Con mèo của bà nội

Nhà tôi từ thời cụ kỵ, ông bà đã quen nếp nuôi mèo tam thể. Sinh thời, bà nội tôi bảo giống mèo này đã hay chuột lại sang gia cảnh. Con nào bộ ria dài, cầm tai xách lên cong hết cả thân lại, bốn chân chụm đầy ắp lông trảo, vuốt sắc thu gọn, bật nhẹ như bông... cứ để mà nuôi. Lâu năm thành tinh càng tốt! Chỉ nghe tiếng nó kêu từ xa, lũ chuột đã co rúm.

Nhà tôi từ thời cụ kỵ, ông bà đã quen nếp nuôi mèo tam thể. Sinh thời, bà nội tôi bảo giống mèo này đã hay chuột lại sang gia cảnh. Con nào bộ ria dài, cầm tai xách lên cong hết cả thân lại, bốn chân chụm đầy ắp lông trảo, vuốt sắc thu gọn, bật nhẹ như bông... cứ để mà nuôi. Lâu năm thành tinh càng tốt! Chỉ nghe tiếng nó kêu từ xa, lũ chuột đã co rúm.
Sau này, mẹ tôi cũng thường kén mèo tam thể về nuôi và khi đem bán bao giờ cũng giữ lại một cặp giống. Thời chúng tôi mặc dù hiếm hoi, tôi cũng cố lần được giống mèo này. Quả là như vậy, con nào cũng tài bắt chuột. Nhưng hiềm một nỗi không được “thọ” lâu, vì bây giờ nạn đánh bả chuột bằng thuốc độc, nạn bắt cóc mèo, buôn mèo cho các quán “tiểu hổ” tràn lan...
Mẹ tôi kể: Ngày trước, bà nội có “lò” mèo tam thể chuyên bán cho dân phố huyện. Mua được mèo của bà về nuôi, lúc gặp lại ai cũng khoe mèo hay nết. Tính bà rất cẩn thận. Mèo có chửa, cấm ngặt trẻ con không được bế vuốt bụng. Mèo đẻ, không được vào nhìn bồ thóc hoặc thùng trấu có mẹ con chúng trong đó, vì sợ phải vía, mèo mẹ tha mèo con đi chỗ khác. Đứa nào nghịch ngợm ngồi bếp lấy lửa thui râu mèo, thế nào cũng bị bà cho một trận roi nhớ đời; vì cụt râu, mèo sẽ mất khả năng rình bắt chuột. Bà rủ được cả mấy nhà quanh xóm bỏ hết giống mèo mướp, mèo đen, chỉ nuôi mèo tam thể, nhị thể để… nhỡ ra… mèo nhà khỏi bị tạp giống! Bữa nào dọn cơm bà cũng cho mèo ăn trước khỏi chúng kêu, chúng quấy. Phải tự tay cho mèo ăn bà mới hài lòng. Quen hơi, hễ thấy bà đi đâu về là cả một chuỗi meo meo theo sau quấn quít, làm nũng. Cứ lúc con gà trống gáy te te về sáng là mèo đã kêu từ nhà dưới lên nhà trên, rồi đến bên đầu giường bà cào cào chân vào gối đánh thức. Bà lại mắng yêu: “Cha tổ cái đồng hồ của bà đã réo rồi đấy!” Cả nhà trở dậy, người lo cơm nước, kẻ sắp đặt đồ đạc, dụng cụ để ra đồng sớm.
Nhưng chính mèo tam thể cũng từng gieo cho bà tôi thuở ấy một cơn sóng gió, một nỗi đau tê tái, dẫn đến kiệt quệ gia sản.
Một buổi sáng mùa đông. Bà tôi đem mèo đi bán bên phố huyện. Dậy từ gà gáy, bà xắm lắm đủ việc, vừa dọn dẹp đồ đạc vừa đun nước cho ông pha trà, rồi thổi niêu cơm gạo tám. Cơm chín, bà xới một ít, gỡ mấy con cá bống kho, trộn vào đĩa cho đám mẹ con mèo ăn. Nom chúng thật thích mắt. Bà chọn một con cho vào cái giọng nứa, cài đạy nắp vỉ kỹ càng. Ông tôi hỏi:
-Sao bà không bán cả một thể, khỏi vất vả, đường sá xa xôi, đò giang lập cập? Bà trả lời trong nhịp nhai trầu:
-Hôm nay bán con này trước xem sao! Dân thị họ rành tính, hay kén lắm. Mang sang cả, họ chọn hết con đẹp, con thứ bỏ lại dễ mất giá. Chi bằng cứ bán từng con một. Con nào được con nấy. Thôi, của nhà làm ra, lấy công làm lãi, khó một chút tôi cũng chịu được! Năng nhặt chặt bị. Mỗi thứ một tẹm mới có miếng mà ăn chứ ông!
