Mùa xuân - nghĩ về nghề trồng người

Và một mùa xuân mới lại đến, một sự nghiệp trồng người mới lại bắt đầu. Xuân đất trời, xuân hạnh phúc, xuân trí tuệ, xuân tuổi trẻ, xuân của niềm tin và khát vọng..., tất cả những xuân ấy đều tìm thấy trong nghề dạy học cao quý. Mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, hãy là “một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời”, hãy là những chiếc lá luôn xanh màu tô điểm cho cây đời xanh tươi mãi mãi…

 

NGÀY XUÂN TẢN MẠN NGHỀ TRỒNG NGƯỜI
Nguyễn Hoàng Anh
Mùa xuân đã về. Hơi xuân ấm, sắc xuân vàng, tình xuân xanh mơn mởn và náo nức lung linh. Yêu lắm mùa xuân ơi!
Xuân chợt biếc trên lộc mềm ươm lá
Nụ mai vàng e ấp cánh đầu tiên
Chim én nhỏ bốn phương trời xa lạ
Chở êm đềm từ giọng hát trao duyên
Mùa xuân, mùa của niềm hy vọng, sự khao khát và ước mơ, mùa của những lộc non xanh biếc, mùa của sự khoe sắc. Mùa xuân, những điều ước sẽ dễ thành hiện thực. Không khí mùa xuân làm con người hòa đồng hơn, dễ chịu hơn và lòng người cũng vị tha hơn. Cảm xúc lâng lâng khi đón nhận không khí mùa xuân, mong lắm những ngày nắng đẹp sau một mùa đông dài ảm đạm, chờ đợi mùa xuân tới cùng những điều tốt đẹp hơn, tất cả sẽ nở bừng rạng rỡ cùng nhiều nụ hoa đang căng tràn sức sống và hứa hẹn sẽ có những sắc màu, hương thơm, điểm tô thêm cho mùa xuân chiếc áo lộng lẫy, xinh tươi. Nhắc tới mùa xuân, người ta liên tưởng đến màu xanh tràn đầy sức sống của cỏ cây hoa lá, và nhận thức thêm một điều rằng ta đã thêm một mùa xuân nữa trong cuộc đời. Người ta tìm đến mùa xuân như để kiếm tìm những niềm rung cảm mới, để được thả hồn vào trong cái hơi thở dịu ngọt của đất trời, để được hòa nhịp đập trái tim vào miền sức sống căng đầy và êm dịu.
Từ cảm xúc về mùa xuân, nghĩ về nghề dạy học lại thấy hạnh phúc và cao quý thay cho con đường mà mình đã chọn. Sự nghiệp giáo dục, nghề dạy học cũng như mùa xuân ấy, mang cả một màu xanh của hi vọng, ước mơ và những tri thức tới cho cho bao thế hệ. Gắn với nghề dạy học, mỗi thầy cô giáo cũng đang tự dệt nên những mùa xuân cho các thế hệ, để các em biết sống yêu thương, biết ứng xử, biết đặt tương lai làm đích hướng tới cho mình, để các em không bao giờ hết nguôi niềm tin vào những cố gắng của bản thân…Để có được những mùa xuân như thế là cả một quá trình của mỗi người thầy, người cô với những hi sinh lặng thầm cao cả. Những trăn trở, những nghĩ suy, những tìm tòi không mệt mỏi, cả những giọt nước mắt của thầy và trò chính là những viên gạch hồng xây đắp nên mùa xuân của tương lai và những thành công mới… Tri thức luôn là những điều mới mẻ, cần được khám phá, như mùa xuân kia chẳng bao giờ có thể cũ được. Chinh phục những đỉnh cao tri thức cũng có nghĩa là các em học sinh tìm thấy mùa xuân tương lai cho mình. Vun xới cho “cây đời mãi mãi xanh tươi”, bên cạnh sự dạy dỗ của các thầy cô chính là những cố gắng, công sức, ý chí nghị lực và khát khao vươn tới của các em.
Từ thời xa xưa, “Tôn sư trọng đạo” đã là một truyền thống tốt đẹp được nhân dân Việt Nam đề cao, yêu quý và gìn giữ. Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ghi nhận: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Chính vì tinh thần hiếu học, vì yêu cái chữ mà người dân Việt Nam chúng ta quý trọng vô cùng những người làm nghề dạy học. Nhân dân tôn vinh, yêu mến gọi người thầy giáo là “kỹ sư tâm hồn”. Bởi với người thầy giáo, dạy học không chỉ là dạy chữ mà còn dạy cho học trò đạo lý làm người. Địa vị, vai trò của người thầy luôn được người đời tôn quý, đạo thầy trò luôn được giữ gìn, khắc ghi.
Mọi người thường hay ví người thầy giáo như người lái đò chở khách sang sông. Khách lên bờ có mấy ai ngoảnh lại, chỉ có người lái đò vẫn dõi trông theo. Tôi lại nghĩ khác. Trên bến sông đời, lữ khách có thể chẳng mấy ai nhớ đến người lái đò nhưng trên bến sông tri thức thì con người dễ mấy ai quên, bởi lẽ những tri thức và đạo lí cuộc đời do người thầy giáo mang lại cho học sinh sẽ trở thành hành trang để các em mang theo suốt cả cuộc đời mình.
