịch sử, nghĩa là người có thật, liệu đã có đủ căn cứ khoa học chưa ?  Xin các vị xem xét.

Các tài liệu khoa học lịch sử, tin cậy nhất như bộ Đại Việt sử kí toàn thư của thời Lê, bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của thời Nguyễn, ghi tất cả các sự kiện diễn ra trong xã hội, từ thượng cổ qua các triều đại, các nhân vật, các sự kiện từ kinh thành Thăng Long tới các địa phương, trong cả nước,  các trận đánh ( kể cả đánh giặc trong và giặc ngoài), rồi  mưa đá, lụt lội, đói kém, trộm cắp… vân vân, đều không  có  bất cứ một chữ nào về Hoàng Cần và những gì liên quan đến ông ở lộ An Bang.

Ở thời Trần, sau chiến thắng, đều có phong thưởng cho các tướng và ghi ngay vào quốc sử, đó là những nhân vật có thật. Về đức ông Hoàng Cần, các sắc đều truy phong sau nhiều trăm năm ở các triều đại sau, và đều nói là “ theo tương truyền ”, như  3 tư liệu gốc đã ghi ở trên, do đó có cơ sở để nghĩ,  Hoàng Cần là một nhân vật truyền thuyết, có lẽ hợp lí hơn. Tôi nói có lẽ hợp lí hơn, chứ tôi không khẳng định.  Xin để các nhà khoa học xem xét. Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, có một bài viết, tôi rất cảm ơn ông đã gửi  cho tôi đọc trước, một bài viết rất bài bản chặt chẽ. Và về vấn đề này, trong thư gửi cho tôi, ông có một câu rất tâm huyết mà tôi rất trân trọng: “ Tôi cũng không có đủ tư liệu để xác quyết việc này ( việc Hoàng Cần là một nhân vật lịch sử). Tôi xin phép ông để nêu ý kiến đó ra đây, vì tôi nghĩ đó là một kiến giải rất thận trọng và đầy trách nhiệm của một nhà khoa học và tôi rất đồng tình với ý kiến của ông. Đến đây, lại phải khẳng định rõ rệt điều này, kẻo dễ bị hiểu lầm: Việc xác nhận  chủ thần của một ngôi đền,  là nhân vật truyền thuyết hay nhân vật lịch sử, giá trị của di tích trong việc thờ phụng Ngài, và vị  trí của chủ thần trong tâm thức của người chiêm bái là không thay đổi. Cho nên, nếu nêu ra vấn đề, có thể ông là một nhân vật truyền thuyết chăng ? để xem xét thảo luận, thì  hoàn toàn không phải là muốn hạ thấp vai trò và vị trí của chủ thần. Tôi nghĩ nhân vật truyền thuyết hay nhân vật lịch sử là chủ thần ở một ngôi đền, hai cái đó ngang nhau, còn giá trị cao hơn hay thấp hơn là ở sự tích đó, đã tác động vào đời sống xã hội và tâm thức của người dân qua các thời kì như thế nào. Là nhân vật lịch sử, tất cả đều đã cố định, không phát triển, còn nhân vật truyền thuyết thì không, hình tượng vẫn tiếp tục phát triển và lan toả, càng về sau càng phong phú, càng tỏa sáng với nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn. Cho nên, nếu nói ông  có lẽ  là nhân vậy truyền thuyết thì không hề làm giảm giá trị của biểu tượng, nếu nó đúng là như thế. Nước ta đã từng có một số  nhân vật truyền thuyết mà  nhân dân cả nước, ai cũng biết, ai cũng rất kính ngưỡng, thậm chí đã trở thành thiêng liêng, nếu không nói là thiêng liêng nhất, thiêng liêng hơn cả các nhân vật lịch sử, từ nhiều đời, đã được phong THÁNH, như  Thánh Gióng, ở làng Phù Đổng trấn Kinh Bắc, như Thánh Tản Viên ở Ba Vì,  nay thuộc Hà Nội và nhiều vị khác như  Sơn Tinh -Thủy Tinh nay thuộc Hà Nội, Chử Đồng Tử - Tiên Dung nay ở Hưng Yên, Thần Trụ Trời nay ở Kinh Môn Hải Dương… vân vân … đều đã được xếp vào danh mục các thần bất tử.

