Gửi những người muốn giết cả nhà tôi
Nhà báo Nguyễn Thu Trang, báo Phụ nữ TP HCM cùng với nhà báo Liên Liên, Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam là hai tác giả đã tham gia điều tra vụ bảo kê thu tiền bến bãi của tiểu thương tại chợ Long Biên, Hà Nội gây xôn xao dư luận vào hồi tháng 9 vừa qua. Đến tối 2/12, cả 2 nữ PV đều nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ với cùng nội dung đe dọa "giết cả gia đình". Sau khi nhận được tin nhắn đe dọa, Nhà báo Nguyễn Thu Trang đã chia sẻ trên FB của mình như sau:
Tôi phải viết ra những lời gan ruột này để các vị hiểu thêm trước khi… ra tay làm gì đó.
Khi quyết định làm loạt phóng sự về chợ Long Biên, tôi và nữ đồng nghiệp Liên Liên của VTV, đều xác định chuẩn bị với những uy hiếp đe dọa của nhóm lợi ích này. Và cho đến hôm nay chuyện đó đã chính thức xảy ra…
Nhưng không hiểu sao, lúc đọc tin nhắn dọa giết cả nhà mình với nội dung rùng rợn như vậy mà tôi chẳng cảm thấy sợ? Tôi chẳng hoang mang tột cùng như lần bị hỏi “ĐÃ MUA QUAN TÀI CHO CẢ NHÀ CHƯA” gần nhất là 2 năm trước.
Lần ấy tôi lao về nhà để nhìn mẹ tôi, rồi tôi lao đi tìm con gái đang đi học chỉ để được nhìn thấy nó, tôi lao đến bên chồng, cả hai nhìn nhau rồi chẳng biết nói gì? Chân tôi khuỵu xuống, tim như ngừng đập. Tôi ước ngay lúc đó tôi có thể chết ngay được để giải thoát khỏi nỗi sợ phải chịu đựng cảnh người thân khổ vì mình?
Sao lần này, tôi chẳng thấy gì cả, chẳng nghĩ được một điều gì cụ thể cả…chẳng biết phải bắt đầu làm gì? Phải bắt đầu từ đâu? Mọi thứ cứ trôi qua tôi bồng bềnh lãng đãng, quay cuồng với tốc độ dài lê thê…. Tôi thấy rõ mình rất TRỐNG RỖNG… có lẽ tôi là một người đàn bà đã toan về già, đã trải nhiều lắm những hỉ nộ ái ố…. Nhưng đến thời điểm này tôi mới thực sự hiểu thế nào là TRỐNG RỖNG ?
Điều gì đã khiến các vị phải lên tiếng chính thức như vậy? Lần trước, khi chúng tôi vừa đăng tải những thông tin liên quan đến chợ Long Biên, một người em tốt đã gọi chúng tôi ra và cảnh báo nghiêm túc một kế hoạch dằn mặt của các vị nhằm vào chúng tôi sắp được tiến hành.
Đối tượng được chọn để ra tay với chúng tôi là một gã nghiện, ngáo đá, đã có tiền sử về bệnh lý tâm thần… và quan trọng, hắn có BỆNH ÁN TÂM THẦN. Nếu kế hoạch thành công, một kẻ tâm thần sẽ được trắng án, còn chúng tôi…
Nói thật, lúc ấy chúng tôi sợ. Tôi từng kinh hãi khi nghe những câu chuyện về tiền sử của những tên ngáo đá ở chợ Long Biên. Mà không chỉ tôi với Liên Liên sợ đâu, những người được giao làm nhiệm vụ trinh sát cũng lo cho chúng tôi vô cùng.
Tôi nhớ cái đêm chúng tôi trở lại chợ cùng một lãnh đạo quận Ba Đình, chúng tôi muốn chỉ cho ông lãnh đạo thấy nóc bể cứu hoả đã được bán là thế nào? Bãi cá công đoàn được bán ra sao và nhiều vấn đề khác nữa… vì trước đó chúng tôi hỏi họ đều trả lời KHÔNG BIẾT?
