Nhặt thêm chuyện về hai Đại gia - Doanh nhân Việt
Tại sao doanh nhân mình ngày nay không bị tư bản Pháp cùng chính quyền thực dân tìm mọi cách chèn ép tư bản thuộc địa, nào là những Luật doanh nghiệp doanh nhân, có hẳn Ngày Doanh nhân Việt để khuyến khích tưởng thưởng, nào những vv… và vv… Nhưng vẫn thiếu nhiều đi những tầm cỡ bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà? Và nhiều vị khác?
Cụ bà Trịnh Văn Bô tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh Xuân Ba
Chiếc tràng kỷ và...
Bao bận nhảo xe qua chỗ nhà Tướng Giáp đường Hoàng Diệu không hiểu sao ngó vào cổng nhà Đại tướng thì ít mà thoáng nhìn thoáng nghĩ đến ngôi nhà ngay cạnh, nhà 34 Hoàng Diệu thì nhiều.
Bên trong căn biệt thự kín cổng cao tường ấy có một cụ bà trăm linh ba tuổi. Cụ là Hoàng Thị Minh Hồ quả phụ cụ Trịnh Văn Bô. Gia đình ấy là ân nhân của cách mạng. Cộng lại, cả tiền và vàng, gia đình nhà Trịnh văn Bô ủng hộ cách mạng 5.147 lạng vàng. Khi về cướp chính quyền, ngân khố chỉ có 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, toàn giấy 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào rách nát. Gần như ngân khố quốc gia rỗng. Cái ơn với nhà nước dân chủ cộng hòa buổi đầu khó khăn mà hậu thế dịp mồng 2-9 nào cũng nhắc.
Năm kia tôi gặp lại, cụ vẫn nhanh nhẹn minh tường. Năm ngoài đã hơi lẫn.
Thoáng nhìn thoáng nhớ nhưng để gẫm lâu những lần được hầu chuyện cụ.
Tháng 10/1987, cố vấn Trường Chinh có mời ông Trịnh Văn Bô (ông Trịnh Văn Bô mất năm 1990) và bà Hoàng Thị Minh Hồ lên gặp.
Hai cụ nhân cuộc gặp đã ngỏ ý cho phép gia đình được trở về sống tại 34 Hoàng Diệu vì gia đình ông bà hiện đông các con, cháu, chắt. Cả bốn thế hệ cùng ở trong một ngôi nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều. Nhà 34 Hoàng Diệu, ông bà Trịnh Văn Bô cho Thiếu tướng Hoàng Văn Thái mượn từ những ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954 với thời hạn 2 năm ( 1954-1956), đến ngày Tổng tuyển cử đất nước thì trả.
Năm 1986, tướng Hoàng Văn Thái mất, Bộ Quốc phòng xây nhà cho các tướng lĩnh cao cấp tại Liễu Giai. Gia đình tướng Hoàng Văn Thái được chuyển về Liễu Giai.
Ngày 1/6/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười phê chuẩn việc trả lại nhà 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô. Ngày 10/7/1990, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cũng có ý kiến nhất trí việc trả nhà cho bà Bô.
Nhưng mãi đến năm 1993, gia đình bà Bô vẫn chưa nhận được nhà.
Cuối năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Phó Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định trả nhà 34 Hoàng Diệu cho bà Bô.
Ngày 24/10/1994, có hẳn một cuộc họp giữa Bộ Quốc phòng, UBND thành phố Hà Nội và Sở Nhà đất thành phố Hà Nội quyết định trả nhà cho bà Bô.
Thế mà bà Trịnh Văn Bô vẫn không nhận được nhà!?
Lan man nghĩ thêm về chi cành lẫn hậu duệ của nhà tư sản yêu nước.
