Trào lưu bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư trong bốn thập kỉ qua- Bài của Kim Quốc Hoa

TRÀO LƯU BỔ NHIỆM GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

TRONG BỐN THẬP KỈ QUA Ở NƯỚC TA

o. Kim Quốc Hoa

Một trào lưu “liên tục phát triển”…

Ngày 6/2/2018, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) quyết định chính thức công nhận tiêu chuẩn Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017 cho 1.131 người. Đây là năm có mức cao kỉ lục trong lịch sử bốn thập kỉ qua mà dư luận xã hội và công luận cho là cuộc “chạy đua nước rút” theo “chuyến tàu vét” trước khi Quyết định số 174 hết hiệu lực.

Như vậy, kể từ khi Nhà nước có chủ trương xét tặng học hàm GS, PGS cho giới trí thức (1996) và phong đợt đầu vào năm 1980, đến nay cả nước trải qua 26 đợt công nhận tổng số 12.000 người và theo đồ thị lần sau thường nhiều hơn lần trước như một trào lưu “liên tục phát triển”. Đặc biệt, từ khi có Quyết định số 178/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 “Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư” và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ “về việc sử đổi, bổ sung Quyết định số 174”. Trước năm 1990, việc bổ nhiệm học hàm cao quý này do Thủ tướng kí, nhưng từ những năm sau đó Chính phủ giao cho HĐCDGSNN đảm nhiệm. Có lẽ, đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến trào lưu bổ nhiệm GS, PGS ngày càng gia tăng, có những đợt ồ ạt, vượt trội. Ví dụ: Trong 2 năm 1991-1992 có 1.900 người được công nhận (400 GS, 1.500 PGS) là mức cao hơn tổng số  được Thủ tướng quyết định phong 10 năm trước đó. Còn những năm gần đây: 2010 (967 người), năm 2011 (592 người), năm 2012 (631 người), năm 2013 (749 người), năm 2014 (822 người), năm 2015 (681 người), năm 2016 (931 người) và năm 2017 (1.131 người). Các địa phương có nhiều nhất GS, PGS là Hà Nội, Tp Hồ  Chí Minh, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Thanh Hóa,v.v…Năm 2016 cả nước công nhận 931 người, riêng Hà Nội 467 (chiếm 66%), TP Hồ Chí Minh có 139 (chiếm 20%), còn 61 địa phương khác chỉ có 97 người (chiếm 14%). Các ngành có nhiều nhất GS, PGS là Y học, Hóa học, Khoa học quân sự, Khoa học trái đất, Vật lí,v.v…mà dư luận cho là “Việt Nam lạm phát Giáo sư…”

Xung quanh “chuyến tàu vét mang số hiệu 174…”

Sở dĩ năm 2017 đạt mức “kỉ lục” công nhận GS, PGS được nhà chức trách khẳng định nguyên nhân do sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành tiêu chí mới với những quy định chặt chẽ, khắt khe hơn trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế chứ không còn tiêu chuẩn quốc nội. Có lẽ vì thế mà HĐCDGSNN thông báo đợt năm 2017 được kéo dài thời gian nộp hồ sơ thêm 6 tháng. Các ứng viên chớp thời cơ nhộn nhịp hoàn thiện, bổ sung hồ sơ bài báo công trình khoa học. Đây là cơ hội cho cuộc chạy đua nước rút đi tới đỉnh “Phăng-xi-păng” học hàm theo tiêu chí 174. Chẳng thế mà có tới 1.537 ứng viên nộp hồ sơ tự cho là “đủ tiêu chuẩn”. Chỉ trong vòng 2 tháng, HĐCDGSNN xem xét loại bỏ 311 trường hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép công nhận 1.226 người. Trong quá trình ấy, xuất hiện khá nhiều đơn khiếu nại, tố cáo lên các cơ quan chức năng, khiến Thủ tướng rốt ráo chỉ đạo “rà soát lại, yêu cầu làm nghiêm túc, đánh giá chất lượng thực chất”. Từ chỉ đạo quyết liệt này, trong khoảng 2-3 tuần, HĐCDGSNN loại ra 95 ứng viên (trong đó có 1 vị Bộ trưởng) để nhanh chóng kí bổ nhiệm 1.131 GS, GS năm 2017.

