Tôi học văn

Đã đi học thì ai cũng phải học văn. Học ngữ văn để biết đọc, biết viết. Học văn học để biết cái đẹp, cái xấu bằng cảm xúc và tư duy mà tác giả truyền lại cho mình, cũng là học làm người. Cao hơn nữa học văn để thành người đọc, người viết văn (kể cả viết một văn bản).

Đã đi học thì ai cũng phải học văn. Học ngữ văn để biết đọc, biết viết. Học văn học để biết cái đẹp, cái xấu bằng cảm xúc và tư duy mà tác giả truyền lại cho mình, cũng là học làm người. Cao hơn nữa học văn để thành người đọc, người viết văn (kể cả viết một văn bản).
Thời nhỏ, tôi đi học, được tiếp xúc với sách vở và cái bảng đen có những dòng chữ viết bằng phấn của thầy, thật là thú vị. Biết con chim thì bay và cất tiếng hót. Biết con vịt thì bơi và kêu cạc cạc. Biết con trâu con bò thì kéo cày, gặm cỏ. Biết con người thì cười nói và làm nên bao của cải vật chất cho đời… Qua những bài học, tình yêu với cha mẹ, anh em, bạn bè, loài vật, thiên nhiên, đất nước càng được nuôi dưỡng, đắp bồi. Và quan trọng hơn nữa, tôi cũng mê văn chương lúc nào không biết.
Mê văn chương là vì được đọc những bài thơ bài văn và những cuốn truyện hay. Tôi mua nhiều sách, và vận động bạn bè góp sách để làm một “thư viện” nhỏ cho đội thiếu niên trong làng. Nhờ thế mà nhiều người cùng được đọc sách, cùng kể lại những câu chuyện trong sách, và cùng nhau nhận xét về những gì đã đọc. Bạn thời nhỏ của tôi vì ham mê đọc sách mà sau này có người trở thành nhà thơ, nhà văn như Cao Xuân Thưởng, Lê Thái Sơn, Ngô Đình Du, thành Đại sứ như Ngô Quang Xuân, thành ca sĩ như Thanh Xuân… Tôi được đi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc (lúc đó là quốc gia) và sau này thành nhà thơ, nhạc sĩ.
Thực ra, thành nhà thơ, nhà văn… đều phải có năng khiếu. Nếu không có năng khiếu thì rất khó đạt được đến đích của sáng tạo. Nhưng nếu có năng khiếu mà không đam mê, học hỏi thì cũng khó mà thành công được. Đọc sách không chỉ là giải trí đơn thuần, mà đọc sách cũng chính là học ở đó cả ý nghĩa của nó lẫn nghệ thuật sáng tạo của mỗi tác giả. Người ta nói “sách là thầy” là vì thế.
Tôi còn nhớ năm 14 tuổi, đọc được cuốn sách “Hàn Mặc Tử” trong tủ sách còn sót lại của bố. Sách nói về cuộc đời của nhà thơ tài ba bị bệnh phong và những bài thơ của ông. Tôi đọc ngấu nghiến và thấy thương ông vô cùng. Ông bị bệnh mà vẫn làm thơ. Nhiều câu thơ của ông đã làm tôi khóc và bàng hoàng khâm phục. Cuối cùng thì tôi bắt chước ông, làm một bài thơ lục bát. Ông viết “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu”, còn tôi thì viết “Trăng trên ngọn liễu trăng ngồi/ Tôi trên ngọn liễu tôi rơi bây giờ”. Bài thơ được bố khen, khiến tôi rất thích thú. Có lẽ tôi đã “nhiễm bệnh” thi sĩ từ lúc đó.
Ngày nay nghe nói trẻ em ngại học văn, tôi rất lấy làm lạ. Có lẽ do người lớn hay hướng cho các em ngành này nghề nọ từ bé nên các em coi thường môn văn chăng? Nếu thế thì quả là sai lầm lớn. Vì học văn là nuôi dưỡng tâm hồn hướng về cái đẹp, cái nhân văn lương thiện của con người. Dù sau này trở thành người kỹ sư, bác sĩ hay nhà khoa học đi chăng nữa mà thiếu đi sự lãng mạn của tâm hồn thì liệu họ sẽ sống với mọi người như thế nào? Làm sao họ thấu hiểu câu thơ của Xuân Diệu: “Trái đất ba phần tư nước mắt/ Trôi như giọt lệ giữa không trung”?
Tôi giờ đã có cháu gọi ông, nhưng vẫn thấy học văn không bao giờ là kết thúc. Vì có những tác phẩm văn học cũng như những cuộc đời mà mình không bao giờ hiểu hết. Ngay cả Truyện Kiều của Nguyễn Du mỗi lần đọc lại, lại phát hiện thêm một điều thú vị mới. Hồi còn nhỏ tôi thích nhất câu: “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”; đến tuổi trưởng thành qua nhiều buồn vui cuộc đời lại thích nhất câu: “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Một mình mình lại thương mình xót xa”; và mãi đến khi vào tuổi “tri thiên mệnh” mới thật sự tâm đắc với câu: “Mai sau dù có bao giờ”. Câu thơ 6 chữ toàn những hư từ lại mang đến cho bao người những buồn vui ngơ ngác bên đời…
Vâng, học văn là học làm người, nhưng cả khi đã nên người, văn chương vẫn mãi mãi là thầy của tâm hồn ta.