Có một chi tiết có lẽ ít người biết về người anh ruột của cụ Trịnh Văn Bô, cụ Trịnh Văn Bính. Lần ấy ở nhà Thái học Miếu Văn tổ chức hội thảo khoa học về Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng, tôi có gặp cụ bà Trịnh Văn Bô được Ban tổ chức lễ mời dự. Bữa ấy, người con trai thứ Trịnh Văn Chính đưa mẹ đến. Năm ấy cụ mới ngoài 90 hồng hào, mẫn tiệp. Tôi ngồi cuối nhà Thái học bên nhà nghiên cứu sử Phó GS Phạm Xanh. Buổi ấy được ông hé cho một chuyện.
Đó là câu chuyện về hai anh em Trịnh Văn Bính và Trịnh Văn Bô.
Sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc, thân phụ hai ông là cụ Trịnh Văn Đường, chủ hiệu vải Phúc Lợi có một chuỗi cửa hàng tại các phố cổ Hà Nội. Hai anh em Trịnh Văn Bính là hậu duệ đời thứ 15 của chúa Trịnh Tùng. Là anh cả trong gia đình giàu có, ông Bính được qua những trường nổi tiếng trong nước và thế giới, hết Pháp đến Đại học Oxford, Anh quốc. Tốt nghiệp về nước, ông dạy tiếng Anh Trường Thăng Long. Với kiến thức uyên bác về tài chính, đặc biệt là thuế, ông là người Việt đầu tiên và duy nhất được giữ cương vị lãnh đạo trong Sở Thuế quan Đông Dương. Sau cách mạng tháng Tám, Hồ Chủ tịch và Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã mời ông cùng với 3 viên chức cao cấp khác trong chính quyền cũ chuyển sang làm việc ở Bộ Tài chính rồi bổ nhiệm ông làm Tổng Giám đốc Sở Thuế quan và Thuế gián thu. Rồi ông được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Tài Chính, kiêm Tổng Giám đốc Sở Thuế quan và Thuế gián thu, dưới thời Bộ trưởng Lê Văn Hiến (Cương vị này theo ông trong suốt 30 năm, hết đánh Pháp đến đuổi Mỹ ).
Còn có một việc mà đến nay ít người biết.
Ngày 17-10-1945, Bộ Nội vụ ra Sắc lệnh thành lập Hội Hữu nghị Việt – Mỹ. Hội tổ chức một tiệc trà mừng ngày ra mắt của Hội với sự có mặt của 200 quan khách, đặc biệt là những người lính Đồng Minh trong toán Con Nai và chuẩn tướng Galơgơ, người đang có mặt bên cạnh quân đội Trung Hoa của Tướng Lư Hán và các sĩ quan Mỹ khác. Ông Trịnh Văn Bính (lúc đó lấy họ Trần) thay mặt Hội, đọc bài diễn từ ngắn gọn: “ Người Việt Nam đang sống ở nước ngoài tin rằng tổ chức này được thành lập sẽ là một trường giao tiếp sâu rộng giữa người Mỹ và người Việt. Hội sẽ làm cho nhân dân Việt Nam tiến tới hiểu biết người Mỹ và người Mỹ tiến tới hiểu biết Việt Nam. Hội sẽ làm cho nhân dân chúng tôi hiểu biết thế giới, và đặc biệt là các nước Đồng minh. Hội đã thảo ra một chương trình nhằm mục đích đó. Hội sẽ gieo trồng tình hữu nghị trong hai dân tộc, dịch sách ra hai thứ tiếng, tổ chức những lớp học và giảng bài bằng tiếng Việt và tiếng Anh, và xuất bản một nguyệt san. Cùng với những hoạt động đó, chúng tôi rất quan tâm tới việc gửi sinh viên Việt Nam sang Mỹ và chúng tôi sẽ làm những gì tốt đẹp nhất để đạt được một trong những mục đích thiết tha của chúng tôi là trao đổi sinh viên giữa hai nước…” Tiếp đó, Tướng Galogo đáp từ trong bầu không khí cởi mở, hân hoan.
Còn ông em Trịnh Văn Bô cùng với bà chị Trịnh Thị Thục theo cha tiếp tục kinh doanh trên thương trường và sau đó trở thành một doanh nhân nổi tiếng như ta biết.