2 Hoàng Cần  đánh bọn cướp biển ở trong nước hay đánh giặc Trung Quốc xâm lược, hay tương tự như tổ chức một cuộc khởi nghĩa chống lại chế độ cai trị tàn bạo của phong kiến Trung Quốc, sau khi cuộc xâm lược của chúng đã thắng lợi?

Cả 3 ý kiến này đều được nhiều người quan tâm. Và tôi thấy có đề cập đến trong tham luận tại đây của một số đại biểu.

Theo tư liệu hiện có đã nêu trong 3 bản gốc nói trên, không có tư liệu nào nói Hoàng Cần đánh quân xâm lược phương Bắc ở thời Trần, cũng không tư liệu nào ghi, ông tổ chức tương đương như một cuộc khởi nghĩa của nhân dân các dân tộc thiểu số trong vùng, chống lại “ách thống trị tàn bạo của bọn phong kiến xâm lược phương Bắc” , nghĩa là sau khi chúng đã hoàn thành được cuộc xâm lược. Chúng ta đều biết ở thời Trần, giặc phương Bắc ( tức quân Nguyên Mông) chỉ  có 3 lần cất quân xâm lược nước ta và cả 3 lần, đều bị quân dân nhà Trần đánh bại. Ngoài 3 cuộc xâm lược đó ra, không có cuộc xâm lược nào khác, nhất là cuộc xâm lược đến mức chúng toàn thắng, lập được cả một chế độ cai trị tàn bạo. Tháng, năm… chúng cất quân sang xâm lược, chúng đánh phá đến đâu, thảm bại như thế nào và rút chạy ra sao…, Đại Việt sử kí toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mục, đều đã ghi rất rõ, không chỉ từng năm, từng tháng, mà thậm chí từng ngày, từng giờ. Tất cả đều không liên quan gì đến  đức ông Hoàng Cần và vùng châu Tiên Yên, như có vị đã đề cập. Tôi nghĩ không có gì phải nói thêm, vì đã quá rõ. Quân Nguyên sang xâm lược vài năm, vài tháng, luôn bận giao tranh với quân ta rồi bị thua, bỏ chạy, để lại nhiều xác chết, do đó chúng chưa từng tổ chức bộ máy cai trị, đô hộ nước ta, như thời Đường Tống của Trung Quốc trước đó, hay của thực dân Pháp sau này. Và vùng chúng giao tranh với quân ta, cũng chưa từng xảy ra trên đất liền châu Tiên Yên. Chỉ có cuộc kháng chiến lần 3, đoàn thuyền lương của  Trương Văn Hổ trên đường vào cửa Bạch Đằng để chở lương lên Vạn Kiếp ( Phả Lại ngày nay - nơi  chủ tướng giặc Thoát Hoan đã làm sẵn 2 cái kho rất to để chứa lương), đã bị Trần Khánh Dư đánh chìm tại vùng biển Vân Đồn. Vì quân thủy áp tải lương, chúng không lên bờ để đánh nhau với Hoàng Cần ở xã Vô Ngại, sâu trong đất liền…) Do đó hai ý kiến trên, tôi nghĩ là đều hoàn toàn không có cơ sở.

