Căn số
Suối có tên Cô Sáu vì theo những người già kể lại, khi xưa, thời chưa khai thác than, dòng suối ở đây trong xanh mềm mại như suối tóc của một cô gái tuổi xuân thì. Cũng có người khẳng định, đã từng có một Cô Sáu đẹp người đẹp nết bị lừa tình mà đau khổ trầm mình chết đuối ở dòng suối này. Ông thầy bói mù nổi tiếng nhất vùng mỏ phán rằng: “Na chính là Cô Sáu. Cô Sáu khi xưa bị lừa tình phải chết oan, nhưng cô vốn rất gan lỳ, không cam chịu, cô quyết đầu thai để làm lại cuộc đời…”.
Na sinh ra trong một gia đình bố mẹ là lao động tự do. Nói lao động tự do cho oai chứ nghề nghiệp duy nhất của bố mẹ cùng ba đứa em trai Na cũng như cả xóm bụi chỉ là đãi mót than bán cho cai đầu dài.
Xóm bụi của Na nằm bên bờ suối Cô Sáu. Xóm có hơn chục nóc nhà dựng bằng róc, loại cây thuộc họ tre nhưng thân nhỏ khẳng khiu mọc tự phát bạt ngàn ở những chỗ thấp trũng khắp các vùng đồi núi thuộc tỉnh Quảng Hồng. Ngói lợp nhà là những mảnh giấy dầu rách nát, thứ giấy bìa có tráng lớp nhựa đường chống thấm dùng trong công nghiệp, đã thải loại vứt đi, được nhặt nhạnh từ bãi rác. Tường nhà nẹp bằng cây bông ỏng. Các “căn hộ” giống hệt nhau. Chật chội. Ra vào phải cúi khom người. Bếp, dụng cụ nấu nướng, sinh hoạt và mọi hoạt động tập thể của từng gia đình đều lộ thiên ngoài trời. Nhà chỉ là nơi để ngủ và trú nắng, trú mưa.
Cộng đồng xóm bụi tự gọi là nhà cho đỡ tủi chứ dưới con mắt người qua kẻ lại, trông chúng không khác gì những túp lều ăn mày trong các bộ phim kể về thời trước những năm một chín bốn nhăm.
Hơn chục nóc nhà xóm bụi không nhà nào đứng riêng lẻ mà xếp liền thành một dãy, dựa vào nhau theo kiểu khu biệt thự mini, hay rì sọt liền kề.
Bỏ qua sự nhếch nhác bẩn tưởi, nếu vào trang viết của các nhà văn nhà thơ, xóm bụi hẳn cũng thật thơ mộng. Tựa cảnh trên bến dưới thuyền. Này nhé! Khu nhà quay hướng Nam, khoảng sân mỗi nhà vuông vắn xinh xinh chỉ vừa hai mảnh chiếu cói. Trước mặt là con đường nhỏ, độc đạo, ngoằn ngèo len lỏi giữa rừng lau lách cao quá đầu người, vốn là khu đất hoang. Sau lưng là suối. Đoạn suối nối từ khai trường mỏ than chạy thẳng ra biển. Được cái, ở đây không bao giờ hết nước. Bốn mùa nước chảy cuồn cuộn dù nắng hay mưa, bởi ngoài nước tự nhiên còn có nước bơm suốt ngày đêm từ dưới moong khai thác bằng máy bơm công suất cực lớn. Mỏ có hẳn một công trường bơm với hơn một trăm người phục vụ cho việc bơm nước này.
Nước suối không đỏ ngàu phù sa như nước sông Hồng. Không trong vắt long lanh nhìn thấu đáy như sông Ngàn Phố. Mà đen ngòm như ai đổ xuống một thùng mực Cửu Long khổng lồ.
Không, đừng liên tưởng màu đen hôi thối của sông Tô Lệch. Dòng đen ở đây không mùi. Chẳng phải. Chính xác là nó có mùi, nhưng là mùi của sự sống! Chí ít, nó đang nuôi sống hơn chục nóc nhà xóm bụi.
Suối có tên Cô Sáu vì theo những người già kể lại, khi xưa, thời chưa khai thác than, dòng suối ở đây trong xanh mềm mại như suối tóc của một cô gái tuổi xuân thì. Cũng có người khẳng định, đã từng có một Cô Sáu đẹp người đẹp nết bị lừa tình mà đau khổ trầm mình chết đuối ở dòng suối này.
Xóm bụi hình thành tự phát. Ban đầu, một số gia đình không rõ từ đâu đến dựng nhà. Lần lượt, nối tiếp nhau cho đến bây giờ.
Sẽ không ai biết có sự tồn tại của xóm bụi, nếu phía bên kia bờ suối, không phải là con đường chở công nhân hàng ngày đi làm và các công trình nhà xưởng khu mỏ.
