Lá thư gây bão và sự ra đời “Chân dung đối thoại” của Nhà thơ Xuân Sách

Nhà thơ Xuân Sách nổi tiếng với 2 tập truyện “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”; Mặt trời quê hương và tác giả phần lời các ca khúc nổi tiếng “Đường chúng ta đi”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài” (nhạc Huy Du). Đặc biệt, năm 1992, ông nổi bật qua tập thơ “Chân dung nhà văn”. Đó là 99 ký họa nhà văn (cùng một bài tự họa), lột tả thần thái của nhiều trong số tác giả quan trọng nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại và đã gặp phản ứng gay gắt của các nhà văn. Bài viết dưới đây do Nhà báo Xuân Ba rút trong di cảo của Nhà văn Xuân Sách.

Lá đơn gây bão

Đó là đơn kiêm biên bản có chữ ký của 41 nhà văn, đề ngày 12/5/1992 gửi Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa Thông tin; Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Nội dung như sau: “Chúng tôi, những nhà văn ký tên dưới đây xin bày tỏ sự bất bình về cuốn Chân dung nhà văn (dưới đây xin gọi tắt là CDNV - tác giả) của Xuân Sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Những bài thơ gọi là CDNV của Xuân Sách đã lộ rõ tâm địa và dụng ý xấu xa của người viết và sự thiếu trách nhiệm của nhà xuất bản. CDNV không nêu tên người nhưng Xuân Sách đã lấy tên tác phẩm để miêu tả thì chẳng khác gì gọi tên người ta ra. Dưới con mắt của Xuân Sách, CDNV Việt Nam trở nên méo mó dị dạng. Cố nhiên Xuân Sách cũng tỏ ra xu phụ nịnh bợ một số người. Bằng giọng thơ châm chọc giễu cợt, bằng thái độ cao ngạo răn dạy kẻ khác, kích động kẻ khác, Xuân Sách đã mượn cách tả chân dung để: Bôi nhọ phỉ báng thậm chí vu khống đối với nhiều nhà văn kể cả những nhà văn đáng kính đã quá cố; Xuyên tạc lăng mạ đời tư các nhà văn một cách vô trách nhiệm đặc biệt là các nhà văn nữ gây những hậu quả cực kỳ xấu đối với họ. Với vị trí văn học hạn chế của mình, Xuân Sách đã miệt thị tài năng và thành tựu văn học của đồng nghiệp.Qua cách đánh giá thiên lệch của mình, Xuân Sách đã gây không khí bất lợi cho sự đoàn kết nội bộ của Hội.Chúng tôi coi đây là một vết xấu trong sinh hoạt văn hóa của chúng ta, đặc biệt là trong quản lý xuất bản.

Chúng tôi xin kiến nghị:

1. Xem xét lại trách nhiệm của người cấp giấy phép xuất bản của Giám đốc NXB Văn học và các biên tập viên đã cho in cuốn sách;

2. Phải có biện pháp thực sự thu hồi và hủy bỏ cuốn sách;

3. Ban chấp hành HNV xem xét tư cách nhà văn của Xuân Sách và có kỷ luật thích đáng chiểu theo điều lệ của Hội vì đã xúc phạm nhân cách gây mất đoàn kết nội bộ. Kỷ luật cần được thông báo cho toàn thể Hội viên biết.

Ngoài các cơ quan hữu trách, chúng tôi còn gửi bản kiến nghị này đến những nơi cần thiết: Cục xuất bản Bộ VHTTTT; Nhà xuất bản Văn học; Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu; Hội văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu”.

Trong Di cảo của nhà thơ Xuân Sách, tôi thấy ông ghi rằng, trong số 41 người ký tên có 26 nhà văn không có chân dung trong tập thơ.Gay gắt hơn, một nhà văn có hẳn đơn gửi ông Giám đốc NXB Văn học khi đó là nhà thơ Lữ Huy Nguyên.

