Xuất khẩu văn học: Cánh én báo tin vui

Một số tác giả được vinh danh và trao giải thưởng trên trường quốc tế, đồng thời nhiều tác phẩm gần đây được dịch, phát hành ra thế giới phần nào cho thấy văn học “made in Việt Nam” đang vươn xa. Điều này có ý nghĩa quan trọng và được ví như “cánh én báo tin vui” bởi sẽ mở rộng con đường xuất khẩu văn chương Việt trong tương lai.

Có thể nói 2018 là năm thành công của văn học Việt trên trường quốc tế, bởi nhiều tên tuổi làng văn nước nhà được vinh danh tại các giải thưởng lớn. Mới đây, nhà văn Bảo Ninh với tiểu thuyết nổi tiếng Nỗi buồn chiến tranh đã được trao giải thưởng Văn học châu Á (Asian Literature Award) tại Liên hoan Văn học châu Á 2018 ở Gwangju, Hàn Quốc. Đây là một giải thưởng lớn và uy tín của châu lục, nhằm hỗ trợ các nhà văn châu Á trong việc vượt qua chủ nghĩa dân tộc, nắm lấy các giá trị phổ quát và tinh thần nhân loại, góp vai trò quan trọng trong việc tạo ra một diễn đàn cho văn học châu Á. Theo đánh giá của Ban giám khảo Giải thưởng văn học châu Á 2018: “Bảo Ninh đã nêu bật câu hỏi một cách sâu sắc về ý nghĩa và vết thương của chiến tranh thông qua các tác phẩm của nhà văn nói chung và kiệt tác Nỗi buồn chiến tranh nói riêng. Nỗi buồn không ngừng xoáy sâu và tái tạo thực tại. Nỗi buồn là nhân vật chính để nhà văn tiếp cận cuộc chiến từ chiều hướng mới, góc độ mới. Đó là góc độ cá nhân, thân phận con người...”. Trước nhà văn Bảo Ninh, cũng tại Hàn Quốc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bằng nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Hàn như Những người đàn bà gánh nước sông, Bài hát về cố hương, Sự chuyển động của cái đẹp... đã góp phần giúp ông giành Giải thưởng văn học quốc tế Changwon 2018 danh giá.

Ngoài ra, tháng 10/2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã vượt qua những tác phẩm của các ứng viên sáng giá khác như Han Kang (Hàn Quốc), Ayelet Gundar-Goshen (Israel), Nona Fernández (Chile), Shumona Sinha (Ấn Độ)... để giành giải Liberaturpreis 2018 tại Đức với tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận được dịch sang tiếng Đức. Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư mang đậm chất Nam Bộ, truyền tải những câu chuyện phản ánh về cuộc đời éo le, số phận chìm nổi của con người trong cuộc sống. Ngay từ khi mới ra mắt lần đầu tiên năm 2005, tác phẩm đã tạo nên cơn sốt trong đời sống xã hội bởi người đọc tìm thấy ở đó sự dữ dội, khốc liệt của cuộc sống ở thôn quê qua cách nhìn của một cô gái. Đến nay, Cánh đồng bất tận đã được dịch ra tiếng Hàn, Anh, Thụy Điển và dựng thành vở diễn sân khấu, chuyển thể thành phim điện ảnh.

xuat-khau-van-hoc-canh-en-bao-tin-vui-1Nhà văn Bảo Ninh (bên trái) vừa nhận Giải thưởng Văn học châu Á 2018 tại Hàn Quốc với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh.

Trên thực tế, bên cạnh việc giành giải thưởng quốc tế kể trên, nhiều tác phẩm văn học “made in Việt Nam” được chuyển ngữ và xuất bản tại nước ngoài được bạn đọc đón nhận. Đó là cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc về gia đình, xã hội và cuộc chiến của bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm khi phải đối đầu trực diện với cái chết trong chiến tranh. Gần 4 thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, tác phẩm này được xuất bản ở Việt Nam và Mỹ, tạo nên một tiếng vang lớn trong nền văn học. Ngoài ra, Nhật ký của Đặng Thùy Trâm còn được dịch qua nhiều thứ tiếng khác như tiếng Nga, Nhật, Pháp, Đức, Lào... Nổi tiếng không kém là cuốn truyện thiếu nhi Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài vì tác phẩm đã liên tục tái bản ở Việt Nam và đồng thời được dịch ra nhiều ngôn ngữ, phát hành tại hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Nhắc đến hành trình xuất khẩu văn học Việt không thể bỏ qua tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Nhiều tác phẩm của nhà văn “best seller” này như: Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Giải thưởng Văn học ASEAN 2010)... đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau gồm Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Trong khi đó, tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần cũng đã bước ra khỏi đất nước hình chữ S khi được dịch ra tiếng Anh, Thụy Điển... Gần đây, nhiều tác phẩm của các cây bút nước ta tiếp tục được bạn đọc quốc tế biết đến hơn như nhà văn Nguyễn Bình Phương có tiểu thuyết Mình và họ vừa được chọn dịch sang tiếng Hàn,  Những đứa trẻ chết già dịch sang tiếng Anh; tiểu thuyết Đất trời vần vũ của nhà văn Nguyễn Một được dịch sang tiếng Anh... Bên cạnh đó, không ít tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Di Li... cũng đã được dịch sang tiếng nước ngoài.

Không thể phủ nhận, dù có nền văn học lâu đời và nhiều tác phẩm chất lượng, tuy nhiên hành trình xuất khẩu văn học Việt còn nhiều gian nan, thử thách. Các giải thưởng, tác phẩm đã đến với bạn bè quốc tế kể trên chính là “cánh én báo tin vui” cho văn học nước nhà. Để lan tỏa hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên tập trung và đặc biệt chú trọng cho các hoạt động dịch thuật qua con đường ngoại giao, văn hóa để xác lập dần ý niệm về một nền văn học mang tên Việt Nam trước khi mong mỏi khắc họa rõ ràng gương mặt đáng tự hào ấy trên bản đồ văn học thế giới.

Sơn Tùng/Nguồn: báo Sức khỏe-Đời sống