Đò dọc trong đồng lướt nhẹ trên mặt sông lấp lánh ánh rạng đông. Gió bấc thổi thông thống vào những ruộng rạ vừa gặt hai bên bờ. Ngồi trong mui đò, bà tôi ngẫm nghĩ: “Bán xong lứa mèo, thể nào cũng sắm cho ông ấy chiếc ô lục soạn mới, mua cho bố thằng cu Nham bộ bút nho Tàu với cái nghiên mực đá! Chứ để nó mài mực bằng cái đĩa cổ nom xót quá! Rõ là khéo kiếm vụng để...” Cả nửa đời người, ông bà cùng các cô chị gái cha tôi cam mọi cực nhọc, cơm nguội mắm cáy, ăn chắt để dè, cốt sao sắm trâu tậu ruộng. Kiến tha lâu đầy tổ. Ông bà tôi trở nên giàu có trong làng, dựng được nếp nhà ngói gỗ lim năm gian và nuôi được cha tôi ăn học tận làng Yên Giang bên kia sông.
Hôm ấy, quan tổng trấn có đám huyện quan, lính lệ tháp tùng qua sông sang tổng Hà Nam đốc thúc việc thu thuế các làng. Ông ta cưỡi con ngựa màu nâu hung, buông lỏng dây cương cho nó thong thả đi trên mặt đê. Nắng nửa buổi dâng lên bắt đầu gay gắt. Hình như con ngựa khát nước? Nó bước theo vạ đê, thẳng xuống bến sông trong đồng. Người quan tổng trấn ườn dài trên lưng ngựa. Đến mép bến, con ngựa quì hai chân trước và cúi cổ uống nước. Nó tớp từng hơi ừng ực, đầy khoan khoái. Quan tổng trấn vẫn ngồi chễm chệ, lơ đãng nhìn ra xa. Ngoài kia, cánh đồng đang cuối vụ gặt. Những ruộng lúa còn sót lại như tấm áo rách lỗ chỗ. Đàn chim sẻ đồng chấp chới liệng chao. Trước mặt ngài, dòng sông nhỏ lao xao gợn sóng. Con đò dọc có mui che do một cô gái chống sào đang từ từ cập bến, sát nơi ngựa uống nước. Con cái nhà nào mà nó hơ hớ xinh đẹp, lại đẩy đò thuần thục thế kia?...
Bà nội tôi ngồi trong chiếc đò ấy. Cập bến, bà xăm xổ cắp giọng mèo vào nách. Vừa bước trên sạp đò để lên bờ bà vừa nhìn đăm đăm ông quan đang thả hồn sang cô lái. Ông quan này coi mặt còn trẻ, chắc làm to lắm, tận trên phủ trên tỉnh gì đây?... Bỗng bà bước hụt từ tấm ván cầu đò xuống đất, ngã chúi, va đầu vào gốc một cây. Chiếc giọng tuột khỏi tay, lăn lông lốc. Con mèo trong giọng kêu “mao” lên một tiếng rất to, rồi cứ thế thét thúa, gầm gừ như bị cắt cổ. Con ngựa giật bắn mình, chồm lên, thụt hai vó xuống nước, hất quan tổng trấn ngã tếnh hênh. Chiếc khăn xếp nhiễu xanh văng ra, nổi lềnh bềnh trên đám bèo bọt. Không hiểu mô tê gì xảy đến, ông ta cứ thế hai mắt nhắm nghiền, hai tay chới với, la thất thanh:
-Bay đâu! Bay đâu... cứu ta...
Đám quan lính nháo nhác đổ lại, rối rít lội xuống dìu quan dậy. Người xuýt xoa, kẻ gột rửa áo quần bê bết bùn đất cho quan...
Mãi lâu mọi người mới định thần, vỡ lẽ. Thì ra con ngựa giật mình sợ hãi bởi tiếng mèo kêu đột ngột của một bà nhà quê! Tiếng mèo đã khiến quan gặp hạn, ngã một cú đau điếng, hồn vía lên mây, tưởng Việt Minh xuất hiện! Còn bà tôi lúc đó cũng hết cả thần sắc. Bà lồm cồm bò dậy, bỏ cả giọng mèo lăn lóc, chạy lại chỗ quan, vừa quệt máu trên trán vừa rập đầu lạy lia lịa xin tha tội. Ngài tổng trấn trợn mắt:
-Này bà kia! Có con gì nó thét như vậy, làm ngựa ta hoảng sợ?