Văn bản dài, xin trích lược:

…Các anh chắc không thấy rằng xuất bản cuốn sách bẩn thỉu ấy các anh đã vô tình cung cấp cho các phần tử chống Cộng những vũ khí lợi hại chĩa vào Đảng và nhân dân ta. Tất nhiên đội ngũ nhà văn chúng ta phải đón nhận những cú đánh đầu tiên. Vậy thì nó không còn thuộc phạm vi văn học nữa rồi.

Qua công văn xin lỗi của Nhà xuất bản, tôi thấy các anh chưa thấy hết được tội ác của mình, chưa lường hết những hậu quả tai hại mà nó đã và sẽ xảy ra.

Các anh có nhấn mạnh thái độ chính thức của NXB là đã đình chỉ việc phát hành cuốn sách nhơ bẩn đó. Thật quá đơn giản và ngây thơ!

Đây không phải là những sự bông đùa chế giễu vô thưởng vô phạt mà rõ ràng tác giả đã có ý định, có phân biệt có sắp xếp gần giống như một tuyên ngôn chính trị. Đây là một việc làm hoàn toàn có ý thức rất nghiêm chỉnh!

Còn đây là ý kiến Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam:

Ban kiểm tra Hội đã thu thập tài liệu thu thập dư luận. Trưởng và Phó Ban kiểm tra Hội đã hội ý và có ý kiến như sau:

1. Trong văn học, những ý kiến đánh giá sự nghiệp, tác phẩm, tính cách, cuộc đời… của nhà văn đối với nhau là việc làm bình thường, kể cả việc sử dụng các thể loại từ chính luận đến biếm họa.

Nhà văn Xuân Sách, như mọi người, có cái quyền mô tả chân dung nhà văn bằng thể loại do tác giả lựa chọn và những tác phẩm ấy cũng phải chịu sự thử thách của thời gian và bạn đọc.

Tuy nhiên từ xưa đến nay những thể loại bình luận đánh giá dưới hình thức giai thoại, thơ chân dung, chơi chữ, châm biếm thường chỉ được lưu hành dưới hình thức truyền miệng và được sàng lọc dần. Cái gì hay phản ánh đúng bản chất của sự vật thì còn lại. Điều này đã thành tập quán trong lịch sử nước ta. Trên thế giới thì lại khác, ở những nước phát triển, việc biếm họa chân dung từ nhà văn đến chính khách là việc bình thường...

Rõ ràng, tác giả và nhà xuất bản đã rất thiếu thận trọng trong việc cho ấn hành cuốn CDNV.Cái hại do thực tế khách quan việc ấn hành cuốn sách trên đã gây tai tiếng không đáng có cho một số nhà văn, gây nghi ngờ phần nào đối với cả một loạt tác phẩm và thậm chí cả một nền văn học gắn với một thời kỳ lịch sử vẻ vang của dân tộc.Nhưng cũng chưa có căn cứ để kết luận rằng do cuốn sách mà xóa sạch thanh danh nhà văn cũng như thành tích văn học. Những tác giả và tác phẩm một khi đã đứng được trong lịch sử cũng như trong lòng bạn đọc thì dù phê bình có uy lực đến đâu cũng như nghệ thuật châm biếm có cao siêu đến đâu cũng không phủ định được. Huống chi trong tập sách này có hàng loạt bài thơ chưa được thử thách sàng lọc.Qua hỏi chuyện những nhà văn từng tiếp xúc với tác giả và những người chủ trương xuất bản cuốn sách không ai cho rằng có ý đồ cho cuốn sách ra đời trùng hợp với kỷ niệm 35 năm Hội nhà văn. Đây chỉ là việc tình cờ.

Vì những lý do trên, chúng tôi cho rằng cuốn sách không đến mức có tác hại chính trị. Chúng tôi đã xử lý như sau:

BCH Hội có ý kiến với Bộ phê bình sự thiếu thận trọng của nhà xuất bản; có ý kiến phê bình với các Hội viên phụ trách NXB. Việc đồng chí GĐ NXB gửi thư xin lỗi với tất cả các nhà văn là cần thiết.Riêng đối với anh Xuân Sách, BCH Hội gửi một thư phê bình, cho việc in tác phẩm này là có hại, yêu cầu tác giả lắng nghe ý kiến phẫn nộ của một số đồng nghiệp và nên tỏ thái độ đúng đắn với họ.Đề nghị các hội viên không nên đưa việc này ra thảo luận công khai thu hút sự chú ý của quần chúng có hại nhiều hơn có lợi.