Đêm đó, người trinh sát ấy đã cố ngăn cản chúng tôi không được nên cậu đành phải dẫn theo nhiều trinh sát khác đi lẫn vào đám đông để ngấm ngầm bảo vệ chúng tôi. Tôi thấy lẫn trong đám đông có những gương mặt lạ hoắc và cả những kẻ cận kề bên đám bảo kê bặm trợn mà chúng tôi vẫn gặp hàng ngày khi ở chợ. Nhưng cậu trinh sát nháy mắt với tôi, ngầm nói: “Các chị yên tâm, tụi em đây rồi” khiến tôi yên tâm hơn.
Gọi là CẬU có thể không phải lắm, nhưng cho tôi được gọi như thế… Cậu cũng chỉ ngang tuổi em trai tôi, nên tôi muốn gọi vậy để bày tỏ tình cảm của tôi và sự trân trọng với cậu.
Những ngày tiếp theo, chúng tôi đã phải dùng các mối quan hệ chằng chéo cả đen lẫn đỏ để có thể điều chỉnh được tên ngáo đá. Có những người “anh” lấy bản thân mình để đứng ra đảm bảo sự an toàn cho chúng tôi. Người chẳng liên quan nhưng cũng có tiếng nói đủ sức nặng đứng ra “vỗ vai”, ép hắn ngồi trật tự vì… “các chị ấy là người anh yêu quý”, có bất cứ điều gì xảy ra với các chị ấy người đầu tiên anh hỏi tội là chú… Viết đến đây, tôi thấy mình mắc nợ những người tốt và chẳng biết phải làm gì để đủ cho sự biết ơn với họ.
Chúng tôi đã trải qua những phút giây căng thẳng đến tột độ. Rồi biết rằng vẫn có rất nhiều người tử tế đang bên cạnh mình… chúng tôi không còn sợ hãi nữa. Tôi thấy thanh thản và tin vào những điều tốt đẹp, tin những điều tồi tệ sẽ không xảy đến với mình.
Thế mà giờ đây lại một tin nhắn dọa giết cả nhà đến đích danh tôi. Tin nhắn ấy đang ở màn hình trước mắt tôi …
Tôi bỗng nghĩ đến mẹ…
Kể từ khi chập chững làm người đến giờ, tôi chưa thấy một giây phút nào Mẹ sống cho bản thân. Tất cả chỉ lo cho chồng, cho con. Nếu tôi có mang tai ương gì về cái gia đình này, mẹ cũng chẳng giận tôi đâu… tôi chắc chắn thế mà.
Tôi nghĩ về con gái…
Cô gái của mẹ, nữ sinh viên năm nhất với cái mặt tròn tròn và đôi má lúm đồng tiền… lớn rồi mà sểnh ra là ôm lấy mẹ sến súa. Cô gái yêu tôi lắm! Với tình yêu mẹ đến thế, nhỡ tôi có mang tai ương gì về, gái cũng chả trách gì tôi đâu, chắc chắn thế mà.
Tôi nghĩ tới chồng tôi…
Nhớ cái dáng ngồi của anh khi tôi gặp chuyện chẳng lành. Anh trùng xuống, nhẫn nại, chịu đựng và thường là im lặng… Lần này cũng thế, vẫn dáng ngồi đó, vẫn kiệm lời, tiếng thở dài nghe như nhẹ hơn… rất nhẹ, nhưng dài hơn, dài như bất tận. “Em biết, cho dù em có mang điều tệ hại đến thế nào về nhà mình, anh cũng chẳng nỡ trách em đâu”.
Tôi nhớ đến Bánh Bao của tôi.
Chàng trai 16 tháng tuổi của mẹ… Mẹ cảm ơn em đã đến bên cuộc đời của mẹ… Mẹ luôn nhớ cứ sáng sáng khi đưa em đi nhà trẻ, em thường ngồi phịch ra hành lang ăn vạ để đòi mẹ phải bế em cơ. Và em luôn cười toe toét khi được bế, được ôm ấp, yêu thật chặt trong vòng tay của mẹ.
Em ạ, nhỡ mẹ có mang điều tai ương về nhà mình, mẹ biết mẹ không thể xin lỗi em được đâu. Em chưa biết xin lỗi là thế nào cả? Em cũng không biết trách giận là như thế nào? Em sẽ không trách giận gì mẹ cả…
Em hãy để cho mẹ được ăn vạ em một lần này thôi nhé… một lần thôi, em ăn vạ mẹ nhiều lắm rồi mà. Hãy lấy bàn tay bé nhỏ mà xoa nước mắt trên mặt mẹ như cái cách mà em vẫn vầy nước trên mặt bàn ấy. Mẹ đang khóc nhè rồi.