Nhân đây, xin nói thêm, có ý kiến nêu rằng, quân xâm lược phương Bắc đánh vào Việt Nam ( mà đích đến là kinh thành Thăng Long ) đều đi qua vùng này, vì thế mà chạm trán với quân Hoàng Cần, cũng hoàn toàn không có cơ sở. Vì sao?  Ai cũng biết từ xưa đến nay, quân xâm lược phương Bắc không bao giờ đánh Việt Nam mà đích đến là kinh thành Thăng Long, nay là Hà Nội, lại qua đường bộ  ở Quảng Ninh hiện nay, lí do rất đơn giản, vì không có đường, chưa kể khoảng cách từ biên giới Quảng Ninh đến Hà Nội dài gấp hơn 2 lần từ Lạng Sơn đến Hà Nội, lại thêm ở Quảng Ninh nhiều vực thẳm, sông rộng, suối sâu… chia cắt.  Nên lưu ý, quân xâm lược phương Bắc chủ yếu dùng kị binh, đường cho ngựa đi, xe chở lương thực, xe cho các tướng giặc … đều phải đủ rộng, càng ngắn càng tốt, ít có sông suối. Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3 (1288) kết thúc cuộc xâm lăng cuối cùng của nhà Nguyên, ở thời Trần,  597 năm sau, khoảng năm 1885, người Cẩm Phả ra Móng Cái vẫn phải đi bằng thuyền, vì không có đường bộ thuận tiện, chưa kể khoảng cách quá xa, như đã nói ở trên. Nếu có thông tin này, tôi nghĩ, sẽ không có nhà nghiên cứu nào, đặt ra vấn đề giặc phương Bắc đi qua đây để đánh vào Việt Nam mà đích đến là kinh thành Thăng Long – Hà Nội, cho nên nhà vua phải cử tướng lĩnh có tài, mang quân ra đóng ở đây để trấn giữ, từ Cửa Ông đến Móng Cái, như Trần Quốc Tảng ở thời Trần, … chẳng hạn, trong khi mặt trận trung tâm, hút nhiều quân kị Trung Quốc, đạo quân mạnh nhất, do chủ tướng và các đại tướng giặc chỉ huy, vẫn là đường qua Lạng Sơn. Các vị tướng tài ba đều phải có mặt ở mặt trận trung tâm này để bảo vệ kinh thành Thăng Long.

Vậy Hoàng Cần đánh ai?  Cả 3 tư liệu đã nêu trên, đều ghi rõ là đánh bọn “ răng trắng môi vàng”, chúng làm gì? các tư liệu đều ghi “ quấy nhiễu cướp bóc dân châu”. Thế thôi. Vậy thì rõ là ông đánh giặc cướp ở địa phương, bọn cướp đã bị ông đánh cho tan tành, ông đã bảo vệ dân chúng khỏi bị bon chúng “ quấy nhiễu, cướp bóc”. Thế là đã đủ, để vua Tự Đức năm 1853 truy tặng lời ban khen là “ công lao to lớn” . Hỏi, còn có 4 chữ nào có giá trị hơn 4 chữ đó, do chính vua ban cho sau 600 năm. Thế là đủ vĩ đại để chúng ta kính ngưỡng và thờ phụng ông, không cần phải thêm cho ông cái ông không có, như tương tự tổ chức một cuộc khởi nghĩa, đánh tan “ ách thống trị tàn bạo” của bọn xâm lược phương Bắc, như một văn bản đã nêu. Xưa nay, những anh hùng để lại sự ngưỡng mộ đến muôn đời sau, có bao giờ cần phải gán thêm một bộ phụ tùng cồng kềnh đến như thế đâu. Giang Văn Minh đi sứ Bắc, chỉ cần một vế đối có 7 chữ: “ Đằng Giang tự cố huyết do hồng”, Trần Bình Trọng bị giặc dụ hàng, chỉ cần một tuyên bố khảng khái: “Ta thà làm quỉ nước Nam, không thèm làm vương đất Bắc” và …. nhiều lắm, chỉ kể một Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường có 24 giây, tức là có  suýt soát  ¼ phút thôi… đã bất tử.

3 – Đức ông Hoàng Cần được phong Khâm sai Đông đạo tiết chế ở thời nào? Ông có chỉ huy quân đội của cả vùng Đông Bắc của nước ta không?