Trưởng ban kiểm tra Xuân Cang

“Chân dung nhà văn” được in ra như thế nào?

Các chân dung lần lượt xuống chiếu với nhiều cung bậc khác nhau. Có bài đùa một tí, có bài đùa dai, có bài xót xa đồng cảm, có bài nghẹn ngào uất ức, có bài mỗi lời là một vận vào khó nghe. Ra bài nào truyền tay bài đấy, truyền khẩu ở mọi nơi mọi lúc, ở giờ nghỉ các cuộc họp, ở quán nước vỉa hè, ở cửa hàng bia hơi bánh tôm Hồ Tây, ở quán thịt chó Hàng Lược… Và tất nhiên cũng được đặt lên bàn các cuộc họp của Ban Thường vụ Hội Nhà văn, cuộc họp Ban Tuyên huấn Trung ương và các cơ quan chức năng về văn hóa, văn nghệ, cơ quan bảo vệ văn hóa văn nghệ. Tôi cứ ngu ngơ như kẻ điếc không sợ súng, hay nói như nhà phê bình Vương Trí Nhàn: “ông Sách bị quỷ ám”. Cũng có lúc bị bầm dập, tôi thấy cô đơn trơ trọi, cũng có lúc ngộ ra cái khoái cảm tuyệt vời trong sự sáng tạo văn chương, tôi lặng lẽ đi tới. Biết đâu, Dại chốn văn chương ấy dại khôn! Ba mươi năm sàng lọc được trăm bài, chín mươi chín bài xưng tụng các anh các chị đồng nghiệp, bài thứ một trăm tự vẽ mặt mình!

Nhưng làm thế nào để in ra thành sách? Nhiều người góp ý cho tôi. Anh Phùng Quán nói: Thơ ông tuy truyền miệng truyền tay cũng coi như một sàng trong xó bếp, in ra mới được coi là một miếng giữa làng. Có người khuyên không nên in ra mà để lưu truyền như một thứ văn học dân gian, có khi tạo nên một dòng thơ chân dung như dòng thơ Bút Tre vậy, tạo việc làm cho các nhà sưu tầm khảo cứu hậu thế. Có người cảnh báo, từ truyền khẩu mà in ra giấy trắng mực đen của loại thơ độc hại này là một khoảng cách chết người. Trăm năm bia đá, nghìn năm bia miệng, đâu phải chuyện chơi!

Còn tôi nghĩ rằng in được tập thơ Chân dung là việc cực khó. Phải thông qua một nhà xuất bản và các tổng biên tập đã có nhiều bài học chua cay trong việc này (…).

Làm sao mà tìm được một ông giám đốc xuất bản dám chịu trách nhiệm với mình. Có một nhà văn làm giám đốc một nhà xuất bản ở địa phương đã đến tuổi hưu, ông đang làm thủ tục. Có người bạn quen đem tác phẩm đến, ông giám đốc biết là tác phẩm hay nhưng cũng có vấn đề nên còn e ngại. Ông bạn xúi ông làm sao sách in xong đúng vào lúc ông xách gói về vườn là yên chuyện. Giám đốc xuôi lòng, tác giả vui mừng về nhà chờ đợi, rồi một bức thư gởi tới: “Ông, sách của ông tôi đã làm xong thủ tục chỉ còn đem xuống nhà in thì anh em trong cơ quan họp lại nói với tôi, thủ trưởng sắp về hưu còn niêu cơm để lại cho anh em chẳng lẽ lại bị đập vỡ. Ông thông cảm nhé, là người nhà cả mà. Tôi vẫn giữ bản thảo, nếu ông cần tôi sẽ gửi trả”.