***
Lúc này đây những hình ảnh trong quá trình thu nhập thông tin cho loạt bài chợ Long Biên cứ trôi qua ký ức tôi…
Manh mối chứng cứ về sự đè nén, ức hiếp bằng mọi giá để các tiểu thương phải chi tiền bảo kê không còn lại trong đầu nữa… Chỉ còn những gương mặt của chính những người trong cuộc.
Những tiểu thương của chợ ám ảnh tâm trí tôi. Giai đoạn đầu khi chúng tôi vào cuộc tác nghiệp, nhất là những bài báo điều tra đầu tiên đăng tải… những gương mặt này, giọng nói này chứa chất đầy tin tưởng. Chúng tôi và họ đều tin vào tương lai tốt đẹp. Họ như đã thấy một không khí trong lành tươi sáng đang sắp ùa vào chợ đến nơi… Họ hồ hởi như là thấy chỉ mai đây thôi kỷ cương sẽ được lập lại bà con sẽ buôn bán trong một môi trường minh bạch sòng phẳng… họ sẽ không phải oằn mình lên đóng những khoản tiền bảo kê nữa…
NHƯNG…
Mọi thứ cứ như là muốn chìm dần, chìm dần. Những tay bảo kê cũ vẫn ngang nhiên hoạt động… tuy có khôn khéo kín đáo hơn nhưng lại gây áp lực hơn trước nhiều hơn… Bọn chúng bắt đầu có dấu hiệu trả thù những tiểu thương mà chúng nghi ngờ đã cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho nhà báo ghi âm, ghi hình. Những tiểu thương bị nghi ngờ giúp đỡ nhà báo đều sợ hãi né ra một bên, coi như không hề quen biết chúng tôi. Đau lòng lắm, cay đắng lắm. Người tử tế bây giờ phải chui lủi, phải lén lút trước thế lực của bọn bảo kê?
Để có loạt phóng sự với những chứng cứ là âm thanh hình ảnh, chúng tôi có nhờ vào sự giúp đỡ của các tiểu thương không? Chắc chắn là có chứ…không có những con người dũng cảm đó chúng tôi sẽ chẳng làm được gì cả.
Nhưng bây giờ họ ra sao??? Tôi cũng không biết họ ra sao nữa… có người lâu lắm rồi mới gọi cho tôi.
Họ nói: ”Chị nhà báo ơi, khi các chị chưa viết bài xe hàng được đưa vào sát quầy thu phế 350k, còn bây giờ phải tập kết ngoài bãi cạnh chợ, họ thu của bọn em 400k. Chị có tin là bọn em còn khốn khổ hơn không? Mà thôi nhé, em nói thật là chị đừng ghi âm hay làm gì nữa nhé. Chẳng may lộ ra em là người giúp các chị biết sự thật thì em không sống nổi với họ đâu.
Chúng nó chả thu phế đâu chị ạ! Thôi chị tránh xa nơi ấy ra, kẻo lại thiệt thân”.
Cậu lái là lái xe chở hoa quả. Để vào được khu chợ này lấy hàng phải đóng phế tháng và chỗ đỗ, hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Ở cái chợ có hàng ngàn người như cậu, nguồn thu đó chảy vào túi các cá nhân thì nó là sức mạnh không dễ gì dẹp được.
“Chị đừng ghi âm gì nhé… giờ em chỉ muốn yên ổn làm ăn thôi chúng nó chả thu đồng nào đâu”.
“Tình hình này không sống ở đây được rồi chị nhà báo ạ… Chúng nó nói sẽ không cho chúng em đường lùi vì dám giúp nhà báo. Sức ép chồng sức ép… miễn sao ảnh hưởng đến việc làm ăn của chúng em”.
Còn rất nhiều tiểu thương ban đầu hăng hái giúp chúng tôi thu thập thông tin, giờ chẳng hiểu sao im bặt. Phải rồi, hàng ngày bọn bảo kê vẫn ngông nghênh đe doạ họ thì chỉ có nước ăn gan hùm mới dám tố cáo chúng.
