Nhà thơ Trần Gia Thái có đạo thơ hay không?

Dư luận đang ồn ào chuyện có hay không việc nhà thơ Trần Gia Thái (TGT) đạo bài thơ "Trong cơ thể mỗi con người bình thường" của nhà thơ Nga A.A.Voznesensky. Trên trang FB cá nhân mình, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh đăng nguyên văn 2 bài thơ của TGT và của Voznesensky để khẳng định, không có chuyện nhà thơ TGT đạo thơ của nhà thơ Voznesensky! Bài viết ngắn của Nguyễn Thúy Quỳnh được hàng trăm ý kiến chia sẻ của bạn đọc.

TỶ LỆ
(Trần Gia Thái)

Nhà khoa học nói
Trong con người chín mươi phần trăm là nước
Bã thải nằm trong mười phần trăm còn lại
Không đáng ngại

Nhà thơ nói
Trong con người chín mươi phần trăm là tình yêu
Phần còn lại mười phần trăm là thù hận
Không đáng lo

Chính trị gia nói
Nhà cầm quyền được chín mươi phần trăm dân chúng ủng hộ
Tuyệt vời
Mười phần trăm im lặng hoặc chống đối là chuyện nhỏ
Yên chí đi

Chín mươi phần trăm quá tốt
Chín mưới phần trăm áp đảo
Cử toạ vỗ tay hơn pháo ran

Ngoài công viên
Các bức tượng đồng thanh hô vang
Cái xấu
Cái ác
Một phần trăm cũng quá thừa
Hãy nhìn chúng tôi đây!

Trông ra
Tất cả giật mình
Trên đầu trên vai các vĩ nhân
Phân chim phủ trắng.
(Luân Đôn 28-4-2017).

 

 

TRONG CƠ THỂ MỖI CON NGƯỜI BÌNH THƯỜNG 
(Andrey Andreyevich Voznesensky)

 

 

Trong cơ thể mỗi con người bình thường
Đến 90% là nước

Còn trong cơ thể Paganini
Đến 90% là tình yêu

Dẫu ta bị đám đông người dẫm đạp
Thì cũng chỉ là ngoại lệ mà thôi!

Đến 90% những gì là bản chất
Là lòng tốt, lòng bao dung giữa tất thảy con người

Nếu lời hát có nghèo nàn đơn điệu
Thì 90% chất nhạc vẫn còn

Cũng như trong người anh, dù có phần bã thải
Thì 90% dành cho em vẫn vẹn nguyên tinh khiết tâm hồn!

(Andrey Andreyevich Voznesensky (1933–2010) là tác giả lời ca của bài hát nổi tiếng “Triệu đoá hoa hồng”. Bài thơ “Trong cơ thể mỗi con người bình thường” được in ở tập “Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX”- NXB Văn Học 2005, do Bằng Việt dịch).

Ý KIẾN CỦA BẠN ĐỌC

Thọ Nguyễn Kiến: Bài này không thể nói là đạo
Cũng không thể nói là TGT không biết/ không đọc bài kia
Nhưng mà TGT có sáng tạo và quan trọng là dấu ấn nghệ thuật ở cách triết lí, và đọc kĩ, hình như bài của TGT thâm thuý và hay hơn,

Nguyễn Trọng: Tôi đồng ý với anh Thọ Nguyễn Kiến. Tôi cũng chắc TGT phải biết bài thơ kia và đối thoại lại bằng một bài thơ theo tôi là hay hơn

Giang Duong Lời thì có khác. Nhưng ý thì có trùng.

 

Trần Kế Hoàn Hai bài đều khai thác một cái tứ chung. Còn chủ đề thì khác.

Trần Kế Hoàn: Hai tác giả đều mượn cái cấu tạo vật lý tự nhiên của vật chất: xác thịt của con người để nói ra một một giá trị khác về tinh thần

Trương Thiếu Huyền: Người ta ai cũng có thể nói 3/4 cơ thể là nước, 70%, 90% là nước, nhưng cơ thể có "90% là tình yêu" thì nhà thơ Nga kia nói trước TGT rồi và đây là tinh túy của tứ thơ. 
Cả hai bài thơ đều tạo và triển khai từ không gian thơ "90% là tình yêu" ấy. 
Chưa thấy ai nói đạo cả, chỉ thấy nói nghi đạo thôi. Người ta đã sáng tạo rồi, người đàng hoàng dùng lại thì phải dẫn nguồn/ chú thích chứ.

Quoc Hiep Vi hắc chắn là Đạo rồi..

