Chiếc “đũa thần” xứng vị “ngôi vua”-bài của Thế Bình

Người mở đường “Thế lực mới”

Nếu lựa chọn cái tên “hót” năm qua, không ngoài ai khác đó là Par Hang Seo, một HLV không những danh xưng loang tràn mặt báo, khắp mạng xã hội mà còn xôn xao đến từng ngõ nhỏ của mỗi làng quê Việt Nam, ngay trong cả mỗi bữa ăn của gia đình người Việt.

Thành công của bóng đá Việt trong năm 2018 như hoa rộ nở, nếu như những ngày đầu năm cơn “địa chấn Thường Châu” đã làm cả Châu Á ngỡ ngàng với mỹ từ “Kỳ tích” của các chàng trai trẻ bóng đá Việt thì những ngày cuối cùng của năm 2018 cụm từ “ Rồng vàng - Thế lực mới của Đông Nam Á” sẽ là cảm hứng đầy tự hào dành cho các cầu thủ đội tuyển Quốc gia khi nâng cao chiếc Cup vô địch AFF 2018

Trước giải AFF Cup 2018 diễn ra không ít người và kể cả các đối thủ trong khu vực còn lăn tăn ngôi vị “vua” Đông Nam Á mà FIFA xếp hạng cho đội tuyển Việt Nam thì bàn thắng của Anh Đức phút thứ 6 trận chung kết lượt về tại sân Mỹ Đình như phát đại bác tung tan mọi hoài nghi về thứ hạng 100 mà FIFA đã dành tặng cho bóng đã Việt Nam.

Một lứa cầu thủ “vàng” đã hiện hữu, nhưng hãy bình tâm điểm lại “bí hiểm” trong chiếc “đũa thần” mà “phù thủy” Par Hang Seo đã sử dụng.

Lựa chọn sơ đồ chiến thuật phù hợp:

Trước thời HLV Par Hang Seo cầm quân, đội tuyển chúng ta đã trải qua rất nhiều sơ đồ chiến thuật, nhiều phong cách khác của các ông thầy nội, ngoại, phổ biến vẫn là  4 – 4 – 2; 5 – 3 – 2; 5 – 3 - 1- 1; vv… Tuy nhiên, chưa nhận thấy có lựa chọn sơ đồ chiến thuật nào để lại sự ổn định và mang lại hiệu quả cao cho đội tuyển. Mặt khác do nhiều lý do khác nhau mà cách chơi của đội tuyển Quốc gia và các đội tuyển trẻ kế cận (U23) thường không có sự nhất quán.

Cùng lúc nắm cả ba đội tuyển: đội tuyển U23; tuyển Olympic; tuyển Quốc gia dưới thời  Par Hang Seo, đã có sự nhất quán về lối chơi và sơ đồ chiến thuật. Vẫn là sơ đồ 5 – 3 -2 nhưng dưới thời Par Hang Seo chỉ là sơ đồ xuất phát, khi cần phát động tấn công, hoặc phản công thì sơ đồ trên nhanh chóng chuyển hóa thành 3 – 5 – 2  hoặc 3 – 5- 1- 1 với vai trò cơ động của 2 hậu vệ biên. 3 trung vệ còn lại được bố trí theo hang ngang, không có trung vệ “thòng” như thập niên cuối thế kỷ trước của đội tuyển. Với yêu cầu cường độ di chuyển cao của 2 hậu vệ biên, lên công, về thủ đã tạo dựng được sự cân bằng giữa phòng ngự và tấn công của đội tuyển.

Tính từ khi hợp đồng ký ngày 17/10/2017 đến 15/12/2018 HLV Par Hang Seo đã dẫn dắt 23 trận thi đấu chính thức (không kể giao hữu); trong đó 6 trận  đội tuyển U23; 7 trận tuyển Olympic; 10 trận tuyển Quốc gia,  tổng số bàn thắng ghi được 34 bàn, bình quân 1,47 bàn/ trận; lọt lưới 18 bàn, bình quân 0,78 bàn/ trận. Thông số trên là minh chứng về hiệu quả lối chơi các đội tuyển dưới thời HLV Par Hang Seo. Chúng ta không còn những đợt tấn công “ngây thơ” như thường thấy trước đây mà thay vào đó là những đợt phản công, tấn công sắc sảo có chủ đích với những phương án đa dạng với tốc độ cao.

Cầu thủ chơi đa năng các vị trí:

Trước khi chuẩn bị cho giải U23 Châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc) không ít người băn khoăn trường hợp Duy Mạnh quen chơi vị trí tiền vệ được HLV Par Hang Seo thử nghiệm đá trung vệ. Thực tế đã có câu trả lời Duy Mạnh không những là một trong những trung vệ chơi tốt ở U23 Châu Á và hiện cũng là trung vệ vững chắc tại đội tuyển Quốc gia. Lại nữa khi Văn Thanh chấn thương không ai nghĩ đến việc kéo Trọng Hoàng, một cầu thủ tiền vệ có thiên hướng tấn công lại thay thế Văn Thanh đá hậu vệ cánh và Trọng Hoàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình tại AFF Cup giải này. Trường hợp Quang Hải hoặc Văn Đức cũng không ngoại lệ khi không chơi ở vị trí cố định. Tùy theo đối tượng mà Quang Hải có thể đá dạt bên cánh trái hoặc cánh phải; Văn Đức có thể đá trung phong hoặc vị trí hộ công.

Sự đa năng vị trí của các cầu thủ đội tuyển dưới thời Par Hang Seo luôn tạo sự bất ngờ cho đối thủ, đồng thời tạo những mảng miếng phối hợp đa dạng trong các bài tấn công của đội tuyển. Điều đáng lưu ý không hề có sự phàn nàn từ cầu thủ hoặc sự chệch choạc trong các đường ban phối hợp. Đó là dấu hiệu để đọc sự đoàn kết cao độ của một tập thể dưới thời Par Hang Seo.

