Trường THCS Nguyễn Văn Huyên mang hơi ấm lên Mù Căng Chải
Đã trở thành thường lệ, khai giảng xong, trường chúng tôi lại tổ chức quyên góp ủng hộ, giúp đỡ các em học sinh vùng cao. Năm nay, những ngày cuối tháng 9 vừa qua, chương trình "Áo ấm mùa đông 2016" của trường THCS Nguyễn Văn Huyên đã đến với hơn 500 học sinh, trong đó phần lớn là học sinh người H'Mông của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Dế Xu Phình huyện Mù Căng Chải tỉnh Yên Bái.
Bỏ lại sau lưng những bụi bặm và ồn ào của phố thị, xe của chúng tôi đi ngược con đường 32 để đến với địa danh ruộng bậc thang nức tiếng mùa vàng nơi miền Tây Bắc: Mù Căng Chải - kì quan ruộng bậc thang tuyệt mỹ, từng được ví như thiên đường độc đáo của miền Tây Bắc, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh thắng Quốc gia từ năm 2007. Hành trình ấy với ngót 300 km cùng với một cung đèo trứ danh Khau Phạ đã thực sự để lại trong lòng chúng tôi một ấn tượng khó phai về một vùng quê vừa hùng vĩ vừa thơ mộng nhưng còn nhiều khó khăn của đất trời Yên Bái. Cái vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng thâm u, của dòng sông, con suối và những cánh đồng vàng lúa với muôn ngàn ngọn trĩu bông xôn xao trong gió hoàng hôn như thể cùng dập dìu với biển mây vân xanh, vân trắng xoắn quyện lơ lửng rong chơi trên bầu trời cao rộng, đẹp đến mê hồn quyến rũ khiến chúng tôi mê mải từ khi nào chẳng rõ.
Trên dặm hành trình xa xôi, chúng tôi được trải nghiệm trên con đèo có tên là Khau Phạ. Đèo Khau Phạ theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là "sừng trời". Biết vậy nên tôi đã lặng im nhìn ngắm để chiêm nghiệm về các đỉnh núi. Đúng, thật chẳng sai. Những ngọn núi đá ở đây sừng sững, cao vút giống hệt như cái sừng khổng lồ vươn lên trời cao. Địa hình của con đèo rất hiểm trở, đường đi hầu như quanh năm mây phủ mịt mù. Bởi thế thời chống Pháp, những chiến sĩ du kích ở Khau Phạ được kẻ thù đặt cho cái tên "chiến binh mây mù". Những chiến binh này cũng "vang bóng một thời", nổi tiếng với những trận phục kích làm cho giặc Pháp phải khiếp đảm, kinh hồn bạt vía. Cùng với âm vang của lịch sử, Khau Phạ còn được người đời suy tôn, nhắc đến với cái danh là một trong tứ đại đỉnh đèo hùng vĩ nhất của vùng Tây Bắc. Thế đấy danh nghe đã từ lâu nhưng chưa có duyên diện kiến. Bởi thế, trên hành trình của chuyến viễn du thiện nguyện, tôi không tránh khỏi cái háo hức, rộn ràng trong những miên man của dòng suy tưởng.
Cứ thế, trong cái náo nức, trong cái miên man suy tưởng, rồi xe cũng đã đưa chúng tôi đến Khau Phạ để rồi đi đến trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Dế Xu Phình. Con đèo dài hơn 30 km, nằm trên độ cao khoảng từ 1200 m đến 1500 m so với mực nước biển hiện lên qua cửa kính ô tô đầy hiểm trở nhưng cũng rất trữ tình. Cảnh sắc hai bên đường hiện lên trong mắt chúng tôi giống như một bức tranh khảm đa sắc màu của sơn thủy hữu tình với nguyên vẹn những nét hoang sơ kì vĩ. Con đường vượt đèo quanh co, dốc như dựng đứng, uốn lượn bên sườn non trùng trùng điệp điệp, giống như một dải lụa mềm mại khi trồi lên lúc tụt xuống, gập gà gập ghềnh đã làm không ít người trong đoàn phải thót tim lo sợ. Hành trình vượt đèo ấy thật ấn tượng. Trong đời mấy khi ta có được cái cảm giác trải nghiệm như thế. Thú vị biết bao. Chưa hết, nghe nói, đèo Khau Phạ cũng rất linh thiêng. Người H'Mông ở đây truyền nhau rằng lên đỉnh đèo Khau Phạ có thể kêu thấu lòng Giàng (ông Trời). Bởi thế nên mỗi khi mùa màng thất bát hay gặp chuyện không may, đồng bào cũng thường đưa nhau đến đây để làm lễ cúng Giàng, xin Giàng che chở.