Còn một chuyện nữa về cụ bà Trịnh Văn Bô thấy ít người nhắc. Đó là sự kiện đấu giá bức ảnh Hồ Chủ Tịch mà bà kể cho nghe đã lâu. Cả chuyện bữa ăn bên Hồ Hoàn Kiếm thời điểm bế mạc Tuần lễ vàng.
Về cuộc đấu giá bức ảnh, Ban tổ chức lúc đầu đưa ra là 1 vạn đồng Đông Dương. Bà Trịnh Văn Bô trả 2 vạn. Rồi sau đó giá được đẩy lên, cuối cùng là 10 vạn đồng. Cuối cùng, tổng số tiền thu được qua đấu giá lên đến 1,58 triệu đồng Đông Dương.
Về sau, bà Bô có nhã ý tặng lại bức ảnh đó cho Uỷ ban Hành chính Hà Nội vì nhà bà Bô đã có một bức ảnh như thế có thủ bút Cụ Hồ đề tặng.
Lẩn thẩn nghĩ thêm, còn gì cũ hơn ngôi nhà 48 Hàng Ngang của bà Trịnh Văn Bô nơi Bác Hồ viết tuyên ngôn Độc lập. Ngôi nhà hiến tặng ấy đã thành bảo tàng nhiều năm nay. Mặt tiền ngôi nhà có tấm biển ghi tại ngôi nhà này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo Bản Tuyển ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam DCCH, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhưng vẫn có cái mới. Mà cái mới ấy đang thiếu như cái lý của mấy nhà sử học góp ý nhiều năm nay trong đó có ông Dương Trung Quốc. Cụ thể là tấm biển ấy thiếu mấy chữ về chủ nhân của ngôi nhà. Bởi lẽ tấm biển gắn trên ngôi nhà lẽ ra phải nói rõ đây là bất động sản của người dân, lại là người giàu có dám bất chấp nguy hiểm giành cho cách mạng làm cơ quan đầu não... thì chắc chắn giá trị của di tích sẽ tăng bội phần.
Trở lại căn biệt thự 34 Hoàng Diệu hàng xóm của tướng Giáp. Tôi đang nói đến cái đoạn bà Trịnh Văn Bô tháng 10 năm 1994 vẫn chưa đòi được ngôi nhà 34. Mãi cho đến 9 năm sau, gia đình bà Bô mới được trở về ngôi nhà cũ của mình ở 34 Hoàng Diệu.
Tôi đã có nhiều dịp ngồi với người con trai thứ Trịnh Văn Chính, người hôm đưa mẹ đến dự hội thảo về Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng ở Miếu Văn. Nhà cụ Bô hình như không có người con nào theo được cái tài lẫn nghiệp doanh nhân của song thân? Như cái doanh nghiệp bé con bây giờ của Trịnh Văn Chính bươn bả cật lực cũng chỉ làng nhàng đủ nộp thuế và dư ra chút xíu. Nhưng người con trai thứ, doanh nhân Trịnh Văn Chính đã làm được một việc không tiền khoáng hậu. Chứng kiến những nhiêu khê quan liêu lằng nhằng việc đòi lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu của chính gia đình mình, Chính đã nghĩ ra một mẹo. Đương đêm cuối năm 1994 ấy rét như cắt thịt, Chính thuyết phục rồi cõng mẹ mình, cụ bà Trịnh Văn Bô vượt qua hàng rào “ đột nhập’’ ngôi nhà 34 Hoàng Diệu.
Chuyện cũng ầm ĩ lên một hồi rồi dịu. Nào các vị còn nói gì nữa không? Cụ bà Trịnh Văn Bô trưng ra những giấy tờ trước những vặn vẹo này khác. Nhà cụ thì cụ cử ở. Các nhà chức việc Hà thành thời điểm đó tất nhiên không muốn nhưng đành cười gượng trước những bằng khoán điền thổ của ngôi nhà mà gia đình cụ Trịnh Văn Bô đã mua từ mãi năm 1930.
