Chuyện lạ ở Trường Nghệ

Có một con người thật kỳ lạ: Ông đã sống 110 năm suốt triều Nguyễn, từ năm gần cuối vua đầu Gia Long (1818) đến những năm đầu vua cuối Bảo Đại (1928). Chính con người ấy lại đã làm nên một chuyện kỳ lạ, độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa cử Việt Nam một “Nghệ trường giai sự". Đó là Đoàn Tử Quang, quê quán xã Phụng Công, huyện Hương Sơn (nay là xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ.

 

Ông vốn dòng dõi nho gia, lúc trẻ tên là Đoàn Tự Cận, đi thi nhiều lần nhưng chỉ đỗ tú tài, khoa Đinh Mão dưới triều Tự Đức (1867) lúc 49 tuổi và khoa Giáp Thân dưới triều Hàm Nghi (1884) lúc 66 tuổi. Ông nghĩ rằng công danh bị hãm chỉ vì cái tên, chữ “Tự” thì cái dằng đầu khống chế không cho chữ “Tử” (người) ngoi lên; chữ “Cận” (gần) thì không thể đi xa được, bèn đổi là Tử Quang, và tiếp tục đọc sách luyện văn.
Đến khoa Canh tý đời Thành Thái (1900), ông đã 82 tuổi, vợ lại vừa mất 3 tháng trước. Nhưng bà mẹ 97 tuổi khuyên nên bỏ buồn làm vui, đi thi để bà được thỏa lòng thấy con vinh hiển. Chức dịch cũng đến xin cụ ra ứng thí, đưa lại vinh dự cho xã, cho tổng. Vâng lời mẹ và cảm tấm lòng quê hương, ông lại một lần nữa lều chõng xuống trường Nghệ.
Thấy ông cụ quắc thước, râu tóc bạc phơ, đeo ống quyển vào, quan trường vội đứng lên chào, hỏi thăm tên tuổi, sức khỏe. Cụ thưa rằng : “Tai mắt vẫn tinh tường, gân sức vẫn vững chãi, hờng bai (*) chưa thấy mỏi”. Năm ấy là ân khoa, lệ trường Nghệ lấy 22 cử nhân, nay được giải ngạch gia ân cho thêm 8 người nữa thành 30. cụ Đoàn đứng thứ 29 với số điểm “hai ưu, một thứ, một bình”.
Lúc vào hành cung bái mạng rồi về dự yến, các quan tỉnh cùng các vị đồng khoa đều chúc mừng cụ. Thấy cụ gói một ít bánh trái bỏ vào tay áo, một ông cử trẻ hỏi nhỏ: “Có phải cụ đưa về chia cho cháu chắt không?”, cụ nói: “Tôi đưa chút ân huệ của nước về kính biếu mẹ già tôi để người được cùng hưởng”.
Nhiều người cũng đến tặng thơ. Vị thủ khoa Phan Bội Châu có câu đối mừng :
Xảo ta thiên công, quyệt ta thiên công, trực tương tân khổ thí tài hoa, cơ cơ phụ bát thập niên thư kiếm trái;

Kỳ đích nhân vật, khoái đích nhân vật, nghĩ bả văn chương hoàn tạo hóa, hảo hảo khan thiên vạn lý phong vân trình.
Hồng Lam dịch :
Xảo thật trời kia, quyệt thật trời kia, hẵng đem nỗi cay đắng thử thách tài hoa, đã toan phụ tám mươi năm nợ nần thư kiếm;
Lạ thay người ấy, sướng thay người ấy, muốn ôm mớ văn chương trả về tạo hóa, mà lại xem muôn ngàn dặm đường cái phong vân.
Tổng đốc An Tĩnh - Đào Tấn cũng có bài thơ mừng cụ Đoàn. Còn chánh phó chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh và Mai Khắc Đôn thì làm bài “Nghệ trường giai sự ký” – Bài ghi về việc hay ở trường Nghệ dài 324 câu lục bát chép lại chuyện kỳ lạ về một thí sinh, một tân khoa ở tuổi 82 vẫn xông vào trường ao chiến với đám thiếu niên.
Rút trong tập sách “Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh” của Thái Kinh Đỉnh