Nhập ngũ

Lại Văn Hay nguyên là Đại úy, Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam; Địa chỉ: Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội; Điện thoại: 0986.664.121.


Ảnh minh họa của Đoàn Công Tính

 

 

Ta vinh dự, giờ đây được đi trên nẻo đường binh nghiệp.

Trước đó vài ngày, liên hoan triền miên. Nào là chi đoàn, nào là ban quản trị hợp tác xã, nào chi bộ Đảng Lao động Việt Nam thôn Đông Tây Đầm…

Sáng sớm hôm ấy - 15 tháng 4 năm 1965, dù rất bình tĩnh đi chăng nữa, nhưng trong lòng vẫn nao nao rộn rã cảm xúc của ngày nhập ngũ; dù là vô tâm, vô tính đi chăng nữa cũng biết là tầm này ngày mai mình ở đâu. Tất cả cảnh đồng quê, xóm làng ở phía sau, và đã chắc gì có ngày trở về nhìn lại. Đang hơi ưu tư một tý thì giật mình vì vợ tôi bảo bế con - thằng bé con trai đầu lòng vừa tròn sáu tháng tuổi, để đi may cho tôi cái áo mới, mặc trong ngày nhập ngũ. Mượn được cái xe đạp “cắng” Pha-vô-rít Tiệp, nó cao quá, vợ tôi lại thấp bé, đi chưa thạo, còn lái bằng sườn và mông, cho nên mới lao xuống mương. Thế là ướt mất hai mét vải phin trắng. Vải là do anh Thảo cửa hàng trưởng bách hóa, cảm tình hồi năm 1952, 1953 cùng tản cư và học lớp 3 ở Thái Nguyên, nể lắm bán cho không phải phiếu.

Đến chợ Tó, khoảng chừng bốn cây số, cửa hàng hợp tác xã may mặc lại phải phơi khô họ mới may cho. Chờ đợi mãi chừng hơn mười giờ vợ tôi mới về nhà mà áo chưa may xong.

Trong lúc ở nhà, tôi lừa thằng bé ngủ để nấu cơm. Vì hai giờ chiều đã tập trung ở trụ sở Ủy ban hành chính xã. Đôi khi cu cậu khóc lại phải vừa bế con, vừa nấu bếp. Nấu bằng rơm rạ nó mới bấn bí làm sao.

Bà nội tôi bấy giờ ngoài tám mươi. Cụ vẫn khỏe và nhanh nhẹn, vẫn làm được các việc vừa và nhẹ, như là phơi phóng thóc lúa, làm vườn, hái rau… không bế đỡ chắt được.

Chờ đợi mãi vợ tôi chưa về, tôi đành phải dọn cơm cả nhà ăn.

Nồi cơm to, độn khoai lang khô, đổ ra cái rổ nan dưới có hai nẹp tre chữ thập để kê cao cho sạch sẽ. Rổ cơm và xoong nước luộc để giữa hai mâm. Mỗi mâm có đĩa rau khoai lang luộc và bát tương để chấm.

Gia đình tôi bấy giờ có mười một khẩu là: bà nội, bố, hai vợ chồng tôi, con

trai và sáu em. Còn hai vợ chồng anh cả và ba cháu ở Tuyên Quang.

Mẹ tôi đã mất từ hai năm trước, bị bệnh xơ gan cổ trướng. Nằm viện từ tháng 9 năm 1961 đến tháng 4 năm 1963 qua đời, khi đó 51 tuổi.

Cả nhà vừa ngồi quanh mâm cơm, có người đã xới bát cơm và vài miếng. Vợ tôi về, đùng đùng dọn dẹp cất đi. Xong xuống bếp cầm cái que tre quăng thia lia cái một, con gà khoảng sáu bảy lạng chết tươi, đem thịt, đồng thời nấu nồi cơm nếp đỗ đen để liên hoan cho tôi đi bộ đội. Hỏa tốc chẳng mấy chốc đã xong. Cả nhà liên hoan cơm nếp với thịt gà rang đằm đặm.

Đến trụ sở tập trung, chỉ cách nhà chưa đầy hai trăm mét. Hội trường của ủy ban xã đã khá đông.

Lúc khoảng ba giờ chiều, vợ tôi bồng con ra, đưa cho tôi cái áo mới may xong, tạm gọi là còn “nguyên hồ”. Thế là tôi cởi áo xanh công nhân đã vá vài miếng ở lưng, vai và khuỷu tay, chỉ còn một hai cái cúc, còn là buộc bằng rơm nên lột phăng ra cũng dễ dàng và nhanh chóng. Áo cũ, vợ tôi cầm lấy và nói nựng với con: “Áo của bố cún hôi mù, mang về mẹ giặt sạch để lót cho nhé!” Thế là vợ tôi bế con về ngay chứ không như chị em khác còn bế con chơi đến khi chồng xuất phát lên đường mới về.

Mẹ vợ tôi là đảng ủy viên, bí thư phụ nữ xã, cũng có mặt ở đó để tiễn tân binh lên đường nhập ngũ:

- Thằng bố Hoài ra đây ta bảo.

Bà nói vậy rồi móc túi áo nâu lấy ra: “Đây ta cho mấy đồng hút thuốc”.

Tôi vạch túi áo ngực chìa ra:

- Con xin…

Khoảng 5 giờ chiều đến chỗ tập trung cả huyện tại bãi Trám giữa xã Uy Nỗ và xã Cổ Loa. Chỉ vào năm cây số mà đi mất hai giờ đồng hồ. Chẳng có hàng có lối gì cả. Tốp 5, tốp 3, tốp 7 la cà bịn rịn giữa người đi và người tiễn...

