Quê ngoại


Đã bao lần tôi vẫn thường bâng khuâng tự hỏi khi đứng trước bến đò này. Mỗi độ xuân về tết đến nhìn sang quê ngoại cứ vời vợi một nỗi niềm. Sông Đáy vào mùa cạn, nước trong vắt lững thững trôi, dòng sông đẹp như một dải lụa bồng bềnh trong ngút ngát xanh. Ấy thế mà nhìn sang bên kia... Vẫn cứ là quê ngoại!

Mẹ tôi bảo: Năm ấy vào mùa lũ, mẹ theo bà ra sông xem nước. Suốt một triền đê từng đoàn người lũ lượt tránh lụt, nháo nhác chạy như chạy loạn. Mẹ tôi nhìn hút theo đứa trẻ ngồi khoanh tròn trong cái nồi ba mươi (nồi đồng nấu bánh chưng), đầu bên kia là mắm, muối, khoai, gạo.. . Tiếng kĩu kịt vít cong hai đầu đòn gánh. Hai tay đứa trẻ bấu chặt miệng nồi, ngồi bình yên như trong nôi vậy! Mẹ hỏi bà: Sao lại để nó trong cái nồi hả bà? Bà ngoại tôi bảo: Con và của là hai thứ quí nhất trong nhà. Ngộ nhỡ có vỡ đê, thả nó trôi trên mặt nước. Ai vớt được thì.. . cái nồi coi như một lời cảm tạ mà làm phúc nuôi hộ cho.. . Mẹ nhìn ra sông, hình như nước của cả xứ Đông, xứ Đoài rủ nhau đổ về đây làm cho dòng sông đầy ăm ắp. Con đò nan mảnh mai như chiếc lá lênh đênh giữa dòng. Phía bên kia cả một dải bờ của phủ Ứng Thiên (Nay là huyện Ứng Hoà tỉnh Hà Tây) mờ xa tít như sắp chìm trong nước. Bên kia sông, mãi mãi trong mẹ thủa thiếu thời cứ xa lắc, xa lơ như không bao giờ có thể tới được.

.. . Thế mà có một mùa xuân, một mùa xuân nước hiền như lụa. Ngay đầu bến Đá chợ Dầu (nay thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), những con thuyền của xã Phù Lưu Nguyễn (xưa là tổng Lưu Nguyễn, phủ Ứng Thiên) ghếch mũi lên thềm bền chờ rước cô dâu xã Vạn Kim (Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây) về bên ấy! Hai bờ nước chung nhau một bến đò, cùng giống nhau bởi hai bên đều mượt mà xanh những bờ dâu bãi mía.. . Mẹ tôi về làm dâu quê chồng.

Anh em tôi sinh ra trong mía. Cứ vào độ tháng năm (âm lịch) đứng trên đê Đáy nhìn, mía mọc miên man như theo dòng sông mà chảy, chảy mãi .. . Lao xao đến tận cuối trời. Sang tháng sáu, mía cao ngang đầu người lớn. Năm ấy lũ về, mẹ tôi bảo: Có lẽ mấy chục năm trời mới có một năm lũ lại to như thế! Trong đồng, trống ngũ liên cũng tiếng tù và rúc lên inh ỏi. Làng nọ truyền làng kia, tin đồn vỡ đê Thượng đê Hạ một ngày giật mình mấy lần về chuyện đê nước. Ngoài bãi, chỉ còn lại dòng lũ ngầu lên dập dềnh sóng vỗ oàm oặp vào thân đê. Cả làng đứng trên mặt trạch khoả chân xuống nước mà lo lắng. Mẹ tôi thấp thỏm lo cho vụ mía tháng mười. Mấy hôm sau, lập lờ trong lũ là những tàu lá mía oằn oại, thỉnh thoảng chúng lại khua lên như những cái râu của một đàn tôm khổng lồ trong dòng nước đỏ thẫm phù sa. Cả làng lạ lắm, chẳng ai biết nước rút đi hay là mía quyết liệt mọc cao lên để giành giật sự sống!

Sang tháng tám, gió may thổi từng chập.. . từng chập, rập rờn như sóng trên ngọn mía. Tôi chui vào vạt ruộng của nhà bóc lá và ngạc nhiên với những lóng mía dài cả gang tay người lớn. Lóng nọ nối lóng kia.. . Tôi tự hỏi mình: phải chăng sự liên tục ấy khởi nguồn từ đất, đất mát lịm dưới chân nơi cuộc sống bắt đầu của làng tôi, nhà tôi.. . đã bao nhiêu đời người dân đã trồng mía trên dải đất ven sông này.

Vào cuối tháng một (tháng mười một âm lịch) khi trên ngọn mía phất phơ đôi ba cái cờ là lúc mía được đường vào mật. Những đốt mía vàng óng căng mọng nước. Khẽ bấm móng tay vào, vỏ mía tanh tách nứt ra.. . Như một lời ước hẹn, những người thợ từ Kim Bảng (Hà Nam) đến làng. Họ cất chòi lập lò nấu mật ngay bên bờ sông. Sáng sáng gió bấc từ mặt sông thổi hắt lên lạnh ngắt, sương sa mù mịt khắp cánh đồng. Trong chòi, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu đỏ quạch đã bậm bịch bước trâu đi, bước nọ tiếp bước kia, vết móng trước đè lên vết móng sau, con trâu tự vẽ một vòng tròn nhẵn thín lún xuống nền đất.