... Rồi không ít lần tôi được sải những bước rón rén lẫn tò mò nội thất căn biệt thự 34 ấy theo sự hướng dẫn thân ái của chủ nhân. Ngó suốt lượt gian phòng khách trần thiết thì sang trọng, nhưng đồ đạc tầm tầm bày biện tuềnh toàng trong nhà, tôi để ý đến một vật.
Ấy là chiếc tràng kỷ.
Hóa ra, cái tràng kỷ này Cụ Hồ từng nghỉ lưng hồi ở 48 Hàng Ngang những đêm ngồi miệt mài với Tuyên Ngôn Độc Lập...
“Toàn bộ đồ đạc nội thất 48 Hàng Ngang, gia đình tôi hiến tất để làm di tích lịch sử, nhưng tôi đã quyết định giữ lại chiếc tràng kỷ này. Khi giữ nó lại, tôi đã nghĩ đến một cái ngày nhỡ có mệnh hệ nào thì gia đình cũng còn một kỷ vật riêng về ông Cụ...” Cái năm cụ bà quả phụ Trịnh Văn Bô còn mẫn tiệp từng cười móm mém ngỏ với tôi những lời ấy…
Đôi câu đối cụ Phan và hậu duệ Nguyễn Sơn Hà
Hải Phòng là nơi hối hả nhịp đời. Sống với Hải Phòng dẫu chỉ vài ngày hay lâu lâu mà mình cũng tất bật hối hả thì thì chỉ thấy lem luốc nhếch nhác. Nhập địa danh phải sải chầm chậm cùng là lang thang mới có dịp phát lộ ra thứ này thứ khác thú vị. Lần đó nhà văn Bùi Ngọc Tấn đưa tôi tới 49 Lạch Tray nơi có ngôi nhà cũ của nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà mà nhà văn giọng như luyến tiếc bâng khuâng không ghé nhà ông tổ của nghề sơn Việt là một thiệt thòi lắm lắm...
Vậy nên cứ phải là chầm chậm mọi thứ để tường thêm cái cụm danh xưng ông tổ? Chuyện thì dài. Nhưng vắn tắt thế này. Cụ Nguyễn Sơn Hà quê gốc Sơn Tây, sinh ra ở Hà Nội, lập nghiệp thành danh tại đất cảng Hải Phòng. Lúc đầu, ông làm thuê cho hãng sơn Sauvage Cottu của người Pháp. Sau nhiều năm làm thuê tích lũy vốn liếng và kinh nghiệm, năm 1917 ông tách ra, lập xưởng sơn riêng mang tên Resistanco (có nghĩa là bền chặt) nhằm cạnh tranh với các hãng sơn ngoại, đặc biệt là của người Pháp. Ý thức quốc dân khiến Nguyễn Sơn Hà trăn trở và tin tưởng một cách sắt đá rằng người Việt Nam kinh doanh trên đất nước mình có nhiều nguyên vật liệu phong phú. Quanh mình là đồng bào mình nên có thể cạnh tranh thắng lợi. Ý nghĩ đó luôn khích lệ ông. Ông nghiên cứu và cho ra lò hai loại sơn mới được đặt tên là Resistanco B và Dorolac, cạnh tranh thắng lợi với các loại sơn nhập từ Pháp, và sản phẩm sơn Testudo của Hãng sơn Sauvage Cottu. Hãng sơn của Nguyễn Sơn Hà đã giành được thị phần lớn trên Liên Bang Đông Dương rồi thâm nhập vào các thị trường mới như Thái Lan và đặc biệt là Pháp bằng độc quyền thiết lập các đại lý ở Tourran (Đà Nẵng), Pnôm Pênh, Băng Cốc và Pháp.
Người Phú Lãng Sa với niềm kiêu hãnh “khai hoá văn minh” không thể làm ngơ trước sự hưng thịnh của một doanh nghiệp thuộc địa. Nguyễn Sơn Hà đã phải khôn khéo nhanh nhậy vượt thoát những sự chèn ép, vu khống, hòng bóp chết thui chột mầm mống của nền công nghiệp bản địa.
