Vô luân
Những sẻ chia dưới đây chỉ là những sự cóp nhặt vụn vặt từ quá khứ cùng với những chiêm nghiệm riêng tư muốn chia sẻ cùng mọi người cùng mong muốn mỗi chúng ta hãy tỉnh táo trong ái tình và có những hành động làm đẹp cuộc đời. Vì đó, ta sẽ có được tâm lý an vui trong hiện tại, làm cho tình người với người thêm đẹp và một cuộc sống tươi vui, thảnh thơi chờ đợi ở tương lai...
Hỏi thế gian, tình là chi?
Hỏi nhân thế, tình là gì?
Kiếp này ta được làm người
Kiếp sau mong được làm mây giữa trời!
Dưới địa phủ có một loài hoa kỳ lạ đẹp rực rỡ, nhưng câu chuyện về nó làm thức tỉnh thế nhân về ái tình. “Bỉ Ngạn hoa, một nghìn năm nở, một nghìn năm tàn, hoa và lá vĩnh viễn không thể gặp nhau”. “Tình không vì nhân quả, duyên đã định tử sinh”. Đức phật xót thương bèn quyết định mang hoa về miền Cực Lạc. Nhưng vì Cực Lạc là Phật quốc, là thế giới thanh tịnh và thuần khiết. Nên những gì là “tình si”, “nhung nhớ”, “đau khổ”…đều không được phép tiến nhập vào miền tịnh thổ. Những thứ xúc cảm ấy đều phải rời khỏi hoa kết thành một màu đỏ rực rồi rơi xuống sông Vong Xuyên. Khi về đến Cực Lạc, đóa hoa trong tay Phật đã thành một màu trắng tinh khiết không còn nhuốm bụi trần. Đức Phật gọi nó là Mạn Đà La hoa, hoa của cõi Phật. Tuy nhiên, Bồ Tát Địa Tạng biết rằng nghiệp duyên của hoa Mạn Đà La hiện đang nằm dưới sông Vong Xuyên, Ngài bèn đến bên bờ sông, ném xuống một hạt giống chỉ trong chốc lát một đóa hoa đỏ tươi bay ra khỏi mặt nước. Bồ Tát đón lấy hoa và nói: “Ngươi đã thoát thân trở về miền Cực Lạc. Sao còn đem nỗi hận tình si để lại nơi khổ ải vô biên này chứ? Vậy thì, ngươi hãy ở đây làm sứ giả tiếp dẫn các linh hồn đi về phía luân hồi. Cực Lạc đã có Mạn Đà La hoa rồi, vậy ta sẽ gọi ngươi là Mạn Châu Sa hoa vậy. Từ đó có hai loài hoa Bỉ Ngạn, một loại trắng ngần tinh khiết, một loại lại rực rỡ hoa lệ. Một loại gợi nhớ gợi thương, chia ly đau khổ, một loại lại vô dục vô cầu, vô khổ vô bi. Một loại trầm luân trong nỗi sầu nhân thế, một loại lại thả đãng nơi Phật quốc thanh cao. Như lời nhắc nhở với thế nhân: Ái tình là mộng ảo, khi duyên hết thì tình cũng dứt. Trả hết nợ một đời thì đừng nên luyến tiếc, mà càng thêm đau khổ. Vì con người mê đắm trong “Tình” nên phải ngộ được chân lý này mới có thể thanh thản giữa các kiếp luân hồi.
Rốt cuộc ái tình là chi? Đau khổ cả một đời, nhung nhớ, lưu luyến cả một đời. Chẳng phải cuối cùng rồi cũng tan vào hư vô hay sao? Tình ái cũng giống như đóa hoa Bỉ Ngạn kia: Mỹ lệ kiều diễm đấy, nhưng chóng tàn. Có hoa có lá đấy, nhưng vĩnh viễn chẳng thể ở bên nhau. Người ta nói, hoa Bỉ Ngạn là loài hoa có độc cho nên ái tình cũng là một thứ “độc dược”. Khiến những ai chìm đắm trong đó phải đau khổ day dứt cả một đời. Người ta nói, hoa Bỉ Ngạn là loài hoa nơi địa phủ. Cho nên những ai không thể quên được ái tình sẽ chỉ khiến tâm hồn chôn vùi trong dĩ vãng. Người ta nói, hoa Bỉ Ngạn là loài hoa rực lửa cho nên tình ái mới khiến người ta say đắm nồng nàn. Người đời vẫn hay nói “tình yêu rực lửa”, “tình yêu cháy bỏng”. Nhưng thiên tình sử nào, cuối cùng rồi cũng trái ngang. Đến cuối tất cả cũng chỉ là ảo ảnh của ái tình.
Người xưa có câu: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Vì vậy, mọi sự đến và đi trong cuộc đời đều là duyên phận, không cần phải cưỡng cầu.
Người tin tưởng vào duyên phận, một khi duyên đến sẽ thản nhiên đón nhận, còn khi duyên đi cũng sẽ không cố gắng níu giữ. Từ trong cảnh giới “thuận theo tự nhiên”, họ tìm được sự điềm tĩnh và thản nhiên. Bởi vì họ hiểu rõ, mọi sự đều là tùy duyên mà đến, tùy duyên mà đi, cũng chính là điều mà người ta gọi là mọi sự tùy duyên.
