Cảm nhận sau chuyến đi chia sẻ khó khăn với đồng bào Rục
Hưởng ứng lời kêu gọi “ Vì trẻ em người Rục” của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ngày 16.7.2013 đoàn Blogger Tiếng Việt và một số phóng viên lên đường vào xã Minh Hóa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Bình để thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với đồng bào người Rục – Một dân tộc ít người nhất Việt Nam. Toàn bộ hành trình và các hình ảnh chuyến đi của đoàn đã được cập nhật trên các trang của các Blogger khác, tôi không nhắc lại nữa kéo trùng lặp. Đồng bào Rục ở vùng xa xôi hẻo lánh, đời sống còn rất khó khăn nhưng so với trước thì đã được cải thiện rất nhiều. Ở bài viết này tôi chỉ viết về những cảm nhận cá nhân, về những đổi mới của bà con người Rục mà tôi đã được chứng kiến.
Ở nhà, tôi và mọi người cứ nghĩ đến đây sẽ gặp một dân tộc ít người, lạc hậu, nghèo khổ nhất Việt nam nhưng những điều mắt thấy tai nghe lại cho tôi cảm giác khác. Blogger Nguyễn Quốc Hiệp, Nguyễn Thanh Quang cứ băn khoăn mãi và mang cả ảnh vừa chụp ra để hỏi mấy anh cán bộ xã và tỉnh. Chả là: Quốc Hiệp vào thăm nhà anh trưởng công an người Rục, chụp ảnh và bảo “ Ở miền xuôi nhà trung lưu mới được như thế này!” Tôi xem ảnh thì quả đúng vậy. Từ tiện nghi đến cách bài trí, sắp xếp nhất là phòng ngủ cứ gọi là…hơn cả người Kinh bình thường. Buồn cười nhất là anh Đăng Thuyết. Khi phát quà thấy có chú bé Rục cởi trần mặc quần đùi, điện thoại đỏ lấp ló thò ra khỏi túi quần. Anh Thuyết tưởng cháu bé có đồ chơi là điện thoại nhựa bèn hỏi thăm. Nào ngờ chú bé rút phắt điện thoại bấm số gọi làm ông Thuyết nhà ta há hốc miệng, mắt trợn tròn vì...ngạc nhiên quá!
Theo yêu cầu của cán bộ huyện Hướng Hóa, số quà được chia làm ba bản. hai bản kia ở cách bản Ón hơn 6km. Lúc đó giữa trưa ai cũng mệt và đói. Tôi, anh Vũ Nhang, anh Đăng Thuyết, anh Huy Việt, anh Phó chủ tịch MT tỉnh, anh bí thư xã Minh Hóa và mấy bạn công an xung phong mang quà vào các bản xa. Đường vào hai bản được trải bê tông phẳng lừ, rộng đẹp và sạch sẽ. Nhà dân ở hai bên đường bê tông đi lại tiện lợi lắm. Đến bản Yên Hợp, trong lúc mọi người vác các thùng, bao quần áo vào nhà trưởng bản, tôi tranh thủ quay vi deo toàn bộ cảnh nhà Trưởng bản. Nhà Trưởng bản Yên Hợp (bản Yên hợp có 44 hộ người Rục- ít nhất. Hai bản kia mỗi bản có 70 hộ) trông chẳng khác gì nhà của người Kinh ở Trung du (Ảnh dưới)
Tôi vào bếp, căn bếp nhỏ nhưng sạch. Trên vách, nồi xoong treo thành hàng thẳng tắp. Nồi cơm điện đang bốc khói, mùi cơm thơm làm cái bụng đang đói meo của tôi sôi ùng ục. Nước được dẫn từ núi về bằng ống cao su chảy rí rách vào thùng nhựa đỏ to tướng nghe vui tai lắm. Lên nhà trên, tôi nhìn trân trân vào những bức ảnh treo ngay ngắn trên tường. Thấy tôi có vẻ lạ quá, cô bé con Trưởng bản bảo: “ Ảnh cưới của chị gái đấy. Có đẹp không?” Cô dâu trông thật xinh, diện bộ váy ba tầng trắng muốt, đầu cài hoa lan trắng. Chú rể mặc com le, thắt ca-vát thật đẹp đôi! Nhà có hai phòng thông nhau. Phòng ngủ có hai giường đầy đủ chăn màn gối và gấp vuông vắn như quân đội. Phòng khách có tủ , bàn ghế và cả…ban thờ treo tường. Trên ban thờ chỉ có một bát hương nhỏ và một tấm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cũ.