Thời điểm năm 1939, đánh dấu một ấn tượng tư tưởng. Trong lần hành phương Nam ấy, Nguyễn Sơn Hà cùng vợ tới thăm Phan Bội Châu đang bị Pháp quản thúc tại Huế. Rồi nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà có uy tín trong giới công thương đã ra tranh cử Hội đồng thành phố Hải Phòng. Cụ Nguyễn Văn Tố đã thân hành về Hải Phòng đề nghị Nguyễn Sơn Hà làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng, Kiến An.
Trong Tuần lễ vàng được tổ chức tại Hải Phòng, cả gia đình ông ( Nguyễn Sơn Hà, vợ Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái Nguyễn Sơn Thạch) đã hiến tặng toàn bộ nữ trang, tịnh bằng cân kilo cả thảy tổng cộng là 10,5 kg. Riêng ông không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin cẩn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng. Trong buổi lễ mừng độc lập 2/9/1945 tại quảng trường nhà hát lớn Hải Phòng, người thanh niên Nguyễn Sơn Lâm, con trai cả của Nguyễn Sơn Hà được vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng. Thời điểm Hải Phòng bước vào cuộc kháng chiến tháng 11 năm 1946, chiến sĩ tự vệ Nguyễn Sơn Lâm đã anh dũng hy sinh.
Kháng chiến toàn quốc, Nguyễn Sơn Hà đã bỏ lại tất tật tài sản nhà xưởng, đồn điền, đưa toàn bộ gia đình đi theo kháng chiến, mặc dù nhận được nhiều đề nghị từ phía thực dân Pháp sẽ trả lại hoặc đền bù tài sản bị thiệt hại nếu ông từ bỏ kháng chiến quay về Hà Nội.
Có lẽ ít người biết chuyện ông Nguyễn Sơn Hà có người em gái là bà Nguyễn Thị Thảo - người đã từng hoạt động cùng với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Chồng của bà Thảo là ông Tưởng Dân Bảo, nguyên là Đảng viên Quốc Dân Đảng tham gia một số cuộc khởi nghĩa bị bị Pháp bắt tù rồi ly khai theo Đảng Cộng sản Đông Dương làm ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Châu Đốc.
Sau cách mạng tháng Tám, Nguyễn Sơn Hà đã cho phép em rể của mình dùng tiền của ông ở đại lý sơn tại Sài Gòn tổ chức một đoàn tàu vượt biển ra Côn Đảo đón tù chính trị bị giam giữ trở về đất liền trước khi Pháp nổ súng gây hấn vào 23/9/1945.
Trong số những người được chuyến tàu đón về có nhiều người sau đó trở thành lãnh tụ cách mạng của Việt nam như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Phạm Hùng, Lê Thanh Nghị.
Năm 1949, Nghị sĩ quốc hội Nguyễn Sơn Hà , thay mặt Quốc hội, trao thanh bảo kiếm Mã đáo thành công cho Đại đoàn quân Tiên phong. Nhà doanh nghiệp Nguyễn Sơn Hà tiếp tục sử dụng chuyên môn của mình giúp kháng chiến kiến quốc. Xưởng Nguyễn Sơn Hà ở chiến khu từng tổ chức sản xuất giấy than, mực in lito, vải che mưa…Nguyễn Sơn Hà còn chế tạo được lương khô và thuốc ho. Sau kháng chiến chống Pháp, gia đình ông trở về Hà Nội và tiếp tục trúng cử vào Quốc hội khoá II, III, IV, V. Ông mất tại Hải Phòng năm 1980.
Nguyễn Sơn Hà - ông tổ nghề sơn Việt.
… Chầm chậm để thư thả, để gẫm thêm tâm và tài cùng tầm của bậc tiền nhân căn nhà số 49 Lạch Tray. Cứ thầm tiếc giá như hậu duệ của cụ Sơn Hà làm sớm được đôi câu đối của cụ Phan Bội Châu từng khen tặng doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. Công nhận vế đối khá hàm súc. Đắt, điểm nhãn là chữ sơn hà – sông núi cũng là tên chủ nhân.