Không có tình yêu thì bên cạnh bạn vẫn còn có bạn bè. Không có bạn bè, tri kỷ thì bên cạnh bạn vẫn còn có gia đình. Không có gia đình thì bạn vẫn còn sinh mệnh của chính mình. Duyên hợp, duyên tan đều lưu lại một điều gì đó tốt đẹp và một chút tiếc nuối. Trong sinh mệnh của mỗi người thì điều gì là của bạn thì sẽ mãi không mất, còn như điều gì đã không phải là của bạn thì đến cuối cùng cũng không thuộc về bạn.
Mọi sự là tùy duyên, điều gì đã qua thì hãy buông bỏ để nó qua đi, cũng nên bình tĩnh đối diện, quý trọng hết thảy những gì mình đang có ở hiện tại, như vậy mới sống được tự nhiên và thanh thản. Nếu cứ cố gắng níu giữ thì sẽ chỉ khiến bạn sống triền miên trong vô vọng và tâm linh luôn bị đè nặng mà thôi.
Con người trên thế gian, nếu như so đo, tính toán quá nhiều thì sẽ tự tạo thành một loại ràng buộc, còn nếu bị mê lạc quá lâu thì sẽ tạo thành một loại gánh nặng. Vì vậy, không cần quá để ý, khi có được điều gì thì hãy thật lòng trân quý, còn khi mất đi điều gì cũng đừng quá đau khổ hay tiếc nuối. Để ý quá nhiều sẽ khiến bạn mất đi một nửa hạnh phúc, xem nhẹ hết thảy sẽ khiến cuộc sống thăng hoa và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Con người gặp nhau là bởi chữ duyên, sống và yêu nhau là bởi chữ nợ. Cuộc sống con người chỉ là một giai đoạn trong dòng chảy luân hồi. Mỗi người đều có những cuộc gặp mà suốt đời này không thể nào quên, có những cuộc gặp là mãi mãi, nhưng cũng có những cuộc gặp sớm “đứt gánh giữa đường”. Tất cả mọi thứ trên đời đến và đi đều là do duyên phận, đừng cưỡng cầu. Vô luân tức là không còn luân hồi nữa. Sống trên đời đã ai biết được về kiếp sau kiếp trước mình ra sao đừng để những nỗi khổ đau day dứt của kiếp này đeo đẳng ở kiếp sau và đừng phạm phải những tội lỗi mà hình phạt duy nhất cho chúng ta là không được siêu sinh luân hồi kiếp khác!
Có một sự thật không thể chối cãi là ai cũng muốn được yêu, khát khao có được hạnh phúc trong tình yêu. Thế nhưng những phút giây thăng hoa từ tình yêu mang lại thường vô cùng ngắn ngủi. Chỉ những thất vọng, chán chường, giận hờn, đau khổ là dài đằng đẵng. Hạnh phúc chỉ có mặt trên thế giới này khi và chỉ khi con người vứt bỏ được những nhu cầu thái quá thuộc ham muốn cá nhân. Ham muốn nhiều thì vất vả, khổ sở nhiều. Đó là quy luật. Con người cứ tưởng rằng họ đạt được nhiều tiền bạc hay địa vị cao là họ thỏa mãn, họ có hạnh phúc. Nhưng thực tế thì vui ít, hạnh phúc ít mà buồn sầu, đau khổ thì nhiều. Cuối cùng con người cũng nhận ra chân lý đơn giản này khi họ buộc phải từ bỏ tất cả, như khi chết chẳng hạn…
Thiết nghĩ, trong hạnh phúc luôn có mầm khổ đau và ngược lại trong khổ đau luôn có mầm hạnh phúc. Điều quan trọng là chúng ta biết đối diện khổ đau và hạnh phúc như thế nào, nhưng cũng nhờ vào sự trải nghiệm khổ đau ta mới cảm nhận được hạnh phúc thực sự. Đó cũng chính là con đường hướng tới một hạnh phúc trọn vẹn mãi mãi.
Hạnh phúc và khổ đau luôn song hành trong cuộc sống, nó theo ta từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Hạnh phúc hay đau khổ đều do Tâm mình tạo ra, nếu nhận biết và thực hành được điều này thì cái khổ sẽ được đoạn trừ, hạnh phúc an lạc sẽ mãi thăng hoa. Mối quan hệ giữa con người và con người không chỉ là mối quan hệ giữa nam và nữ, cuộc sống không chỉ có mỗi tình yêu, mà còn có sự thiện đãi và từ bi, còn có tình cảm cha mẹ, tình anh em, còn có tình bằng hữu thân quyến, còn có mối quan hệ với mọi người trong xã hội.
Có câu nói: “Nắm được thì cũng buông được”. Đau khổ là do lòng người thù hận, ghét bỏ nhau, nếu có vị tha xuất hiện, thì đó chính là những giọt thương yêu tưới xuống cuộc đời-sa mạc khổ đau. Một giọt yêu thương sẽ lọt thỏm giữa lòng sa mạc, nhưng nhiều giọt yêu thương sẽ làm nảy nở những mầm xanh, chuyển hóa sa mạc. Chúng ta cầu mong như thế.
Những sẻ chia trên đây chỉ là những sự cóp nhặt vụn vặt từ quá khứ cùng với những chiêm nghiệm riêng tư muốn chia sẻ cùng mọi người cùng mong muốn mỗi chúng ta hãy tỉnh táo trong ái tình và có những hành động làm đẹp cuộc đời. Vì đó, ta sẽ có được tâm lý an vui trong hiện tại, làm cho tình người với người thêm đẹp và một cuộc sống tươi vui, thảnh thơi chờ đợi ở tương lai...
Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2018
TS. Vũ Thị Minh Huyền
Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam