Uông Bí - Nơi văn chương hội tụ và lan tỏa

Hồi ức của TẠ HỮU ĐỈNH
(Người chắp bút: Trần Ngọc Ước)

Khi Cụ Tạ Hữu Đỉnh Hội viên Hội VHNT Tỉnh Quảng Ninh không còn khả năng viết do bệnh nặng phải thở máy. Theo đề nghị của cụ, tôi đã chắp bút ghi lại theo lời kể của cụ, có sự tham gia góp ý của Nhà thơ Phạm Doanh, nhà thơ Long Chiểu và một số người có tên  trong trong bài viết. Viết xong, tôi đã đọc cho Nhà văn Tạ Hữu Đỉnh nghe để chỉnh sửa lại cho chính xác. Nay cụ đã tạ thế, hưởng thọ 89 tuổi, tôi xin đăng hồi ký này để quý vị hiểu thêm về một cây bút đầy trách nhiệm với xã hội và thế sự.

 

Đầu năm 1962, tôi đưa gia đình về Uông Bí sinh sống bằng nghề chụp ảnh, là xã viên hợp tác xã Thủ công nghiệp của Thị xã. Do vật tư nhiếp ảnh khan hiếm lại ít khách, thời gian rảnh rỗi tôi thường đọc sách và nảy ra ý đồ sáng tác. Tác phẩm đầu tay của tôi viết vào năm 1964 là truyện ngắn "Ông giáo Thanh", được đăng trên Báo văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhờ có truyện ngắn đó, anh em trong giới văn nghệ biết tên, tìm gặp tôi làm quen. Ngày ấy người sáng tác văn học ở Uông Bí còn rất ít nên anh em gặp gỡ nhau nhanh chóng trở thành thân thiết. Ngoài nhà thơ Thái Giang đã có tác phẩm “Lửa sáng rừng” đoạt giải nhất báo Văn học, hầu hết chúng tôi đều mới cầm bút, chưa được in ấn gì. Các anh Phạm Doanh, Yên Đức, Thủy Nguyên, Long Chiểu, Tiến Chước, Hoài Nam, Trần Đình Thắng… thường gặp gỡ nhau tại nhà tôi để đàm đạo văn chương, thông tin cho nhau về tình hình thời sự văn học trong tỉnh, trong nước; trao đổi với nhau về nghề viết.
Một hôm có người khách lạ đến hợp tác xã hỏi Tạ Hữu Đỉnh. Gặp tôi, anh tự giới thiệu là Hoàng Anh Vân, cán bộ văn hóa được Ty Văn hóa biệt phái về công tác tại phòng văn hóa Uông Bí; biết ở đây có một số anh em đam mê sáng tác văn học, anh muốn gặp gỡ để làm quen. Rồi Hoàng Anh Vân thường xuyên đến nhà tôi giao lưu với anh em; sau đó đề xuất thành lập tổ sáng tác văn học dưới sự bảo trợ của phòng Văn hóa Uông Bí. Và ngày 27-2-1965, Tổ sáng tác văn học Uông Bí chính thức thành lập, cử anh Hoàng Anh Vân làm tổ trưởng, tôi làm tổ phó. Sau khi thị trấn Uông Bí phát triển thành thị xã, nhiều người yêu thích sáng tác văn học ở các nơi về công tác ở các cơ quan đơn vị đã tìm tới tham gia tổ sáng tác, như các anh Trí Dũng, Nam Ninh, Hoàng Gia Điền, Nguyễn Đức Huệ, Phan Huy Quế…Ngoài những tác giả văn học, một số tác giả ở các chuyên ngành khác như Đinh Đức Thọ, Hoàng Tại (mỹ thuật); Lâm Quang Cảnh (âm nhạc): Vũ Sơn (nhiếp ảnh)…cũng gắn bó thân thiết với anh em văn học như thành viên của tổ .