Đáng chú ý là HĐCDGSNN dự kiến phong 1.226 ứng viên (đã trải qua Hội đồng 3 cấp xét duyệt) tỉ lệ đạt 79,8% (cao hơn năm 2016 là 3,3%), tỉ lệ bị loại 20,2% (năm 2016 là 23,5%). Còn về chất lượng lấy bài báo quốc tế (ISI/Scopus) làm chuẩn mực thì trong 1.226 ứng viên có 5.136 bài (năm 2016 là 2.504 bài). Trung bình bài báo ISI/Scopus trên mỗi ứng viên là 4,3 bài/người (năm 2016 là 3,5 bài/người). Tuy nhiên, 5.316 bài báo quốc tế chỉ do 588 người thực hiện, như vậy còn 638 người (52%) không có bài báo ISI/Scopus là điều đáng lo ngại, thể hiện chất lượng còn rất thấp so với mặt bằng quốc tế. Đấy là chưa nói đến những tiêu cực như “đạo văn”, “mua xuất bản”, ngụy tạo số liệu, ngụy khoa học. Một số ứng viên sau khi có đơn tố cáo đã phải “tự nguyện” xin rút hoặc Hội đồng loại bỏ.

Do đó, việc phong GS, PGS năm 2017 được quan tâm rất lớn của giới trí thức và Nhân dân, diễn ra nhìều tranh cãi xung quanh chất lượng và sự ngộ nhận về chức danh. Có người phê phán “ở Việt Nam, GS, PGS mang tính vinh danh nhiều hơn là khoa học”. Trong nhiều lần phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thường trăn trở về chất lượng và hiệu quả các công trình nghiên cứu. Năm 2015, Việt Nam công bố có 2.000 báo cáo quốc tế nhưng khi nhìn sang các nước khác thì vẫn cực kì nhỏ (Mailayxia có 100.000, Trung Quốc có 260.000 còn Mỹ là 500.000 công trình khoa học công bố quốc tế,v.v…)

Băn khoăn, trăn trở chung là chất lượng khoa học và học thuật

Việc xét công nhận GS, PGS cho giới học thuật được xúc tiến hằng năm. Để làm việc này, Hội đồng chức danh Giáo sư hình thành ở 3 cấp: Cấp cơ sở (trường, cụm trường đại học, viện nghiên cứu…), cấp ngành, liên ngành và cấp Nhà nước. Ứng viên nộp hồ sơ cho Hội đồng cơ sở để xét theo trình tự từ dưới lên. Đến nay, cả nước có hơn 100 Hội đồng cơ sở, 28 Hội đồng ngành, liên ngành và 1 Hội đồng cấp Nhà nước (nhiệm kì 5 năm). Mỗi cấp là một bộ máy gồm nhiều GS, PGS làm thành viên, có ban bệ giúp việc. Chủ tịch HĐCDGSNN là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đương nhiệm. Thông thường, sau khi có thông báo thời hạn nộp hồ sơ, các ứng viên khởi động tấp nập như một trào lưu, một cuộc chạy đua, không tránh khỏi tình trạng chạy chọt,  mua bán.

Tiêu chuẩn công nhận GS, PGS ở nước ta quy định phải là Tiến sĩ (TS), có công trình khoa học, có trình độ ngoại ngữ, không nhất thiết phải có bài báo quốc tế (ISI/Scopus) mà chỉ cần có đủ công trình khoa học quy đổi, ít nhất 50% số công trình quy đổi từ các bài báo và 25% số công trình khoa học được quy đổi trong 3 năm cuối, có đủ số giờ đứng lớp và hướng dẫn 2 TS (trước đây chỉ cần 1 TS). Đối với thế giới thì bắt buộc phải có bài báo ISI/Scopus nhưng ở ta tiêu chí đó “được châm chước” vô hình chung “bật đèn xanh” cho những công bố ít có hiệu quả và tiêu chuẩn GS, PGS bị hạ thấp. Có GS được công nhận không từ bài báo khoa học mà là bài viết trên báo Nhân Dân. Điều băn khoăn là các đợt phong hàm có quá nửa số người không có công bố khoa học quốc tế trong khi cả thế giới đang áp dụng để đánh giá năng lực nghiên cứu. Đó là chưa kể hội đồng phỏng vấn, phản biện không có GS nước ngoài tham gia nên hạn chế về chất lượng.