Những người hiểu chợ Long Biên thì ngạc nhiên lắm. Nếu ngay thời gian đầu làm mạnh tay là bà con sẽ đưa thêm đơn tố cáo nhiều… chứ làm kiểu gì mà mãi rồi mà vẫn thấy bọn thu tiền đi nghênh ngang giữa chợ đe doạ mọi người thế này… để càng lâu càng hết tình tiết chứng cứ.
Một người anh khác quá hiểu chuyện nói với tôi: ”Cô sẽ không làm gì được đâu, đây không phải là chuyện manh mún, cả đen lẫn đỏ đã nhuần nhuyễn trong một hệ sinh thái có cùng một lợi ích. Họ bảo vệ nhau tức là bảo vệ chính họ…”.
Một người khác đưa cho tôi tập photo danh sách các chủ kiot mới phát sinh trong chợ. Danh sách rành rành tên của anh trai ông này, em vợ ông khác, toàn những người nắm quyền sinh quyền sát mà có tên trong danh sách ki ốt ngoại giao (mỗi ki ốt là tiền tỉ cả)… nếu làm tử tế chỉ cần từ danh sách này là ra hết. Nhưng….
LẠI LÀ NHƯNG.
Với góc độ 1 nhà báo, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ loạt bài đã đăng tải, dư luận xã hội rất quan tâm, ủng hộ… tôi còn được khen thưởng và nếu may mắn còn có thể được giải phóng sự cho đề tài gai góc này nữa.
NHƯNG sao lòng tôi trĩu nặng thế này? Tôi thấy có khi loạt bài của tôi đã làm khổ thêm bà con chợ Long Biên?
Tôi thật lòng muốn xin lỗi bà con, đã vì chúng tôi mà lại tiếp tục chịu đựng sự đè nén, trả thù…
Tôi muốn xin lỗi những số phận đã oằn mình chịu đè nén của hệ sinh thái bảo kê, nay vì loạt phóng sự của tôi lại thêm lần nữa cay cực. Xin hãy thông cảm lượng thứ cho tôi! Suy cho cùng, tôi cũng chỉ là một người đàn bà viết báo… những điều gì có thể, tôi đã cố gắng hết sức rồi.
Trước khi bị doạ giết cả nhà, tôi cùng nhà báo Liên Liên đang cố gắng để gặp một người có vị trí cao trong chính phủ để nói về vụ án Long Biên… Nhưng có lẽ do chưa đủ duyên nên chúng tôi chưa thể gặp. Có thể họ còn bận trăm công ngàn việc lớn lao hơn nhiều nên… chúng tôi vẫn chờ.
Trở lại chuyện doạ giết cả nhà tôi. Tôi muốn trải lòng với những tác giả của lời đe dọa giết chóc này bằng sự trải lòng chân thành nhất.
Tôi không xin các vị đừng ra tay giết chóc, vì nếu bắt buộc phải làm không thể khác thì có xin cũng vô ích, đúng không?
Nếu phải làm, các vị cứ làm việc của các vị… tôi cũng không thách đố các vị đâu. Chẳng ai đi thách đố kẻ khác hại mình… tôi chỉ biết trải lòng hết ra thế này thôi để các vị hiểu rằng, tôi chỉ là người đàn bà viết báo. Phía sau tôi là gia đình, là tờ báo, đồng nghiệp, độc giả và những người dân thấp cổ bé họng…
Chợ đêm Long Biên đẹp lắm, vẻ đẹp cần lao dưới ánh đèn vàng pha lẫn ánh trăng đêm. Tôi thấy nó rất xứng đáng được tạp chí conde nast traveler, vinh danh là 1 trong 7 chợ trời thú vị nhất thế giới.
Suốt những đêm dài tác nghiệp ở chợ Long Biên, len lỏi giữa những phận người, mà phần đông là những người phụ nữ như mẹ tôi, chị tôi… tôi thấy mình như một phần trong đó. Tôi đã ngộ được vẻ đẹp của những người đàn bà ở nơi gầm cầu, cam chịu, can trường….
Nguồn: FB Nguyễn Thu Trang