-Dạ! Bẩm quan! Con… con mèo ạ! Con đi bán mèo, chẳng may bước ngã. Con mèo nó kêu đấy ạ! Ngàn lạy mong quan tha tội...
Đám quan lính được dịp nhao nhao xỉa xói:
-Mụ già ghê thật! Gặp quan trên về làng đã không chào hỏi, lại còn để mèo kêu vô trật tự. Hay bị cộng sản xúi giục hại quan?
-Phen này quan mà què quặt thì nhà bà vạ to!
-Có con mèo cũng không biết giữ mồm giữ miệng cho nó!...
Cuối cùng, cũng không hiểu bà tôi van vỉ thế nào, hay chợt quan liếc mắt thấy cô lái đò xinh đẹp một tay chống sào một tay bịt miệng vì không nín được cười, đang nhìn về phía mình? Mọi việc an bài. Bà lạy tạ quan rồi tiếp tục qua đê xuống đò ngang sang phố huyện bán mèo. Lưng áo bà ướt lạnh mồ hôi.
Tan chợ về. Bà thuật lại chuyện với ông: May quá! Gặp được ông quan nhân từ, đại lượng. Chứ không thì vạ tày liếp. Ông tôi lẩm bẩm tính đốt ngón tay: Bà tuổi Dậu, chắc quan tuổi Tý, lại con ngựa gặp con mèo...? Tý, Ngọ, Mão, Dậu... Tứ hành xung... Thật phúc lớn cho bà, cho cả nhà ta! Bà bảo:
-Ngày một ngày hai, tôi sắm lễ sắm quà cho ông sang tạ quan lớn đã không thèm chấp kẻ lê dân!
Chiều ấy, bà đang phấn chấn ngồi têm trầu thì ngoài ngõ có tiếng gọi mở cổng. Con chó vàng sủa ầm ĩ. Giật thót người, bà quay ra cửa. Thôi chết rồi! Lại có sự gì đây?
Hai anh lính lệ cùng lý trưởng làng xăm xăm bước vào:
Tưởng chừng mọi việc qua đi!
Nào ngờ một bức trát đòi bà sang huyện đường hầu quan! Vì quan huyện An Hưng bị quan tổng trấn trách mắng không biết nuôi dạy dân, để dân đem mèo đi bán lung tung. Mèo kêu làm ngựa sợ. Ngựa sợ làm quan ngã. Quan ngã gẫy cả tay!...
Chuyến ấy bà tôi bị phạt tiền rất nặng. Nếu không, sẽ bị tù rục xương!
Ông bà tôi phải tức tốc bán mất ba mươi bảy sào ruộng “bát canh bát cơm” mới đủ nộp phạt. Chao ôi! Chỉ vì một tiếng mèo kêu, ông bà tôi mất đi một khoảnh đồng, một nguồn kế sinh nhai của nhà nông để đền cái ngã của quan! Ông nhìn trời mà than: Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí! Còn bà đâm ốm ngơ ngẩn hàng năm trời vì tiếc ruộng. Đêm đêm mê ngủ, bà thảng thốt kêu: Ba mẫu bẩy sào... Ba bẩy sào ruộng... Mèo ơi... là mèo!...
Nỗi đau như bát nước nóng nguội dần.
Dĩ nông vi bản. Nhà nông không có ruộng, dắt nhau ra phố mà ăn mày à? Mất ruộng này, ta tậu ruộng khác! Bà gượng dậy bàn với ông như vậy. Bà quyết chí gây dựng lại từ đầu để vực cơ đồ. Bà và các cô tôi lại nửa đêm gà gáy chăn nuôi, trồng trọt, cày thuê cấy mướn. Lúc nông nhàn lại ra rừng ra bãi nhặt con còng con cáy... Ông và cha tôi hàng ngày cắm cúi viết và đi bán câu đối trong ngày Tết ở chợ Đình, chợ Cốc. Bốn mùa chỉ hai bữa cơm đèn, dưa cà, mắm muối... Bà cứ luôn miệng nhắc nhở cả nhà: Đi buôn một chuyến không bằng hà tiện một năm!
Đến ba, bốn Tết sau thì có bát ăn bát để. Ông bà lại sắm trâu tậu ruộng và nuôi bằng được cha tôi học hành nên sự. Chưa đủ. Bà còn bán đi hàng chục thúng thóc, lấy tiền đứng ra tranh chức lý trưởng cho con trai. Bà biết cha tôi là người có hiếu nghĩa, tư chất thông minh, sẽ gánh vác được việc làng việc tổng. Không ngờ bà lại gan to và niềm tin lại ghê gớm đến thế!