“Hoá học bác Âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất. Công khoa tồn Việt chủng, chuyển di thời thế thủ vi cơ” (tạm hiểu “Lấy hoá học người Âu điểm tô cho sông núi bởi tấm lòng son sẵn có - Làm công nghệ đất Việt, đổi thay thời thế từ tay trắng làm nên).
Hàm súc ngôn từ đã đành. Nhưng giá trị câu đối của cụ Phan có lẽ là ở chỗ, thời điểm chí sĩ Phan Bội Châu nhà cách tân đã sớm đã tiên phong đúc kết và cỗ võ cho doanh nhân Việt, người Việt coi trọng chăm chút với nghề buôn, với thương trường. Bởi cái tâm lý coi rẻ nghề buôn từ khá lâu đã khiến người Việt không xây dựng được cho mình một truyền thống đẹp phi thương bất phú?
49 Lạch Tray, tư gia cụ Nguyễn Sơn Hà cùng vợ từng sinh hạ nuôi dạy một tập thể ruột thịt thương mến cả thảy 13 người con nên người. Có cô con gái Nguyễn Sơn Trúc, cũng làm sơn. Nhưng là tranh sơn mài. Tranh của họ sĩ Sơn Trúc từng nổi tiếng tận trời Tây. Tờ báo Bông Sen của người Việt ở Paris năm 1993 đã từng viết về những tác phẩm của họa sĩ Sơn Trúc thế này Họa sĩ Nguyễn Gia Trí từ trần, con đường sơn mài nghệ thuật bằng sơn ta miền Phú Thọ với những màu sắc cổ truyền, son, đen, nâu, cánh dán, vàng, bạc phải chăng đã tuyệt tự? Con đường khai sáng của cụ phải chăng đã có người tiếp nối. Họa sĩ Sơn Trúc không những tiếp nối, tiếp thu những di sản của người đi trước mà còn tìm kiếm thể hiện những màu sắc mới, những hình thể mới trừu tượng bằng nghệ thuật sơn ta cổ truyền… Tranh của nữa họa sĩ Sơn Trúc có cái khỏe, cái mới mà cũng có cái dịu dàng đằm thắm của một phụ nữ Việt Nam truyền thống.
Còn Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, vốn kiệm lời cũng hào phóng ghi vào thời điểm năm 1991 Tranh sơn mài của nữ họa sĩ Sơn Trúc không những đã đưa nghệ thuật sơn mài đến những khả năng mới mà còn gợi cho người xem những cảm nghĩ đẹp, trong sáng, như những bản nhạc không lời.
Cũng lạ, 13 người con của cụ Sơn Hà nhưng không có ai là doanh nhân làm kinh doanh dưới chế độ mới?
Nói ra thì cũng muộn lẫn chuyện thêm dài. Nhưng tôi cũng thêm cái ngoặc chút kỷ niệm với một người con trai của cụ Sơn Hà là ông Nguyễn Sơn Giang. Ông Sơn Giang không phải là doanh nhân mà thuộc giai cấp cần lao. Ông là công nhân lái tàu điện ở Hà Nội sau năm 1954. Ông Giang vui tính, rất tài tử, đọc sách chơi nhạc, chụp ảnh. Về già có hẳn một Blog mang tên xe điện leng keng. Hàng ngàn bức ảnh thuộc về một quá vãng không dễ kiếm mà ông là tác giả, những ảnh chung, riêng xem rất thú vị mà ông đã công phu post lên. Tấm ảnh đi ăn hỏi cô vợ tận Thanh Hóa từ cuối những năm 50. Ảnh đám tang thân phụ Nguyễn Sơn Hà có vòng hoa viếng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Lần ấy anh bạn làm đạo diễn đã chắc khừ thực hiện ý định làm một cái phim chân dung mang hơi hướng văn chương nghệ thuật về công nhân lái xe điện Nguyễn Sơn Giang từng chứng kiến người cảnh thủ đô dọc các ngả đường xe điện Hà Nội suốt từ năm 1954 đến cuối những năm 80. Nhưng không hiểu sao mãi chưa làm được đến mãi khi ông Nguyễn Sơn Giang qua đời?
