Người mẹ và con quỷ (Chương 2)

Bánh sừng bò/ Bánh sừng bò/ Nhảy lò cò/ Chén thật no/ Bụng đứa nào to/ Con ông Xã Xệ... Bọn trẻ nhảy lò cò đuổi bắt, vỗ vào rốn nhau để xem đứa nào là con ông Xã Xệ. Khối đứa bụng to như vậy, chỉ có thằng bé con bà làm bánh là chẳng bao giờ thành được con ông Xã Xệ vì nó mảnh người từ nhỏ. Tuy vậy cu cậu cũng khoái chơi trò này, chơi chán rồi chúng rủ nhau chạy đến nghĩa địa lính xem ba con mèo, gà, dê của bà già nhặt rác cà khịa với nhau.

2- VE ĐỊA Y NHA KÌ DIỆU. 

Vèo một cái mà ba năm đã trôi qua. Nếu bà Phù thủy thức dậy thì chưa chắc đã nhận ra ngay hai mẹ con đứa bé ở ven nghĩa địa lính truớc đây. 

Bây giờ họ đã chuyển về sát thị trấn, ở trong một ngôi nhà ngói xinh xinh có vườn cây nho nhỏ bao quanh. Cái nhà ọp ẹp ngày xưa, hẳn là do cậu bé không kiếm được cây đèn hay chiếc nhẫn thần để di chuyển nên nó vẫn còn ở chỗ cũ.

 

Một bà già nhặt rác thấy nó trống không đã dọn vào ở đó, kéo đến ở cùng với bà già đầu tiên là một cô dê vẹo sừng, sau đến con mèo đực lớn như loài linh miêu, nhưng cụt một mẩu đuôi và giờ có thêm anh chàng gà trống gộc sứt mào.
Lí do của chiếc sừng bị vẹo với cái đuôi cụt thì chưa rõ, nhưng khá rõ về cái mào sứt, đó là do anh gà trống khụng khiệng đến sau nhưng luôn gây gổ với cả mèo và dê nên bị chúng tẩn cho rách mào ra. Chẳng lẽ lũ này trốn ra từ một vườn thú nào đó vì con nào cũng to gộc to gạc, bà già nhặt rác chẳng mấy khi cho ăn mà cả bọn vẫn nhởn nhơ.
Những hôm được nghỉ học cậu bé vẫn hay chạy về thăm căn nhà cũ, lần nào cũng thấy con gà đậu trên đỉnh cây thánh giá cao cao ở ven nghĩa địa, nghiêng nghé cái đầu đỏ hỏn sần sùi với con mắt long sòng sọc, tức tối nhìn cô dê đang cọ sừng làm bật rễ mấy gốc sim.
Con mèo to nhưng thường nấp rất khéo dưới gốc mấy bụi mẫu đơn núi, rình chộp lũ bướm hay một con chim chích ngố nào, mải mê tìm sâu mà quên rằng trên đời này còn có mặt loài tiểu hổ, chuyên ỉa cứt chua đến mức phải cào đất giấu đi để các con khác khỏi chê bai, có bộ móng vuốt cực sắc và hết sức láu tôm láu cá.
Cậu bé chạy về vì vẫn nhớ căn nhà cũ, phần nữa cậu thấy bà già nhặt rác hơi giông giống bà Phù thủy, cậu cứ tự hỏi không biết bà ta có phải là cháu hay chắt chít gì của bà Phù thủy đã nhờ cậu giữ hộ sợi xích bạc, xiềng con quỷ đen vào chiếc móng rồng hay không, nhưng không lần nào cậu học trò nhỏ bé này hỏi bà ta về chuyện đó. Cậu ngại vì mẹ cậu đã dặn là không kể lể hỏi han bất cứ ai về chuyện bà Phù thủy, mà hai mẹ con được gặp trong mơ.
Còn một lí do nữa khiến cậu bé hay chạy về ngôi nhà xưa, là càng ngày nó càng nhận ra con dê ở với bà già nhặt rác khá giống con dê của bà Phù thủy. Tuy con dê này màu nâu, không phải là màu đen như con kia, nhưng cũng có ba vằn trắng, có lẽ trái chiều xoắn với con dê cậu thấy trong mơ, cái sừng vênh cũng vênh trái chiều so với con dê kia nếu cậu nhớ không lầm.