Chuyện mèo của bà tôi tưởng không còn gì để nói nữa.
Nhưng, như dòng sông đôi bờ bên bồi bên lở vẫn có hồi bù đắp cho nhau, cuộc đời lại có những khúc nhôi bất ngờ. Bẵng đi một thời gian không thiết gì đến nuôi mèo... Một hôm bà sang chợ huyện mua sắm giành giỏ cho công việc ngâm gieo mạ vụ chiêm. Bà vào xin nước uống của một gia đình ở ngay dãy phố chợ. Nhà chủ niềm nở tiếp khách. Họ còn mời bà tôi ngồi trên ghế sa lông tàu khảm trai và cùng uống trà Vân Hải ủ trong giỏ nóng ấm. Đang nâng chén trà lên uống từng ngụm nhỏ, bà nhìn thấy một con mèo tam thể múp míp nằm trên nóc tủ buýp phê. Con mèo mới đẹp làm sao! Nó thuộc dòng “tứ túc mai hoa”. Hoa nâu, đen, đốm trắng trên nền bộ lông vàng mượt óng. Đôi mắt sáng long lanh như hai viên ngọc. Bà mê mải ngắm nó như người phải bùa. Ôi! Nó có một vết sẹo nhỏ bằng hột bắp ở cái mũi bên tả, giống hệt con mèo nhà bà bán cách đây đã lâu lâu. Lúc còn trong đàn, chúng đùa dỡn thế nào vấp phải chiếc liềm giắt trên cánh cửa giại nhà bếp. Chiếc liềm rơi xuống. Mũi liềm bập trúng mũi một chú mèo. Máu chảy ra, bà lấy lá rau ngót nhai và dịt vết máu lại. Nhưng không hiểu sao, lâu ngày, vết sẹo lại săn thành miếng tật tròn vo giống y miếng tật của con mèo này! Chả lẽ đây là...? Đúng nó rồi. Đúng là con mèo mà bà đã bán cho bà vợ ba ông quan huyện trong một phiên chợ Rừng... Nhưng sao nó lại còn sống và trở về đây ? Bà tôi gặng hỏi ông bà chủ nhà. Bà chủ kể luôn:
-Có một người lính đã bán nó cho tôi ngoài chợ. Anh ta nói: “Đây là con mèo của quan tổng trấn Cung Đình Vận do quan huyện An Hưng biếu. Quan tổng trấn rất quý con mèo biếu này và nuôi nó đã lâu...” Con mèo khôn lắm. Tôi còn được nghe cả chuyện ngài một lần sang tổng Hà Nam bị ngã ngựa vì tiếng mèo kêu. Đâu bà cụ nhà quê có con mèo kêu ấy bị quan huyện phạt đền nặng kinh khủng, phải bán chạy mấy mẫu ruộng. Bởi quan huyện bị quan tổng trấn quở trách. Thực tình chỉ tại cái lão quan huyện ấy lợi dụng “đục nước béo cò” mà ăn tiền của người ta, chứ quan tổng trấn có bắt đền bắt vạ gì đâu... Cách mạng cướp chính quyền về tay nhân dân. Quan bỏ chạy. Anh lính bắt trộm được con mèo đem bán, cốt lấy mấy hào hút thuốc phiện... Tôi tin con mèo là thật mèo nhà quan và bèn mua về nuôi từ bấy đến giờ. Vả lại, khi mới trông thấy con mèo tôi đã ngầm thích ngay. Tuy nó đã già mà nết bắt chuột còn tốt lắm. Mèo tam thể thế mà hay đấy bà ạ! Không biết sống ở chốn huyện đường, phủ đường, nơi kín cổng cao tường nó đã đẻ được lứa nào chưa? Quanh phố đây lâu lắm rồi không thấy tiếng mèo đực. Âm dương không đủ thì làm sao tồn tại được giống nòi? Bà xem nó nằm đó, có sang không?
Như được gõ vào kí ức, bà tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện mất ruộng vì mèo và tích con mèo bị vết sẹo mũi liềm cho ông bà chủ nghe. Bà chìa tay gọi “meo...meo...” Con mèo chợt vươn vai uốn cong thân như chiếc cầu vồng đáp lại “meo...meo...” nhìn người khách lạ bằng ánh nhìn thân thiết. Bà với lên ôm nó vào lòng vuốt ve, âu yếm:
-Nó đây mà! Đúng nó là con mèo năm xưa tôi đem bán lúc nó còn nhỡ nhỡ! Nó cũng sống dai đáo để...
