Giao lưu văn học và giới thiệu tập thơ đầu tiên của Việt Nam dịch sang Đài ngữ
Nhiều năm gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã mở rộng giao lưu với các nền văn học ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt là thành công của các cuộc Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương, tổ chức trong khuôn khổ các Ngày thơ Việt Nam, 3 năm một lần.
Ngày 13.8. 2018 vừa qua, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội, đã diễn ra cuộc giao lưu thơ văn Việt Nam – Đài Loan giữa các nhà văn VN và đoàn học giả và tác gia văn học tiếng Đài gồm các thành viên của: Hội Nhà văn Đài Loan, Hiệp hội Văn hóa Việt Đài, Hiệp hội Chữ Latinh Đài Loan, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (Đại học Quốc gia Đài Loan), đến thăm và làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam. Chương trình do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và GS – nhà thơ Tưởng Vi Văn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học, Tổng Thư kí Hội Nhà Văn Đài Loan chủ trì. Đông đảo các nhà thơ nhà văn, nhà báo, các bạn yêu thơ ở Hà Nội đã đến dự.
Chương trình gồm 3 nội dung. Một là giới thiệu tập sách “Truyện các anh hùng Đài Loan: Quyết chiến Siraya”. Đây vốn là cuốn kịch bản vở rối cạn Pồ-tề-hì, một loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian của Đài Loan, được viết bằng tiếng Đài Loan. Cuốn sách đã được dịch giả Lù Việt Hùng chuyển ngữ sang tiếng Việt, Nhà xuất bản Thế Giới của Việt Nam xuất bản. Đây là lần đầu tiên, một tác phẩm văn học Đài ngữ được dịch sang tiếng Việt và sau đó là biểu diễn trích đoạn những cảnh đặc sắc do đoàn Nghệ thuật Đài Loan thực hiện.
Chương trình thứ hai là giới thiệu tập sách “Đi ngang thế gian - Tuyển tập thơ Trần Nhuận Minh ( TNM) ”. Tuyển tập thơ này đã được chuẩn bị trong hơn 3 năm, trước đó, năm 2014, đã được dịch 163 bài xuất bản bằng tiếng Hoa ở Bắc Kinh. Đây là tập thơ đầu tiên của nền văn học Việt Nam được giới thiệu tới bạn đọc Đài Loan, do GSTS – nhà thơ Tưởng Vi Văn và nhà thơ Thái Thị Thanh Thủy dịch, Nhà xuẩt bản Truyền thông Quốc tế Asian, của Đài Loan, xuất bản tại Đài Bắc bằng 3 thứ tiếng, Việt ngữ, Hoa ngữ và Đài ngữ. Trong phần phát biểu giành cho tác giả, nhà thơ TNM tâm sự: “ Từ ngày VN bước vào công cuộc đổi mới, sáng tác của tôi dường như chỉ tập trung vào một hướng, là viết về số phận của nhân dân và nỗi bất hạnh của con người…trong ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn, mà các nhà phê bình gọi là thơ thế sự, vốn có truyền thống lâu đời trong văn học VN, văn học phương Đông và văn học thế giới. Bởi chưa bao giờ nhân dân VN và nhân dân nhiều nước trên thế giới, chịu đựng và vượt qua những thử thách có thể nói là kinh hoàng, tính từ chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến nay, những thử thách đó, đã va đập không thương tiếc vào biết bao số phận người, khiến những ngòi bút có lương tri buộc phải lên tiếng”. Ông nói, mình đã có 24 tập thơ, thơ ông được tái bản nhiều lần, có tập như Nhà thơ và hoa cỏ tái bản đến 22 lần. Ông cho biết thêm : “Viết về số phận của nhân dân và nỗi bất hạnh của con người, là viết về hiện thực tốt đẹp của đất nước và hạnh phúc của con người, nhưng được nhìn từ góc độ khác, đôi khi nhìn từ góc khuất, và hình như như thế, vấn đề được đề cập, sẽ trở nên sâu sắc hơn… để làm nổi bật lên hơn vẻ đẹp chính diện của nó, như mọi cố gắng của phía chìm của tấm huân chương, để làm nổi bật lên phía nổi của tấm huân chương mà thôi.”
Phát biểu trước đông đảo các đại biểu Việt Nam và Đài Loan, GS Tưởng Vi Văn nói rằng: “ Tôi nhận được tập thơ này tại Liên hoan thơ Châu Á- Thái Bình Dương đầu năm 2015, đã đọc hết trong khách sạn ở Hà Nội và khi còn ngồi trên máy bay về Đài Loan, tôi đã quyết định là sẽ tổ chức dịch và xuất bản tập thơ này ở Đài Loan. Thơ TNM không có biên giới. Những vấn đề nêu trong thơ là của nhân dân, của con người, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia khác. Thơ TNM dịch sang bất cứ nước nào cũng dễ được chấp nhận”. Cùng quan niệm như thế, trước ông, nhà phê bình văn học Nguyễn Đức Tùng đã cho rằng: Chừng nào trên thế giới này, vẫn còn có người bất hạnh, chừng nào những người bất hạnh, vẫn còn cần chia sẻ nỗi bất hạnh cho nhau, với niềm tin rằng, sự tốt đẹp và hạnh phúc sẽ đến, chừng đó, người ta còn tìm đến Trần Nhuận Minh mà đọc. Và, giới thiệu TNM với bạn đọc Trung Quốc, GS Phùng Trọng Bình đã viết: “ Đọc thơ TNM, tôi bàng hoàng, ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên giấc, buộc tôi phải làm một việc gì đó mới khuây khỏa được ”. Ý kiến này của ông, tạp chí Nhà văn và tác phẩm của Hội Nhà văn VN đã đăng. Nhà thơ Trần Ninh Hồ, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam là một trong 2 người điều hành chương trình đã phát biểu : “ Các bạn Đài Loan chon dịch TNM là có con mắt xanh, rất tinh. TNM là 1 trong số các nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ chống Mĩ chúng tôi”.
Phẩn 3 của chương trình là giao lưu thơ văn của hai bên. Mỗi nhà thơ đọc 1 bài thơ tâm đắc của mình, rất được mọi người tham dự hoan nghênh. Những bài thơ này đã được chọn lựa và dịch song ngữ Việt - Đài. Các nhà thơ đại diện của Việt Nam gồm có Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Vũ Quần Phương, Y Phương, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Đức Mậu. Các nhà thơ Đài Loan gồm có Trần Minh Nhân, Trần Chính Hùng, Tưởng Vi Văn, Cao Nguyệt Viên và Tưởng Nhật Doanh. Đây là một trong những hoạt động có kết quả, mở ra mối quan hệ tốt đẹp hơn của Hội Nhà văn Việt Nam, không chỉ với Đài Loan mà còn với các nền văn học của các quốc gia và các vũng lãnh thổ trên thế giới.