Đánh giá về đợt phong GS, PGS năm 2017, có những trí thức nhận xét: Số người có công trình đăng bài báo quốc tế rất thấp. Cụ thể: Có 56/85 GS có bài báo ISI/Scopus với tổng số 924 bài. Như vậy, còn 29 GS không có bài báo quốc tế. Mặt khác, trong số 1.046 PGS được phong chỉ có 609 người (53%) có bài báo trên Tạp chí ISI/Scopus. Trong 28 ngành có GS thì 11 ngành không có bài báo quốc tế (lĩnh vực khoa học xã hội: 13 PGS ngành luật, 22 PGS ngôn ngữ học). Trong số 93 GS, PGS thuộc lực lượng vũ trang Nhân dân được chỉ có 1 người có 1 bài báo quốc tế; 3/32 PGS của ngành GD&ĐT có bài báo quốc tế cũng chỉ với 4 bài; ngành Tâm lí học chỉ có 2/17 PGS có bài báo quốc tế; ngành Triết học-Xã hội-Chính trị học có 26 PGS nhưng chỉ có 2 người có bài báo quốc tế. Như vậy, năm 2017 trong nhiều trường hợp tiêu chuẩn xét GS, PGS còn thấp hơn tiêu chuẩn xét công nhận TS. Nếu thực hiện theo chuẩn mực quốc tế thì các đợt công nhận GS, PGS hằng năm chỉ đạt 40% đến 45 % trong số ứng viên.

Việc xem xét theo cơ chế Hội đồng bỏ phiếu không kí tên và Hội đồng duy trì 5 năm nên phức tạp nhất, tiêu cực nhiều diễn ra phổ biến ở Hội đồng ngành, liên ngành. Mặc dù quy định chỉ cần có mặt ¾ thành viên nhưng số phiếu phải đạt ¾ số thành viên trong Hội đồng mà nếu Hội đồng 12 người, 9 người đi bỏ phiếu chỉ cần 1 người không tán thành là ứng viên bị loại. Thủ tục hành chính này dẫn đến tình trạng nhiều người rất giỏi chuyên môn, điểm nghiên cứu khoa học rất cao, các tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức tốt nhưng nộp hồ sơ nhiều lần vẫn trượt, trong khi có những người kém hơn, nộp hồ sơ lần đầu đã được công nhận. GS Đào Trọng Thi, cựu Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét: Quy trình, tiêu chuẩn công nhận hiện nay “có vấn đề”. Ông lấy làm lạ là những điều thế giới cần thì Việt Nam không quan tâm mà chỉ quan tâm đến hình thức, thủ tục và số lượng…

Chức năng, nhiệm vụ của GS, PGS là giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thế nhưng…

Học hàm GS, PGS là chức danh chỉ dành cho những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở trường đại học, cao đẳng, trong viện nghiên cứu mang tính chuyên gia. Đánh giá năng lực GS, PGS trên hai tiêu chí quan trọng nhất là đào tạo và nghiên cứu. Tầng lớp học thuật này chịu trách nhiệm về hướng phát triển của một ngành, một lĩnh vực tại cơ sở mình hoạt động. Trên thế giới không ở đâu quy định GS, PGS có chức năng quản lí nhà nước.

Ở nước ta, không thể phủ nhận có rất nhiều GS, PGS nổi tiếng tâm huyết, giàu trí tuệ, có nhiều cống hiến cho đất nước trong lĩnh vực giáo dục, khoa học-công nghệ. Tuy nhiên, do cơ chế bổ nhiệm “vừa chặt chẽ vừa dễ dãi” nên nhiều năm phong ồ ạt dẫn đến hạn chế đáng kể về chất lượng, “đồng thau lẫn lộn”, nó “mang tính vinh danh nhiều hơn mang tính khoa học”. Nhiều người sắp về hưu cũng nỗ lực “phấn đấu”, nhiều công chức trong các cơ quan hành chính cũng “chạy thủ tục” để có học hàm. Nhà nước tổ chức vinh danh trọng thể nhưng không đề cao chức năng phục vụ…

Tại các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, GS, PGS nhất thiết phải là người giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp. Họ không có HĐCDGSNN như ta. Việc công nhận học hàm do Nhà trường quyết định. Nhà nước chỉ quy định tiêu chí “cứng” còn việc xét, công nhận do nhà trường, cơ sở nghiên cứu thực hiện. Danh vị GS, PGS nhu cầu của nhà trường, của ngành, chỉ thuộc riêng nhà trường mà họ làm việc chứ không phải GS, PGS của cả nước. Khi nghỉ hưu, nếu không còn tham gia giảng dạy, nghiên cứu thì không còn chức danh GS, PGS.