Không phải liệt sĩ Nguyễn Sơn Lâm hy sinh ở Hải Phòng ngày toàn quốc kháng chiến tái thế mà khôn nguôi thương nhớ người con trai cả, cụ Sơn Hà đã lấy tên Nguyễn Sơn Lâm đặt tên cho một người con trai gần út. Ông Nguyễn Sơn Lâm không trở thành doanh nhân mà làm công nhân nhà máy xi măng hải Phòng có người con trai là Nguyễn Hoàng Long. Có lẽ Hoàng Long thế hệ thứ hai, cận tổ chứ chưa hẳn viễn tổ của cụ Nguyễn Sơn Hà mới có người nối nghiệp cụ? Mới quá tam thập một chút nhưng Nguyễn Hoàng Long đã nhi lập khá chững chạc cả về phong độ, tính cách lẫn gia sản.
Nguyễn Hoàng Long là con cả trong gia đình có 3 anh em. Long tốt nghiệp ngành Kiến trúc (Khoa Tạo dáng công nghiệp, khóa 1998 – 2003) Viện Đại học mở Hà Nội.
Đời sống những năm bao cấp gian khó đã tác động đến Hoàng Long theo chiều tích cực? Bố làm công nhân nhà máy xi măng, mẹ là giáo viên vất vả nuôi 3 anh em ăn học nên Nguyễn Hoàng Long đã sớm tự lập, tự lo sinh hoạt, học hành và tự mình định hướng đi . Có vẻ như được thừa hưởng chút nhạy bén trong kinh doanh của ông nội Nguyễn Sơn Hà nên ngày từ khi còn là sinh viên, Nguyễn Hoàng Long đã có những ý tưởng kinh doanh táo bạo và cũng đã đạt được những thành công nhất định.
Hoàng Long đã thành lập Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Sơn Hà – SHAC) tại Hải Phòng và qua gần 14 năm hoạt động vận hành khá thành công Công ty thiết kế nhà đẹp – xây nhà đẹp trọn gói Sơn Hà.
Hình như ông chủ trẻ của công ty mang tên ông nội mình cũng được thừa hưởng chút gien của bà nội từng lấy tuân thủ triết lý kinh doanh gắn lợi ích của mình với khách hàng và cộng đồng bao năm là trợ lý cho ông nội làm nên cơ nghiệp? Bà nội của Nguyễn Hoàng Long mất năm 1997 hẳn yên lòng về người cháu nội từng tổ chức khá thành công các chương trình Thiện nguyện của Công ty.
Sơn Hà của Hoàng Long tuy vậy cũng mới là nhỏ lẻ lặt vặt. Hoành tráng đồ sộ tầm như ông nội mình thời quá vãng là cả một vấn đề một bài toán chưa có lời giải! Vậy nên lần ấy chúng tôi đã từng ắng lặng khi tự đặt ra câu hỏi và sau một hồi lâu bàn thảo và cùng… tắc tỵ! Câu hỏi ấy không riêng với hậu duệ Nguyễn Sơn Hà là tại sao doanh nhân mình ngày nay không bị tư bản Pháp cùng chính quyền thực dân tìm mọi cách chèn ép tư bản thuộc địa, nào là những Luật doanh nghiệp doanh nhân, có hẳn Ngày Doanh nhân Việt để khuyến khích tưởng thưởng, nào những vv… và vv… Nhưng vẫn thiếu nhiều đi những tầm cỡ bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà?
Và nhiều vị khác?
Xuân Ba
Hoàng Long,
giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Sơn Hà
Tin cùng chuyên mục
Xã hội - Người dẫn dắt hay là kẻ lôi kéo
10/10/2016
Trần Đình Sử - người thồ chữ
03/10/2016
Khi Trần Tiến… viết
02/10/2016
Mối tình của con gái Tổng Bí thư Lê Duẩn
25/09/2016
Một thoáng Trần Dần
24/09/2016