Cây lúa tuổi thơ

Huế lại đang vào vụ gặt, vụ mùa chạy lụt. Người nông dân tranh thủ từng khoảng thời gian ngắn giữa hai cơn mưa để gặt lúa. Tất cả những mặt đường trải nhựa, hoặc bê tông đều biến thành sân phơi vàng rực. Vốn là nông dân gốc, tôi bị hương ngày mùa mê hoặc. Cả ngày dài lẫn đêm thâu, hương lúa vây quanh tôi thơm nức, mê man. Nhìn những cánh đồng vàng mơ nơi xứ Huế, tôi nao nao nhớ về những vụ gặt ở quê nhà thời tôi con bé, mà thương cây lúa đến vô cùng.

 

 

Ở làng tôi thuở xưa, chỉ có hai vụ gặt. Vụ chiêm vào tháng năm, vụ mùa vào tháng mười. Khi lúa đã vàng đồng, người lớn chuẩn bị quang gánh, đòn xóc, đòn gánh, liềm hái để gặt lúa. Bọn trẻ con chúng tôi cũng chộn rộn chuẩn bị đi mót lúa. Khi tôi còn bé tý, làng tôi chưa có Hợp tác xã, mọi người vẫn làm ăn riêng lẻ như bây giờ. Cứ mấy nhà gộp lại làm đổi công cho nhau. Ngày nhà tôi gặt lúa, mấy nhà xung quanh xúm vào gặt hộ. Ban ngày thì gặt lúa ngoài đồng, ban đêm thì đập lúa ngoài sân. Toàn bộ lúa nhà tôi chỉ gặt hai hôm là xong, rồi lại tập trung gặt cho nhà khác. Có lẽ ở vùng nông thôn quê tôi, một năm chỉ có ba lần là xóm làng vui như mở hội: Đó là những ngày Tết âm lịch, và hai vụ gặt chiêm mùa. 
Những ngày gặt lúa, nhà nào cũng chuẩn bị những bữa cơm rất tươm tất, để mời những người đến gặt giúp, ăn bữa trưa. Tuy bữa cơm có cá, có thịt, có chút rượu, và nhất là nồi cơm gạo mới thơm ngào ngạt... nhưng mọi người đều ăn rất nhanh và lại vội vàng ra đồng, tất cả cứ tít mù trong vòng quay mùa vụ. 
Trên những thửa ruộng, nhóm người gặt lúa được chia ra những tốp nhỏ, làm những việc khác nhau. Trước tiên là những người cắt lúa. Những người này dùng những cái liềm cong như mảnh trăng đầu tháng, cắt sát chân những cây lúa, đặt chúng nằm thành những hàng đều nhau trên mặt ruộng. Tốp thứ hai dùng những cái hái, xén cây lúa làm hai. Phần từ giữa cây lúa về phía gốc gọi là rạ, phần trên có bông lúa gọi là rơm. Khi lớn lên, mỗi lúc nhìn thấy cái ảnh minh họa thần chết, bao giờ cũng có cái hái trên tay, tôi luôn thắc mắc và bực bội, là tại sao cái hái, một vật dụng thân thiết của nhà nông như thế, lại được biến thành một thứ hung khí đầy tính đe dọa như vậy?
Tốp thứ ba là những người bó lúa. Những người này thu những bông lúa lại, bó thành những đon nhỏ, đường kính khoảng 10 cm, rồi chất lại thành những đống khắp ruộng. Tốp thứ tư là những người gánh lúa về nhà. Những người này hoặc chất những đon lúa vào những cái quang, hoặc bó lại thành những bó lớn, rồi dùng đòn gánh hoặc đòn xóc gánh lúa về. Ai gánh lúa bằng quang, thì dùng đòn gánh, ai gánh hai bó lúa thì dùng đòn xóc. Tất cả những thứ này đều làm bằng tre. Đòn gánh thì hai đầu có mấu giữ quang và cong ở giữa. Đòn xóc thì hai đầu nhọn để xọc vào bó lúa cho dễ. Vì cả hai đầu đều nhọn, nên khi lớn lên tôi có nghe câu: “Đòn xóc hai đầu”. Thiệt tình đến chừ tôi cũng không hiểu rõ nghĩa của câu này lắm.
Sau khi  lúa đã được bó hết, bọn trẻ con có thể đi mót. Chúng tôi đi nhặt tất cả những bông lúa còn sót trong rạ, hoặc rơi vãi trên ruộng. Chúng tôi tuyệt đối không động chạm đến những bông lúa đã bó. Dạo ấy trẻ con được dạy rất kỹ về tính thật thà, và người lớn rất tin vào chúng tôi. Tất cả số thóc chúng tôi mót được trong vụ gặt, đều được để riêng sau này nuôi gà. 