Tổ sáng tác Uông Bí khi đó thực sự là một tổ ấm văn chương. Nói tới giới văn nghệ sĩ người ta thường nghĩ đến tính đố kị tài năng, nhưng chúng tôi thực lòng tôn trọng, cảm mến nhau, coi nhau như ruột thịt, một tuần không gặp nhau đã thấy buồn thấy nhớ ! Mặc dù thời chiến tranh phá hoại, các cơ quan đơn vị phải sơ tán rải rác khắp nơi, lại không ai có xe đạp, nhưng anh em vẫn đi bộ vượt rừng vượt núi từ 3 đến 5, có khi cả chục cây số, vượt qua cả trọng điểm đánh phá của địch là nhà máy nhiệt điện, để gặp gỡ nhau . Nghĩ ra một cốt truyện hay một tứ thơ là vội vã gặp nhau để khoe và xin ý kiến tham góp rồi mới viết; viết xong chưa chia sẻ được với nhau thì thấp thỏm, cồn cào không yên. Người đón đọc tác phẩm mới của bạn cũng cảm xúc như chính mình viết ra, góp ý rất thẳng thắn, chân tình..
Hoạt động sôi nổi của tổ sáng tác Uông Bí đã được dư luận đánh giá cao, được văn đàn trong tỉnh và cả nước biết tới . Sau này, nhiều anh em sáng tác trong tỉnh khi có việc qua Uông Bí đều tìm cách lưu lại một hai ngày để giao lưu, như các anh Lý Biên Cương, Như Thắng, Nguyễn An Định…ở báo, đài của tỉnh . Đặc biệt, anh Trần Bình Minh (Nhà thơ Trần Nhuận Minh sau này) là giáo viên ở Đông Triều cách xa gần 30 km vẫn thường xuyên có mặt tại Uông Bí, gắn bó với chúng tôi như thành viên của tổ. Một số văn nghệ sĩ Trung ương khi về Uông Bí công tác đều chủ động gặp gỡ giao lưu với chúng tôi, như Nhà thơ Hoàng Minh Châu, Nhà văn Xuân Tửu, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ...
Đáng nhớ nhất là vào năm 1969 nhân dịp Nhà thơ Xuân Diệu được Công ty Xây lắp Uông Bí mời về nói chuyện thơ với công nhân, Tổ sáng tác đã tổ chức bữa cơm thân mật đón tiếp ông tại nhà tôi. Thời đó đời sống còn khó khăn nhưng vì quý trọng Nhà thơ nên anh em đã thịt các món ngon truyền thống để thết đãi. Khi mọi người vui vẻ hào hứng ngồi vào mâm thì ông xua tay, nói: "Các cậu cứ tự nhiên, mình không xơi được món này vì bị máu mỡ!”. Mọi người như chết đứng; may thay nhà tôi có nuôi gà nên tức khắc thịt một con mái tơ dành riêng cho ông. Tiệc tàn, chúng tôi ngồi quây quần bên ông tranh nhau hỏi đủ chuyện văn chương đông tây kim cổ, rồi lại tranh nhau đọc thơ cho ông nghe để ông nhận xét, góp ý. Cuộc vui gần kết thúc thì nghe có tiếng gọi cổng: Cụ Ngọc, một ông già hàng xóm đột ngột đi vào, khép nép ngồi xuống mép chiếu cạnh Nhà thơ, nói: "Tôi từng đọc và mê thơ Xuân Diệu đã nửa thế kỷ rồi, hôm nay được biết Nhà thơ ở đây nên mạo muội tới gặp để chiêm ngưỡng ông bằng xương bằng thịt”. Rồi ông đọc thơ Xuân Diệu cho Xuân Diệu nghe. Nhà thơ tỏ ra rất xúc động, thỉnh thoảng lại tháo kính ra lấy mùi xoa lau mắt.