Mấy anh em văn nghệ ở Vũng Tàu thường hỏi tôi: “Anh vẫn định in tập Chân dung chứ? Liệu bao giờ thì in được?”. Một lần tôi buột miệng: “Năm 92 in được. Tôi nói vậy bởi thường nhẩm tính, năm 30 tuổi bắt đầu viết, năm 60 tuổi in ra, vừa lúc về hưu là đẹp. Vậy mà sau này khi sách in ra, có nhà văn lên án tôi là “cố ý in sách đúng vào năm kỷ niệm Hội Nhà văn 35 tuổi, là có dụng ý xấu”. (…).

Cuối năm 1991, anh Hoàng Lại Giang, nhà văn, Trưởng chi nhánh Nhà xuất bản Văn học ở Sài Gòn xuống Vũng Tàu.

- Tôi xuống là để bàn với ông về việc in thơ Chân dung, ông đồng ý không? - Ông Hoàng vừa nói vừa cười.

- Đừng đùa làm tôi tổn thọ!

- Không chỉ ý riêng tôi mà đã được Giám đốc tôi đồng tình. Chuyện không dễ nhưng ông thử tính xem, bây giờ là thời điểm sau Đổi Mới, văn nghệ được “cởi trói”…

Việc đầu tiên là tôi nộp bản thảo để gửi ra Hà Nội duyệt. Chợt lóe lên một ý nghĩ, tôi nói: “Gửi ra Hà Nội, dù ông giám đốc Lữ Huy Nguyên ngồi trong phòng riêng đóng kín cửa mà đọc cũng không ổn, ông ấy sẽ cảm thấy những ánh mắt xuyên tường nhìn vào khiếp lắm. Hay là chúng ta mời ông ấy vào trong này coi như một chuyến đi nghỉ mát Vũng Tàu, rồi chúng ta làm việc. Ông ấy gật đầu là xong”.

Hoàng Lại Giang đồng ý tức thì. Hôm sau, Giang gọi điện thoại với giọng hồ hởi: Lữ Huy Nguyên đồng ý và sẽ thu xếp vào sớm.

Những năm ở Hà Nội, tôi có quen biết anh Lữ Huy Nguyên. Anh tính lành, làm việc cẩn trọng và chu  đáo. NXB Văn học do anh làm giám đốc có uy tín lớn. Ra được nhiều sách không chỉ đúng mà hay, có nhiều phát hiện đổi mới. Nhà văn cỡ tầm tầm như tôi mà có sách được in ở Văn học là hãnh diện lắm. Trong những lần gặp anh Nguyên chuyện trò, chưa bao giờ tôi đả động đến Chân dung. Nhưng tôi biết anh không thờ ơ với những bài “tai tiếng” ấy và anh lại càng biết, nếu in nó ra thì sẽ thế nào. Tôi còn biết cấp trên rất chú ý đến tài đức của anh và việc cất nhắc anh lên bậc cao hơn là chuyện có thực và rất gần.

Khoảng một tuần sau, anh Nguyên và anh Giang có mặt ở nhà tôi. Sau một buổi chiều cùng nhau đi dạo loanh quanh thành phố, buổi tối chúng tôi làm việc. Tôi mời Lữ Huy Nguyên ra bãi biển. Ngồi trên chiếc ghế đá, dưới ngọn đèn sáng, chúng tôi thông qua từng bài thơ một và trao đổi một số ý kiến ban đầu. Trong khung cảnh trời cao biển rộng, chúng tôi chẳng e ngại điều gì, bộc lộ hết ý nghĩ, thỉnh thoảng còn xen vào những chuyện đời, chuyện người, và không thiếu những tràng cười thú vị. Đến khuya, chúng tôi mới quay về. Sáng hôm sau, thêm anh Hoàng Lại Giang bàn bạc, có thể tóm tắt như sau. Anh Nguyên đề nghị bỏ hai bài.

Ngoài ra, còn sửa hai chữ ở hai bài khác. Tôi chấp nhận dù hơi tiếc, và “điều” luôn hai bài khác ngồi ghế dự bị vào sân cỏ. Anh Lữ Huy Nguyên nói với tôi bằng giọng nghiêm túc và nhã nhặn vốn có:

- Tôi đề nghị anh cho nhà xuất bản chúng tôi được ấn hành tập thơ này. Tôi muốn hỏi anh vài chuyện bên lề có được không?