Nửa ngày trò chuyện lân la, bà thuyết phục được ông bà chủ nhượng lại con mèo cho bà. Thật không sao tả nổi nỗi niềm phấn khởi. Bà tôi mang mèo về, cả nhà cùng thốt lên khâm phục tài giao thiệp của bà. Ông tôi cười lớn:
- Nhà ta đến lúc “Châu về Hợp Phố” rồi chăng?
Từ dạo nuôi con mèo đó, cảnh nhà cảm thấy khá giả hơn lên. Bà tôi càng nung nấu ý chí lao động và làm giàu. Cha tôi sửa lại mái ngói, bưng lại ba gian cửa bằng gỗ dổi xanh, còn đến ngày nay. Trong làng ngoài tổng đâu đâu cũng nể trọng tiếng tăm đạo đức đối nhân xử thế của ông bà, của cha tôi. Trong sâu thẳm thâm tâm có lẽ bà như trả được mối hận mất ruộng, cho tiếng mèo kêu năm cũ! Cha tôi mua một tấm gương lắp vào hậu tủ chè, đặt con cá bằng sứ vàng óng ánh, có khi dựng cả một cặp cá nướng vào trong tủ. Con mèo tam thể bên ngoài mặt kính tha hồ vờn cá, vờn bóng mình trong gương, ngỡ có một con mèo nữa cũng đang tranh mồi. Ông bà tôi cùng ngồi trên sập gụ uống trà, ngắm “Lưỡng miêu quần ngư” có vẻ hả hê, mãn nguyện cảnh già. Khi nhắm mắt qui tiên, bà còn trăn trối: “Mai mốt... cũng cố mà... nuôi mèo... tam thể!...”
Cho đến bây giờ.
Vừa năm ngoái thôi. Tôi gặp một tay buôn mèo. Biết tôi cay cú mèo tam thể, hắn thách đổi một tạ thóc! Vợ tôi cắn răng đong thóc vào bao cho hắn. Con mèo hắn đổi cho tôi cũng rất đẹp. Và hay chuột tuyệt vời! Cả nhà cùng quí nó như vàng nhặt được. Nhưng phải cột nó vào chân sập bằng một sợi dây vải dài, thả thòng ra, không dám bỏ rông. Trông nó, tự dưng tôi cứ mường tượng giống con mèo của bà nội tôi thuở nào! Những lúc nó nằm lim dim ngủ trên góc sập gụ, trông nó toát ra một vẻ thật sang trọng, quí phái. Ai đến nhà cũng tấm tắc khen...
Một buổi chiều. Đứa con gái tôi thả mèo ra cho nó thể thao một chút, kẻo trói buộc mãi cũng tội. Con mèo hết trèo ngọn cây cau, tụt xuống xoàn xoạt, lại nhảy thoăn thoắt trong sân, ngoài vườn đuổi theo chiếc lá khô, theo con bướm chập chờn. Loáng cái đã thấy nó ngậm một con chuột nhắt chắc vồ được trong thùng trấu, chạy ra sân như khoe với mọi người. Nó vờn con mồi rất điệu nghệ...
Rồi mọi người mải mê công việc, quên đi mất.
Xẩm tối, bỗng con mèo lao vào nhà như một mũi tên vừa thét lên nheo nhéo vừa quằn quại chui qua gầm tủ, gầm giường như điên dại.
-Hỏng rồi! Mèo ăn phải chuột trúng bả thuốc độc của hàng xóm nhà nào quẳng sang vườn nhà mình!
Tôi vội vã tuốt lá rau ngót, chắt lấy nước và pha đường đúc cho nó uống. Nhưng không kịp! Nó nằm trên nền gạch hoa, bộ lông tam thể duỗi dài, phập phồng, thoi thóp. Miệng nó nhểu ròng ròng nước dãi. Đôi mắt thao láo như hai hòn bi chai, nhoà ướt, chuyển sang màu trắng, khô cứng. Tuyệt vọng! Nó nhao lên một tiếng thảm hại, rồi tắt lịm, cứng đờ. Đứa con gái út đứng sau lưng tôi thút thít:
-Mèo ơi! Thế là hết rồi mèo ơi! Hỡi mèo!
Không cầm lòng nổi, tôi cũng rân rấn khoé mắt, cố trấn tĩnh an ủi con:
-Thôi nín đi! Để cho nó được chuyển sang kiếp khác!...