Từ trước đến nay ở Quảng Ninh đều nói và viết Hoàng Cần được phong chức đó từ thời Trần, do vua Trần phong. Ngay trong tham luận tại hội thảo này, cũng có đại biểu viết thế. Đó là sai. Ở thời Trần, đơn vị hành chính cấp tỉnh gọi là lộ, chữ “tỉnh” ta dùng hiện nay là chữ bắt đầu có ở thời Nguyễn. Chỉ có thời Lê mới gọi tỉnh là đạo. Đông đạo là tỉnh Đông ở thời Lê, bao gồm vùng đất từ Hải Dương đến Hải Phòng, Quảng Ninh hiện nay. Các nhà khoa học không ai có sự nhầm lẫn này. Xin lưu ý, cùng một việc mỗi thời gọi mỗi khác, ví như việc chạy giặc, thời chống Pháp thì gọi là tản cư, thời chống Mĩ thì gọi là sơ tán. Vậy chỉ nghe tản cư hay sơ tán, chúng ta đã biết việc đó xảy ra ở thời nào, không lẫn lộn được. Vậy chức đó, là ở thời Lê, do vua Lê phong cho Hoàng Cần, năm nào chưa rõ, nhưng dĩ nhiên là phải trước năm 1789. Với chức đó, có phải Hoàng Cần đã chỉ huy quân đội của cả vùng Đông Bắc như một ý kiến đã nêu ra trong tham luận ở hội thảo này không? Đây lại là một sai lầm thứ 2 của người Quảng Ninh, chỉ nghĩ mình là vùng Đông Bắc mà không biết vùng Đông Bắc được xác định từ Hà Nội, bao gồm 10 tỉnh là Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ,  Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Quảng Ninh. Quảng Ninh là tỉnh ở cực Đông Bắc của vùng Đông Bắc. Do nhầm lẫn Quảng Ninh là vùng Đông Bắc, nên nhiều việc diễn ra trong lịch sử tại Bắc Giang và Lạng Sơn, như chiến công của Trần Quốc Nghiễn,  đuổi quân Nguyên ở thời Trần, được kéo về Quảng Ninh và ghi luôn vào bia đá, là việc đó đã diễn ra ở  phường Hồng Gai,  TP Hạ Long bây giờ. Vừa rồi, tôi có đề nghị UBND phường Hồng Gai thay tấm bia đá đó, việc còn đang được làm, chưa xong. Cũng tương tự như thế, trong diễu hành rước Trần Quốc Tảng ở hội đền Cửa Ông, loa phóng thanh phát ra, ca ngợi chiến công của Trần Quốc Tảng đã đánh chìm đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ tại biển Vân Đồn. Đó là sự chuẩn bị dư luận để đưa tượng Trần Quốc Tảng lên đồi cao, chỉ tay ra biển Vân Đồn.

Chức Tiết chế trong quân đội thời trước, nay là chức Tư lệnh, chỉ huy trưởng các binh chủng hải quân, không quân, thiết giáp …vân vân và các vùng chiến lược, tương đương như các tỉnh hiện nay. Ông Hoàng Cần là Tiết chế Đông đạo, chỉ huy trưởng tỉnh Đông, có phải đương thời đã chỉ huy quân sự của cả tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Hải Phòng hiện nay không?  Xin thưa là không. Vậy thực chất đương thời ông có chức vụ gì?  Hai nhà khoa học ngay  tại hội thảo này là Phó Giáo sư Tiến sĩ  Đặng Văn Bài và nhà Hán Nôm học kì cựu Hoàng Giáp, đều ghi rất chính xác, ông là tù trưởng, tức là cấp trưởng về lực lượng võ trang của một địa phương miền núi, ở đây là xã, như Đại Nam nhất thống chíĐồng Khánh dư địa chí đã ghi, xã Hải Lãng, châu Tiên Yên. Quân lính của ông là ai? là “gia binh” và “ hương binh ”, nghĩa là lính của nhà mình, của thôn xã mình. Điều đó rất có ý nghĩa, đây là cuộc đánh giặc do ông tổ chức và hoàn toàn tự nguyện, không phải nhận lệnh của cấp trên nào. Đó cũng là đặc trưng ở thời Trần, các vương hầu, các tù trưởng (ở miền núi), đều có quyền có quân đội riêng, có công an riêng.  Khi có giặc, lực lượng của giặc, chắc cũng không lớn lắm, ông đã tự mang quân đi đánh dẹp, đã đánh tan giặc, bảo vệ dân. Chính nghĩa cử can trường và tự nguyện vì dân đó,  mà ông được nhân dân kính ngưỡng, phụng thờ. Phó Giáo sư Tiến sĩ Đăng Văn Bài có ghi 1 câu rất cần được lưu ý: Đồng Khánh dư địa chí cho biết: Hoàng Cần đã được triều đình nhà Lê cấp sắc ban tặng mỹ tự: Khâm sai Thái Bảo Xuyên Quốc công”. Ban tặng mỹ tự là ban cho  tên thụy để thờ cúng, ở trường hợp Hoàng Cần, được ở mức cao nhất của triều đình, dành cho một nhân vật ở một đại phương, để từ đó mà có các chế tài tiếp theo, như ta nói bây giờ, là đền thờ được phép xây đến mức nào, được nhận bao nhiêu ruộng làm hương hỏa, không phải đóng thuế,  lễ hội được tổ chức mấy ngày, nhà nước chu cấp theo quy định là bao nhiêu, lễ vật cúng giỗ được giết đến gà lợn hay trâu bò… Như vậy, chức đó chỉ để thờ phụng, không phải là chức để cầm quân, nhất là sau khi ông đã mất khoảng gần 600 năm. Các vị quản lí di tích và các nhà báo không nên nhầm lẫn việc này.