Ban đêm người lớn tập trung đập lúa. Công cụ đập lúa là cái néo. Cái néo là hai đoạn tre tròn, nhỏ vừa tay, dài độ 50 phân, hai đoạn tre này nối hai đầu với nhau bằng một đoạn dây thừng khoảng hơn 30 phân. Người đập lúa dùng cái néo, kẹp  chặt lấy một đon lúa, vung cao đập xuống cái đít cối đá đặt dưới sân, sau nhiều lần đập, những hạt lúa văng ra, đon lúa chỉ còn trơ ra những cọng rơm. Thường cứ một cối đá có hai anh chị thanh niên đập với nhau. Họ vừa đập lúa, vừa chuyện trò râm ran, có lúc lại cười rúc rích y như đang đi chơi vậy. Cứ thế, tiếng đập lúa thình thịch vang khắp xóm thôn, chuyền từ làng này qua làng khác, từ chập tối cho tới tận giữa đêm khuya. Sáng sớm ngày mai, sân mọi nhà đầy thóc vàng óng, các ngõ và đường làng phơi đầy rơm thơm nức. Tất các con chó trong xóm đều bỏ nhà chạy hết ra đường, nô đùa vật nhau ồn ã trên rơm. Lũ chó cũng vui mừng trong khung cảnh làng quê gặt lúa.
Thông thường vào hai vụ gặt chiêm mùa, các cánh đồng cao đều khô rang. Trên những thửa ruộng đã cắt lúa xong, nhà nhà đua nhau dựng rạ. Những đám rạ chỉ khoảng một ôm nhỏ mà người thợ xén lúa trải đều trên khắp mặt ruộng, được những bàn tay khéo léo gom chặt phần gốc, rồi quay một vòng.  Phần gốc rạ tạo thành một chóp nhọn, còn phần thân rạ xòe ra như những cái nón úp xuống mặt ruộng. chỉ trong một hai ngày, cả cánh đồng lô nhô muôn vàn “nón” rạ, tạo ra một cảnh quan cực kỳ thú vị. Những hình ảnh ấy đã vĩnh viễn biến khỏi hiện tại và thậm chí nhiều người ở thế hệ tôi cũng đã quên từ lâu. Khi rạ khô, chúng được gom về từng nhà, rồi đánh thành từng đống như đống rơm. Rơm để nuôi trâu bò, rạ để đun và lợp nhà. Rơm còn để trải ổ cho người nằm, trong những ngày đại hàn rét buốt. Rơm còn được băm nhỏ, trộn với bùn trét lên những bức vách làm tường cho các căn nhà lợp rạ. Người ta gọi: Nhà tranh vách đất... là như vậy.
Những hạt thóc sau khi xay, người ta sàng lấy ra những hạt gạo để ăn, những mảnh trấu cũng tham gia vào việc đun bếp. Những mớ cá được xếp vào trong những niêu đất, đổ ngập tương vàng óng, đun sôi một lúc, rồi vùi xuống đám tro hồng, xung quanh vun đầy trấu. Đám trấu ấy cháy từ từ trong mấy tiếng đồng hồ, làm niêu cá sôi lục bục, lục bục. Dần dần nước cạn gần hết, những con cá cứng đơ, xương nục như thịt, thơm lừng. Cái kiểu kho cá, rồi vùi bằng trấu ấy, cũng đã đi vào quá vãng, chỉ còn hương thơm trong tâm khảm những người hay hoài cổ mà thôi. 
Vậy là cây lúa quê tôi sau khi gặt, đã dâng hết thân mình cho chủ: Hạt gạo, vỏ trấu, cọng rơm, cọng rạ... tất cả đều rưng rưng thương nhớ.
Bây giờ, những chuyện tôi kể trên, đã là cổ tích. Những chiếc máy liên hợp thay người tất cả. Khi thóc đã thu xong, trên cánh đồng ngổn ngang rơm rạ. Người ta để một hai ngày rồi châm lửa đốt. Khói lửa rừng rực khắp mọi cánh đồng. Khói bủa vây làng xóm, bủa vây đô thị. Không còn thấy mùi thơm của lửa rơm, lửa rạ, không còn thấy khói lam chiều xanh biếc, lưu luyến những chiều đông. Tất cả chỉ còn cay xè, khét lẹt như khói lửa chiến tranh. Người ta sợ hãi những cột khói ngày mùa.
Tôi cũng sợ. 
Nhưng tôi vẫn còn những vụ gặt và những cây lúa ngày xưa để trở về. Nơi ấy là chốn thần tiên, thơm lừng hương lúa tuổi thơ tôi.
Hoàng Thảo Chi.