Phim Việt với nhiều giải quốc tế rởm
Gần đây, có người khoe điện ảnh Việt “bừng sáng” vì phim “Ở đây có nắng” đạt giải thưởng “The best Vietnamese film 2018” của Liên hoan phim quốc tế ý tưởng mới San Fancisco 2018. Nhiều đạo diễn “Tây học” khi nghe giải thưởng này thì cười. Họ bình luận: không phải cái gì gắn mác quốc tế cũng đồng nghĩa với giá trị.
Mấy năm trước, bộ phim “Hương Ga” do Trương Ngọc Ánh sản xuất và đóng vai nữ chính, đạo diễn Cường Ngô, cũng từng đoạt giải này, tại San Francisco International New Concept Film Festival (LHP quốc tế ý tưởng mới San Francisco) và đã bị những nhà làm phim “bóc mẽ” bởi “giá trị của giải thưởng vốn không có gì mà chộn rộn”.
Năm nay, trên trang web chính của San Francisco International New Concept Film Festival, vốn còn có tên hai bộ phim khác của Việt Nam đoạt giải là: “Sắc đẹp ngàn cân” (đạo diễn James Ngô) và “Cánh diều mưa” (đạo diễn Cường Ngô). 90% các phim được giải còn lại là của Trung Quốc. Một chú ý khác, ngay trong phần giới thiệu về LHP có một mục rất quan trọng là Donate (đóng góp) điều vốn không bao giờ xuất hiện tại các giải thưởng điện ảnh uy tín như là Cannes, Venice hay Berlin... “Nói trắng ra, đây là một giải thưởng dùng tiền để đánh giá. Anh đóng góp nhiều, phim được giải cao, và chẳng phim nào tham gia mà về tay trắng. Nó rất giống với những giải thưởng thơ tự phong mà dư luận vừa ồn ào thời gian qua. Cũng tương tự như các giải thưởng “Danh nhân văn hóa” đóng đủ tiền là được cấp chứng nhận như thời gian trước dân tình “mù tiếng Anh” còn sính”. Một nhà làm phim khẳng định.
Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ từng bức xúc vì chuyện thổi phồng giải thưởng đã dịch cả một trang hướng dẫn nhận biết LHP “lừa đảo” để cảnh tỉnh khán giả trong nước. Theo anh Marcus, có 9 dấu hiệu để nhận ra một LHP “lừa” bao gồm: Phim đăng ký lúc nào cũng được, tên LHP luôn gắn với một cái tên rất kêu và có vẻ rất đáng tin như tên thành phố nổi tiếng, tên nước lớn, Thiếu khả năng tìm ra nguồn gốc lịch sử của LHP, Thiếu nhà tài trợ, Phí đăng ký cao, Địa chỉ đăng ký công ty tổ chức LHP không trùng với “địa điểm” trong tên LHP, Quá nhiều giải thưởng, Thiếu thông tin về Ban giám khảo hay cách chấm giải, Phim không được chiếu cho công chúng xem.
Những khán giả giỏi ngoại ngữ có thể xem các phân tích cụ thể hơn theo đường link: filmmaking.net/How-to-spot-a-scam-film.
35 euro được 14 trang phỏng vấn
Một nhà làm phim trẻ cho biết: “Việc thu phí để trao giải thưởng phim - chủ yếu là LHP online đã bị tẩy chay ở các nước phương Tây từ lâu. Gần đây, họ đánh hơi thấy thị trường Việt Nam và Trung Quốc vốn rất sẵn lòng bỏ tiền để đổi lấy danh hão, thế là phim Việt rào rào được giải. Tôi không thù oán gì với anh Lương Đình Dũng nhưng việc anh vống lên hai giải quốc tế Worldfest Houston International Film &Video Festival và Canadian Diversity Film Festival cho phim “Cha cõng con” và truyền thông trong nước bị “dắt mũi” là rất tai hại. Đây thực chất là hai LHP “dỏm”, nó không có giá trị chuyên môn mà chỉ do một nhóm người lập ra với mục đích chính là “làm tiền” các đạo diễn, nhà sản xuất háo danh”.