4 – Hoàng Cần được thờ phụng ở đâu và bài học sâu sắc nhất Đức Ông để lại cho hậu thế là điều gì?

Hoàng Cần được thờ ở  Cẩm Phả, Tiên Yên và Bình Liêu, cả 3 nơi đều thuộc tỉnh Quảng Ninh hiện nay. Trong phần này, tôi chỉ nói ở Cẩm Phả. Trong Đại Nam nhất thống chí, chương tỉnh Quảng Yên, ở mục đền miếu, chỉ ghi duy nhất có một miếu là “Miếu Tiết chế ”, thờ duy nhất một người là Hoàng Cần, người ở xã Hải Lãng châu Tiên Yên, vì đã đánh tan bọn “ răng trắng môi vàng” cướp bóc quấy nhiễu dân châu, như bia miếu Cửa Suốt đã ghi, năm 1853. Theo các cơ sở có thể tin cậy được, thì miếu được xây lên từ thời Hậu Lê, sau do thời tiết và sự chăm nom không được đảm bảo, miếu hư hỏng dần. Do đó, khoảng năm 1910, ông chủ mỏ Cẩm Phả đã bỏ tiền cho vợ đưa ngôi miếu này lên cao, xây lại ở vị trí hiện nay. Đáng lẽ thờ Hoàng Cần thì bà chủ mỏ này lại đưa Trần Quốc Tảng vào thờ, năm 1916. Vì sao? Vì sự ngưỡng mộ trong dân gian đối với gia đình Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh nhà Trần rất to lớn. Trước đó 3 năm, năm 1913, ông chủ đoàn thuyền buôn dọc đường ven biển Bắc Ninh – Móng Cái,  thường ghé vào giếng nước chân núi Bài Thơ để lấy nước ngọt, cái giếng này lúc đó còn ở giữa biển mà nước rất ngọt, ông này người Bắc Ninh họ Trần là Trần Đức Thuật, đã cùng 9 hộ chủ thuyền khác, trong đoàn, chở vật liệu đến và xây lại miếu, vốn là miếu thờ thần Biển – cá Voi -   ( được vua Gia Long nhà Nguyễn phong tước Đông Hải đại vương, sau năm 1802), xong trong 1 ngày, rồi đưa Trần Quốc Nghiễn, con cả Trần Hưng Đạo, người đóng quân ở Bắc Ninh vào thờ vọng. Do đó, bà vợ ông chủ mỏ, theo một thiền sư cho tôi hay là bà này người Hà Đông, cũng họ Trần,  mới  tiếp theo đưa em Trần Quốc Nghiễn là Trần Quốc Tảng vào thờ vọng ở đền Cửa Ông ( năm 1916) * rồi tiếp đó, ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 ( 1917) Móng Cái mới đưa Trần Quốc Tảng vào phối thờ vọng ở đền Xã Tắc. Tư liệu còn đó, vậy mà một số tờ báo rất đáng kính nể ( tôi không tiện nêu tên)  đều đăng Cửa Ông và  Móng Cái đều xây đền để thờ Trần Quốc Tảng từ thế kỉ thứ XIII ở thời Trần, trong khi Trần Quốc Tảng thế kỉ thứ XIV ( 1313) mới mất tại Thăng Long, vì ông là anh vợ Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông, bố vợ vua đương triều Trần Anh Tông. Xin nói thêm, cũng với trào lưu đó, ông Quản Mai mới bỏ tiền ra xây lại đền Long Tiên ở Hòn Gay để đưa cha của hai anh em Trần Quốc Nghiễn và Trần Quốc Tảng là Trần Hưng Đạo vào thờ vọng, năm 1943. Lại lịch việc thờ  3 vị nhân thần ở Quảng Ninh là thế. Xin các nhà báo đừng viết khác, làm nhiễu lòng dân.

