Nguy cơ của Tập đoàn Vinacommin

Vinacomin khó đáp ứng đủ than cho nền kinh tế quốc dân theo quy hoạch phát triển

NGUY CƠ THỨ NHẤT
Vinacomin khó đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế quốc dân theo quy hoạch phát triển.
Theo quy hoạch phát triển ngành Than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, sản lượng than thương phẩm phải tăng nhanh, đạt khoảng 65 triệu tấn (năm 2020) và 75 triệu tấn (năm 2030).
Năm 2010, mặc dù các đơn vị sản xuất than đã áp dụng mọi biện pháp, kể cả những biện pháp khai thác tận thu, bòn nhặt nhưng sản lượng than của Tập đoàn vẫn giảm 1 triệu tấn so với trước; năm 2011, than thương phẩm đạt 43 triệu tấn; năm 2012 sản lượng 39 triệu và năm nay, phấn đấu bằng sản lượng của năm ngoái.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự “phú quý giật lùi”, ngoài ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ than trong và ngoài nước giảm còn có có nguyên nhân quan trọng là do các mỏ đang thiếu “ruộng cày” (thiếu mỏ để khai thác). Những năm trước, sở dĩ sản lượng tăng nhanh, ngoài đổi mới phương thức quản lí, đổi mới công nghệ v.v., Vinacomin còn được hưởng “lộc” từ thế hệ trước, đã xây dựng hàng loạt các mỏ mới như Vàng Danh, Uông Thượng, Than Thùng, Cao Sơn, Núi Béo, Khe Tam (Dương Huy), Mông Dương v.v.để Vinacomin khai thác. Bây giờ, những phần “nạc” đã cạn kiệt, phần xuống xuống sâu và xây dựng mỏ mới, chưa chuẩn bị kịp. Các mỏ lộ thiên, lâu nay tham gia sản lượng rất lớn với Tập đoàn như Núi Béo, Hà Tu, Cọc Sáu  v.v. thì diện sản xuất thu hẹp dần do xuống sâu; do “chập tầng” bởi hậu quả của việc “bóc ngắn cắn dài” trước đây; do yêu cầu đảm bảo môi trường cho vịnh Hạ Long và Bái Tử Long v.v.  Như vậy, những năm tới, nếu Vinacomin không đẩy nhanh tiến độ XDCB các mỏ hầm lò, tạo diện sản xuất mới thì sản lượng than có nguy cơ giảm chứ đừng nói là tăng!
Cần thẳng thắn nói rằng, những năm trước đây, trong lĩnh vực sản xuất than, Vinacomin đã phát triển “nóng”, thiếu bền vững. Vinacomin “bóc ngắn cắn dài”, tập trung các biện pháp nhằm nâng cao sản lượng, đẩy mạnh xuất khẩu nhưng thiếu quan tâm đến đầu tư XDCB để  phát triển than lâu dài. Qua quan sát của chúng tôi, từ 2005 đến nay, chỉ có một số ít dự án xuống sâu quy mô lớn như Vàng Danh, Quang Hanh, Khe Tam (Dương Huy) v.v. và một số dự án nhỏ lẻ như Thành Công, Cao Thắng (Công ty Than Hòn Gai); Cẩm Thành, Bắc Cọc Sáu (Cty than Hạ Long) v.v. nay đã tham gia sản lượng, còn lại đang dở dang. Trong đó, đặc biệt là  một số dự án rất lớn, đang triển khai như Khe Chàm II-V; Dự án xuống sâu mức âm 300 m bằng giếng đứng ở Hà Lầm; Dự án hầm lò ở Núi Béo, gầm moong Cọc Sáu v.v. chưa biết bao giờ mới tham gia sản lượng!
Ai cũng biết, muốn nâng cao sản lượng chỉ còn cách đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, trong đó tập trung vào các dự án hầm lò xuống sâu. Thế nhưng, tiến độ XDCB của Vinacomin quá chậm. Những năm tới, tiến độ các dự án xuống sâu cũng khó mà đẩy nhanh được bởi mấy lí do sau:
Thứ nhất: Lực lượng tư vấn thiết kế của Vinacomin chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới  công nghệ mới khi xuống sâu.
Vinacomin có đội ngũ kỹ sư xây dựng mỏ, khai thác mỏ hầm lò, cơ điện mỏ v.v., được đào tạo rất cơ bản, trong đó, nhiều người là tiến sỹ, thạc sỹ, được đi nghiên cứu, thực tập sinh tại những mỏ hầm lò mở vỉa bằng giếng đứng hiện đại của Nga, Trung Quốc, Ba Lan v.v. Vinacomin có 3 cơ quan nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhưng chưa tự thiết kế mỏ mở vỉa bằng giếng đứng; phải dựa vào chuyên gia nước ngoài; giếng đứng  Hà Lầm thuê Trung Quốc đào. Chúng tôi khẳng định, lực lượng chuyên gia hầm lò của Vinacomin sẽ thiết kế được giếng đứng. Nhưng để làm được việc này, các chuyên gia của ta  phải mất nhiều thời gian để học tập, nghiên cứu, ứng dụng. Như vậy, trong những năm tới, khi khai thác xuống sâu, lực lượng tư vấn thiết kế của Vinacomin chưa thể theo kịp với nhu cầu phát triển công nghệ hiện đại.
Thứ hai: Lực lượng thợ lò đào lò  đang thiếu trầm trọng
Hiện tại, lực lượng đào lò Vinacomin tập trung ở  2 Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 và 2; ngoài ra còn có nhiều  phân xưởng đào lò thuộc các chủ đầu tư. Tuy nhiên, cả ba cánh quân này hiện nay đều mỏng, không thể đảm đương nổi yêu cầu của hàng loạt dự án đã, đang và sắp triển khai.
Mặc dù thiếu thợ lò trầm trọng, nhưng VNCM ta rất khó bổ sung lực lượng như các ngành khác. Những năm qua, Tập đoàn đã có nhiều chính sách ưu đãi trong việc đào tạo nghề mỏ, đặc biệt là nghề mỏ hầm hầm lò. Thế nhưng, tại hầu hết các đơn vị  mỏ hầm lò, số thợ lò bổ sung và số thợ lò bỏ việc bằng nhau; thậm chí có đơn vị còn “âm”.
Tại các trường cao đẳng nghề mỏ, việc tuyển sinh học nghề hầm lò hiện nay cực kỳ khó khăn. Do vậy, chất lượng đầu vào (sức khỏe, trình độ văn hóa) không cao, đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng đầu ra. Tôi đã từng viết bài về về một sinh viên người Mông ở Hà Giang, theo học Trường Cao Đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm, nom như cậu thiếu niên 15 tuổi. Mới đây, chúng tôi có đi khảo sát tình hình sử dụng lao động tại nhiều đơn vị mỏ hầm lò và được nghe rất nhiều người có trách nhiệm phản ánh rằng, thợ lò mới “nhỏ con” quá; da số thợ lò mới ra trường, đơn vị đều phải đào tạo lại dưới nhiều hình thức mới đảm nhận được công việc chính. Trong những năm tới, lực lượng thợ lò của VNCM không những khó nâng cao về số lượng mà còn sụt giảm về chất lượng.
Như vậy, với lực lượng như hiện nay, khó có thể đẩy nhanh được tiến độ xây dựng các dự án xuống sâu để sớm đưa các dự án tham gia sản lượng.

 

(Còn tiếp)