- Vâng, mời anh.

- Nghe nói có người nước ngoài tới mua bản thảo tập thơ?

- Có hai người, một từ Nhật đến gặp tôi, một người Mỹ qua trung gian.

- Họ đặt số tiền ứng trước khá lớn?

- Với ta thì thật lớn. Tôi tính ra một nhà văn xứ ta viết được quyển tiểu thuyết nghìn trang, với chất lượng xứng tầm thời đại thì nằm mơ cũng không nghĩ đến số tiền nhuận bút như vậy. Người Nhật còn hứa với tôi xin phép Nhà nước Việt Nam để xuất bản hợp pháp.

- Và anh từ chối?

- Đơn giản là vì tôi tâm niệm phải xuất bản trong nước.

Chúng tôi ôm nhau chia tay.

Hai hôm sau, Hoàng Lại Giang trở lại, đem theo bản thảo, một xấp giấy can và mấy cây bút kim:

- Cái khó nó ló cái khôn, tôi nghĩ ta đưa vào nhà in để họ xếp chữ là không ổn. Vì vậy, tôi đem giấy bút đặc biệt xuống để ông viết tay các bài thơ, viết bằng chữ thường, chữ mẫu mà hồi bé chúng ta phải tập ấy. Khi đưa vào nhà in cứ thế họ cho vào máy chạy. Cùng lắm hai ngày là gọn ba nghìn cuốn theo số lượng mà nhà xuất bản đăng ký.

Tôi bắt tay ngay vào việc. Tôi nắn nót viết cái thứ chữ tập viết hồi xưa ở trường làng với ông hương sư mặc áo dài the đen đứng lớp cầm tay thước gõ vào ngón tay học trò. Gọn một ngày tôi viết xong, Hoàng Lại Giang ưng ý đem về Sài Gòn và êm đẹp làm sao, sau một tuần tôi nhận được điện đi lấy sách.

Xe dừng trước nhà xuất bản gần chùa Vĩnh Nghiêm. Tôi không  xuống  vội, qua cửa kính, tôi nhìn vào trong sân thấy đông người, trong đó có nhiều nhà văn mà tôi quen. Họ đến mua sách của tôi, người cầm vài ba cuốn, có người ôm nách hàng chồng. Có chuyện gì vậy, chẳng lẽ tác phẩm của tôi được chào đón đến vậy ư? Hoặc là cái của này không nhanh tay mà bị cấm thì hết mua? Tôi có một tâm trạng, một động thái kỳ cục, nhờ một người đi cùng vào nhận sách bản quyền và mua thêm đem ra rồi quay đầu xe dông thẳng về Vũng Tàu.

Trên xe, tôi nâng niu cuốn sách vừa vặn bàn tay, giống loại sách bỏ túi. 99 nhà văn và tôi nằm mỗi người một trang, chật chội một chút nhưng không ai chen lấn ai, nhòm ngó ai. Bìa cũng khá đơn giản, trên nền hoa văn li ti màu xám nhạt điểm một bông hoa màu đỏ. Tôi giở nhanh từng trang -  chưa cần đọc lại vì in đúng như bản tôi viết tay nên không sợ mắc lỗi đến cuối sách thì hiện ra sự cố. Một tờ in rời dán vào, đó là “Lời cuối sách” của Nhà xuất bản mà tôi chưa được biết. Một lần nữa tôi lại thông cảm với Lữ Huy Nguyên. Anh đã kịp thời dùng chiến thuật lập lá chắn phòng ngự trong bóng đá. Còn có cách nào khác khi đối phương có một hàng tiền đạo đông đảo và hăng hái tranh nhau bắn phá khung thành đối phương không thương xót, cố mà phòng thủ kéo dài được thời gian không bị thủng lưới chừng nào hay chừng ấy để có thể đưa sách ra thị trường.

Xuân Ba- Theo di cảo của Nhà văn Xuân Sách. Bài in ở TÁC PHẨM MỚI số 19