Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp - nhìn từ mối quan hệ CUNG- CẦU

Hiện nay cả nước có 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Cả nước hiện có 412 trường ĐH,CĐ tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường ĐH,CĐ; cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển. Có ý kiến cho rằng, việc phát triển ồ ạt các trường đại học trong thời gian qualà một trong những nguyên nhân khiến số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng tăng; hay nói đúng hơn, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là việc đào tạo ở ta lâu nay không quan tâm đến mối quan hệ CUNG và CẦU.

Hiện nay cả nước có 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp

Chợt nhớ, trong bài phát biểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu hôm Nhà nước tổ chức Lễ chào mừng ông đoạt giải “Nô Ben” toán học đã nêu nhiều nguyên nhân để ông đạt kết quả như hôm nay, trong đó có hai nguyên nhân chính là tinh thần hiếu học và đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, với học trò. Đây là những kết luận rất đúng; không những đúng với cá nhân ông mà với cả những người thế hệ trước và hiện nay. Kết quả các kỳ thi đại học; thi học sinh gỏi quốc tế đều cho hay rắng, hầu hết những em đạt kết quả cao là con nhà nghèo, nông thôn; hiếm con nhà giàu, con ông nọ bà kia. Chẳng hạn, ở Thái Bình, 2 năm  liên tiếp có 2 học sinh giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế và cả hai đều là con nhà nghèo; đó là em Nguyễn Thế Hoàn, bố mẹ là phụ hồ và em Vũ Xuân Trung, học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Thái Bình. bố là thợ sửa khóa…

Lại hỏi, vì sao ngành GD-ĐT của ta lắm vấn đề bùng nhùng quá; không đáp ứng được với yêu cầu phát triển của thời đại? Có phải vì “bệnh thành tích” và “tiêu cực” để rồi khi ngài Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân chủ trương phát động trong ngành giáo dục đào tạo: “Chống tiêu cực” và “Nói không với bệnh thành tích”? (bây giờ ông Nguyễn Thiện Nhân là Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam). Nói lạ! “bệnh thành tích” và tiêu cực thì ở ngành nào chẳng có, chẳng trầm trọng, đâu chỉ mỗi ngành GD-ĐT! Và kết quả của phong trào này ra sao thì bây giờ chúng ta đã rõ!
Vậy thì nguyên nhân nào? Theo chúng tôi, có một nguyên nhân hàng đầu, đó là chúng ta chưa thực chất đề cao SẢN PHẨM của GD-ĐT. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Ai cũng biết, sản phẩm của GD-ĐT là tri thức nói chung của con người. Khi tiếp thu được tri thức trong nhà trường, trong sách vở và ngoài xã hội, con người mang kiến thức phục vụ con người, phục vụ đất nước. Nếu kết quả của GD-ĐT được gọi là sản phẩm thì theo quy luật “Cung và Cầu”, xã hội cần SẢN PHẨM gì thì ngành GD-ĐT đáp ứng sản phẩm ấy! Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước cần người có trình độ đại học, cao học, tiến sĩ v.v. thì bằng mọi cách, người ta sẽ có bằng. Nếu chưa có bằng thì cứ vào cơ quan đã, học sau, hệ tại chức nhan nhản, vừa học vừa làm, vừa chơi, khó gì! Đây là kẽ hở lớn nhất để phát sinh tiêu cực: Tiêu cực trong thi cử, khi học, khi ra trường xin việc; tiêu cực trong việc mở lớp đại học tại chức, thành lập các trường đại học v.v.

Ở đây chúng ta cần phân biệt các loại bằng hiện nay là: bằng giả, tức là bằng mua, không học cũng có bằng, có thể hiểu đây là bằng “mua sỉ”, mua trọn gói. Loại bằng thứ hai là bằng thật, nhưng kiến thức rởm, có thể hiểu bằng này “mua lẻ”; đi mua từ khi tuyển sinh vào đại học, mua điểm các môn thi trong quá trình học, mua điểm tốt nghiệp.

Vậy là, các cơ quan nhà nước chỉ thấy đông những người có bằng nhưng rỗng ruột, là con ông cháu cha hoặc chạy chọt mua bán khi tuyển dụng. Số này vào cơ quan nhà nước không những không làm được việc mà còn tạo mâu thuẩn, bất công trong cơ quan, doanh nghiệp

Chính cái “cầu” (đầu ra – cần bằng cấp) này đã chi phối, quyết định cái “cung” khiến CBGV, học sinh sinh viên và đông đảo phụ huynh ngầm chạy theo nó và phát sinh đầy những tiêu cực. Và hậu quả là hàng vạn học sinh có bằng cử nhân, kĩ sư, thậm chí cả thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp. Đây là sự lãng phí vô cùng lớn.