Còn kiểu hay đạp đạp chân sau làm tung đất cát lên thì giống hệt. Trong mơ cậu chỉ thấy con dê húc tung gốc bụi cây sơn tra và quật đuôi chết con bướm nâu, còn con mèo và con gà sống sứt mào thì không gặp. Không biết cả ba con có phải đều là của bà Phù thủy hay không, chẳng lẽ lúc bà ấy ngủ thì chúng nó cứ chạy nhông tùy ý như vậy à?
Vì vậy mà cậu bé rất hay đứng nhìn ba con này, lúc mỗi con một nơi cũng như lúc chúng có trận lộn ẩu tùng phèo với nhau. Nỗi băn khoăn cứ  ngọ ngoạy trong lòng, khi không biết mà cũng không dám hỏi ai về những chuyện mà cậu nghi ngờ.
Qua ba năm, mẹ nó được người ở cả thị trấn biết đến vì tài làm các loại bánh ngọt.
Đầu tiên là bánh rán, làm bao nhiêu bán cũng hết veo, nhưng xay gạo thành bột thô thôi để nặn bánh rán cũng mệt lắm, nên có một thời gian mẹ nó đã làm bánh bích quy. Bánh rán thì cậu bé được xem mẹ làm từ lâu rồi, nếu trẻ con có thể nhớ việc gì đó từ lúc biết lẫy, chắc chắn nó sẽ khoe với bạn về chuyện được bà mẹ nhét tí nhân bánh rán vào mồm từ lúc mới biết lật người nằm sấp cơ.
Có điều hình như đứa trẻ nào nhớ được một việc gì gây ấn tượng đầu tiên trong đời, cũng phải vào khoảng đã hai hay ba tuổi, đứa ngố thì năm sáu tuổi vẫn còn chưa có gì tự lưu lại trong đầu, để khi đã thành một người lớn có thể hồi tưởng lại.
Sau này khi thằng bé đi học, một hôm cô giáo đọc cho nghe câu truyện nói về trí khôn mà nhân vật là con trâu với con hổ, sau đó cô bỗng hỏi:
- Việc gì các em nhớ được đầu tiên nào? Ý cô muốn hỏi là chuyện gì về bố, mẹ, ông bà hay có thể là một việc gì đó, mà các em nhớ được sớm nhất ấy. Trước đó thì không có chuyện gì lưu trong trí nhớ cả - cô giáo giải thích thêm rồi động viên lũ trẻ - Các em nghĩ một phút rồi kể cho cô và các bạn nghe xem nào.
Anh cu Tý ngồi cạnh láu táu kể ra hai ba chuyện liền nhưng cô hỏi "chuyện nào xảy ra truớc nhất? Lúc ấy em mấy tuổi nào?" thì cu cậu lại tịt. Có đứa giơ tay đứng lên rồi kể chuyện xảy ra... mới tháng trước mà chẳng phải chỉ mình nó biết!
Thằng bé con bà làm bánh tuy nhỏ nguời, yếu ớt nhưng hóa ra trí nhớ khá mạch lạc, cu cậu nghĩ một tí rồi thấy rằng việc đầu tiên nó nhớ được là khi mẹ nó đánh chết con chuột nhắt, vẫn nhảy loạt xoạt ở trên tấm cót treo bên trên giường nó nằm.
Vậy nhưng cu cậu không dám kể ra, khi về nhà hỏi mẹ thì  mẹ công nhận là hồi ấy có treo tấm cót ép bên trên giường con mình nằm cho đỡ bụi, mà lũ chuột nhắt cứ đan-xing soàn soạt trên đó.
Chị mới lấy cây roi, bắc ghế lên giường ngó rồi quật chết được một con, nó chui xuống dưới tờ báo để nấp, phồng cả giấy lên những nghĩ là nấp kín lắm! Chị hất con chuột xuống đất chỉ cho thằng bé xem. Bà mẹ nhớ chính xác lúc đó con mình mới non hai tuổi, thế mà nó nhớ đuợc, kể cũng lạ.
Vậy nên không lấy làm ngạc nhiên, khi thằng bé có thể kể làm bánh quy thì có những thứ gì cho vào trộn bột, dùng mấy chiếc khuôn để nướng, dẫu rằng mẹ nó cũng nhanh chóng chuyển sang làm bánh sừng bò vì làm thứ bánh đó đỡ tốn sức, bán cũng chạy hơn nhiều. Bánh quy chỉ để ăn chơi, bánh sừng bò nếu làm ngon thì bán cho người ta ăn sáng bao nhiêu cũng hết.