Nhà sản xuất Alex Lương chia sẻ: “Không phải tất cả những phim được “giải quốc tế” đều do đạo diễn cố tình “làm truyền thông”. Có những người bị lừa thật. Song, trong thời đại thông tin mở như này, việc phân biệt một LHP nghiêm túc và “làm tiền” khá dễ. LHP nghiêm túc luôn đòi hỏi bản chiếu hoàn chỉnh, danh sách ban giám khảo là những nhà làm phim uy tín, phim phải có ra mắt và không bao giờ có “rất nhiều giải thưởng” đến mức chia đều cho tất cả. Ngược lại, nó là LHP “làm tiền”. Chưa kể, nếu bạn “cố đấm” lấy giải “quốc tế” về để làm đẹp hồ sơ, đến lúc bị bóc mẽ thì còn tệ hơn không làm. Trong giới làm phim Việt không ai “ngấm” sự bẽ bàng này hơn T.N.A. Phim do cô sản xuất, có hai cái được giải International New Concept Film Festival. Trước đó, cô còn vận động để được giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất ở Film Festival of Globe (tạm dịch: Liên hoan phim Toàn cầu). Chỉ cần vài thao tác tra cứu, người ta đã tìm ra Film Festival of Globe chỉ là một hoạt động nhỏ của Federation of Indian Associations - Hiệp hội của cộng đồng người Ấn Độ tại Mỹ. Hơn nữa tổ chức này cũng chỉ là một nhóm rất nhỏ của người Ấn tại Mỹ”.
Việc các giải thưởng điện ảnh “quốc tế” được trao dễ dàng hiện nay không chỉ dừng lại ở những LHP online hoặc “fake” (giả, nhái) như lời người trong nghề, nó còn xảy ra ở những LHP có bề dày truyền thống nhưng đã “mất uy tín”. Ví dụ, cách đây hai năm, một bộ phim về LGBT của đạo diễn Việt được mời tham dự LHP Quốc tế Montreal cũng đã làm dư luận phấn khởi hồi lâu. Phấn khởi bởi người ta được giới thiệu rằng đây là LHP lâu đời bậc nhất của Canada, tổ chức lần đầu năm 1977. Tuy nhiên, theo những thông tin mới nhất, thì trong nhiều năm trở lại đây, LHP Quốc tế Montreal không tạo dựng được uy tín, ngày càng lép vế so với Cannes, LHP Venice, Berlin, LHP Quốc tế Thượng Hải, LHP Quốc tế Tokyo... Nhân viên của đơn vị tổ chức đồng loạt nghỉ việc, tố cáo khả năng quản lý kém của lãnh đạo. Chính phủ và các nhà tài trợ đều ngoảnh mặt với LHP Montreal. Trưởng Ban tổ chức LHP phải tìm mọi cách kể cả mời gọi các nhà làm phim ở nước thứ ba tham gia cho “xôm tụ”.
Câu chuyện “giải thưởng quốc tế không như ta tưởng” gần như năm nào cũng lặp lại, có đạo diễn “mắc lừa” ba bốn lần đã khiến cộng đồng các nhà làm phim bức xúc. Có người vạch trần “lỗi cố ý” này bởi những cá nhân này cần các giải thưởng để nâng bậc NSƯT, NSND và tranh các giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
“Không ai còn ảo tưởng giải quốc tế tức là phim mình đã được thế giới công nhận. Chúng ta vẫn đang đứng ngoài rìa, thậm chí ngay cả thị trường trong nước ta còn chưa chiếm lĩnh được, so với điện ảnh Mỹ hoặc Trung. Nhưng khi gắn kết những giải thưởng nọ với các danh hiệu, thế thì nó lại là câu chuyện khác. Ở đây liên quan đến cơ chế trao tặng danh hiệu, và đó thì lại là một câu chuyện dài”, nhà sản xuất Alex Lương cho biết.
Nói về các đạo diễn được giải ở những LHP “quốc tế” “bỏ tiền là có”, đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ thẳng thắn: “Nếu bạn là một nhà làm phim chân chính, bạn hãy cố gắng tránh quả lừa to tổ chảng của các LHP lừa đảo.
Còn nếu bạn cố tình bị lừa, thì xin khuyên bạn là “làm ơn im đi,
được không”?
Các trường hợp lấy các “giải thưởng” chả có tí ý nghĩa nào từ các LHP lừa đảo để làm bàn đạp trở thành nghệ sĩ ưu tú với nghệ sĩ nhân dân thì, xin lỗi, hổ danh là nhà làm phim”.
Việc thu phí để trao giải thưởng phim- chủ yếu là LHP online đã bị tẩy chay ở các nước phương Tây từ lâu. Gần đây, họ đánh hơi thấy thị trường Việt Nam và Trung Quốc vốn rất sẵn lòng bỏ tiền để đổi lấy danh hão, thế là phim Việt rào rào được giải.
ĐẠT NHI/tienphongonline