Bến Gót xưa và những đứa trẻ đi hôi cá đáy
Lời của người viết: Bến Gót liền kề Cảng Lạch Huyện sẽ có nhiều cư dân mới trú ngụ. Họ không hình dung nơi sẽ an cư lạc nghiệp từng một thời tấp nập cuộc mưu sinh trong thanh bình mà đoạn tản văn đã hiện thực lại. Tác giả mong các bạn nhỏ (con em họ) mãi giữ nét đẹp Việt trong tình thương gia đình cha mẹ, trong tình yêu quê hương như những đứa trẻ hôi cá đáy của gần 60 năm về trước.
CẢNH BẾN GÓT BUỔI SÁNG MÙA THU 1959 VÀ NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐI HÔI CÁ ĐÁY
Sau tiếng gà gáy canh năm: Mồi, Trang. Dự đã gặp nhau ở đình làng. Mỗi đứa mang theo một cái xiên dài, cán tre to bằng ngón tay cái, đầu là đoạn sắt nhỏ nhọn hoắt. Chúng xuống Bến Gót hôi cá đáy.
Ba đứa cùng lớp Một trường làng niên khóa 1959 - 1960 khai giảng đầu tháng 9, vừa học được hơn hai tuần. Mồi lên 10 - Trang, Dự kém nó 2 tuổi. Hoàn cảnh chúng khác nhau nhưng chung nhau cái nghèo khó vì gia đình nào cũng đông miệng ăn, ít người là lao động chính. Do học chiều nên buổi sáng chúng tự kiếm thức ăn phụ giúp cha mẹ. Việc này là thói quen của trẻ làng Gia Lộc. Nếu biển nước dòng, lộ cát dưới chân kè (chắn sóng) trước Gác Chuông chùa thì những đứa không vướng buổi học đã xuống đó: Nhóm này lật đá bắt cua. Nhóm kia nhặt ốc vôi, ốc bo bõ hoặc đào bông thùa. Có nhóm ghè vỡ những hòn đá mặt rỗ đầy lỗ lấy don (là một loại sâu đá) về nấu canh, nấu cháo. Hôm nay triều cường buổi sáng, sóng vỗ qua cả mặt kè, ba đứa đành kiếm thức ăn bằng cách khác. Mồi từng hôi cá đáy nhưng mấy lần một mình trên đường vắng bóng người, nó sợ ma nên rủ Trang, Dự đi cùng. Chừng hơn nửa giờ xuyên tắt qua các làng Hòa Hy, Lục Độ, Đôn Lương là đến nơi. Không hẹn mà gặp, có thêm hai đứa không quen ở các làng này nhập nhóm với bọn trẻ.
Bến Gót nhộn nhịp ngay khi mặt trời còn lấp ló phía núi Cát Bà: một rặng núi như con trăn khổng lồ uốn vòng cung từ ngoài Lạch Huyện vươn dài tới tận các đảo trong Vịnh Hạ Long xa xa trước mặt. Dù những ngày biển động gầm gào phía ngoài cửa Lạch Huyện thì trong này nước vẫn trong xanh, êm đềm ôm hôn dải cát trắng dài hơn cây số bằng những gợn sóng mềm mại. Nước sâu sát mép vì bờ cát khá dốc. Một dãy khoảng vài chục thuyền mũi chạm bờ. Hàng trăm người, kẻ gánh người đội. Họ đưa cá lên bờ đổ từng đống của riêng mỗi thuyền để đợi người đến thu mua. Họ là dân lưới đáy, cách thức bắt cá được tả trong những vần lục bát:
Một hàng cọc đứng đầu sông
Giữ sao miệng túi lưới không bị chùng.
Cá theo dòng chảy vẫy vùng
Vào đầy đáy túi ... vui mừng bội thu.
Bao đời quai đáy: nghề ngư,
Dân miền Cửa Biển an cư nghiệp thành.
Xa hơn phía ngoài là bốn, năm nhóm thuyền đỗ theo tập đoàn hoặc hợp tác xã mình, mỗi nhóm có hàng chục chiếc. Nhóm ngoài cùng là dân reo phàng: họ gõ trống tùng tùng thúc các thuyền dương buồm nối nhau mười mấy chiếc dời bến, hướng vào ngư trường quen thuộc là vịnh Hạ Long.Ngay kề trong là nhóm đánh lưới săm ( bắt loại tép biển nhỏ ): họ đang giặt rũ lưới rồi kéo lên cột buồm hong phơi. Rồi nhóm lưới giã cào (thuyền vừa chạy vừa kéo theo túi lưới được dang rộng miệng cho tôm cá vào ): họ đang ngồi hai bên mạn thuyền, quay mặt vào nhau, bới đống lưới đặt ở giữa ra vá. Xuồng con các nhóm qua lại thuyền của nhau, hoặc vào bến đổi tôm cá lấy rau quả và nước ngọt. Tiếng nói cười rộn vang đủ giọng của miền duyên hải Bắc Bộ như Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Hà Nam Phong Cốc, Thái Bình ... Những cánh hải âu chao liệng trong nắng sớm càng làm cho cảnh trên bến dưới thuyền thêm sinh động. Dải cát Bến Gót dừng lại nơi con ngòi nhỏ: Bên này có lán sửa chữa và bán những vật dụng bảo dưỡng thuyền - Bên kia là rừng sú vẹt Mui Rùa thuộc làng Đồng Bài. Xuyên giữa rừng sú vẹt là con ngòi to hơn ( đủ để tàu thuyền dăm bảy tấn vào ra được ) ngoằn ngoèo chạy đến trung tâm Đảo Cát - Nơi thị trấn sầm uất có phố chợ Lục Độ, có xí nghiệp Nước Mắm Cát Hải nổi tiếng, có trạm thu mua thủy hải sản... Hai thuyền của trạm từ đó tiến ra rồi vào bến, gần những đống cá vẫn đang tiếp tục được dân lưới đáy đổ thêm. Sau khi thả neo, họ đưa cân bàn lên bờ thu mua cá và thuê luôn những người gánh, đội cá lúc trước vận chuyển xuống thuyền của trạm.