Với đền Cửa Ông được xây lại, khoảng năm 1910, chủ thần là Hoàng Cần đã bị tước bỏ hoàn toàn. Tôi đã nhiều lần từ nhiều chục năm, qua các bài nghiên cứu và nhiều lần phát biểu, có lần nói rất  gay gắt trước lãnh đạo cao nhất của tỉnh, tôi đã khẳng định chủ thần đền Cửa Ông là  Hoàng Cần, Trần Quốc Tảng, ông cụ tổ dòng họ tôi,  là phối thờ vọng, do đó cần phải đưa trở lại Hoàng Cần ở vị thế chủ thần. Các văn bản về những điều này, từ bản viết tay, đến đã đăng báo, đã in sách, tôi đều gửi tận tay các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP Cẩm Phả, đưa tận tay nhiều lần trong khoảng hơn  20 năm. Rất may, có nhà khoa học trong hội thảo năm 2013, cũng nêu điều này. Năm 2018, Hội Sử học Việt Nam và Hội Sử học Quảng Ninh phối hợp tổ chức  lớp tập huấn tại  Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh Quảng Ninh, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, trong bài giảng mà tôi là học viên, đã nói ông đã đọc tôi và xác định những điều tôi nói là đúng. Tôi rất cảm ơn ông. Đến lúc đó, vị đại diện Cẩm Phả mới báo cáo rằng Cửa Ông đã tiếp thu ý kiến và đang sửa lại đền Trung để thờ Hoàng Cần. Tôi chưa rõ việc này đã xong đến đâu, như thế, sau hơn 100 năm,  đức ông Hoàng Cần mới trở lại ngôi đền được sinh ra là để thờ chính mình.

Nếu đền Cửa Ông ở Cẩm Phả được quan chủ mỏ Pháp bỏ tiền ra xây thì đền ở Tiên Yên và Bình Liêu, nhân dân tự nguyện góp công góp tiền mà xây để kính thờ vị anh hùng của lòng mình, mặc dù họ rất nghèo. Điều này chứng tỏ vị thế của Hoàng Cần quan trọng như thế nào trong tâm thức và tâm linh của nhân dân địa phương. Và việc đó hàm chứa một bài học sâu sắc của muôn đời, được tổng kết trong hai câu ca của Nhân Dân:

Vì dân, dân lập đền thờ

Hại dân, dân đái sụt mồ thối xương…

KẾT LUẬN

1 - Đức ông Hoàng Cần là vị tướng muôn thuở của lòng dân và ngôi đền thờ Ngài đã hội tụ đủ các yếu tố để chúng ta lập hồ sơ đề nghị công nhận là di tích văn hóa.

2 – Câu ngạn ngữ trên thế giới nhiều người biết: Cái gì của Xêda thì hãy trả cho Xêda, như thế mới là Xêda. Từ đó, tôi nêu một ý mới: Cái gì không phải của Hoàng Cần thì phải gạt ra khỏi Hoàng Cần, như thế mới đúng là Hoàng Cần. Vì Ngài tự đã có đủ sự vĩ đại của đạo nghĩa ( vì dân, cứu dân) xứng đáng để chúng ta ngưỡng mộ, tôn vinh và  thờ phụng,  không cần phải gán thêm vào bất cứ thứ gì.

Sau hội thảo này, chúng ta ghi về Ngài, nhất là thuyết trình cho khách du lịch và dạy các thế hệ học sinh trong nhà trường, về  Ngài, cần phải thật bài bản, nghiêm túc và cẩn trọng. Chỉ có thế, chúng ta mới  thực sự kính ngưỡng  tri ân Ngài và nêu một tấm gương sáng cho các thé hệ con cháu về sự trung thực, cái căn cốt nhất để làm NGƯỜI !

---------------------

*Tập đoàn Than và Khoáng sản VN ( TKV) dựng tượng đài Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng tại Cửa Ông, đã nhờ tôi soạn văn bia, khắc và đặt trước tượng đài Ngài ( người trực tiếp liên hệ và nhận văn bản do tôi soạn là Giám đốc Cảng than Cửa Ông Hoàng Lâm Chính ); Dương Trung Quốc soạn và viết  phần chữ Hán.