Từ ...."cái đêm hôm...hôm ấy"-Kí sự của Thái Hà

"Cái đêm hôm ấy... đêm gì" là tiêu đề bút kí nổi tiếng của cố Nhà văn Phùng Gia Lộc, đăng trên báo Văn nghệ cách đây vừa tròn 30 năm. Lấy bối cảnh làng Láng (Phú Yên, Thọ Xuân, Thanh Hóa - quê hương tác giả), tác phẩm kể về thực trạng nông thôn và cuộc sống đói khổ của người nông dân những năm trước Đổi mới. Từ “cái đêm hôm ấy…”, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có những bước phát triển thần kì.

Vị khách không mời của vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc

Năm ấy, nhà thơ Bế Kiến Quốc - Đỗ Bạch Mai đang ở nhờ một căn buồng của Báo Văn Nghệ, 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội. Một hôm, có vị khách đường đột đến tìm. Đó là ông Phùng Gia Lộc, người mà trước đó 7 năm, vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc làm quen trong chuyến công tác ở Thanh Hóa; khi đó, ông Phùng Gia Lộc là cán bộ văn hóa của huyện Thọ Xuân. Gặp lại vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc- Đỗ Bạch Mai, ông Lộc kể về nạn “cường hào mới” ở quê ông cảm động đến ứa nước mắt. Được sự động viên của vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc và một số bạn bè văn chương, ông Lộc đã viết luôn 2 bài ký “ Cái đêm hôm ấy… đêm gì? Và “ Sau cái đêm hôm ấy …đêm gì”. Sau khi được Nhà thơ  Bế Kiến Quốc biên tập, cả 2 bài đều đăng trên Văn Nghệ, làm xôn xao dư luận cả nước. Nhà văn Trần Huy Quang chia sẻ trên báo: “Chấn động của bút kí ấy còn đến hôm nay là chuyện không còn phải bàn, nhưng cái bút kí ấy gây ra một hậu quả không ai ngờ. Tác giả của nó, anh Phùng Gia Lộc phải trốn chạy khỏi quê nhà, anh ra Hà Nội tá túc nơi bạn bè người ít bữa, nhất là vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc đã cưu mang anh mấy tháng trời, cho đến khi mọi việc được dàn xếp. Cái hệ quả thứ hai là phản ứng của ông Đặng Bửu bằng một bức thư in ở trang bạn đọc nhưng nó đã gây nên một đợt phong ba của những người phản ứng lại phản ứng của ông Đặng Bửu. Hàng tuần tòa soạn nhận được hàng ngàn thư phê phán ông Đặng Bửu bảo thủ, không dám nhìn thẳng vào thực tại của đời sống nông dân hiện nay. Lúc đầu tòa soạn trích đăng những thư ấy, sau nhiều quá và thấy không cần thiết nên chỉ nêu tên và cảm ơn.”

Với vấn đề nông dân, nông thôn, chỉ với “Cái đêm hôm ấy… đêm gì”, chúng ta đã đi thẳng vào cái mấu chốt của nông thôn, cái tình thế cực kì cấp bách: nếu không đổi mới thì nông dân không lâu nữa sẽ trở lại thời chị Dậu của Tắt đèn...

Ba mươi năm đã trôi qua, nhà văn Phùng Gia Lộc thì đã thành người thiên cổ, vợ con ông hiện sống trong no đủ và bình yên như bao người khác và mãi tự hào về ông. Nhưng cũng như bạn đọc hôm nay, chắc chắn họ không khỏi rùng mình khi nhớ về cái “đêm trước…” hãi hùng ấy…

Tam nông 4.0?

Đó là câu chuyện ba mươi năm về trước, của thế kỷ trước. Đối lập với mô hình kinh tế nông nghiệp tập thể của thời “Đêm trước” là sự phát triển nông nghiệp với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao bằng đa dạng các mô hình kinh tế trong sự tự chủ thực sự của người nông dân. Tự chủ đã giải phóng triệt để mọi tiềm năng sáng tạo để lao động nông nghiệp bước vào nền Nông nghiệp 4.0.

Khác với nông nghiệp công nghệ cao là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp 4.0 chính là sự thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Nông nghiệp 4.0 được hiểu là quá trình canh tác trong sự năng động và hiệu quả, trong mọi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, cả về nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất hiện đại trong sự bền và an toàn. Ở khía cạnh trồng trọt, hiểu một cách đơn giản là thực hiện những kỹ thuật như làm đất, gieo trồng, luân canh, chăm sóc, thu hoạch, với năng suất cao hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn, dựa vào tiến bộ công nghệ kỹ thuật số.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại nhiều nơi không hiếm gặp những mô hình nông dân ứng dụng thiết bị cảm biến, số hóa các yếu tố trong sản xuất như nước, phân, hóa chất, độ ẩm, ánh sáng…được kết nối Intenet với các thiết bị máy tính, điện thoại. Họ có thể “sản xuất” và kiểm tra giám sát tất cả các khâu sản xuất dù đang ở bất cứ đâu, kể cả ở nước ngoài. Không lạ lẫm nữa với những câu chuyện anh “hai lúa” chế tạo máy bay, tàu ngầm…mà chúng tôi đã mục sở thị những cỗ máy nông nghiệp đa năng nhỏ xíu nhưng khả năng làm việc rất cao, được xuất xưởng ở một cơ sở sản xuất “khiêm tốn” vùng ven Hà Nội; những cách làm ăn mới, những giống cây, con quý đang được bảo tồn và nhân rộng ở nhiều trang trại ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng…Tất cả minh chứng cho một sự đổi thay kỳ diệu, như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhận định phát triển nông nghiệp 4.0 - nông nghiệp thông minh đang và sẽ là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập…

Đôi điều nông cạn nhân nhớ lại “Cái đêm hôm ấy…đêm gì?” và hy vọng ở một nơi nào đó trên thiên cảnh, nhà văn, nhà báo Phùng Gia Lộc hãy mỉm cười vì có một thời khắc, ông và những người cầm bút đã đốt lên một tia lửa nhỏ cho một đám cháy lớn - niềm tin đổi thay cho nhà nông và làng quê Việt./.

(Bài đăng TPM số 19- Ảnh trang chính: Nhà văn Phùng Gia Lộc cùng vợ, con thời bao cấp)