Bao nhiêu thợ mỏ bị dìm ở Vũng Đục? và phản hồi của Luật sư Nguyễn Văn Quảng
Vũng Đục thuộc vịnh Bái Tử Long (Cẩm Phả - Quảng Ninh), nằm dưới chân núi Bàn Cờ. Ngày nay, nói đến Vũng Đục, nhiều người chỉ biết đây là một khu du lịch; có lẽ ít người biết, năm 1948, thực dân Pháp tàn sát công nhân mỏ vô cùng man rợ: Chúng nhét những thợ mỏ ưu tú vào bao tải, lấy dây thép buộc lại, dùng dao đâm chết rồi đeo đá vào, dìm xuống Vũng Đục!
Chúng tôi cho rằng, đây là di tích lịch sử rất quan trọng. Bởi, đây không chỉ là nơi tố cáo tội ác của thực dân Pháp mà hơn thế, là nơi ghi nhận sự dũng cảm của những công nhân mỏ ưu tú, đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man và chấp nhận cái chết để bảo vệ tổ chức Công đoàn, tổ chức Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng.
Tuy nhiên, các tài liệu chúng tôi sưu tầm được không thống nhất về những người đã anh dũng hi sinh trong vụ thảm sát này. Vậy, số thợ mỏ bị tàn sát ở Vũng đục là bao nhiêu?
Sách “Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Quảng Ninh”, do Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh biên soạn, xuất bản tháng 10.1998, tại trang 174, tập 1, viết: “Từ 18.10.1948 đến tháng 1.1949, ở Cẩm Phả, địch bắt của ta 61 người (trong đó 2 ủy viên ban chấp hành công đoàn và 8 đoàn viên công đoàn). Chúng tra tấn dã man giết chết 52 người, trong đó đem dìm xuống Vũng Đục 30 người (8 phụ nữ)”
Thế nhưng, Báo Quảng Ninh ngày 25.7.1999 lại đăng bài, trong đó nêu rõ: “ Năm 1948, trong cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp, hơn 300 công nhân, những người con ưu tú của vùng mỏ Cẩm Phả đã bị thực dân Pháp bắt bớ, đánh đập, tra tấn dã man. Cuối cùng, chúng đem họ nhốt vào bao tải buộc đá dìm xuống biển tại khu vực cảng Vũng Đục...”
Sách “Lịch sử phong trào công nhân Mỏ - Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (1840 -2011)”, Nxb Lao Động, năm 2011, dày 350 trang nhưng không dòng nào đề cập đến vụ thảm sát trên.
Chúng tôi đã đến Bảo tàng Quảng Ninh, được lãnh đạo Bảo tàng cho người dẫn đi các phòng trưng bày tài liệu, hiện vật, nhưng cũng chỉ thấy treo các bức ảnh liệt sỹ (nữ) hi sinh trong vụ thảm sát này. Chúng tôi đã đến phường Cẩm Đông (Cẩm Phả) gặp em gái Liệt sỹ Phạm Thị Tỵ - người đã hi sinh trong vụ thảm sát nêu trên. Em gái Liệt sỹ Phạm Thị Tỵ nói “Khi chị Tỵ bị bắt, tôi còn nhỏ, chỉ nhớ mang máng chị bị bắt giam ở đồn Tây, sau đó đưa đi thủ tiêu ở Vũng Đục cùng nhiều chị khác”. Trên tường nhà em gái Liệt sỹ Phạm Thị Tỵ gắn Bằng Tổ quốc ghi công. Trong đó ghi, Liệt sỹ Phạm Thị Tỵ hi sinh ngày 23.7.1948, nhưng đến năm 2007 mới được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Như vậy, ngày hi sinh của Liệt sỹ Phạm Thị Tỵ cũng không trùng với ngày xảy ra vụ thảm sát nêu trong các tài liệu lịch sử nêu trên (tài liệu lịch sử ghi: “Từ 18.10.1948 đến tháng 1.1949…”
Nhà thơ Trần Tâm, người sinh ra, lớn lên và làm việc lâu năm ở Mỏ than Đèo Nai, hiện nghỉ hưu tại Cẩm Bình (Cẩm Phả) chia sẻ: “Tôi cũng thường để tâm đến vấn đề này. Theo lời kể lại từ gia đình và một số tư liệu ghi chép được của các cụ trong Hội "Những người kháng chiến chống Pháp ở Cẩm Phả", Vũng Đục không có vụ tàn sát tập thể. Năm 1948-1949, hàng trăm quần chúng cách mạng bị bắt, bị đánh đập tại lô cốt Đồn Tây. Số người chết do bị đánh, do lao khổ và số bị bắt quy là ngoan cố...bị chúng trùm bao tải đưa ra thả xuống dòng nước từ bên ngoài phía cầu Trắng ra đến bến tàu (lúc đó còn là dòng sâu, thuyền cập vào đưa hàng hóa lên chợ Cũ). Nước biển kéo lôi xác họ vào vũng. Vũng ấy, dân thường bắt cá đục nên gọi là Vũng Đục. Số người chết không thể chính xác. Đó là con số ang áng những người bị bắt trừ đi số bị giặc Pháp giải sang Hòn Gai, số người được thả và số người chết mà gia đình họ lấy được xác từ Lô Cốt ra. Có tài liệu ghi 157 người”.