Lối chơi tập thể, không phụ thuộc vào các ngôi sao

Phải thừa nhận khách quan rằng, dưới thời Par Hang Seo được kế thừa và tiếp quản lứa cầu thủ tài năng, đầy tự tin, nhưng hãy nhìn lứa U22 Việt Nam do Hữu Thắng cầm quân thảm bại 0 - 3 trước U22 Thái Lan chiều 24/8/2017 thì 4 tháng sau vẫn những con người ấy, tại giải M- 150 Cúp, U23 Việt Nam dưới thời Par Hang Seo đã trả món nợ ngọt ngào với tỷ số 2 -1  trên đất Thái, mới thấy tài của người cầm quân quan trọng đến mức nào!

Dưới thời của HLV Par Hang Seo không thiếu những ngôi sao, có thể kể ra: Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức… nhưng không hề có sự phụ thuộc lối chơi và kết quả thi đấu khi thiếu vắng các ngôi sao này. Không ai là mặc nhiên vị trí chính thức, công thức này luôn tạo ra động lực công bằng mỗi tuyển thủ, đồng thời mang lại yên tâm cho người hâm mộ, mỗi khi một vị trí nào đó được thay thế. Công Phượng, một trong những tiền đạo đã thành danh và khẳng định tên tuổi của mình nhưng chưa phải là sự lựa chọn số 1 trong đội hình xuất phát dưới thời Par Hang Seo. Đó là sự khác biệt khiến người xem khó đoán định chính xác đội hình xuất phát so với thời trước đây của đội tuyển.

Sự lựa chọn con người của Par Hang Seo trong mỗi trận đấu, luôn có sự tính toán, kỹ lưỡng. Phong độ và đấu pháp chiến thuật mới là sự lựa chọn hàng đầu của vị HLV này. Trường hợp sử dụng Anh Đức là tiền đạo mũi nhọn số 1 khi anh đã ở độ tuổi 33 là bằng chứng giữa phong độ và tuổi tác. Số lượng cầu thủ vùng miền, các câu lạc bộ, trong đội hình ra sân đã là câu chuyện dĩ vãng. Đội hình xuất phát trận chung kết lượt về với Malaysia ngày 15/12/2018 không có một cầu thủ nào của Hoàng Anh Gia Lai là một minh chứng nhận định trên.

Tự tin chinh phục khát vọng:

Dưới con mắt của người hâm mộ hiện nay, tâm trạng chung khi xem các tuyển thủ Việt Nam thi đấu, sự hồi hộp trong mỗi trận đấu luôn có nhưng sự lo âu về vỡ trận hoặc vọp bẻ sức khỏe đối với cầu thủ thì không còn. Điều này khẳng định sự tự tin khi các tuyển thủ đã sở hữu các kỹ thuật kỹ năng khá cơ bản. Xem đội tuyển thi đấu ít thấy các pha bóng rối trí, phá bóng giải vây hỗn loạn như trước đây, thay đó bằng sự điềm tĩnh, phối hợp nhóm để giải vây và chuyển hướng phản công. Sự tuân thủ ý thức chiến thuật, di chuyển không bóng, chuyền bóng vào khoảng trống để đồng đội băng lên chiếm lĩnh, luôn xuất hiện thường xuyên trong cách chơi của đội tuyển. Một điểm khác biệt khá thú vị so với trước đây là không có khoảng cách chênh lệch giữa cầu thủ đá chính và dự bị, chính điều này đã làm nên một tuyển Việt Nam có chiều sâu và mang tính ổn định cao.

Sự tự tin này có được ở tuyển Việt Nam chính từ sự chân tình, tài ba, của người cầm quân đầy trách nhiệm, không chút kiêu ngạo, luôn biết mình biết người trong mỗi trận đấu. Với áp lực khủng khiếp trước trận chung kết AFF Cup 2018 với vị thế cửa trên mà giới chuyên môn, người hâm mộ kỳ vọng vào tuyển Việt Nam, HLV Par Hang Seo đã truyền đi thông điệp và hóa giải áp lực đạt tới đỉnh cao của sự điềm tĩnh: “Tuân thủ đấu pháp, nếu làm tốt điều đó, chúng ta sẽ làm được điều mong muốn”.

Việc xây dựng lối chơi phối hợp nhóm linh hoạt,cân bằng giữa tấn công và phòng ngự cùng sự tự tin đã tạo dựng một đội tuyển Việt Nam thành khối liên kết khá vững chắc. Tan Cheng Hoe, vị HLV của Malaysia 3 lần chạm trán với Việt Nam trong đó có 2 trận chung kết  AFF 2018 sau khi nhận 2 trận thua, 1 trận hòa đã thừa nhận “ Việt Nam là đội bóng khó đánh bại” Hiện tuyển Việt Nam đang có 16 trận bất bại (trong đó có 10 trận do HLV Par Hang Seo dẫn dắt) một kỷ lục mà nhiều Quốc gia đều mơ ước.

Những tờ lịch cuối cùng của năm 2018 sắp khép lại, có thể nói năm 2018 là năm vàng của bóng đá Việt Nam. Chiếc Cup vô địch AFF Cup được nâng cao như  gióng hồi chuông một thế lực mới về bóng đá trong khu vực và Châu lục.

Xin ngàn lần được bày tỏ sự trân trọng biết ơn đến Par Hang Seo  - “phù thủy” đã giương cao chiếc “đũa thần” để nâng tầm bóng đá Việt Nam.