Ngày lại ngày, già trẻ lớn bé xóm bụi lầm lũi dầm mình dưới suối, dùng sảo xúc vớt đãi than như cách người ta đãi hến ở các dòng sông quê.
Ngày lại ngày, chín mười đứa trẻ xóm bụi, sau giờ làm, đen đúa, còm nhom, bẩn thỉu, tụ tập chơi các trò chơi dân gian mà bố mẹ chúng truyền dạy. Những thứ trò chơi có lẽ đã bị tiệt chủng sau các lũy tre làng.
Họ cứ sống, cứ sinh sôi một cách vô thừa nhận bên lề xã hội như thế. Không điện đóm ti vi đài báo, không học hành chữ nghĩa. Không hộ tịch, không giấy tờ tùy thân, không một sợi dây liên lạc với chính quyền sở tại.
Duy chỉ có Na. Bố mẹ Na thấy con mình sinh ra có nhan sắc hơn người, lại có vẻ sáng dạ, nên đã bàn với nhau bí mật cho con đi học.
Họ tìm về khu công nhân mỏ, nhà cô giáo Quỳnh Chi, dạy mẫu giáo. Họ năn nỉ vợ chồng cô giáo nhận Na là con nuôi, chỉ là trên danh nghĩa, để làm giấy tờ cho nó được đi học.
Ban đầu, vợ chồng cô giáo Quỳnh Chi không đồng ý, nghĩ là một trò lừa đảo bịp bợm gì đây. Nhưng vợ chồng cô vốn lương thiện, nhìn ánh mắt van lơn của bố mẹ Na, thương hoàn cảnh của đứa trẻ là Na nên đã nhận lời.
Nhà cô giáo Quỳnh Chi cũng chật vật khó khăn lắm, họ không thể cưu mang thêm Na. Cô chỉ có thể giúp Na có bộ giấy tờ hợp pháp để đi học, còn, hằng ngày, Na vẫn phải đi về và ở với bố mẹ đẻ.
Bố mẹ Na hết sức vất vả chắt chiu dành dụm để Na có cuộc sống bình thường như một con người bình thường. Vốn thông minh sáng dạ, em nhanh chóng hòa nhập với thầy cô bạn bè ở trường ở lớp. Em cũng khéo léo để không ai biết thân phận thật của mình.
Cũng may, cuộc sống vùng mỏ, bán thành thị, dân tứ xứ tụ về, ngoài những gia đình ở các khu nhà tập thể cùng công tác là thân thiết với nhau, còn hầu hết, không ai biết đến ai, không ai đến nhà ai chơi. Cho nên bạn bè Na cũng không ai quan tâm Na từ đâu đến, nhà Na ở nơi nào.
Hàng ngày, sau giờ tan lớp, khi về đến rừng lau, ngó trước ngó sau không có ai, như một nàng tiên bé bỏng, thoắt cái, cô học sinh Na biến mất để trở lại thân phận đứa trẻ nghèo xóm bụi.
Thấm thoắt, Na mười tám. Vào đại học. Na đẹp nổi bật như một đóa hoa dại ở rừng bứng về đặt kiêu sa giữa phố. Không màu mè, không công nghệ trang điểm. Ở Na có một cái gì đó vừa gần gũi, bình dân vừa xa hoa, quý phái. Gương mặt, nụ cười của em như có ma lực, thiêu cháy mọi ánh nhìn của lũ con trai. Đặc biệt, em chăm chỉ và học giỏi, sống hòa đồng, quan tâm hết thảy bạn bè. Thật là một cô bé mẫu mực!
Đại Nghĩa, một sinh viên hào hoa học trên khóa, đàn giỏi hát hay đem lòng yêu mến Na. Họ đến với nhau trước hết do học cùng trường, cùng xuất thân quê hương vùng mỏ. Sau qua những đụng chạm cuộc sống thường nhật trong ký túc xá, qua những câu chuyện tâm tình tâm đầu ý hợp. Tự nhiên như bao đôi lứa yêu nhau khác bất chấp sự dặn dò của bố mẹ Na. Rằng con đừng vướng bận chuyện tình cảm cho đến khi có công ăn việc làm chắc chắn, có sự nghiệp vững bền.
Đại Nghĩa, như tên của chàng, tài giỏi, vị tha và độ lượng. Na nói, nhà em nghèo lắm! Nghĩa rằng, nhà chàng tuy giàu có, bố chàng là một giám đốc lớn nhưng ông bà nội chàng xuất thân cũng chỉ là bần cố nông. Trên đời, có ai đói rách hơn bần cố nông! Bố mẹ chàng cho chàng vào ở ký túc xá cũng là cách để rèn luyện cho con biết thế nào là cuộc sống đơn giản, thiếu thốn. Nghĩa thủ thỉ với Na, chỉ cần hai đứa yêu nhau thật nhiều, là đủ.