Ông Lê Điệp, công nhân mỏ nghỉ hưu, hiện sống tại Mông Dương, cho hay: “Bố vợ tôi khi còn sống cũng có kể về chuyện này. Cụ nói chúng đã mang đi dìm chết rất nhiều người cùng bị bắt và giam chung với ông ở đồn Tây. Còn một số người chúng giải đi cầm tù ở Hòn Gai và Hoả lò Hà Nội, trong đó có ông cụ nhà tôi”.
Mới đây (ngày 30/4/2018), Báo Quảng Ninh điện tử, đăng bài “Vũng Đục - Tượng đài bất tử” của nhà báo Phạm học, trong đó dẫn một số tư liệu, cho biết: Về sự hy sinh của 8 nữ liệt sĩ được giải thích như sau: “Chiều ngày 18-9-1948, giặc cho gọi tất cả mọi người ra tra xét nhưng không ai chịu khai, chúng bỏ đi và nói sáng mai sẽ thả. Nhưng đêm hôm đó, chúng bỏ 8 nữ chiến sĩ ấy cùng với 3 nam thanh niên khác vào 11 bao tải, lấy dây thép buộc lại, dùng dao đâm chết rồi đeo đá vào chở ra biển. Vào khoảng 12 giờ đêm, chúng bí mật dùng một chiếc thuyền của dân chài đẩy những bao tải ấy ra xa rồi thả xuống biển”. 8 liệt sĩ đã được xác định rõ danh tính là: Nguyễn Thị Tý, Phạm Thị Tỵ, Đoàn Thị Mão, Nguyễn Thị Bích, Trần Thị Thu, Phạm Thị Ngọ, Phạm Thị Xuyến, Trần Thị Nga.
Ảnh các nữ liệt sỹ hi sinh ở Vũng Đục treo tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Phạm học (Báo Quảng Ninh).
Các chị đã hình thành một đường dây liên lạc hoạt động trong toàn thị xã, cùng với các đồng chí khác đã đặt mìn phá nhiều xe của giặc, lấy thuốc tây của chúng chia cho bà con... Hoạt động của các chị bị lộ khi tên Vũ Văn Viễn chỉ điểm cho bọn mật thám bắt tất cả 80 người đem về nhốt tại trại lính gần đó vào ngày 23/7/1948.”
…Rõ ràng, thông tin số thợ mỏ bị dìm ở biển Vũng Đục đến nay chưa thống nhất, chưa đầy đủ. Các cơ quan chức năng cần cần nghiên cứu đánh giá, xếp hạng di tích.
PHẢN HỒI CỦA LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN QUẢNG (Cẩm Phả- Quảng Ninh)
Sau khi đọc bài của “bao nhiêu thợ mỏ bị dìm ở biển Vũng Đục” của tác giả Minh Cao, tôi có đến nhà cụ Phạm Tuyển, nguyên Phó Chánh án Tòa ánh Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Chánh án TAND TX Cẩm Phả, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Quảng Ninh. Cụ là anh trai của nữ Liệt sỹ Phạm Thị Xuyến- một trong 8 nữ liệt sỹ bị giặc Pháp dìm xác xuống biển tại Vũng Đục! Cụ Tuyển sinh năm 1925, nay cũng đã 94 tuổi, già yếu và nặng tai. Cụ là anh cả nên giữ phần thờ cúng Tổ Tiên, gia đình, trong đó có Liệt sỹ Xuyến.
Sau khi thắp nén hương trước bàn thờ gia đình, tôi xin phép được chụp lại di ảnh của Liệt sỹ Phạm Thị Xuyến. Tiếp tôi, cụ Tuyển kể: Liệt sỹ Xuyến sinh năm 1929 là em gái liền sau cụ. Như vậy, lúc hy sinh chị mới 19 tuổi! Sau cuộc đình công của thợ mỏ 1936, tổ chức Đảng và hoạt động cách mạng ở Vùng Mỏ vẫn duy trì vừa bí mật vừa công khai, các hoạt động chủ yếu như bài của tác giả Minh Cao đề cập là tuyên truyền giác ngộ, đặt mìn và phá hoại xe, thiết bị máy móc của giặc, lấy thuốc Tây của chúng chia cho bà con và công nhân chữa bệnh… Ngày đó, kẻ thù thường áp dụng hình thức thủ tiêu các chiến sỹ cộng sản bằng cách cho vào bao tải đập chết rồi đưa ra biển vứt xác; vừa bí mật, vừa đỡ …tốn kém! Bản thân cụ Tuyển cũng là người hoạt động cách mạng ở khu mỏ. Cụ không thể nhớ và xác định được bao nhiêu người bị vứt xác xuống Vũng Đục vì nó diễn ra trongkhoảng thời gian dài, nhưng 8 nữ liệt sỹ bị thủ tiêu trong đêm 18-9-1948 là có thật. Gia đình cũng lấy ngày này là ngày giỗ của chị Xuyến.
Cẩm Phả, ngày 5/11/2018
Luật sư Nguyễn Văn Quảng.