"Mì ăn liền" của Lưu Quang Vũ
Tối 9/9/2013, tại Hà Nội, lần đầu tiên ở Việt Nam, một liên hoan sân khấu đặc biệt chỉ gồm các vở diễn của một tác giả là Lưu Quang Vũ được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức.
Năm 1987, tôi được dự trại sáng tác kịch bản sân khấu tại Thái Nguyên. Khi đó, Lưu Quang Vũ đang “làm mưa làm gió” sân khấu Việt Nam. Ở đâu người ta cũng bàn về kịch Lưu Quang Vũ. Tại trại sáng tác này, chúng tôi cũng nói về kịch LQV, liền bị một nhà viết kịch già, cũng khá nổi tiếng, gạt đi với giọng kẻ cả rằng: Lưu Quang Vũ ấy à? Cậu ấy lắm chuyện lắm…Không chỉ riêng nhà viết kịch già này mà nhiều người, thậm chí một số bài báo cũng cho rằng, kịch LQV, ngoài “Hồn Trương ba- da hàng thịt”, còn lại là thứ mì ăn liền; chỉ phản ánh tình hình thời sự lúc mấy giờ, không mấy giá trị nghệ thuật, không có sức sống lâu bền. Chính Lưu Quang Vũ từng tuyên bố, anh sẵn sang đánh đổi cả vở kịch để lấy một câu thơ hay…
Vậy mà, giờ đây, khi nền sân khấu Việt Nam đang “chết lâm sang”, một số đoàn kịch đưa “mì ăn liền” của Lưu Quang Vũ ra, khán giả vẫn đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, tối hôm qua,9/9/2013, tại Hà Nội, lần đầu tiên ở Việt Nam, một liên hoan sân khấu đặc biệt chỉ gồm các vở diễn của một tác giả là Lưu Quang Vũ được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức. Trong khoảng 10 năm, Lưu Quang Vũ đã sáng tác 53 vở kịch, gồm nhiều thể loại kịch nói, chèo, hát mới. Cho đến nay, chưa tác giả nào vượt được Lưu Quang Vũ cả về số lượng và chất lượng tác phẩm sân khấu. Từ khi ông qua đời (29/8/1988), khoảng trống Lưu Quang Vũ để lại cho sân khấu Việt Nam vẫn không dễ lấp đầy.
Diễn văn khai mạc Liên hoan, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, khẳng định: “Lưu Quang Vũ là một hiện tượng của sân khấu Việt Nam ở 2 thập niên 1970, 1980. Những kịch bản của ông đã tạo nên cơn chấn động trong đời sống sân khấu và tâm lý thưởng thức của công chúng những năm 1980 -1990 của lịch sử sân khấu Việt Nam”.
Ông đã tìm được điểm yếu của thời đại, những mâu thuẫn xung đột của xã hội, tìm thấy hạt nhân mâu thuẫn của con người trong thời đại cơ chế đang chuyển đổi. Tác giả đã nói thay khát vọng, niềm tin, nỗi đau, niềm vui, nỗi buồn… những điều nhân dân lao động không nói được, tạo tiếng nói của số đông quần chúng thông qua tác phẩm. Trong sân khấu có rất nhiều tác giả đã thành danh nhưng tạo ra một hiện tượng như Lưu Quang Vũ thì chỉ có một.
Mười tác phẩm xuất sắc của Lưu Quang Vũ được Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Đoàn Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Quân đội, Đoàn Kịch Nam Định, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế dựng lại để biểu diễn tại các rạp Đại Nam, Công Nhân và Nhà hát Tuổi Trẻ.
Để tham dự liên hoan lần này, các nhà hát đều tự bỏ tiền dựng vở, kinh phí đi lại, ăn ở trong suốt thời gian liên hoan. Một trong những mục đích mà liên hoan các tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ hướng tới là tạo làn sóng mới cho sân khấu Việt Nam cũng như giúp các tác giả trẻ có những bài học kinh nghiệm từ Lưu Quang Vũ.
Trong khuôn khổ liên hoan, hội thảo khoa học về những đóng góp của Lưu Quang Vũ với sân khấu Việt Nam dựa trên kết quả điều tra xã hội học về các vở kịch của Lưu Quang Vũ cũng sẽ được tổ chức.
Tôi đã được xem vở “Ông không phải bố tôi” từ thời LQV còn sống và xem qua tivi trong đêm khai mạc Liên hoan nêu trên. Nếu “đọ” lại sẽ thấy, một số chi tiết rất tinh thế của LQV đã bỏ qua. Chẳng hạn, chi tiết ông Lại Văn Ủng múa sạp cho vợ con xem khi gặp nhau. Ở đây, ông Ủng múa “sạp” vừa hát: “Hòa bình về ta rồi/ Thắng lợi là vinh quang/ Rê rê rê mí xì rê”. Múa hát như vậy mới đúng tâm trạng vui tươi, hồn nhiên của anh chiến sĩ Điện Biên chiến thắng trở về; chứ múa hát: “Xòn xòn xòn đô xòn…” như vở diễn trong đêm khai mạc Liên hoan, không ăn nhập với “văn cảnh” của vở, vừa lố. Thế mới biết, gần ba thập kỷ rồi, những những thứ người ta cho là “mì ăn liền” của Lưu Quang Vũ vẫn còn nguyên giá trị. Tính thẩm mỹ, tính dự báo, nghệ thuật xây dựng tác phẩm, nhân vật điển hình… qua tài năng Lưu Quang Vũ, vẫn tiếp tục để lại nhiều suy ngẫm trong lớp nhiều thế hệ khán giả yêu kịch của ông.