Lê Lựu những ngày này
Ôi! cuộc đời của một nhà văn lừng danh vua biết mặt chúa biết tên, thế giới ca ngợi mà chỉ mơ ngồi đất và ăn rau luộc. Đám bọt bèo chúng tôi chắc cuối đời hình như còn tệ hơn như thế. Mà hình như gì nữa! Chắc chắn là thế, có khi còn gấp mấy như thế... Văn bạc với người mà người lại chẳng dám bạc với văn...
Khi mặt trời sắp lặn, tôi nhận được cuộc điện thoại trong lúc đang lùa vịt về chuồng. Trong tiếng vịt kêu loạn xị, một giọng ốp oáp, bì bọp cất lên: Hoà đá em! Anh đây, Lựu đây, Lê Lựu đây.
Tôi trả lời: Vâng! Em đây! Chào quan bác.
Lê Lựu càu nhàu: Quan quách cái của khỉ! Cái gì quang quác thế mày! Hình như tiếng vịt ấy?
Tôi cười: Còn hình như gì nữa! Đúng là tiếng vịt. Em đang lùa vịt về chuồng.
Vẫn tiếng Lê Lựu:
- Mày là thằng đi chăn vịt à! Sao không mua bò mà chăn cho đỡ nhọc! Thế mày bỏ viết đi chăn vịt à! Bố khỉ!.
- Thưa bác Sài, ruộng nương người ta thu tiệt rồi nuôi bò làm gì có cỏ cho nó gặm! Em chán viết rồi đang mở phòng khám
- Khám gì?
- Phụ khoa, phụ khoa bác ạ. Nước sông ô nhiễm, đàn bà quê em dạo này nó… thối hết rồi, làm nghề này chắc nhanh giàu! Mà bác hỏi em có việc gì cơ ạ?
- Có đấy, việc lớn đấy! Hình như tao nhớ mày thằng "chó đen" ạ (ông vẫn gọi tôi như thế từ ngày đi công cán Sài Gòn)! Mai lên với anh nhé, tao chờ... Tao bảo mấy đứa nấu cơm trưa.
- Thôi đi bố! Chỗ bố ở có ăn đặc sản thịt hùm cũng không nuốt được. Kinh lắm, em chả ăn đâu, em nắm cơm đi xong rồi ra bờ hồ ăn, nước sông Kim Ngưu bốc lên kinh lắm.
Doanh nhân trẻ Bùi Văn Tùng, người được tôi viết ký chân dung, nhà giáo Vũ đức Mẫn và tôi quyết định du hí một buổi, trước tiên là đi thăm nhà văn Lê Lựu. Đến ngõ 319 Tam Trinh Hà Nội, lần theo mùi tanh chúng tôi đến Trụ sở Trung tâm VHDNVN, tôi bảo Tùng: Khi nào ngửi thấy mùi tanh cua cá, ốc ếch lọng óc thì tới nhà Lê Lựu.
Là thằng nhà quê cua nướng ốc lùi mà tôi cũng không chịu được mùi tanh vèn vẹt ở cái chợ cóc trước cửa nhà Lê Lựu. Đã tanh lại hôi, lại thối, lại khăn khẳn "mùi gì mà cũng chẳng ra mùi gì" ở cái không gian nhầy nhụa tù túng của cái khu phố góc phố kinh khủng khiếp này. Có lần tôi hỏi Lê Lựu: Gớm! Không khí này mà anh cũng chịu được... Lê Lựu bảo: Quen rồi mày ạ! Tao chả ngửi thấy cái đếch gì, hay mũi tao tịt bố nó rồi...
Trời ạ! Mùi Thủ đô hãi thật... Mùi hôi thối và nạn tắc đường là hai đặc sản ai cũng thoải mái hưởng thụ.
Chuông bấm 3 lần mới có người ló cổ ra khỏi phòng như con chôm chôm thập thò cửa lỗ... Một cô gái quần lửng nhom nhem đang xào nấu cái gì trong bếp, phòng khách vắng hoe. Đợi mãi rồi Lê Lựu cũng xuất hiện với cái đầu lơ phơ tóc, cái miệng lúc khúc răng lợi, cái chân hết sức tập tễnh, tôi và Tùng phải xốc hai bên nách mới lê lết ra nổi phòng khách. Lần này không thấy Lê Lựu quần đùi ca vát. Ông mặc quần "ngố" và mặt đã đầy lên, râu xùm xoà, xum xuê, tá hoả. Trông ngài như một bức biếm họa của gã họa sĩ vừa vẽ vừa ngủ gật.
Thở một chặp, ngài khoe: Hiện tao có 14 bệnh đang công phá "toàn dân, toàn diện".
Tôi bảo:
- Bác dạo này trông vượng đấy, thanh sắc đều ổn cả. Hôm trước Tết em thấy bác còn không nói được.
- Ừ! dạo này nói tốt rồi, không ngọng nữa nhưng chân không đi lại được phải 2 đứa hộ tống hai bên. Thèm đánh cờ quá mà không có bạn, cánh đàn ông ở cùng đi tiệt cả rồi, mấy con thị mẹt thì cờ quạt gì... Lê Lựu nhìn chúng tôi đượm buồn và hai hàng nước mắt lại tuôn như con trẻ làm mất đồ chơi.