Một sự kiện đáng nhớ nữa là vào năm 1970, anh em có sáng kiến tổ chức một đêm giới thiệu tác giả tác phẩm hoành tráng tại hội trường Ban kiến thiết Nhà máy điện Uông Bí, ngay trung tâm Thị xã . Nhà thơ Long Chiểu được cử làm diễn giả dẫn chương trình; nhờ một vài nghệ sĩ nghiệp dư diễn ngâm và hát các ca khúc phổ thơ; các tác giả lần lượt lên đọc thơ và chia sẻ về cảm xúc của mình . Hội trường chứa tới 200 người cũng chật cứng, nhiều người tới dự phải đứng ngoài hành lang. Khi đó kinh tế còn thiếu thốn, chúng tôi phải đi mượn quần áo đẹp để mặc lên sân khấu, khó khăn nhất là đi mượn áo dài cho các nữ nghệ sĩ không chuyên; Nhà thơ Long Chiểu kiếm đâu được bộ com-plê, cà vạt…Trong hoàn cảnh chiến tranh, đời sống văn hóa còn nghèo nàn thì đây là một hình thức sinh hoạt văn nghệ có giá trị tinh thần rất đáng ghi nhận .
Để tạo cảm hứng từ thực tế sản xuất, chiến đấu, chúng tôi thường rủ nhau vào công trường Xây dựng, Nhà máy điện Uông Bí, Mỏ than Vàng Danh để thâm nhập thực tiễn nên hầu hết tác phẩm của anh em đều viết về đề tài ĐIỆN và THAN. Các ấn phẩm văn chương nhằm lưu giữ và khơi dậy truyền thống của các đơn vị cũng đều do các tác giả của tổ sáng tác làm nòng cốt .
Năm 1967 được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh, Ty Văn hóa và Liên hiệp Công đoàn đã tổ chức hội nghị trù bị, bàn việc thành lập Hội Văn nghệ. Đây là lần đầu tiên những người sáng tác văn học nghệ thuật của cả tỉnh được hội ngộ đông đủ với nhau tại thôn Trung Bản tổng Hà Nam . Tổ sáng tác Uông Bí có lực lượng tác giả tham dự đông đảo nhất . Năm 1969 Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Tổng Công đoàn tổ chức Hội nghị Văn học công nhân tại Bãi Cháy, Quảng Ninh, hầu hết tổ viên của tổ (Tạ Hữu Đỉnh, Trí Dũng, Yên Đức, Long Chiểu) đã vinh hạnh được mời tham dự. Và, năm 1970 Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Quảng Ninh, tất cả tổ viên tổ sáng tác Uông Bí đều trở thành hội viên của Hội (trừ hai anh Thái Giang và Thủy Nguyên trước đó đã về công tác tại Báo Lao động).
Tuy thuở ban đầu, kiến thức và tay nghề còn hạn chế, nhưng mỗi người mỗi vẻ, chúng tôi đã bổ sung cho nhau cả về thẩm mỹ và bút pháp, động viên khích lệ, giúp đỡ nhau trong lao động sáng tạo, nên chỉ một thời gian ngắn lần lượt anh em đều có tác phẩm được giới thiệu trên sách báo; nhiều người có tác phẩm in riêng, có tên trong nhiều tuyển tập văn chương, đoạt giải thưởng văn học của tỉnh, của quốc gia; nhiều cái tên tác giả đã định hình, được độc giả cả nước mến mộ.
Bây giờ Uông Bí đã trở thành thành phố. Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế xã hội, Tổ sáng tác văn học ngày ấy cũng lớn lên thành một Hội Văn học Nghệ thuật với đầy đủ các chuyên ngành; lực lượng văn nghệ sĩ đông đảo tương đương với một Hội cấp tỉnh miền núi. Đặc biệt, Thành phố đã có riêng một giải thưởng VHNT định kỳ mang tên TRẦN NHÂN TÔNG mà nhiều tỉnh trong cả nước còn chưa có được.
Năm nay tôi đã 89 tuổi. Dù sức khỏe dần suy giảm, nhưng tôi vẫn tiếp tục sáng tác . Ở tuổi này tôi chỉ tâm nguyện một điều: Đối với người cẩm bút, muốn sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị cho cuộc sống, thứ đầu tiên cần có là sự trung thực và tình yêu thương con người. Sự trung thực và tình yêu thương chính là cái tâm, cái gốc, vượt lên kỹ năng kỹ xảo để cảm hóa người đọc...