Đừng Bênh nhau các Nhà thơ ơi..

Xấu hổ thế..

CS bao thứ , Nghề nghiệp các vị giỏi..

Mà Ngay Câu đầu đã lộ:" 90% là Nước??"

( "Trời đã Sinh Du , sao còn Sinh Lượng-- Trog Tam Quốc?)..: Bài nhà thơ Xo viết có trước.., lại trong Tuyển tập , Ai thích Thơ chả đọc ..

Sao TGT..ko tránh đi tìm tứ khác.

-- Các câu sau ko hẳn đạo từng chữ..Mà là " Chế biến " Giỏi..Thế thôi??

... Nên xét..thu lại.

Cám ơn T.Q cho đọc 2 bài thơ cạnh nhau..Rộng đường dư luận?

Vũ Thúy Hồng Có chút ảnh hưởng và phát triển tứ. Nhưng kết luận là đạo thật khó.

Hoàng Đăng Khoa Rõ ràng, bài này được bài kia gợi ý/tứ/hứng (90% là nước, 90% là tình yêu, bã thải), nhưng quy kết bài này đạo bài kia thì hơi oan.

Đào Nguyên Phương Bây giờ đầy người đạo ý tưởng của nhau ông ơi, chỉ là các đồng chí chưa bị lộ thôi

Hoàng Đăng Khoa Đào Nguyên Phương: Tôi nghĩ trong trường hợp này là TGT được bài thơ kia gợi ý tưởng, chứ không phải là TGT đạo ý tưởng của bài thơ kia.

Đào Nguyên PhươngHoàng Đăng Khoa: Tôi công nhận về điều này nhưng có lẽ tác giả cũng nên nói rõ, như thế sẽ hay hơn và sẽ không có sự sóng gió trên văn đàn như vừa rồi.

Hiệu Constant Hôm trước trên truyền hình Pháp cũng có cuộc tranh luận về vấn đề này. Các nhà chuyên môn cho rằng:
Với thơ, nếu có đến từ 70% câu chữ y chang là ĐẠO
Với tiểu thuyết, nếu có nhiều trang liền nhau giống y chang từng câu từng chữ là ĐẠO
Còn nếu chỉ thấy giống nhau về ý thì cần xem xét trước khi phát ngôn: bởi chưa chắc đã phải là ĐẠO

Hoàng Đăng Khoa Suy ra, với thơ, có đến 69% câu chữ y chang thì chưa/không phải là đạo. Suy ra nữa, tưởng các nhà chuyên môn Pháp thế nào.

Hiệu Constant Hoàng Đăng Khoa Họ chẳng thế nào cả, họ nói suy nghĩ của họ thôi...

Hiệu Constant Hoàng Đăng Khoa Và trong vấn đề này, mình thấy họ (các nhà chuyên môn Pháp) có tầm nhìn xa...

Nguyễn Xuân Dương

Nếu thế này minh cứ lấy nửa bài thơ của người khác rồi thêm một nửa của mình thế là có bài thơ không đạo rồi. Trong thi ca không thể như thế. Có những từ đã được coi là sáng tạo duy nhất của nhà thơ nên không ai dám xâm phạm như HOA BẮP LAY chỉ là của HMT từ xưa không ai dám dùng. Bài thơ TIẾNG THU của Lưu Trọng Lư ra đời dù hậu thé đã có thêm hàng ngàn bài thơ viết về mùa thu nhưng không ai dám lấy tên tiếng thu đặt tên cho thơ mình . Rõ ràng bài thơ cuả tác giả người Nga đã có những câu rất riêng là sáng tạo của ông ấy không ai có quyền xâm phạm mà không xin phép. Phải thế không bạn Hiệu Constant ?

Nguyễn Xuân Dương Tôi đồng ý với nhà thơ nhà báo Trương Thiếu Huyền. Rõ ràng bài sau đã có những ý tứ câu chữ do bài trước gợi ý .Nói khác đi bài thơ trước đã gợi cảm xúc để TGT sáng tác ra bài thơ của mình. Tôi nghĩ nên có ghi chú

Tuyen Hoang Xuân Nhớ câu thơ gọn mà hay:
Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung.
(Ký XD nhưng có nhà thơ bảo: HC đấy). TQ ạ

Hoàng Đăng Khoa Hai câu thơ này mặc dầu cũng được gợi ý/hứng từ lời của nhà Phật (đời là bể khổ, nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển), tuy nhiên em vẫn cho rằng hai câu này là tuyệt bút, anh ạ!

