“Dự án treo” 20 năm, đoạn đường Trần Phú - Sơn Tây - Kim Mã

Đây được coi là dự án có chi phí đầu tư kỷ lục ở Hà Nội, với tổng đầu tư khoảng 225 tỷ đồng cho 500 m đường, trong đó chi phí xây dựng hơn 18 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gần 150 tỷ đồng...


Phố Sơn Tây nằm chính giữa tấm bản đồ du lịch Hà Nội.


10 năm trước, khi tôi mua ngôi nhà đang ở hiện giờ ở phố Sơn Tây, nhiều người ngạc nhiên: “Phố đó buôn gì bán gì được mà mua!”. Con đường chỉ dài chừng 500 m, ở giữa bị cắt bởi phố Ngọc Hà, với cái chợ đã có hàng trăm năm nay. Chợ chính khá to họp bên này đường, nhưng cái đuôi của nó còn dài gấp đôi, vắt qua ngõ đối diện, là nguyên nhân chủ yếu gây tắc nghẽn phố này. Suốt ngày đêm, đường phố ầm ầm bởi hàng chục tuyến xe buýt chạy qua và dòng người xe bất tận từ trung tâm đổ ra các đô thị lớn mới xây ở Trung Hòa, Trung Yên, Cầu Giấy, Mỹ Đình... Vào các giờ cao điểm, gần như không thể sang đường.

Các công dân của thành phố đều phải qua con đường này để về nơi an nghỉ cuối cùng. Vào dịp Thanh minh hay tảo mộ cuối năm, xe của Nhà Tang lễ thành phố chở người đi thăm viếng mộ mỗi ngày thêm dăm chục chuyến tăng cường. Thỉnh thoảng, có cụ được vào nghĩa trang Mai Dịch, lại tiền hô hậu ủng dềnh dang hơn, hoành tráng hơn với bao xe nghi lễ. Đứng trên ban công ngó xuống, thôi thì thiên hình vạn trạng cuộc sống diễu qua. Người đi chợ, đi thể dục. Dân các tỉnh đi xe buýt, xe ca về thăm Lăng Bác. Xe chở tù bịt kín chạy như ma đuổi. Xe của đội nghi lễ chính phủ đi đón khách, đưa khách rầm rộ với còi hụ, công an dẹp đường. Đây là con đường độc nhất nối cả một quần thể các cơ quan đầu não quan trọng nhất của Trung ương ở Ba Đình, qua cầu Thăng Long ra sân bay Nội Bài. Hầu hết các đoàn khách của chính phủ đều phải đi qua đây để đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Mấy năm trước, Hội nghị APEC họp ở Việt Nam, phố tôi bị cấm 24/24 giờ trong cả tuần cho các đoàn khách di chuyển. Họp phố, dân hỏi: “Cấm thế thì người dân đi lại làm sao? Buôn bán thế nào?”. Không biết, muốn làm sao thì làm! Lại khuyên: “Đóng cửa lại. Đừng đứng thập thò ở ban công, họ tưởng nhầm, lỡ làm sao, phải chịu!
Quãng phố khá quan trọng, lại hết sức quá tải, nên 10 năm trước khi tôi về đây đã có một dự án để mở rộng đường. Dự án hết sức rắc rối, chỉ có 500 m mặt đường nhưng không thể thực hiện được bởi rất nhiều sự zích zắc khiến con đường của dự án cũng zích zắc theo. Vì vậy, dù cột mốc đã cắm, đã có vài hộ nhận tiền đền bù đi nơi khác nhưng đa số dân phố vẫn ở lại nhà mình.
Đường Trần Phú với vòm xanh cây sấu này là một con đường đẹp của Hà Nội.
Không gì khổ bằng có nhà nằm trong một "dự án treo”. Thoáng chốc, 20 năm trôi qua. 20 năm, hàng ngàn người phải ở trong những căn nhà mái ngói dột nát, không được quyền xây sửa, nhà bán không ai dám mua, cho thuê cũng phập phù rẻ mạt. Nhiều cụ về với tổ tiên, vẫn buồn vì không biết số phận ngôi nhà của mình sẽ ra sao.
Mấy năm gần đây, phố tôi lại xôn xao chuyện dự án. Nhà Quốc hội sau nhiều dự định xây dựng ở nhiều nơi cuối cùng lại trở về đúng chỗ cũ, tức là khu đất đối diện Lăng Bác với qui mô lớn và hiện đại gấp nhiều lần. Công trình xây khá nhanh, hiện đang trong quá trình hoàn thiện. Khi đưa vào sử dụng, dĩ nhiên lưu lượng người và xe qua phố tôi càng tăng gấp bội.
Đọc báo, thấy lần này lãnh đạo thành phố quyết tâm cao lắm, chẳng biết có dứt điểm được không. 20 năm rồi, một phần ba đời người rồi, liệu lần này, cái “dự án treo” ấy có thành hiện thực?
Chử Thu Hằng
Hà Nội thông xe đường Trần Phú - Kim Mã vào tháng 12
UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo quận Ba Đình khẩn trương bàn giao mặt bằng tuyến Trần Phú - Kim Mã cho Sở Giao thông trong tháng 9 để có thể thông xe tuyến này vào tháng 12.
Dự án đường Trần Phú - Kim Mã dài gần 500 m, rộng 22 m, với hai làn xe 6 m, vỉa hè mỗi bên 5 m. Điểm đầu của tuyến đường giao với nút giao Lê Trực - Trần Phú - Ông Ích Khiêm, điểm cuối là nút giao Kim Mã - Nguyễn Thái Học - Sơn Tây.
Đây được coi là dự án có chi phí đầu tư kỷ lục ở Hà Nội, với tổng đầu tư khoảng 225 tỷ đồng cho 500 m đường, trong đó chi phí xây dựng hơn 18 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gần 150 tỷ đồng...
Tổng diện tích đất thu hồi của dự án là 11.750 m2, liên quan đến 187 hộ dân phường Kim Mã và 32 hộ dân phường Điện Biên (quận Ba Đình). Trong đó, 170 hộ phải tái định cư, đã được thành phố chấp thuận bố trí vào khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính và nhà NO7 khu 5,3 ha phường Dịch Vọng.
Sau 2 năm, dự án này vẫn chưa được quận Ba Đình hoàn tất giải phóng mặt bằng. Do vậy, UBND thành phố đã chỉ đạo quận quyết liệt, chủ động tuyên truyền người dân chủ trương thu hồi đất của thành phố. Trong trường hợp cần thiết có thể dùng biện pháp hành chính để có thể bàn giao mặt bằng trong tháng 9.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Sở Giao thông khẩn trương hoàn thành đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể thông xe vào cuối năm nay.
Tuyến đường Kim Mã - Trần Phú có mức đầu tư lớn tương đương vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (quận Đống Đa). Đoạn đường này dài 547 m với tổng vốn đầu tư 642 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, khởi công vào tháng 4/2010.
(Theo VnExpress)