Hàn Mặc Tử - cái chết được báo trước trong thơ

Hôm nay là ngày sinh của Nhà thơ Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh 22 tháng 9, 1912 – mất 11 tháng 11, 1940- là một nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn. Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn. Nhân kỷ niệm ngày sinh của ông, tacphammoi.net giới thiệu bài viết “Hàn Mặc Tử - cái chết được báo trước trong thơ” đăng tên báo Thanh Niên cách đây khá lâu.


 

 

Phong không phải là căn bệnh có thể làm chết người một cách nhanh chóng. Đó là căn bệnh chủ yếu làm cho con người bị tàn phế. Một bệnh nhân cùng nhập viện với Tử tên là Nguyễn Văn Xê vẫn tiếp tục sống thêm 55 năm nữa sau khi Tử qua đời.

Có lẽ thi sĩ cũng biết điều đó vì anh rể của ông hồi đó là y tá trong Bệnh viện Quy Nhơn và thi sĩ cũng là người có trình độ hiểu biết cao. Nhưng Tử vẫn luôn luôn nghĩ về cái chết.

Tử đã đoán trước được ngày mình sẽ ra đi. Trong bài Trút linh hồn chàng viết: "Máu đã khô rồi, thơ cũng khô/ Tình ta chết yểu tự bao giờ/ Từ nay trong gió, trong mây gió/ Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ". Đó là một lời tuyên bố chắc chắn. Từ khi viết bài thơ này cho đến lúc Tử ra đi là khoảng thời gian khá xa và Tử mất là vì bệnh kiết lỵ. Thế nhưng, chàng vẫn viết: "Ta trút linh hồn giữa lúc đây/ Gió sầu vô hạn nuối trong cây/ Còn em sao chẳng hay gì cả/ Xin để tang anh đến vạn ngày".

Em ở đây là ai? Có lẽ cả Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình lẫn Thương Thương và nhiều hình bóng giai nhân khác. Tất cả những nàng thơ ấy, lúc này đều đã rời xa chàng. Cách đó một thời gian, chàng đã tạm biệt Thương Thương theo lời đề nghị của người anh ruột nàng là Trần Tái Phùng: "Than ơi! Hỡi! Biệt ly chan chứa/ Tưởng cùng em vui thú hưởng tiêu dao/ Anh sắp đi và hai hàng lệ ứa/ Cả đau thương dồn dập xót tâm bào".

Lúc này, nhiều câu thơ Tử làm ra cứ như lời tiên tri về cái chết. Đây không phải là đặc điểm của những bài thơ thuộc Trường thơ loạn như đã nói trước đây. Bởi chẳng hạn trong Điêu tàn, Chế Lan Viên cũng có dùng những từ ngữ để chỉ sự chết chóc nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng thần chết ở đâu mà chỉ là biểu hiện của triết lý thơ điên loạn mà thôi. Còn một số câu thơ Tử viết về cái chết thì lại khác. Ý thơ rất "gở". Chẳng hạn: "Ta còn trìu mến biết bao người/ Vẻ đẹp xa hoa của một thời/ Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng/ Ôi! Giờ hấp hối sắp chia phôi".

Khoảng giữa tháng 9/1940, Tử nhắn Quách Tấn từ Nha Trang ra Quy Nhơn gặp chàng. Lúc này chàng đã được làm xét nghiệm và người ta đã phát hiện ra vi trùng Hansen trong cơ thể chàng.

Tử di ngôn lại cho Quách Tấn lo giữ gìn tài sản văn chương của chàng, sau này chàng chết đi thì tùy theo đó mà xử lý. Rồi chàng nhập bệnh viện phong. Nhập viện để chữa trị căn bệnh phong nhưng chàng coi như mình sắp đi vào cõi chết. Vì sao vậy?

Trong Duyên kỳ ngộ, nhân vật Nàng có nói: "Sao thơ anh nhuộm toàn màu ly biệt/ Rên không thôi và nức nở cả ban đêm". Quả đúng như vậy. Ly biệt và chết chóc luôn có mặt trong thơ Tử vào thời gian sau này: "Lòng thi sĩ chứa đầy trang vĩnh biệt/ Mộng có thành là mộng ở đầu hôm", "Không ai trang điểm má đào/ Cho ta say chết đêm nào đêm nay"... Quách Tấn cho biết, viết thư cho bạn, Tử hay nói về cái chết: "Đó là ngưỡng cửa phải bước qua để đi đến cõi vĩnh hằng". Cũng trong vở kịch thơ độc đáo này, có một đoạn thơ làm cho nhiều người ngạc nhiên vì nó rất giống những gì xảy ra sau này. Đó là khi nhân vật Chàng sắp sửa chia tay nhân vật Nàng, đã thốt ra lời than khóc: "Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sương sao anh nằm chết như trăng/ Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc/ Đến hôn anh và rửa vết thương tâm". Theo hồi ức của người bạn đồng bệnh Nguyễn Văn Xê thì Tử mất vào ngày 11/11/1940 trong cô đơn lặng lẽ, không có bất kỳ một người thân nào bên cạnh. Ngay buổi chiều ngày hôm đó, tang lễ được tiến hành một cách đơn giản. Nơi Hàn Mặc Tử yên nghỉ nằm bên cạnh con suối, về mùa mưa nước thường dâng đầy bờ. Điều này y như câu thơ trên mà chàng đã viết trước đó rất lâu.

Chàng đã nằm lại bên "khe nước ngọc" đó cho đến gần 20 năm sau mới được gia đình đưa đi nơi khác. Năm 1959, gia đình Tử cùng với người bạn thân là Quách Tấn tìm một mảnh đất khác cho chàng. Sinh thời, chàng rất thích cảnh Đèo Son nhưng vì ở đó đang là khu quân sự thuộc chính quyền Sài Gòn nên đành phải tìm đến Gành Ráng. Ngày 13/1/1959, Tử được cải táng về Gành Ráng.

Như vậy là, một đời thơ dữ dội của nhà thơ có số phận lạ kỳ Hàn Mặc Tử đã kết thúc. Chàng đã được thỏa mãn cái ước ao mà ngày nào vị phó soái của Trường thơ loạn Chế Lan Viên từng viết: "Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa/ Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo".

(Theo Thanh Niên)