Làm bánh sừng bò chỉ cần đi mua bột mì. Một vài thứ bơ, sữa cũng phải có, nhưng chỉ dùng bằng một lượng nhỏ của người ta. Đặc biệt là trứng, đường trắng và men nở không phải dùng đến.
Khi đã chấm đầu kim vào ve thủy tinh có keo nha tinh chất, chế từ loại địa y nguồn gốc Bắc Cực của bà Phù thủy, rồi dúng vào chậu nước để trộn bột làm bánh, thì sẽ được loại bánh vừa ngọt ngào, mềm mại vừa có mùi thơm ngon đặc biệt không thể nào quên.
Vậy nên dù chẳng có cây đèn thần mà chỉ chưa đầy một năm, đúng như lời bà Phù thủy nói, hai mẹ con đã mua được căn nhà lợp ngói với mảnh vườn nho nhỏ ở sát thị trấn.
Khi chưa có tiền nó chỉ mong nhặt được cây đèn thần để chuyển ngôi nhà ọp ẹp đi xa nghĩa địa lính. Lúc hai mẹ con có đủ tiền mua một căn nhà xinh xắn, cu cậu vẫn thấy tiếc ngôi nhà cũ.
- Mẹ ơi, có thuê người ta rỡ nhà mình ra chuyển về chỗ mới đuợc không hả mẹ? - Nó hỏi.
Chiều con nên bà mẹ cũng gọi mấy người thợ đến, có điều mấy ông thợ đều bảo rỡ ra chẳng làm được gì nữa, mọi thứ sẽ nát như cám. Thôi thì cứ để nó ở đấy, ai chưa có nhà thì cho họ ở. Cuối cùng thằng bé cũng vui vẻ với câu nói của người mẹ.
Rồi đến ngày chị ta dẫn con trai đến trường nhập học lớp một, sau hai ba tháng là cả lớp đều chơi với con chị, vì đứa nào cũng được cu cậu mời nếm bánh sừng bò. Mỗi tháng một lần bà mẹ bảo con mời các bạn về nhà, thết bọn nhãi một bữa bánh vỡ rốn thì thôi. Bọn chúng ăn bánh, nhảy lò cò, vừa nhảy vừa hát:
Bánh sừng bò
Bánh sừng bò
Nhảy lò cò
Chén thật no
Bụng đứa nào to
Con ông Xã Xệ...
Bọn trẻ nhảy lò cò đuổi bắt, vỗ vào rốn nhau để xem đứa nào là con ông Xã Xệ. Khối đứa bụng to như vậy, chỉ có thằng bé con bà làm bánh là chẳng bao giờ thành được con ông Xã Xệ vì nó mảnh người từ nhỏ. Tuy vậy cu cậu cũng khoái chơi trò này, chơi chán rồi chúng rủ nhau chạy đến nghĩa địa lính xem ba con mèo, gà, dê của bà già nhặt rác cà khịa với nhau.
Gà trống sứt mào vừa bới tung đĩa cơm, hiếm hoi mới được bà già nhặt rác để ra sân cho con mèo mắt xanh có cái đuôi cụt một mẩu, rồi rất hùng dũng cất tiếng gáy ồ ồ như tháo cống.
Con mèo ma lanh tức lắm, nó nấp sau các bao rác, lựa thời cơ nhảy lên lưng cấu cổ và vặt lông gà để trả đũa, khiến gà trống phải kêu quang quác bay lên lưng dê. Cô dê nâu khoang trắng mang cả mèo và gà trên lưng, cắm đầu húc vào mấy bao rác nhặt về khiến chúng đổ lăn đổ lóc.
Đuổi theo ba con vật bao giờ cũng là bà già nhặt rác với cây gậy khù khoằm trên tay, bà cụ tức lắm, lần nào cũng bảo sẽ tống cổ cái lũ quái quỷ này đi.