Ở Việt Nam, chức danh GS, PGS như một tước vị suốt đời. Khi còn tại chức được hưởng phụ cấp 45% lương cơ bản, phụ cấp thâm niên và hỗ trợ kinh phí nghiên cứu. Về hưu và khi qua đời vẫn được vinh danh GS, PGS. Cuộc chạy đua để có học hàm ấy thể hiện khát vọng cháy bỏng và ý chí của rất nhiều người nên nảy sinh không ít tiêu cực. Trước khi lập hồ sơ, nhiều ứng viên “chạy” các loại điểm (để có đủ bài báo, đủ số giờ lên lớp,v.v…) mà Hội đồng chắc không thể đi xác minh giảng dạy ở đâu, nội dung gì, có chứng từ nhận thù lao không,v.v…? Có những ứng viên kê khai số giờ nói thời sự, giảng nghị quyết để tính điểm. Việc mua, bán điểm ở một số Hội đồng là có. Tình trạng thuê viết luận án, thuê làm công trình, thuê viết bài báo cũng không ít xảy ra.

So với quốc tế, Việt Nam “không giống ai” như một vị GS nhận xét. Theo chuẩn mực là GS phải viết sách và có đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia. Còn ở ta, được công nhận rồi cả chục năm GS không có công trình khoa học cũng không sao, có vị viết ra sách nhưng không ai đọc, không áp dụng được vào cuộc sống. Tiêu chí không cần có bài báo ISI/Scopus đã đành nhưng công nhận nhiều GS, PGS là cán bộ, công chức giữ cương vị lãnh đạo, quản lí là “không giống ai”. Số người này cỏ thể chỉ tham gia thỉnh giảng, hoặc đến trường đại học nói thời sự, giảng nghị quyết…Thế cho nên có đợt phong hàm cho nhiều quan chức, trong đó có cả Bộ trưởng, Thứ trưởng (năm 2014 có 2 Thứ trưởng). Đó là những người đang “bơi trong biển công việc” hằng ngày, họp hành chóng mặt còn đâu thời gian nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Trong số 24.300 TS trong cả nước chỉ có 8.869 (chiếm 36%) trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu còn đều là công chức làm lãnh đạo, quản lí; trong số 12.000 GS, PGS có khoảng 5.500 người giảng dạy trực tiếp ở các trường, còn lại là làm lãnh đạo, quản lí và hoạt động trong các bệnh viện,v.v…Ở Hoa Kỳ, 45 vị Tổng thống hầu như không có ông nào là GS, PGS.

Cả nước ta có 12.000 GS, PGS nhưng các nhà khoa học thực thụ, sáng tạo lớn không có nhiều, thua kém xa thế giới và khu vực. Chỉ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, theo Bộ Khoa học-Công nghệ số văn bằng bảo hộ cấp chứng chỉ sáng chế năm 2017 cả nước có 1.746 (số này cấp trong 5 năm) tăng 60% nhưng chỉ bằng 1/3 Thái Lan và Singapore, 1/11 Malayxia, 1/1.240 Hàn Quốc, 1/3.170 Trung Quốc. Trăn trở một điều, dù nước ta có hơn 400 trường đại học, cao đẳng và tầng lớp trí thức đông như thế, trải qua hơn 30 năm đổi mới và mấy lần cải cách giáo dục nhưng cho đến nay chưa có một trường nào đạt chuẩn trường đại học quốc tế. Trong khi đó, nhiều người dân không phải là TS, GS, PGS nhưng lại có hằng loạt phát minh sáng chế đem lại hiệu quả bất ngờ: Từ máy ép củi trấu, hệ thống phun tưới nước tự động, máy tẽ ngô, máy bóc lạc, máy gặt đập liên hợp đến mô hình trực thăng, tàu điện ngầm, v.v…do những cái đầu và trái tim người lao động chân đất, học vấn xa vời so với các vị TS, GS, PGS?...

Nguồn: Báo Người cao tuổi số 46 (2198) ngày 21/3/2018

và số 49 (2099) ngày 22/3/2018.