Tâm sự một dòng sông

Quý tặng Thạch Hầu - đứa con bất hiếu, thằng bạn tồi...


Sông Yên - Thanh Hoá (ảnh sưu tầm Internet)

 

 

Ít có dịp tôi về Sông Yên

Dù vẫn giữ một ngày xưa nơi ấy

Nhiều kỷ niệm chưa một lần thức dậy

Con sông xưa

Lặng lẽ chảy về xưa

Chuyện sắt son

Chuyện phai nhạt, tình cờ

Một người bạn đưa tôi về dĩ vãng

Về cáo lỗi với một vùng quên lãng

Của tình yêu

Và số kiếp

Nợ nần

Con sông xưa

Lặng lẽ chảy về xưa

Thương da diết, những tháng năm đói rách

Con sông …

Có… một thời trong sạch

Ánh mắt em xanh

Quên bến bải sa bồi

Con sông không yên trong nhiều kiếp người

Chỉ chảy có một lần như thế

 

Bao ý niệm mơ hồ dâu bể

Con sông như đời mẹ âm thầm

Giông tố bão bùng qua tháng năm

Mang nặng cuộc đời cha sóng gió

Từng nỗi đau,thành đạt tật nguyền

Buồn vui méo mó

Cha thôi đọc sách thánh hiền

Tôi nói những gì to nhỏ với Sông Yên

Cùng một thể tâm tình gửi bạn

Không niên biểu chẳng bao giờ giới hạn

Như con sông

Một mình nó triền miên

Như ta đằm mình trong suốt đời mẹ hiền

Chỉ có mẹ biết… cha hơn hết

Tôi đang sống giữa lưng đời

Nhưng đã chết

Một đôi lần

Nên biết chút nông sâu

Mẹ vẫn kể rằng:

Sông  có sóng bạc đầu

Đông Hải tang thương

Ngàn trùng tăm cá

Lời mẹ xưa đã trôi về biển cả

Mỗi kiếp người…Đa mang một dòng sông

Biết hỏi người sao không biết hỏi lòng

Về những chuyện cười với nhau chẳng được

Lỗi với mẹ, với cha ngày trước

Với bây giờ và sẽ với mai sau

 

Đội ơn người gieo con trong lệ sầu(1)

Mong mỏi mắt cho con mùa gặt hái(2)

Nghĩ về mẹ suốt đời con khắc khoải.

Giòng sông buồn.

Đang trôi về đâu?

Dai dẵng

Những tháng năm bạc màu

Điêu đứng cuộc đời cha cằn cỗi

Đêm rùng mình có linh hồn

Xin cứu rỗi

Cha!

Không! Đó là cha của mẹ tôi.

Con nhiều lần tạ tội với cha rồi

Và thấm thía

Đến tận cùng

Im lặng

…..

Có một đêm khuya

Lặng lẽ trùm khăn trắng

Đi vật vờ sám hối những ngày qua.

06/06/1998 Vạn Hà

LỜI CỦA NGƯỜI ĐƯỢC TẶNG THƠ

(Thạch Hầu - Nguyễn Rạng Đông)

Những người lính đi ra từ lửa đạn không mấy người được hưởng cái nghĩa vụ là: đền ơn dưỡng dục của đấng sinh thành. Cách đây không lâu tôi có người bạn báo tin mẹ anh ấy đã từ trần ở tuổi 98. Tôi giử điện chia buồn ... anh ta điện ngay trở lại: “- mày phải mừng cho tao mới đúng vì khi tao về vẫn còn được chăm sóc bố mẹ gần 30 năm còn mày thì không!”. Thế đấy. Bài thơ này là lời sám hối của 2 người lính (tôi và tác giả) khi về thì bố mẹ tôi đã không còn...cách đây 15 năm (6/6/1998) trên một chiếc thuyền con thả nổi trên dòng Sông Yên...

Dòng sông yên cách thành phố Thanh Hóa 22 km về phía nam, Cách Thành Phố du lịch Sầm Sơn 25 km cũng về phía nam có địa danh lịch sử là cây cầu Ghép nằm trên đường 1 nối 2 huyện Tĩnh Gia và Quảng Xương Đây là nơi chiến tranh phá hoại ác liệt nhất của đế quốc Mỹ... Làng Ngọc Trà bên mạn bắc cầu Ghép là nơi đã sinh ra anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Bá Ngọc, cũng là quê hương tôi.

Tôi không có ý định đưa bài này lên trang mạng, nhưng cách đây vài hôm (6/7/2013) một người bạn lính cựu quê Hà Nội trên đường vào Đà Nẵng, ghé qua thăm tôi nghỉ lại với tôi một đêm. Tôi đọc bài này cho anh ta nghe. Một lần, hai lần, ba lần… tôi dừng lại. Thấy tôi không đọc nữa anh ta quay lại nói như ra lệnh: “- Đọc tiếp đi!”. Tôi thấy lạ, vì biết anh ta không phải là người hay thơ, thậm chí khi còn ở với nhau, làm được bài thơ cho là hay háo hức đọc cho anh ta nghe để chờ một lời khen. Không những không được lời hay ý đẹp nào mà còn bị gạt phắt đi như con dao sắc phay cây chuối non : “ - Thơ với chả thẩn...”. Tôi nhổm dậy nhìn thẳng vào mặt anh ta như nhìn người ngoài hành tinh và bỗng giật mình vì thấy khuôn mặt rắn rỏi của người lính già đã gần mốc “cổ lai hi” đẫm đầy những giọt nước mắt!

Một lát trấn tỉnh lại, anh ta nói với giọng cảm động: “ - Bài thơ này mày viết hay thằng nào, con nào viết không quan trọng … và hay, hay không hay cũng không phải bàn nữa... cái bàn ở đây là làm sao nó lại viết được nỗi lòng của trăm vạn thắng lính như vây! Bài này không còn là của riêng mày hay cái đứa đẻ ra nó, mà là của chung của những thằng con bất hiếu... Mọi người lính ai không đi ra từ dòng sông, bến nước không đi ra từ đời mẹ hiền và đè nặng trên vai đời người cha lam lũ…”