Tuy vậy bọn "tam quái" canh nhà hộ bà cụ khá tốt, người lạ mà đụng vào thứ gì quanh đấy thì dê lập tức cúi đầu xuống, sừng chĩa ra khiêu chiến, chân sau đạp tung đất cát. Con mèo quắc mắt xanh lè xanh lẹt lên "ngoao!", gà trống thì bay lên cọc hàng rào đập cánh kêu toang toác, vậy nên chẳng cậu bé nào dám nhặt thứ gì của bà cụ và quanh năm lũ ba tên vẫn cứ nhởn nhơ như vậy.
Từ ngày mấy đứa đổ dế suýt chết vì bom mìn sót lại, lũ trẻ không dám vào bên trong khu nghĩa địa có quây dây kẽm gai nữa. Chắc vì thế mà bà Phù thủy vẫn yên tâm ngủ kĩ, con quỷ với cây thánh giá nằm yên trong chiếc tất tay cất trong rương, ngoài hai mẹ con bà bán bánh, không ai biết đến câu chuyện li kì ấy cả.
Thị trấn thì dần dà trở nên nổi tiếng với món đặc sản "Bánh sừng bò". Có bạn bè ở nơi khác đến chơi, bao giờ chủ nhà cũng mua bánh ở nhà cậu bé về thết đãi, hoặc gửi làm quà cho người nơi xa. Đến mức người ta gọi thị trấn nơi hai mẹ con  sinh sống là thị trấn "Bánh Sừng bò".
Trò chơi lò cò đuổi bắt, vỗ rốn nhau với mấy câu đồng dao ban đầu, càng ngày càng dài ra theo lượng bọn trẻ tham gia vòng tròn đuổi bắt. Bây giờ chúng hát:
Bánh sừng bò
Bánh sừng bò
Cong cổ con cò
Rủ nhau cùng chén
Bánh sừng bò
Bánh sừng bò
Nào ăn thật no
Thi nhảy lò cò
Bánh sừng bò
Bánh sừng bò
Thi nhảy lò cò
Thi chén thật no
Bụng đứa nào to
Con ông Xã Xệ...
Bọn trẻ con thích trò nhảy lò cò ở những bãi cỏ rộng rãi, dù có ăn bánh sừng bò hay không. Các bà mẹ trẻ cười tươi như hoa, khi thấy thằng cu răng sún nhà mình không phải cố đút từng thìa bột, mà vừa ngọng nghịu hát theo đứa lớn hơn vừa tự ăn lấy bánh. Mấy bác thợ lúc đợi việc, đôi khi cũng rửng mỡ chơi trò trẻ con lò cò đuổi vỗ rốn  nhau, khiến lũ trẻ xúm quanh để xem, cười như nắc nẻ.
Những sự thay đổi đến chóng mặt đã xảy ra khi thằng bé vào học lớp ba. Hôm ấy nó vừa đi học về thì thấy một chiếc xe ô tô con bám đầy bụi đứng trước cổng vào sân nhà nó.
Từ trong xe một ông đeo kính đen lạ hoắc, mũi to và tím như quả cà mà vùng nó gọi là cà dái dê, mặt phì phị bước ra. Ông ta nhìn chiếc khóa cà cộ chưa mở ở cánh cổng, nhìn chiếc chìa khóa thằng bé vừa rút trong cặp sách ra rồi khịt mũi một cái.
- Nhỏ ơi, mẹ mày đi đâu?- Người lạ hỏi nó.
- Mẹ cháu... mẹ cháu đi mua bột mì - Thằng bé trả lời thế vì lúc đi học mẹ nó còn ở nhà, có điều bột mì thì đã phải giũ bao cuối cùng từ tối hôm qua.
- Thế không phải đi bán bánh sừng bò à? - Ông ta hỏi có vẻ căn vặn.
- Không phải đi, người ta đến đây lấy.- Thằng bé thấy không thích cái ông mũi tím này nhưng vẫn trả lời vì mẹ luôn dặn rằng, khi người lớn hỏi gì thì phải ăn nói cho lễ phép, trừ chuyện có dính đáng đến bà Phù thủy không được nói với ai cả.
- À, hiểu rồi. Thế bao giờ về?- Ông khách lại hỏi.
Nó không phải trả lời nữa, vì vừa lúc đó thì  hai chiếc xe xích lô chở lặc lè những bao bột mì đã hạ càng xuống lề cỏ.
Mẹ nó từ trên chiếc xe sau chưa kịp bước xuống, ông khách đã tiến đến vồn vã chào hỏi, nó liền mở cổng vào nhà cất cặp sách rồi ra tìm quả chín ở cây ổi ngoài vườn.
Hôm qua thằng bé thấy một quả khá to, đã vàng vàng ở tít trên cao nhưng bây giờ sao lại biến đi đâu mất. Thì ra con chào mào vừa bay vọt lên đã moi ruột chén truớc nó và làm quả ổi rơi xuống cỏ.
Mắt tìm mấy quả bói mùa đầu nhưng tai thằng bé vẫn nghe tiếng ông mũi tím nói chuyện với mẹ. Ông ta mời mẹ nó đến làm cố vấn ở xưởng bánh của ông ấy. "Cô không phải mó chân mó tay vào việc gì cả, chỉ bảo cho thợ người ta làm thôi. Cũng không phải bỏ đồng vốn nào mà tôi sẽ chia đôi tiền lãi với cô" - Đấy là đề nghị của ông mũi tím nhưng hình như mẹ nó không đồng ý. Mãi rồi hình như Mũi tím gạ được mẹ nó kí hợp đồng bán cất hết cho lão, với giá cao hơn hẳn so với giá bán cho những người khác.
Thằng bé chạy vào định nói với mẹ rằng nó không muốn thế nhưng ông khách đã lạch bạch đi ra ngoài, chỉ còn thấy một cuộn bụi cuốn theo sau bánh xe của lão, trông như chiếc chổi của bà Phù thủy vẽ trong tranh truyện.
Bà mẹ nói với con rằng bà muốn có nhiều tiền hơn để cho nó được đi học ở những truờng thật tốt, để ...
- Con không đi học truờng khác!- Thằng bé ngắt lời mẹ, nước mắt òa ra. Nó đang khoái trường này vì bọn ở lớp đứa nào cũng chơi với nó. Lũ trẻ quý thằng bé bởi nó hiền lành mà còn vì tháng nào chúng cũng được thết thứ bánh sừng bò ngon cực kì, chỉ nhà nó mới có. Nó sợ mẹ  bán cất hết thì lấy đâu ra bánh mà đãi bạn.
- Mẹ bán hết bánh thì chúng nó...hu hu...
- Ông ấy chắc phải để lại đủ cho con mời bạn chứ, không lo đâu con ạ! - Lần này là bà mẹ ngắt lời vì biết con mình lo chuyện gì.
- Ứ, nhưng con không cho mẹ bán hết cho ông ấy đâu!
- Con ạ, mẹ muốn có thêm tiền để mẹ con mình có thể đi tìm xem bố chết ở đâu. Mẹ muốn đưa con đến mộ bố để dưới suối vàng bố con có thể mỉm cười. Khi nào tìm thấy mộ và đưa được xương cốt bố mày về gần nhà thì mẹ mới yên lòng, con ạ.
Mẹ nói vậy thì biết cãi làm sao?! Thằng bé không khóc to nữa nhưng ấm ức trong lòng thì còn lâu mới hết. Nó nghĩ giá bà Phù thủy không đi ngủ thì có thể hỏi bà ấy về chuyện bố chết ở đâu, chẳng biết khi nào bà ấy mới thức dậy nhỉ?
- À này - mẹ nó bảo - hôm nào mẹ làm thử một ít quả dầm để con mời các bạn đến ăn nhá.
Quả dầm! Ờ nhỉ, sao nó lại quên tịt đi chuyện ấy. Làm theo cách của bà Phù thủy dạy cho chắc là ngon phải biết. Thế là thằng bé thôi khóc, ngồi vào bàn ăn cơm với mẹ tuy trong bụng vẫn ấm ức với sự xuất hiện của lão mũi tím. Nhỡ lão ta thấy quả dầm của nhà nó ngon lại đòi mua cất hết thì sao? Thằng bé thấy tiếc là con dê sừng vẹo không ở đây với nó, cô dê hung hăng và tinh quái này chắc sẽ húc cho bẹp đít chiếc xe đầy bụi của lão mũi tím, khi nó vừa xuất hiện.
Chả riêng thằng bé mà bọn trẻ con đều ghét cái ông mua cất hết bánh sừng bò, chúng đặt tên ông ta là Mũi-cà-tím.