Tuyen Hoang Xuân Ừ. Viết được gọn và gợi thế là không dễ tí nào. Tôi nghĩ thế.

Tuyen Hoang Xuân Bác nào có tg đọc thử xem anh TGT còn bài nào viết theo lối viết bài này không. Nếu lối viết này được anh ấy duy trì đủ lâu, thì vấn đề có thể sẽ khác chăng?

Chu Văn Sơn Bài của Voznhesensky vốn rất nổi tiếng và ra đời trước rất nhiều. TGT đương nhiên là dựa vào và vay mượn Voznhesensky. 
1. Khó tính có bảo đạo (ít) cũng không oan. Nhưng nếu coi là đạo (nhiều) cũng không phải. Song, chắc chắn là TGT không có cái sòng phẳng của một người viết thật chuyên nghiệp. Sòng phẳng chuyên nghiệp thì ít nhất cũng phải có động thái nào đó trong văn bản chứng tỏ mình là kẻ đàn em, hậu sinh được thụ hưởng cảm hứng sáng tạo của bậc đàn anh, bậc thầy chứ. Ví dụ : “biến tấu từ Voznhesensky...”, hay lấy một câu đắt của Voznhesensky làm đề từ, hay dùng một đoạn lời của Voznhesensky (trong ngoặc kép) trong văn bản của mình v.v... Việc này cho thấy TGT vẫn chỉ tầm nghiệp dư.
2. Cho bài của TGT hay hơn thì buồn cười quá. TGT chỉ đưa thêm cái biện luận của anh chàng làm báo vào, khiến cho ý tứ đâm rối cờ lên, sao bảo hay hơn được !

Thuan Anh Ý kiến của Chu Văn Sơn rất thuyết phục. Nên tóm lại theo ý này. Và các nhà thơ nên hết sức lưu tâm khi sáng tác thơ dựa theo tác phẩm của người khác. Phải tiêu hóa thật kỹ rồi sáng tạo lại. Hoặc nên có.ghi chú cho đàng hoàng, chuyên nghiệp...

Nguyễn Xuân Dương Vâng phải ghi chú cho thật đàng hoàng chuyên nghiệp nhưng có những nhà thơ gọi là đàng hoàng chuyên nghiệp lại không ghi chú cho đàng hoàng chuyên nghiệp. Tôi rất đồng thuận với cmt của anh Chu Văn Sơn

Quoc Hiep Vi Mình rất ủng hộ ý kiến GS CHUVAN8 SƠN.
Nhà thơ Ch nghiệp thiếu gì ..tứ+ Chất liệu CS mà phải ": Dựa" rõ ràng +Chế biến = Của mình.??
Cứ bài này hay bất cứ Bài Hay nào : Ai cũng Chế biến + Dựa thành 1 bài ..na ná thì còn gì là sáng tạo nữa...
Xin góp 1 chút ý vậy

Lam Nguyen Hoang Thông điệp ko trùng nhau

Trần Tuấn Khi cảm hứng trên nền tác phẩm người khác, thì dưới bài thơ nên nhắc đến người ta

Mai Thanh Sơn Không ghi chú, không có lời phi lộ, thì không thể nói là không đạo.

Bùi Công Tự Theo mình TGT chỉ mượn một ít chất liệu của nhà thơ Nga để chấp but .thành bài thơ chữ quốc ngữ VN

Vuduc Tan Có bài của nhà thơ lớn Xô Viết thì mới có bài của nhà thơ Việt Nam. Rõ ràng là đã đọc thơ Nga rồi mới sáng tác bài sau.Phần đọc này cũng qua bản dịch chứ không qua nguyên tác, biểu hiện ở chỗ dùng những từ của bản dịch.Có thể nói đây là bài thơ thứ hai sau khi đọcbài thơ của tác giả nổi tiếng kia. Cúng là lấy ý của người khác nhưng như Xuân Diệu thì lấy ý của những người rất xoàng và chế thành tuyệt tác của mình. Còn lấy ý của nhà thơ lớn thì dễ bị xăm soi.

Nguyễn Thanh Tuấn Em đọc 2 bài thơ trên không thấy giống nhau chỗ nào cả... chỉ 1 - 2 từ giống nhau, nhưng ko liên quan đến nhau, ko có gì ràng buột giữa 2 bài thơ của 2 tác giả.

Nguyễn Xuân Dương Tôi hoàn toàn đồng thuận với ý kiến của bạn Vuduc Tan Không có bài kia chắc không có bài này. Ý kiến của nhà văn Chu Văn sơn đã quá rõ ràng và đầy đủ