Na ngất ngây trong men nồng tình ái. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Na có thai.
Nghĩa đưa Na về ra mắt bố mẹ chàng. Bố mẹ Nghĩa là những trí thức xuất thân từ nông thôn nên họ rất trọng tình trọng nghĩa. Họ nói bố mẹ lao động nghèo vất vả không hề gì. Vả lại, họ có những năm tháng du học và làm việc ở nước ngoài nên cũng rất thoáng trong chuyện tình cảm. Đặc biệt, Na đẹp dịu dàng như một búp bê, lại thùy mị nết na đến thế, ai mà chả thích, chả ước ao có cô con dâu như nàng.
Được sự gợi ý của bố mẹ Nghĩa trước khi hai bên thông gia gặp nhau, lại đang say trong giấc mơ hạnh phúc, Na không mảy may đắn đo hoàn cảnh gia đình mình, đồng ý cùng Nghĩa về ra mắt bố mẹ.
***
Xóm bụi, một chiều Đông.
Cả xóm nghèo ngơ ngác ngỡ ngàng khi một đôi trái gái lộng lẫy quý phái như từ trên trời rơi xuống rẽ đám lau lách bước vào. Và họ vỡ òa hạnh phúc khi hiểu ra sự thật. Na và người yêu về ra mắt gia đình!
Kẻ góp gà, người góp rượu. Những chén bát sạch đẹp nhất được mang đến. Những chiếc chiếu lành lặn nhất được trải. Những bộ quần áo tươm tất nhất được mặc. Một bữa tiệc tưng bừng nhất xóm bụi, lần đầu tiên đã diễn ra trong sự hân hoan của bố mẹ Na và bà con lối xóm.
Nghĩa bình thản, không quá vồn vã, cư xử hết sức dè dặt khiêm tốn, chuẩn mực.
Cư dân xóm bụi cũng tạm cất hết những ngôn từ tục tĩu dân dã thường ngày. Họ lựa những lời đẹp nhất, theo họ nghĩ, để nói chuyện với chàng rể tương lai của xóm.
***
Một tuần sau.
Tại Thủ đô, trong nhà hàng năm sao sang trọng bậc nhất Đô thành, Nghĩa dành cho Na một bữa tiệc xa xỉ đến bất ngờ.
Căn phòng thoáng rộng, trang trí theo phong cách cổ điển châu Âu, ánh nến lung linh mờ ảo, tiếng nhạc du dương, bàn ăn lớn với cao lương mĩ vị ngập tràn, rượu vang nhập khẩu từ Pháp. Lần đầu tiên uống rượu, đôi má Na ửng hồng. Tâm hồn nàng bay bổng như đang trong một giấc mơ.
Cuộc đời ưu ái nàng như thế này chăng?
***
Về đến phòng trọ.
Sau khi tắm rửa thay quần áo. Lên giường, với tâm trạng hồi hộp, Na mở phong thư lớn Nghĩa trao khi tiễn nàng về đến nhà.
Một bọc tiền rơi ra dễ đến cả mấy trăm triệu.
Một một mảnh giấy nhỏ.
Tay nàng run run, mắt nhòe lệ:
“ Na em,
Anh thật có lỗi với em và thương cảm với hoàn cảnh của em.
Anh đã xin ý kiến bố mẹ. Bố mẹ anh không thể chấp nhận bố mẹ em làm thông gia.
Chúng ta không môn đăng hộ đối!
Em thông cảm cho anh. Mặc dù anh vẫn rất yêu em và bố mẹ anh thật lấy làm tiếc khi đánh mất cô con dâu như em.
Ly rượu vang lúc chiều em uống đã được pha một liều thuốc phá thai hạng nặng.
Em hãy đến ngay bệnh viện…
Vĩnh biệt em! “
Đọc xong bức thư, đầu óc Na choáng váng quay cuồng.
***
Na biệt tích.
Bố mẹ Na tìm con khắp nơi.
Vô vọng.
Ông thầy bói mù nổi tiếng nhất vùng mỏ phán rằng: “Na chính là Cô Sáu. Cô Sáu khi xưa bị lừa tình phải chết oan, nhưng cô vốn rất gan lỳ, không cam chịu, cô quyết đầu thai để làm lại cuộc đời…”.
Tin cùng chuyên mục
Tình muộn
16/09/2016
Mộ Phách
12/09/2016
Những con thú giấy
04/09/2016
...Thứ ba học trò
23/08/2016
Ao nhà
21/08/2016
Quả ngọt cuối mùa
15/08/2016