Trâu kéo mật phải là những con trâu khoẻ nhất làng. Tôi nhìn đầu con trâu to như cái thúng, một bên mắt phía trong được che lại cho khỏi bị chóng mặt lúc làm việc, con mắt còn lại cứ ngầu lên. Chẳng biết vì công việc nặng nhọc hay nhìn thấy những thân mía ngọt lừ mà chẳng được ăn nên sinh ra cáu bẳn. Càng cáu càng phá ách, những vòng tròn trên mặt đất càng thêm mau. Hai cái trục gỗ rít lên nghiến vào thân mía vỡ ròm rọp, nước mía tí tách dồn vào máng chảy thành dòng xuống cái ghênh (chảo lớn) kê ngay bên dưới.

Người thợ nấu chính tay cầm một cái gầu cán dài như cái sào, thong thả múc từng gầu khéo léo đến nỗi không để sánh một giọt ra ngoài. Vừa múc, vừa đếm đổ vào hai cái ghênh khác đang được bắc lên bếp lò, trong lò lửa cháy rừng rực. Mẹ tôi bảo: Nấu mật phải có nghề, khắp cả vùng này thợ lò không đâu giỏi hơn thợ lò vùng Kim Bảng! Lúc mới bắt đầu, nước mía nhẽo nhợt rất vô duyên. Khi nước mía sôi váng vất, bả bọt theo tay gới đều đều của người thợ nổi dần lên mặt.. . Họ cứ vớt mãi cho tới khi mặt mật sanh sánh lộ ra, tiếng sôi sình sịch nằng nặng trong ghênh là sắp được một mẻ mật. Người thợ chính lấy mật thử vào một bát nước lạnh để quyết định thời điểm cần thiết. Non hay già đều không được. Non quá mật để lâu không được, già quả mật dễ hoá đường. Khi thử thấy những giọt mật tự vo lại tròn xoe, mỏng tang tựa hồ như một cái vảy ốc, khi bóc róc lên khỏi đáy bát là được.

Trước khi bắt đầu một mẻ khác, người thợ hắt ào một gáo nước lã vào để tráng ghênh. Họ hắt khéo đến nỗi nước chạy xung quanh, leo lên chơm chớm miệng ghênh, đủ một vòng rồi xoay xoáy dồn về đáy. Bọn trẻ con chúng tôi khoái nhất là thời điểm này. Một đứa bạo dạn nhất thò vội tay vào nhón ra một nắm kẹo. Trẻ làng tôi gọi là kẹo mạch nha. Thật ra nó chỉ là một thứ mật già lửa, gặp nước lạnh bóc ra khỏi chảo. Khi còn nóng mật dẻo quẹo, lúc nguội ròn tan. Chúng tôi chia nhau ăn, Cảm giác cho đến tận bây giờ vẫn ngon hơn bất cứ thứ kẹo nào mà ngày tết bố mẹ mua trên phố về. 
Đến trưa đứa nào đứa nấy mặt nghoem nguốc mật và lọ lem than lửa.. . Mấy chục năm qua đi, tôi vẫn thường tự trách mình sao không chia kẹo cho em. Tôi đã tìm hàng trăm thứ lý do để tự bao biện cho mình. Tất cả, tất cả đều bị mờ đi bởi đôi mắt em hờn dỗi. 

Chẳng biết em giân tôi hay tủi thân vì tôi đã vô tình! Tôi đi bên em lủi thủi như người mắc lỗi. Em không nhờ tôi vác hộ bó bã ép như mọi chiều vẫn thế.. . Đến lối rẽ, tôi nhìn theo cho đến khi bóng em khuất dạng vào trong chiều hiu quạnh. Tôi vẩn vơ như người mất hồn trước khi trời sập tối. Tôi chạy sang nhà em, qua hàng dậu mỏng, bếp nhà em vẫn bập bùng đỏ lửa. Tôi chạy ào vào, lửa bếp tay em gầy từ những thân bã ép nồng nàn ấm áp. Một làn gió thổi trộm từ bờ sông vào làm ngọn lửa bùng lên. Chẳng biết lửa lên cho má em hồng, cho mắt em lung linh hai đốm lửa... Hay vì cái gì không biết nữa. Tôi chạy ra khỏi ngõ, khói bếp âm âm toả trên những mái nhà lợp dày lá mía. Mùi mía, mùi mật thơm lựng cả xóm nghèo, ngọt lịm mãi trong tôi những năm tháng thủa thiếu thời.