Ngày nào lão cũng cho người đến nhà hai mẹ con từ sớm tinh mơ để vét bằng hết số bánh đã làm ra trong đêm, mặc dù mẹ nó đã phải tăng số lượng lên gấp rưỡi. Vét nhẵn nhụi, nếu nó không nhanh tay nhét trước một hai chiếc vào cặp thì cũng phải đi ăn sáng bằng thứ khác, nói gì đến bọn thằng Tí, cái Hon ngồi cùng bàn với nó.
Buồn thật đấy. Thị trấn Bánh Sừng bò thế là mất đi niềm tự hào của mình, giờ ai muốn ăn bánh thì phải lên thị xã mà mua với giá đắt gấp đôi truớc đây.
Ai cũng nghĩ rằng mẹ con chị làm bánh sừng bò chắc vui mừng lắm vì thu được nhiều tiền của, nhưng câu chuyện đâu phải như thế. Thằng bé thì buồn từ khi lão Mũi-cà-tím đến nhà nó lần đầu, còn bà mẹ thì chưa qua được nửa năm đã lo và sợ đến phát sốt phát rét. Lo vì lúc nào Mũi-cà-tím cũng giục giã phải làm nhiều bánh hơn nữa, lão đòi cho người đến cùng làm để ra lò được nhiều bánh hơn, còn sợ là vì người nhà lão ta luôn luôn rình rập, cố tình học trộm cách làm bánh của hai mẹ con.
Hôm ấy được nghỉ học, cậu bé buồn bã một mình đi về thăm ngôi nhà cũ. Lúc gần đến nghĩa địa lính thì  trông thấy con dê nâu vằn trắng đang vặt ăn lá cây táo gai.
Cô dê không thèm nhìn thằng bé nên nó đứng lại, băn khoăn một tý rồi chợt nhớ đến nửa chiếc bánh sừng bò hãy còn trong túi. Một ý kiến thoáng lên trong đầu, khiến cu cậu vội vàng cầm nửa chiếc bánh lại gần chìa cho con dê. Con vật ngẩng đầu nhìn với vẻ nghi ngờ, nhưng có vẻ quan tâm đến mẩu bánh sau khi khịt mũi đánh hơi.
Thế là thằng bé hấp tấp thẩy miếng bánh cho cô dê sừng vặn, rồi đứng yên nhìn nó ăn một cách dè dặt. Đợi khi con dê ăn xong, cậu bẻ một cành lá thật ngon vẫy rủ nó đi cùng, dê ta không đi nhưng cứ đứng nhìn theo mãi.
Cậu học trò đành quay về nhà, rất bực vì chẳng còn sót mẩu bánh nào nữa, cu cậu nghĩ bụng nếu rủ được con dê về ở cùng thì cóc sợ kẻ nào rình rập, học mót cách làm bánh của mẹ cậu.
Sáng hôm sau cậu học trò này dậy sớm lắm, bánh vừa ra lò còn nóng hổi đã thủ luôn hai cái. Phải chuyển tay nọ sang tay kia cho đỡ nóng, cậu chạy tọt ra sân sau, định bụng chui qua lỗ hàng rào tre gai để chạy đến ngôi nhà cũ, tránh mặt đám người nhà của Mũi-cà-tím đến lấy bánh.
Từ hôm qua cậu đã quyết tâm sẽ nhịn ăn sáng để giành bánh cho dê, đến khi nào nó theo về nhà mình mới thôi, nhưng cậu chàng vô cùng ngạc nhiên lẫn vui mừng khi thấy con dê đang đứng ở lỗ hổng dưới bụi tre gai.
Chắc nó là con dê của bà Phù thủy rồi - cậu nghĩ vậy - ngửi thấy bánh có mùi  địa y nha nên đã tìm về tận đây. Khấp khởi với ý nghĩ đó,  cu cậu chìa ra cả hai chiếc bánh rồi đứng xem cô dê ăn nhẵn nhụi.
Lúc đi học về cậu bé không thấy cô dê ở sau vườn, sáng hôm sau cũng không thấy mặc dù đã giấu giấu diếm diếm đem ra đến ba chiếc bánh. May sao, hôm sau nữa thì nó lại đến chờ, rồi từ đấy mỗi khi có mặt, dê be lên hai tiếng khe khẽ để báo hiệu.
Đó là một bí mật nho nhỏ giữa cô dê và cậu bé, chẳng ai biết cả, ngay bà mẹ vì bận túi bụi chuyện nướng và giao bánh các buổi sáng nên cũng chẳng để ý đến.