Khổ vậy đấy, sự cô đơn tận cùng vây bủa ông khi quỹ thời gian sắp cạn, vợ con ở gần thì ly tán, con gái vợ đầu ở nhà quê ở xa thỉnh thoảng đôn đáo lên với bố rồi lại đôn đáo quay về...
Ông bảo tôi: Tao đang cùng mọi người xây nhà tưởng niệm thằng Duật (Phạm Tiến Duật) trên Phú Thọ, mai lên đổ mái tầng ba, anh em VNS và các doanh nhân mỗi thằng một tý góp vào nhưng vẫn thiếu be thiếu bét mày ạ! Chúng mày xem sao giúp anh một tay, có thì cho mà không có thì cùng tao ăn xin.
Tôi hỏi Lê lựu:
- Anh lo cho Phạm Tiến Duật đến lượt anh ai lo?
Ông cười:
- Đếch cần thằng nào lo cho tao! Tao bảo chúng nó "nướng" rồi bỏ lọ đem về quê. Tao xây nhà thờ rồi, tao có đất ở quê rồi cần quái gì! Quê vẫn là nhất mày ạ, nó không tệ như phố.
Lê Lựu lại hin hít, di dí khóc. Chắc ông đang nghĩ về sự ly tán gia đình, nghĩ về đạo nghĩa phu thê tử tức giữa cuộc đời đầy bể dâu, bất trắc. Không biết đã bao nhiêu lần nước mắt ông chảy xuống khu rừng nguyên sinh, chảy xuống khóe mép và lại chảy vào trong để tý nữa lại tuốn ra ngoài.
Tôi gạ:
- Sắp tới em khôi phục lại chiếu chèo quê em bác về nhá! Chiếu chèo sân đình mà... Toàn con gái đàn bà "sinh thái xịn" cả.
Lê Lựu lấy tay vuốt nước mắt mếu máo: Ừ! Tao về nhưng trải chiếu cho tao ngồi chứ không ngồi bàn đâu, trông tao nhếch nhác quá, đi lại không được phải để người khác khiêng vác tao, "chướng" lắm mày ạ! Ngồi càng cao thì ngã càng đau chứ béo bở gì hở mày? đúng không?...
Ngồi ngây ra một lúc Lê Lựu bảo:
- Có tao thì đừng có quan sếp com lê cà vạt, tao không muốn bắt tay bắt chân thằng nào cả! Tao chán cái ấy lắm rồi, bây giờ chỉ muốn ngồi dưới đất, có chiếu cũng được mà không có thì phủi cứt gà đi, đặt mông xuống đất cũng không sao! Ngồi đất nó vững không ngã mày ạ!
Lê Lựu quấn lấy chúng tôi và nói rất nhiều. Dạo này giọng ông trầm ấm lưu loát, ông nói như sợ mai mốt lại không có dịp nói. Một người già ngoài 70 tuổi, qua ba lần tai biến não, lại thêm nhằng nhịt những thứ bệnh oái oăm hùa vào thì sự sống rất mỏng manh. Sống được đến hôm nay có thể coi là hi hữu.
Ông nhìn tôi ma mãnh: Thế mày không mang trứng vịt cho tao à?... Tao nói đùa đấy, bị đái đường, bị gút không ăn gì được, chỉ ăn rau luộc và đậu phụ... Thôi! thịt cá phần thiên hạ...
Tôi thấy cay cay khoé mắt... Ôi! cuộc đời của một nhà văn lừng danh vua biết mặt chúa biết tên, thế giới ca ngợi mà chỉ mơ ngồi đất và ăn rau luộc. Đám bọt bèo chúng tôi chắc cuối đời hình như còn tệ hơn như thế.
Mà hình như gì nữa! Chắc chắn là thế, có khi còn gấp mấy như thế... Văn bạc với người mà người lại chẳng dám bạc với văn... Thôi không nói chuyện ấy nữa, chán lắm! Nản lắm.
Lứa nhà văn tiền chiến, gạo cội đã dần vắng bóng. Sự ra đi của Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Nguyễn Tuân... đã là một thiệt thòi cho nền văn chương Việt không thể nào bù đắp... Trời thương hãy còn để lại cho chúng ta Tô Hoài, Lê Lựu và một số cây bút đã làm nên diện mạo văn chương Việt. Người thì vẫn cặm cụi sáng tạo, người thì chỉ còn sống bằng cái bóng của mình nhưng dù sao vẫn là những tán rợp để lứa sau tìm chỗ trú nắng trú mưa mà sống qua những bể dâu, mà vốn dĩ trời đã ban cho kẻ văn chương cái chức năng "hàn thử biểu" của cuộc sống.
Mà nghĩ cho cùng, Hề Hoạn, nhưng trước khi chết vẫn say với vầng trăng, vẫn hát cho kẻ đang đào huyệt chôn mình nghe. Cái thiên chức oái oăm đỏng đảnh, trời bỡn cợt khóac vào thân có ai cởi bỏ được đâu.
Tin cùng chuyên mục
Vài điều tản mạn về Văn hóa
09/08/2013
Hướng đi nào cho điện ảnh dân tộc?
03/08/2013
Kể lại vụ án Tạ Đình Đề
21/07/2013