Dạy học là một nghề khó và đôi khi đem lại cho ta sự mệt mỏi. Đôi khi nó còn là một sự chán nản bởi vẫn còn đâu đây những ganh ghét và tị hiềm trong quan hệ đồng nghiệp, bởi vẫn còn đâu đây những học sinh lười học hay hỗn láo. Nhưng đó chỉ là những nỗi buồn thoáng qua bởi quanh chúng ta có rất nhiều những bạn bè tốt, bởi quanh ta có rất nhiều sự tin yêu, kính trọng của các thế hệ học trò.
Ta có thể bắt gặp học trò của mình ở khắp nơi, nơi công cộng, trong đám đông với những ánh mắt sáng lấp lánh, những nụ cười tươi và những vòng tay lễ phép cúi xuống: “Em chào thầy ạ!”. Ta lại có cảm giác tự hào, hạnh phúc vì thấy mình vẫn còn quan trọng trong cuộc đời con trẻ. Những phút giây ấy tiếp thêm niềm tin yêu, gắn bó với nghề dạy học mà ta đã chọn.
Trong nhà trường có mấy chữ tưởng chừng như khẩu hiệu "Kỉ cương, tình thương, trách nhiệm" lại là phương châm về đạo đức, chức nghiệp, phẩm giá mà bao thế hệ nhà giáo thay nhau giữ gìn. Bởi không còn đạo đức, không còn tình nghĩa, không có chữ nghĩa thì dù có sống với nền văn minh vật chất nào, con người cũng chỉ là bầy thú giàu sang mà thôi. Và trong nguồn mạch yêu thương của các thầy cô dành cho học trò, từ thái độ trách nhiệm với học trò, với cuộc đời, hẳn không ít người thầy đã trăn trở:
"Em xóa bảng còn chăng lời tôi giảng
Tình nước, nỗi ưu đời thành bụi phấn bay đi…"
Không ít người trong chúng ta đã có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục và chắc hẳn ai chẳng có đôi lúc chưa hài lòng với sự đãi ngộ của xã hội dành cho người thầy, hoặc chịu tác động của hoàn cảnh sống, hoặc cảm thấy thất vọng do công việc hay quan hệ giữa thầy trò, đồng nghiệp hoặc đôi lúc nhọc nhằn buồn bực vì học sinh học kém, chưa ngoan…nhưng bằng tình yêu nghề, chúng ta vẫn vượt qua và vẫn luôn cảm nhận hạnh phúc lớn lao khi nghĩ đến điều "Vì đàn em với tương lai". Người xưa có câu "Thập niên chi kế mạc như thụ mộc, Bách niên chi kế mạc như thụ nhân" (Kế mười năm không gì bằng trồng cây, kế trăm năm không gì bằng trồng người) để nói lên quan tâm, đầu tư cho giáo dục là đầu tư hôm nay để hướng tới tương lai. Ươm mầm và đào tạo cho xã hội những con người hữu ích đó luôn là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người dạy học mọi thời đại.
Cả xã hội vẫn luôn công nhận nghề dạy học là nghề cao quý và thiêng liêng. Mỗi chúng ta phải trân trọng điều đó nên luôn tâm niệm lương tâm của một người thầy phải trong sáng, tri thức của người thầy phải đáp ứng được yêu cầu cụ thể cho từng đối tượng học sinh. Đặc biệt là kỹ năng của người thầy, phải không ngừng sáng tạo, đổi mới, để truyền thụ một cách hiệu quả nhất cho những cây đời hy vọng. Và nghề dạy học cũng như mùa xuân, mang đến bao ước mơ, và những khát khao hy vọng. Nói cách khác người thầy đóng vai trò là người dẫn dắt học trò chinh phục những tri thức mới để các em tự tìm đến mùa xuân tương lai của chính mình. Người thầy dạy em biết sống nhìn về phía trước, biết yêu thương, biết chia sẻ, biết nuôi ước mơ trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Để làm được điều đó, trước hết mỗi người thầy phải tự ươm những hạt giống trong mình trước khi ươm những mầm cây khác được người ta mang đến. Miệt mài bên từng trang giáo án, người thầy ngày đêm dệt nên những mùa xuân tri thức cho các em học sinh. Vun xới cho "cây đời mãi mãi xanh tươi", bên cạnh sự dạy dỗ của thầy cô một phần chính là những cố gắng, ý chí nghị lực và khát khao vươn lên của các em.
Và một mùa xuân mới lại đến, một sự nghiệp trồng người mới lại bắt đầu. Xuân đất trời, xuân hạnh phúc, xuân trí tuệ, xuân tuổi trẻ, xuân của niềm tin và khát vọng..., tất cả những xuân ấy đều tìm thấy trong nghề dạy học cao quý. Mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, hãy là “một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời”, hãy là những chiếc lá luôn xanh màu tô điểm cho cây đời xanh tươi mãi mãi…
Quảng Ngãi, những ngày đầu xuân…
Nguyễn Hoàng Anh
(Trường THPT Chuẩn Quốc gia số 2 Mộ Đức – Quảng Ngãi)
- ĐT: 0904 591918
- Email: hoanganhmd2@gmail.com