Có chừng chục đứa trẻ đi hôi cá đáy. Chúng đợi người ta chuyển xong mỗi đống cá là ùa vào hôi cá còn sót lại trên cát. Chúng không ngồi hoặc cúi xuống mà đứng đưa mắt tìm kiếm rồi dùng que xiên đâm qua thân cá lần lượt từng con. Khi xiên đầy ( chừng mươi con ) chúng chạy lên rặng phi lao chôn cá vào hố cát đã đánh dấu của riêng mình và quay lại tiếp tục ngóng sang đống cá tiếp theo, chờ đợi. Một vài đứa trong bọn mon men quanh đống cá đang được xúc gánh đi, thoáng thấy người ta sơ ý là xiên bừa vào đống rồi chạy với một hai con cá vừa trộm mặc cho tiếng la mắng bám theo. Ba đứa trẻ làng Gia Lộc không ưa gì cách này nhưng không dám nói vì sợ bị bắt nạt. Trong lúc chờ, Mồi và Dự lấy hoa cỏ chông khô, thả rồi đuổi theo trên bãi cát xem hoa của đứa nào chạy nhanh hơn. Trang tha thẩn ngắm mấy con còng gió ngoi ra miệng lỗ đang gương mắt nhìn mình. Khi người ta chuyển sang đống cá khác, ba đứa lại vội vàng vào hôi những con còn sót lại ở đống vừa xong...
Chừng 9 rưỡi sáng, lúc tiếng còi tàu từ Hải Phòng ghé qua đảo đón khách đi Hòn Gai thì sự nhộn nhịp Bến Gót chuyển sang trạng thái khác. Hai thuyền thu mua cá đã khuất bóng vào con ngòi để về xí nghiệp mắm trung tâm Đảo Cát. Xa xa vọng về là tiếng trống dồn dập, tiếng gõ mạn thuyền nhịp nhàng vui vui tai của tập đoàn reo phàng đang xua cá vào lưới, chắc là huyên náo cả một vùng vịnh phía ngoài Lạch Huyện. Ở bến, các nhóm thuyền đỗ vòng ngoài đang khói bếp lan tỏa, thơm lừng mùi cá nướng tươi. Gần bờ, chiếc tầu khách buông neo. Con đò chở người đầy ắp tiếng í ới với những khuôn mặt tươi rói tiến về phía tầu. Bến Gót chưa có cầu tầu. Hai tầu khách có tên Giang Sơn, Đà Nẵng chuyên phục vụ tuyến đường này: chiếc đi Hòn Gai, chiếc về Hải Phòng luân phiên nhau. Trang giờ đang mải nhìn anh bưu tá vác bao thư, bưu kiện nhảy sang tầu khách thật điệu nghệ như xiếc. Nó mỉm cười thú vị khi tưởng tượng cảnh người đất liền nhận được thư, được quà của Đảo Cát. Chợt Mồi đập vai nó, mắt nhìn ra chiếc ca nô đang ngang qua đảo, không rẽ vào mà chạy hướng về Cát Bà. Hai đứa thấy lố nhố trẻ em Tây, khăn quàng xanh nước biển. Chúng vừa hát vừa chiêm ngưỡng cảnh hoang sơ nơi Bến Gót. Chúng sang Việt Nam thăm quan, nay ra chơi Vịnh Hạ Long - Cát Bà.
“Về thôi chúng mày ơi!” - Dự cắt ngang chuyện gẫu của hai đứa bạn: “Tao đói lắm, trưa rồi.” Đáng lẽ, ba đứa về từ lúc tàn cuộc hôi cá cùng bọn trẻ. Nhưng, cảnh từ bến cá chuyển thành bến tầu khách chỉ trong cùng buổi sáng làm chúng lưu luyến khó lòng dời đi ngay được. Hình ảnh Bến Gót của những làng chài Cửa Biển sẽ mãi là kí ức đẹp đi cùng năm tháng cuộc đời chúng.
Lời của người viết: Bến Gót liền kề Cảng Lạch Huyện sẽ có nhiều cư dân mới trú ngụ. Họ không hình dung nơi sẽ an cư lạc nghiệp từng một thời tấp nập cuộc mưu sinh trong thanh bình mà đoạn tản văn đã hiện thực lại. Tác giả mong các bạn nhỏ (con em họ) mãi giữ nét đẹp Việt trong tình thương gia đình cha mẹ, trong tình yêu quê hương như những đứa trẻ hôi cá đáy của gần 60 năm về trước.
Bến Gót, Trung Thu Đinh Dậu ( 03/10/2017).
Tin cùng chuyên mục
Thiên tai và bức tranh "Cứu Cha"
17/09/2017
Nhớ biển
17/09/2017
Dòng sông chảy
08/09/2017
Cây lúa tuổi thơ
07/09/2017
Con nước ròng
02/09/2017
Hà Nội và tôi
26/08/2017