Nếm "Quà cho con"

Nhìn thấy “Quà cho con” với lời đề tựa “Vần thơ mộc mạc nôm na/Gom kỹ năng sống làm quà cho con”, lại được “nghe” những người khả kính giới thiệu, chưa chia quà cho các cháu, tôi đã … “nếm” liền! Sau khi nếm mấy “gói”, tôi quyết định hoãn chia quà cho các cháu, dành hẳn mấy ngày “nếm” tất cả 100 “gói” trong “hộp” quà. Tôi xin bày tỏ một cách chân thực cảm nhận “Quà cho con” theo … “khẩu vị” của mình. Là thơ hay không thì phải nhờ đến các nhà thơ, nhà phê bình văn học đánh giá, nhưng “Quà cho con” không mộc mạc nôm na vì gặp nhiều từ ngữ “lạ” khó hiểu hoặc có “tầm vóc” quá lớn so với chủ đề của bài. Nhiều bài không “dễ thuộc” như được giới thiệu vì dài và bố cục nội dung không mạch lạc. Nội dung các bài hầu hết không sai, nhưng mới chỉ là những lời dạy bảo có liên quan đến kỹ năng sống. Giữa những lời dạy bảo này và kỹ năng sống còn một khoảng cách không ngắn. Nhìn chung “quà” không được “ngon”, nhiều “gói” còn có “sạn”, một số “gói” có nguy cơ gây “ngộ độc thực phẩm” cho trẻ! Sau đây tôi xin nêu 36 ví dụ cụ thể, mỗi ví dụ kèm theo một vài câu bàn luận từ góc nhìn của cá nhân mình. Đinh Y Văn

Cái miệng xinh xắn, ngọt ngào/ Sinh ra là để xin chào, hê lô (hello) – Bài 1: Xin chào.

Hê lô trộn với xin chào
Nét đẹp truyền thống làm sao vẹn toàn?.

Cảm ơn từ thuở lên ba/Cảm ơn đến hết tuổi già chưa thôi – Bài 2: Cảm ơn.
Đến hết tuổi già chưa thôi
Cảm ơn cả lúc đã ngồi … chốn tiên?!.
.
Nhận lỗi thể hiện tinh thần/Dũng cảm cầu thị… nên cần phát huy - Bài 3: Xin lỗi.
Phát huy điều tốt, điều hay
Phát huy…nhận lỗi – việc này mới nghe!.
.
Người trên thăm hỏi, gọị, đưa/Con nhớ vâng, ạ, dạ, thưa, kính chào - Bài 4: Lễ phép.
Người trên thăm hỏi, gọị, đưa
Khi nào vâng, ạ, dạ, thưa, kính chào?
Còn cảm ơn nữa thì sao?
.
Tiếp thu cái đẹp trên đời/Loại trừ cái xấu, tránh nơi gian tà - Bài 5: Lắng nghe.
Dù cho thính lực đủ đầy
“Nghe” ra được đẹp xấu, phải là thầy trẻ con!
.
Nên ta luôn phải đúng giờ mỗi khi/…Chậm giờ là một hành vi coi thường - Bài 7: Đúng giờ.
Để “cụt” hai chữ mỗi khi
là cho con trẻ “tư duy” … tìm đường?
Để “cụt” hai chữ coi thường
Là cho con trẻ tìm đường … “tư duy”?
.
Muốn tìm hạnh phúc ấm no/Đầu tiên là phải chăm lo việc nhà - Bài 9: Chăm chỉ việc nhà.
Việc nhà nhắc trẻ chăm lo
Mở bài búa lớn đao to làm gì?
.
Chữ đẹp … Là động lực để tiến xa/Cũng là phương tiện để mà thành danh. Bài 11: Luyện chữ cho đẹp.
Nhiều người quí, có người say
“Tôn sùng” chữ đẹp thế này mấy ai?!
.
Tự trọng là luôn giữ gìn/Nét đẹp truyền thống mấy nghìn năm qua - Bài 15: Tự trọng.
Định nghĩa tự trọng quá đà
Bao nhiêu từ điển bỏ qua hết rồi!
.
Và giống như cái đê quai/Giữ cho ruộng lúa, nương khoai an toàn… - Bài 20: Kỷ luật.
Trên nương không có đê quai
Nếu theo ghi chú dông dài cuối trang!
.
Mỗi người như một bông hoa/Sống có trách nhiệm để mà tỏa hương - Bài 21: Trách nhiệm.
Những người “có một tấm lòng” (chữ của Trịnh Công Sơn)
Sống có trách nhiệm đâu mong để mà…?
.
Khiêm tốn và tự tin…Cũng không nên quá nhiều - Bài 22: Khiêm tốn.
Chỉ những kẻ tự kiêu
mới thấy dư khiêm tốn
và quá nhiều tự tin!
.
Im lặng sẽ là vàng/Trước điều chưa chắc chắn/Chỉ cần cười tươi tắn/Là khỏi phải băn khoăn - Bài 25: Biết im lặng.
Trước điều chưa chắc chắn
Im lặng cười tươi tắn
Như nuôi rận trong chăn!
Sao không khỏi băn khoăn?
.
Tinh thông, thành đạt là người chỉn chu - Bài 31: Chỉn chu, chịu khó.
“Tinh thông, thành đạt - chỉn chu”
Tra xuôi, tra ngược nghĩa từ vẫn xa!
.
Thứ nhất là kiệm thời giờ/Thứ hai kiệm sức, thứ ba kiệm tiền/Kiệm điện, kiệm nước đương nhiên/Tránh đồ xa xỉ ưu tiên hàng đầu - Bài 35: Tiết kiệm.
Nhất, hai, ba đến … đương nhiên
Đánh đùng lại đến… ưu tiên hàng đầu!
.
Hãy nghe cha – đôi mắt tròn thơ dại/Xuống biển xanh mà quản trị đất trời - Bài 38: Dũng cảm bước vào đời.
Xuống biển quản trị đất trời
“To tát” ý, “hiện đại” lời làm sao!
.
Phải luôn cùng chụm mái đầu/Chung tay, chung đích, chung màu cờ hoa - Bài 39: Đoàn kết.
“Cờ hoa” là của Hoa Kỳ
Chúng ta người Việt cớ gì lại chung?
.
Trước hết là tự tôn vinh/Những gì tốt đẹp của mình lâu nay - Bài 41: Tự giới thiệu về mình.
Tự tin, tự trọng rất cần
Tự tôn vinh lại có phần … tự kiêu!
.
Công bằng là biết trả ơn/Tấm lòng cởi mở, giận hờn bỏ qua - Bài 42: Công bằng.
Có tra từ điển cả ngày
Cũng không thấy định nghĩa này ở đâu!
.