Ngày nào cũng vậy, suốt cả mùa mía chúng tôi thường tụ tập trong chòi kéo mật. Những người thợ nấu chít khăn nâu đầu rìu, ngay cả những ngày rét nhất của tháng chạp, họ cũng chỉ phong phanh một manh áo cánh, thế mà mồ hôi vẫn vã ra đầm đìa. Họ đem đến làng tôi bao nhiêu là chuyện, toàn những chuyện kỳ thú của mỗi vùng đất mà họ đã đi qua. Hầu như tất cả mọi chuyện thường giống nhau, vẫn là chuyện làm, chuyện ăn ở mọi miền thôn giã. Những chuyện lặp đi lặp lại hàng trăm lần từ bao đời nay nhưng mỗi lần nghe vẫn thấy đầy mới mẻ và hấp đẫn. Duy chỉ có một điều riêng mà người thợ cả luôn mồm nhắc nhở những người thợ phụ, đó là cách thức cho trầm nhiều hay ít, sớm hay muộn. Bởi thổ ngơi của vùng này không giống với vùng kia, cũng từ đó mà quyết định tính đặc trưng cho mật của từng vùng.

Mật Ứng Hoà vàng óng, sóng sánh. Dân gian gọi là mật giọt, mật chè. Mật Mỹ Đức nâu sậm mà đặc hơn, khi sang chum sang vại mật chảy từ từ, xếp thành từng lớp. Lớp nọ chồng lên lớp kia thứ tự và đều đặn như có thể bọc từng lớp mà đếm được trước khi hoà làm một, đó là mật quân bài. Mật chợ Trúc của huyện Chương Mỹ, mật Kẻ Giả huyện Đan Phượng nấu xong cô đặc đúc thành khuôn, vuông vức và vàng sậm như những viên đá ong Xứ Đoài.. . Cùng một dòng sông Đáy, từ thượng nguồn cho đến hạ lưu, hai bên bờ sông những chòi mật vào vụ cứ ngày đêm âm thầm nhả khói mà chẳng có nơi nào giống nơi nào. Mỗi vùng một mùi, một vị. Chỉ còn lại chung nhất, là cái thơm thảo ngọt ngào nơi dòng sông đi qua! 

Năm này qua năm khác, chúng tôi lớn lên cùng với những vụ mía. Rồi chiến tranh, giặc giã trai bãi bờ cầm súng ra đi. Ngày trở về hai bên bờ sông Đáy vẫn như từ ngàn xưa.. . Những lò mật vào vụ cứ âm thầm nhả khói, gió từ mặt sông dâng lên ăm ắp hương vị quê nhà, sa bồi mạt lịm như níu giữ bàn chân. Thế mà em đã vội giã biệt đất này. Mẹ tôi bảo: Từ bến Đá chợ Dầu, những con thuyền của dân vạn chài vùng cửa sông Nam Định đón em về làm dâu mạn bể. Tôi cứ lẳng lặng nhìn theo dòng sông mùa cạn lặng lẽ trôi xuôi.. . Nơi ấy, vùng cửa sông.. . Xa lắm rồi, xa lắm rồi! Lòng tôi mênh mang một nỗi buồn.

Thấm thoắt mấy chục năm trôi qua, sông Đáy vẫn dạt dào giữa đôi bờ xanh um mía. Một chiều cuối đông giã vụ mật, mưa bụi bay mù mịt. Tôi ngồi bên mộ mẹ, khói hương chầm chậm tỏa. Hình như có một làn gió xuân ngập ngừng thổi sang bên kia sông. Chợ Dầu chỉ còn một phiên nữa là Tết. Sinh thời năm nào mẹ cũng chuẩn bị vàng hương cho tôi về quê ngoại. Sắp xếp đã mấy ngày, giở đi giở lại cả chục lần mà hình như vần còn điều gì đấy chưa thật yên lòng. Mẹ nhìn theo tôi ra tận bến đò. Tôi bước vội để tránh những giọt nước mắt của mẹ cứ trực trào ra.. . Đã bao năm rồi, lần nào cũng thế trước khi tôi chuẩn bị về quê ngoại!

Quê ngoại mãi đằm sâu trong ký ức vị thành niên của tôi là những phiên chợ Dầu cuối năm họp đông nghịt ven đê, là khoảng vườn nhà bà ngoại toàn hoa mận. Những bông hoa cứ mải đợi gió xuân về lay gọi để thức dậy nở trắng muốt trên cành. Lúc quay về chợ đã tan, gió cuốn lá xào xạc chạy dọc những dãy lều xùm xoà lá mía, nhưng cột lều đứng run rẩy trong chiều lành lạnh. Con đường đất mịn màng vắng vẻ mềm mại vẵt qua đê. Thoáng như có bóng ai, cô gái Phù Lưu đi chợ Dầu bán mật vội vã xuống đò, sang sông.. . Chiều muộn! 

Có phải là em.. . Chiều nay, một buổi chiều cuối năm từ nơi dòng sông sắp nhập vào với biển, ở một làng chài nào đó em lại nhắc con cho kịp về quê ngoại. Chẳng biết ở nơi ấy em có lén quay mặt đi.. . Để âm thầm nhớ về quê ngoại!

HNH