(ảnh bên Trưởng bản Yên Hợp-Cao Ngọc Hà, Blogger Đăng Thuyết, Vũ Thị Sự)
Lên xe đi 2km nữa là bản Mò O Ô Ồ (nghĩa là tiếng suối chảy). Thấy một nhà dân có đông người tụ họp cười nói ồn ã, tôi vội xách theo túi bánh kẹo vào thăm. Căn nhà rộng, nền đất gió lùa thông thống chỉ kê hai cái giường đơn cũ mèm. Tôi vừa bước vào một tràng cười lại rộ lên làm tôi chột dạ lùi lại. Khi trấn tĩnh, tôi nhìn kĩ chợt phì cười vì hiểu ra, hơn ba chục người đủ cả lớn bé già trẻ không phải cười tôi mà họ cười…cô người Hàn Quốc trên cái ti vi 32inh nằm chễm chệ trên cái bàn gỗ. Tôi gọi anh Huy Việt (quehuongyeudau) vào cầm máy quay hộ để tôi chia bánh kẹo cho các cháu. Một ông già đen nhẻm, gầy bé như đứa trẻ mười lăm bảo tôi: “ Cô phải chia đều, chia hết chứ! Người lớn cũng muốn ăn mà!” Đành chia đều ai cũng như ai, may mà đủ chia không thì…dơ quá
Trên đường quay ra, tôi mang chuyện này hỏi. Anh Bí thư xã cho biết gia đình đó có hai con trai đang xuất khẩu lao động ở Ma-lai-xi-a. Xã có trường Tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5. Muốn học lên thì phải xuống trường Dân tộc nội trú cách đó 15 km. đồng bào Rục đã có con em học lên Đại học rồi đấy. Có đến tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay mới thấy hết được sự ưu ái của Đảng và chính phủ dành cho bà con ở đây. Mới thấu hiểu hết nỗi gian lao và công sức của các cấp lãnh đạo và bộ đội Biên phòng. Mới có hơn 30 mươi năm mà họ đã đưa một tộc người Rừng vô cùng lạc hậu sống như cư dân thời tiền sử hòa nhập với cộng đồng, thật đáng khâm phục và ghi nhận công lao của họ! Có một điều tôi thấy băn khoăn quá. Đó là ở đây rất đông trẻ con lứa tuổi Tiểu học và cũng khá nhiều những bà mẹ THIẾU NIÊN.
Nếu cứ cái đà sinh đẻ như thế này vài năm nữa không thể gọi đây là dân tộc ít người được nữa. Một điều rất dễ nhận ra nữa là; Phụ nữ còn khả dĩ chứ nam giới người Rục vóc dáng nhỏ bé, còm cõi, yếu ớt lắm. Mọi người đều bảo đó là do “hôn nhân cận huyết”. Tôi thiết nghĩ việc của cán bộ và bộ đội Biên phòng còn nhiều và còn gian nan lắm vì để thay đổi một tập tục khó như hái sao trên trời mà cứ để thế này thì nòi giống suy thoái hết!
Buổi tối hôm 17.7, giao lưu giữa các Bloogger TV và các cán bộ mặt trận tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được biết thêm một thông tin: Người Rục không phải là người nghèo khổ nhất QB! Dân tộc nghèo khổ, khó khăn nhất QB là dân tộc Vân Kiều trên dãy Trường Sơn. Họ thiếu đói triền miên, áo quần không đủ che thân, không có điện mà cũng chẳng có đường. Muốn đến được chỗ họ ở phải đi bộ mấy ngày và chỉ có bộ đội Biên phòng đến đó. Chị cán bộ phong trào kể:” Họ nghèo khổ, thiếu đói thương lắm! Năm ngoái em cùng đoàn cán bộ đến thăm đi bộ xa lắm!” Dân tộc Rục có nhiều người còn chưa biết chứ người Vân Kiều thì chắc ai cũng biết qua bài hát đi cùng năm tháng “ Tiếng đàn Ta-lư”. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, người Vân Kiều đã có đóng góp rất lớn cho cách mạng. Họ làm giao liên, đi tải thương, tải đạn, giã gạo nuôi bộ đội…Lẽ nào sau bao năm hòa bình mà họ vẫn khổ thế ư!? Tôi không có đủ tài lực và uy tín để phát động ủng hộ đồng bào Vân Kiều quý kính nhưng tôi mong Giáo sư Lân Dũng hãy phát động mọi người chung tay góp sức làm một việc gì đó cho người bạn chiến đấu thân thiết đã góp công của, đã giúp đỡ cha anh chúng ta thời vượt Trường Sơn đi cứu nước. Nếu có ngày đó nhất định tôi và các bạn Xóm Lá thân yêu sẽ đồng sức chung lòng thiện nguyện ủng hộ người Vân Kiều! Chúng ta lại cùng nhau khoác ba lô lên đường các bạn nhé!
Ảnh minh họa cho bài viết của Vũ Nhang và Nguyễn Thanh Quang.