Cậu học trò còn định rủ cả gà trống sứt mào với mèo cụt đuôi về ở nhà mình nhưng hai con này bất trị lắm. Về chơi với cậu chúng cũng không thèm, nói gì đến chuyện ở hẳn. Dê cũng không chịu về ở hẳn vườn sau nhà, dù quanh đấy có các loại bụi cây, có lá với rễ củ cho nó ăn thoải mái.
Cả ba con này tỏ ra đều là lũ vô kỉ luật, chúng khoái việc chạy nhông, trêu chòng nhau, thậm chí ẩu đả ở khu nghĩa địa lính hơn là về nơi thị trấn đông người.
Thế rồi sự cố đáng sợ xảy ra vào một đêm cuối tháng. Trước nay bà mẹ bao giờ cũng pha chế nước để trộn bột làm bánh vào lúc mọi người đã đi ngủ hết, ngay cả con bà cũng vậy.
Sợ lộ những bí quyết mà bà Phù thủy truyền cho mình, bà mẹ trẻ rất cẩn thận gìn giữ ve thủy tinh quý giá trong một phòng kín, không cho người lạ bước vào, và năm nào cũng đến vách đá phía đông của quả núi đằng sau nghĩa địa, đợi đúng ngọ thì cạo lấy một nắm địa y đem về phơi khô, tán nhỏ như cách hướng dẫn của bà Phù thủy, làm đầy lại ve thủy tinh đã gần cạn, sau khi dùng suốt năm cho việc sản xuất bánh sừng bò.
Rất nhiều lần Mũi-cà-tím thúc giục, nhưng bà vẫn không chịu nhận tiền đưa thêm để tăng số lượng bánh sản xuất mỗi ngày, khiến mũi lão ta càng tím hơn lên.
Đêm hôm đó người đàn bà mệt mỏi vừa ngủ thiếp đi thì có một bóng đen, không hề phát ra tiếng động nào, lặng lẽ như hồn ma tiến lại cửa trước ngôi nhà.
Bóng đen dừng ở cửa như muốn nghe ngóng, sau đó không hiểu hồn ma đó phù phép hay dùng cách gì mà cánh cửa nhẹ nhàng mở ra, để nó lướt qua phòng ngủ của mẹ con cậu bé, đột nhập vào căn phòng kín.
Vì cả hai mẹ con chủ nhà đang say ngủ nên bóng ma khẽ khàng lục lọi mọi thứ, đã nhét vào bao vải mang theo một vài thứ nho nhỏ mà mẹ thằng bé hay dùng trong khi làm bánh, chưa rõ là những thứ gì trong bóng tối.
Con ma đột nhập đang hí hửng thì đột nhiên bị một vật cứng và nhọn thúc mạnh vào lưng khiến nó chúi mình, trán đập bốp vào chiếc tủ, ngã sấp xuống đất như một bao bột tụt khỏi giá đỡ.
Bóng ma cố nhỏm dậy để chạy trốn nhưng có tiếng khịt đáng sợ vang lên, rồi con quái vật gì đó đen xì, tung những cú đá song phi tới tấp vào mặt nó khiến con ma ăn trộm ngã dúi dụi, kinh hoảng la lên bai bải bằng tiếng người:
- Ối, con lạy ông. Tha cho con!
Hai mẹ con bà làm bánh hoảng hốt choàng dậy. Họ bật đèn thì thấy tên trộm  mặc đồ đen lao chạy bạt mạng ra ngoài, một con thú gì đó - chính là con dê đen của bà Phù thủy mà cậu bé nhận ra ngay - đang đuổi theo để húc nó từ phía sau.
Không còn tí hồn vía nào nhưng bà mẹ đang run lẩy bẩy vội lập cập chạy đến chỗ cất chiếc ve thủy tinh. May quá, nó vẫn còn nguyên vẹn trong một hốc kín đáo, tạo ra một cách bí mật trong góc tủ.
Tuy vậy bất hạnh là ở chỗ đứa con bà, do quá hoảng hốt và bất ngờ, khi xem các thứ bà Phù thủy gửi lại có còn hay không, đã đánh rơi chiếc tất tay bé nhỏ vào chậu bột nhào sẵn, chuẩn bị nặn bánh sừng bò vào giờ Dần hàng ngày.