Khi Trần Tiến… viết

Trần Tiến viết nhạc, nhiều người đã biết. Trần Tiến hát, nhiều người đã nghe. Nhưng Trần Tiến viết văn, hẳn nhiều người chưa biết. Và sẽ bất ngờ khi cầm trên tay cuốn sách đầu tay của nhạc sĩ Trần Tiến mang tựa đề “Ngẫu hứng”.

Nhạc sĩ Trần Tiến trong buổi ra mắt sách tại TP HCM.

Cuốn sách vừa ra mắt trong một ngày Sài Gòn mưa tầm tã. Nhưng chính mưa, lại làm cho buổi ra mắt sách của Trần Tiến đầy ngẫu hứng, khác hẳn với những buổi ra sách gần đây. Chiều đó, người Sài Gòn yêu mến Trần Tiến vẫn tụ về Đường sách Nguyễn Văn Bình bên hông Nhà thờ Đức Bà để được nghe Trần Tiến hát, Trần Tiến kể chuyện… Những chuyện âm nhạc. Và những chuyện đời.

Người ta có thể gặp ở đây những người bạn của ông, như đạo diễn Lê Hoàng, như vợ chồng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, ca sĩ Đồng Lan, ca sĩ Phạm Anh Khoa… cùng nhiều người khác nữa. Đặc biệt, vợ nhạc sĩ Trần Tiến hiếm khi xuất hiện trước truyền thông, cũng có mặt. Đủ thấy, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào với Trần Tiến.

Trở lại với cuốn sách “Ngẫu hứng”. Đây là cuốn sách đầu tay của ông. Thật lạ. Ngoài 70 tuổi mới có cuốn sách đầu tay. Trần Tiến bộc bạch, trước đến giờ, ông chưa hề xuất bản cuốn sách nhạc nào (chính vì thế mới xảy ra chuyện nhiều ca sĩ hát sai lời, sai nhạc của Trần Tiến). “Ngẫu hứng” là cuốn sách đầy bất ngờ.

Nói về cuốn sách, Trần Tiến kể rằng có “bạn văn” muốn làm 101 tập phim về cuộc đời Trần Tiến, nhắn ông viết phác ra những điều ông còn nhớ, muốn kể. “Vậy là lúc nào thật say, tôi ngồi vào máy vi tính và gõ. Rồi gửi cho ông bạn nhà văn đưa lên mạng, thì nhiều người gọi điện bảo nhạc sĩ viết văn hay thế. Rồi một hôm công ty sách First News xuống Vũng Tàu kèm theo một cô xinh đẹp ôm theo một cái thùng - hình như là lẩu bò. Chúng tôi ngồi nhậu rồi họ đưa tờ giấy, tôi ký đại vào đấy rồi cuốn sách xuất bản. Thế thôi. Nếu các bạn đọc thấy nó hay thì hay mà dở thì sẽ là dở”.

Với cuốn sách này, Trần Tiến khẳng định, ông không có ý định viết văn. “Nếu có ý định thì cũng không làm được nhà văn. Mỗi nghề có đặc thù riêng. Khó lắm. Giờ bảo tôi viết báo còn sợ nữa là”, Trần Tiến giãi bày. Nhưng Trần Tiến cũng hóm hỉnh trêu đùa bạn bè: “Ai chưa đọc văn Trần Tiến, người ấy mới sống nửa cuộc đời. Còn đã đọc xong rồi thì… chẳng còn gì để sống!!!”

“Ngẫu hứng” dày 264 trang, gồm hai “chương”: Trần Tiến viết, Viết về Trần Tiến. Trong đó, phần 1 chiếm trọn 200 trang sách, ở đó, độc giả hẳn sẽ thích cách kể chuyện của Trần Tiến. Thực ra, viết văn với Trần Tiến là một thứ “cao sang”, ông không dám nhận, dù thuở học trò ông đã là học sinh giỏi Văn. Nhưng Trần Tiến vẫn viết. Viết với Trần Tiến giống như ông đang kể chuyện, như ông đang cầm micro nói trên sân khấu hay nói vo trong những chuyến du ca một thời. Chỉ khác, trước mặt ông là màn hình máy tính. Lặng phắc. Tay ông ríu rít gõ phím. Khi ấy, Trần Tiến nhớ gì kể ấy. Vì thế, độc giả gặp ở đây những câu chuyện, những chi tiết vui vui, buồn buồn. Tôi thích 27 bài mà Trần Tiến gọi là “ngẫu hứng văn xuôi”. Bằng giọng kể tự nhiên, nhẩn nha, Trần Tiến viết về những gì ông đã trải qua, những cuộc gặp gỡ. Riêng những chuyến du ca- một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Trần Tiến, ông để riêng thành một phần, với những bài ngắn như: Nhớ thời du ca, Năm ngày ở xứ Quảng, Nàng xuân…

Nếu qua những bài viết, Trần Tiến “viết văn có vẻ sột soạt nhỉ” (chữ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo), thì ở phần “Lưu ảnh ký” Trần Tiến kể những câu chuyện thông qua những bức ảnh. Những bức ảnh với mẹ, với cha, với chị; những bức ảnh một thời du ca, một thời đóng phim… Đây là một phần mang lại nhiều cảm xúc, thậm chí mang đến sự xúc động. Như khi Trần Tiến viết dưới tấm ảnh chụp năm 1985 khi người mẹ qua đời: “Mẹ mất, cả nhà ráng đợi người con thứ bảy đi từ hòn đảo người Chà Và vùng An Giang, tận cuối nước về tới Hà Nội nhìn mẹ lần cuối. Chị Liên vịn vai em nói trong nước mắt: “Mẹ đợi cậu về để đi đấy!”. Ngày đó cả nhà đều nhớ câu hát mình tặng mẹ: “Mẹ ơi, sớm nay xuân về/ Mẹ trông ra ngoài hiên nắng/ Mẹ mong đứa con xa nhà/ Rồi mùa xuân anh ấy sẽ về...” (Bài hát Mùa xuân gọi). Mùa xuân ấy mình ở làng Châu Giang của người Chà Và, vừa viết xong bài “Tiếng trống Paranung” giao cho ban nhạc chơi thì nhận được hung tin. Mùa xuân con về: “Chạy lên thang gác, bóng mẹ còn đâu” (Bài hát Mẹ tôi). Có những tấm ảnh không thể nhìn lâu. Có những lời không thể nói và cũng không nói được”.

Nói về phần kể chuyện ảnh này, Trần Tiến cho biết: “Người già hiếm khi lôi ra những bức ảnh cũ. Vào tuổi “thất thập”, sao bỗng ngại ngần ngó lại ngày xưa. Cố nhân xa rồi, bóng mờ nhân ảnh/ Chốn xưa hoài cổ, nhật nguyệt vãng lai. Vậy nhưng, cũng là một thời yêu dấu/ Để nhớ, để quên, để thầm thì kể lại cho một ai đó, biết đâu…”

Thư Hoàng