Người thân mà rất lâu sau/Gặp lại thì phải chào nhau kỹ càng/…Khi gặp người lớn quen thân/Chào hỏi với một tinh thần thiết tha - Bài 45: Lịch sự khi chào.
Chào kỹ càng, chào thiết tha
Kỹ năng chào hỏi vượt xa … bình thường!
.
“Gặp nhau tay bắt mặt mừng”/Nét mặt văn hóa xin đừng bỏ qua - Bài 46: Bắt tay đúng cách.
Đủ rồi “tay bắt mặt mừng”
“Nét mặt văn hóa” xem chừng …hơi dư!
.
Có khách lưu ý ưu tiên/Mời khách ngồi trước con liền ngồi sau/Nhưng khi được mời ăn đâu/Con hãy từ tốn ngồi sau chủ nhà - Bài 50: Lịch sự khi ăn.
Nếu làm theo đúng lời ba
Chủ nhà lịch sự, thì ta …không ngồi?!
.
Nhẹ nhàng lịch sự văn minh/Ra vào đúng chỗ, khoe mình đúng nơi - Bài 51: Lịch sự khi đi.
Những người lịch sự văn minh
Mà còn tìm chỗ khoe mình hay sao?
.
Đừng bao giờ mong đợi/Người khác yêu thương mình…/Dù có quan hệ rộng/Có rất nhiều bạn bè/Nhưng lúc bị ngã xe/Chỉ mình con đau đớn - Bài 58: Yêu thương bản thân mình.
Ôi những lời dạy trẻ
Làm buồn lòng cha mẹ,
Xúc phạm bao bạn bè!
.
Tiền có thể giúp chúng ta…/Công danh, chức tước, suốt đời vi vu… - Bài 65: Tiền chỉ là phương tiện.
Ý xa thì cũng không sai
“Mua danh, mua chức” là hai ý gần!?
.
Bạn bè thế giới đa nghi/Niềm tin người Việt mất đi rất nhiều - Bài 70: Không ăn cắp vặt.
Ăn cắp thì bị coi khinh
Xin đừng nghĩ bạn bè mình đa nghi!
.
Chuyện lớn thì cũng cho rằng bé thôi - Bài 74: Vượt qua khó khăn.
Bé thì đừng xé ra to
Lớn cho rằng bé – hơi lo … tính liều!
.
Bên nhau chia sẻ, tâm tình/Không nên phân biệt xấu-xinh, trẻ-già - Bài 75: Tình bạn.
Không nên phân biệt xấu-xinh
Trẻ-già thì phải phân minh ngôn từ!
.
Cảnh giác những kẻ vật vờ/Tránh xa mấy gã hay sờ linh tinh - Bài 76: Tự bảo vệ bản thân.
Không nên diễn đạt ậm ừ
Nhưng nên cố tránh những từ … “linh tinh”!
.
Nhiều người leo lẻo, tầm phào…/Nhiều kẻ lợi dụng người gìa…/Khi đời lắm kẻ dối gian…/Thế gian lắm kẻ dối lừa - Bài 77: Đừng vội tin người.
Nhiều, nhiều, lắm, lắm… dối gian
Lòng tin con trẻ … nát tan còn gì!
.
Ngày chơi hơn tiếng là cùng/Sức khỏe, tiền bạc không phung phí nhiều. Bài 78: Lựa chọn game.
Phung phí trước ít sau nhiều
Đã là phung phí thì đều không nên!
.
Cái đúng đón nhận hân hoan/Cái sai thì lại phải toan phê bình - Bài 83: Phê bình
Để cho có được vần “oan”
Sợ gì mà chắng dám “toan phê bình”?
.
Dòng đời gian khổ đẩy xô/Thường tình như thể Thủ đô tắc đường - Bài 86: Chịu đựng và hy sinh.
Cái gì đã đẩy đã xô
Mang con trẻ đến … Thủ đô tắc đường?!
.
Từ mỗi người đến mọi nhà/Trách nhiệm, sáng tạo quốc gia sẽ giàu - ... Gương mẫu từ người đứng đầu/Nỗ lực để thế hệ sau noi mình - Bài 90: Lý tưởng sống.
Khuyên con, khuyên hết mọi nhà
Còn “căn dặn” cả người ra đứng đầu!
.
Bạn muốn nắm giữ lấy không/Hay là để nó chạy rông ngoài đời/… Cơ hội không loại trừ ai/Cho nên chắc chắn không ngoài chúng ta - Bài 94: Nắm bắt cơ hội.
Mở bài… cơ hội chạy rông
Kết luận cơ hội chính tông … chúng mình!
.
Chúc nhau trong ấm, ngoài êm/Mong cho chân cứng, đá mềm hơn xưa - Bài 100: Vui Tết đón Xuân.
Chúc tết “trong ấm, ngoài êm”
“Mong cho chân cứng, đá mềm”, hợp chăng?

Đ.Y.V
Tác giả: Đinh Y Văn - Email: dungvsyhn@yahoo.com

 

Nguồn: trannhuong.net