Từ trên đèo cao, chúng tôi thả mắt dõi về thũng lũng Tú Lệ (huyện Văn Chấn), nơi của ngõ đầu tiên mà chúng tôi đi qua để đến với huyện vùng cao Mù Căng Chải. Hòa cùng tiếng reo vi vu của ngàn thông là những tràn nắng mùa thu vàng như đang rót mật xuống những thảm lúa nếp óng ả trên từng bậc cầu thang như thể đang nối mặt đất với bầu trời thênh thang gió lộng, trải ra mênh mông, vô tận. Và thế là cảnh vật cũng được mở ra với nhiều điểm quan sát khác nhau của những thiên đường ruộng bậc thang Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn. Vẻ đẹp ngất ngây của mùa lúa chín hẳn sẽ làm đắm say, mê mẩn khách lãng du. Giữa bốn bề đá xám thông xanh những sóng lúa muôn hình vạn trạng, nhấp nhấp, nhô nhô nối đuổi nhau như những con sóng mà chẳng biết đâu là bến bờ. Có nơi sóng lúa tầng tầng bậc bậc giống như những phím dương cầm khổng lồ bày giữa thiên thanh để hòa cùng gió trời tấu lên bản tình ca mê mải; có nơi sóng lúa xoáy tròn hình chôn ốc theo những vạt đồi với muôn bông uốn câu trĩu nặng làm hiện lên trong không gian bao la những mâm xôi màu vàng rực khổng lồ, nưng nức dâng lên trời cao trong buổi chiều hôm; có nơi sóng lúa vàng óng, sắp xếp một cách lớp lang, tầng bậc, đều tăm tắp, chạy dài theo hết sườn núi này rồi lại vắt sang sườn núi khác, nhìn vút tầm mắt như thể đang đổ lúa vào trong lòng thung. Thấp thoáng, ẩn hiện bên những thửa ruộng vàng rực hay sườn núi đá xám bên đường đi là những ngôi nhà gỗ nho nhỏ, lủng lẳng ngô treo với những sơn nữ vai mang gùi đủng đỉnh đi về trong buổi chiều hôm. Ngắm nhìn biển lúa vàng rực dọc đèo Khau Phạ ta mới thấy được sức mạnh và sự sáng tạo thần kì của những chủ nhân của nó. Có thể nói, sự cần cù, thông minh và đôi bàn tay khéo léo của bao thế hệ người Thái, người H'Mông ... ở nơi đây đã làm nên một công trình kì vĩ để sinh tồn đồng thời cũng để lại cho đời một kì quan tuyệt diệu. Có đến Mù Căng Chải vào những ngày giữa thu, lắng nghe những thanh âm của núi rừng, ngắm nhìn mê mải những cánh đồng lúa chín, ta sẽ như được trở về với một cổ tích xa xôi nào đó; lúc ấy bao mệt mỏi, ồn ào của phố thị cũng sẽ nhanh chóng bị xua tan; ta cũng sẽ cảm nhận được những vi diệu của thiên nhiên cùng sự quyến rũ, đắm say của mùa vàng Tây Bắc.
Xã Dế Xu Phình chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông. Ở đây tuy có cảnh quan ruộng bậc thang rất đẹp nhưng nghề trồng lúa chỉ có một vụ và phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên nên cơ bản vẫn còn rất nghèo. Cuộc sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bởi vậy các em nhỏ hằng năm vẫn bị thiếu ăn, thiếu mặc. Điều kiện kinh tế đã vậy còn điều kiện học hành cũng khó khăn không kém. Nhiều em học sinh nhà ở rất xa trường. Trước đây, hằng ngày, các em vẫn phải vượt nhiều cây số đường rừng, đường núi trong cái rét thấu xương để đến lớp, đến trường, có em phải đi bộ từ 4 đến 5 giờ đồng hồ mới đến được lớp học. Bây giờ nhà trường đã có khu nội trú. Học sinh ở lại trường, cuối tuần các em lại về với gia đình. Để biết được cái chữ, đến được với trường là một cố gắng rất lớn của các em, nhất là trong mùa đông đầy sương tuyết, rét đến tái tê, cắt da cắt thịt. Thương các em, nhiều thầy cô giáo đã phải ở lại trường cùng ăn cùng ở chăm sóc các em. Đón nhận tấm chân thành của thầy trò trường THCS Nguyễn Văn Huyên các thầy, các cô ở đây đã xúc động tâm sự với chúng tôi rằng các em ở đây vất vả lắm, áo ấm và sách vở cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt, học tập của các thầy, các cô đem đến cho các em sẽ là nguồn động viên lớn để các em học hành, đến lớp. Nó cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình các em và cũng là nguồn động viên rất lớn đối với nhà trường.
Chia tay Dế Xu Phình, khép lại chương trình "Áo ấm mùa đông năm 2016" cũng là kết thúc hành trình trải nghiệm con đèo Khau Phạ, chiêm ngưỡng mùa vàng trên kỳ quan ruộng bậc thang vùng núi cao Mù Căng Chải, trong tôi vẫn còn lưu mãi những câu nói “cú ưa trầu” (cháu cảm ơn) cùng nụ cười tươi tắn và ánh mắt thơ ngây của các em. Nó trong trẻo quá; hồn nhiên, thoáng đãng như mây trời Tây Bắc. Hy vọng, chút tâm thành hơn 50 triệu đồng gồm áo ấm mùa đông và nhiều đồ dùng sinh hoạt, học tập cho các em học sinh của chương trình sẽ góp chút phần nho nhỏ nâng bước các em đến trường. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, hôm nay từ những căn nhà đơn sơ trên các đỉnh núi cao mù sương các em sẽ vững bước đi qua những khe suối, cánh rừng với trập trùng núi đá đến trường để ngày mai các em sẽ có cơ hội bước ra biển lớn ... Con đường ấy biết sẽ còn đầy khó khăn vất vả nhưng trong tôi vẫn sáng lên niềm tin.
Đào Thị Thu Hiền
Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, Hà Nội