Không thể chấp nhận được giá sách giáo khoa mới?
Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ năm học 2020-2021, hệ thống các cấp học phổ thông bắt đầu triển khai việc học theo Sách giáo khoa (SGK) mới, trước hết là với lớp 1. Trên cơ sở các Nhà xuất bản (NXB) biên soạn, Bộ GD&ĐT đã công bố 32 bản thảo SGK lớp 1 của 3 NXB: NXB Giáo dục Việt Nam (24 cuốn), NXB Sư phạm TP Hồ Chí Minh (4 cuốn) và NXB Đại học Sư phạm (4 cuốn). Theo đó, SGK lớp 1 bao gồm 9 hoặc 10 tập: Tiếng Việt (2 tập), Tập viết (2 tập), Toán, Tự nhiên và Xã hội sử dụng cho 8 môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất. Như vậy Bộ SGK lớp 1 (mới) nhiều hơn trước 3-4 cuốn.
Bộ GD&ĐT cho biết, qua nhiều vòng thẩm định, 04 bộ SGK lớp 1 của các NXB đã được thông qua. Ông Bộ trưởng đã kí ban hành và cho phép các NXB thực hiện theo quy định của Luật Giá (nghĩa là điều tiết theo cơ chế thị trường) và do địa phương, trong đó hiệu trưởng có quyền được lựa chọn. Cụ thể bộ SGK “Kết nối trí thức với cuộc sống” có 10 cuốn, giá 179.000 đồng/bộ; Bộ SGK “Chân trời sáng tạo” có 9 cuốn, giá 186.000 đồng/ bộ; Bộ SGK “Cùng học để phát triển tài năng” có 10 cuốn, giá 194.000 đồng/bộ; còn Bộ SGK “ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” có 9 cuốn, giá 189.000 đồng/bộ.
Như vậy, giá SGK mới tăng gấp gần 4 lần so với bộ SGK hiện hành (chỉ 54.000 đồng/bộ).
Việc làm SGK mới là chủ trương về cải cách giáo dục của Nhà nước từ năm 1980. Trải qua 4 cuộc cải cách nhưng sau 40 năm vấn đề SGK mới được triển khai. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng (Khóa XI), Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/29014 của Quốc hội về “Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo” nêu rõ phương châm giáo dục “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Việc triển khai dã chậm chễ, bởi mãi đến ngày 26/12/2018 Bộ GD&ĐT mới ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDDT về chương trình giáo dục phổ thông và các NXB được quyền viết sách, xuất bản, kinh doanh SGK.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố và ông Bộ trưởng kí phê duyệt 32 danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông thì dư luận xã hội có nhiều băn khoăn, tầng lớp phụ huynh lo lắng bởi giá quá cao, không thể chấp nhận. Theo lí giải của NXB Giáo dục Việt Nam thì sở dĩ giá cao gấp gần 4 lần bộ sách hiện hành là do được làm bằng kinh phí xã hội hóa, các NXB tự bỏ vốn ra. Việc tổ chức làm SGK phải chi phí nhiều khâu: Họp hành, hội thảo, thuê chuyên gia, biên soạn, biên tập, trình bày, in màu đẹp, giấy tốt, phát hành, maketting, quảng cáo,v.v…
Về việc này, một số Đại biểu Quốc hội, đông đảo phụ huynh, giáo viên cho rằng giá SGK là quá cao, khó chấp nhận. Mặc dù theo thị trường nhưng mặt hàng này có thể coi là “sản phẩm đặc biệt” phải căn cứ vào sức dân, mức sống và thu nhập của dân, các vùng miền nên tính toán bảo đảm cân đối hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp (NXB) với mục tiêu phục vụ xã hội. Nhà nước không nên thả nổi, không để thị trường chi phối giá SGK mà cần quản lí, bảo đảm bình ổn giá. Theo quan điểm của Đảng và Nhà nước giáo dục là quốc sách hàng đầu, SGK cần được quản lí chặt chẽ. Hiến pháp quy định giáo dục tiểu học là bắt buộc, đồng thời luật Giáo dục năm 2019 quy định “Nhà nước cần bố trí ngân sách để thư viện các trường tiểu học đủ sách giáo khoa cung cấp cho học sinh mượn sử dụng”.
Hãy xem xét lại vấn đề giá SGK, trước hết là đối với SGK lớp 1 đã và dang được triển khai từ năm học này. Nếu giá SGK lớp 1 trót lọt thì SGK từ lớp 2 đến lớp 12 sẽ sao đây? Ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Giám đốc các NXB hãy lắng nghe các nhà khoa học, nhà quản lí giáo dục, giáo viên và phụ huynh!
Nhà thơ KIM QUỐC HOA-Cựu Tổng Biên tập báo Người Cao tuổi