Ba mươi bảy người vừa nhập ngũ vừa tái ngũ hôm đó. Có cả các đồng chí bộ đội chống Pháp và nghĩa vụ. Dễ thường có đến năm sáu chục người xã tôi đi đợt này. Ông Nguyễn Văn Phúc xã đội trưởng, đeo khẩu xi-ten báng sắt chéo ngang lưng, đi cái xe thiếu nhi Liên Xô được mua cung cấp giá 170 đồng. Ông là bộ đội chống Pháp phục viên, người ông dáng thấp, to ngang. Xe đạp thì nhỏ, y như làm xiếc suốt dọc đường đi. Đôi khi ông phải dựa vào gốc cây xà cừ ven đường chờ đoàn quân nhập ngũ. Ông tới giao quân, ký nộp rồi sẽ ra về.

Đồng chí quân lực ở đơn vị lấy quân đọc biên chế:

- Nguyễn Văn Tý C bộ.

- Lại Văn Hay C bộ…

Vì anh Tý là lính nghĩa vụ tái ngũ am hiểu, tôi mới hỏi:

- “C bộ” là cái gì?

- C bộ là văn thư, liên lạc, y tá, quản lý, nấu bếp. Tóm lại là ít “vỡ gáo” hơn.

Tôi không dám hỏi anh nữa, sợ anh cáu. Bấm bụng “ Người buồn kiểng có vui đâu bao giờ”. Được biết, anh Tý là lính nghĩa vụ 1962, đến 1964 lấy đi B nhưng tư tưởng chưa thông suốt nên bị gạt lại, trong xã có vài đồng chí dạng ấy, người ta gọi “Bê quay”.

Khi nhận tin tái ngũ anh chán lắm, suốt ngày ở nhà với vợ chẳng làm ăn gì cả. Bạn đồng ngũ 1962 cùng tái ngũ đến chơi. Anh nằm trong buồng với vợ. Bạn đến cứ đứng ở sân. Người trong nhà, kẻ ngoài sân láo nháo vài câu chuyện rồi chuồn. Anh Tý ở cạnh nhà tôi, chung nhau bờ rào. Thấy vậy, tôi mời các anh vào nhà uống nước, vì tôi cũng có giấy báo là nhập ngũ 15 tháng 4 năm 1965. Trong số anh em vào chơi buông ra một câu: “Chán bỏ xừ cái ông Tý…. ”

Một lát sau vẫn còn những điều thắc mắc nên tôi vẫn cứ hỏi, nghĩ mình cũng cùn thật:

- Thế, anh chỉ huy cấp gì?

Anh Tý làm một mạch, tôi choáng thật sự:

- Trung sỹ, tiểu đội trưởng, đầu binh cuối cán, trên đe dưới búa, “gáo” dễ vỡ nhất.

Rồi câu tạm biệt của ông xã đội trưởng Phúc làm tôi nhớ mãi đến nay: “Anh em mình nhập ngũ bây giờ là không gian khổ bằng chúng tôi thời chống Pháp nhưng ác liệt hơn nhiều. Thôi! Quốc gia hữu sự, làm trai tài phải ra đi cứu nước”.

Ông ngừng lời đột ngột, quay phắt ra lấy cái xe đạp nhảy lên rồi đạp biến.

Đồng chí phụ trách hô: “Nghiêm!” Rồi chậm rãi nói: “Tôi tên là Liêm, Trung sỹ Trung đội phó, quê Hà Nội. Phụ trách tiểu đội C bộ đưa các đồng chí về tới đơn vị. Giờ hai đồng chí theo tôi đi lấy bánh mì cho tiểu đội C bộ. Mỗi đồng chí ăn một cái bây giờ, còn một cái đợi khi nào có lệnh mới được ăn”.

Vợ tôi đã chuẩn bị hai bánh mì để trong túi xách, mỗi cái hai lạng rưỡi. Tôi xung phong đi cùng đồng chí nữa. Hai chúng tôi bưng về hai xoong bánh mì. Mỗi cái hai lạng rưỡi. Cái nào cái ấy nhét đầy phè thịt ba chỉ rang khô.

Một lát sau, chừng độ mươi mười lăm phút, Trung sĩ Liêm bảo: “Đồng chí theo tôi”. Thế là tôi lại bê hai chuyến, hai mươi bánh mì kẹp thịt nữa. Anh Liêm bảo: “Đây là số bánh dự trữ thừa, phát cho tiểu đội C bộ”. Như vậy mỗi người trong cái tiểu đội C bộ này có đến bốn bánh mì kẹp thịt, ăn thoải mái. Riêng tôi có sáu cái, để đầy một túi xách may bằng những mảnh vải tiết kiệm cứ bằng hai ngón tay hình tam giác đủ màu: xanh, đỏ, tím, vàng, nâu, trắng, cháo lòng...

Khoảng hơn sáu giờ tối, quân lấy của cả huyện gồm hai mươi ba xã, có đến năm sáu trăm người. Hành quân từ bãi Trám đến sân vận động huyện Đông Anh. Chỉ độ hơn một cây số, cùng lắm là một cây rưỡi, cạnh trường cấp 3 để mít tinh.

Đồng chí Đoàn Thị Cập là bạn học với tôi hồi ở cấp 2, nay là Thường trực Ban chấp hành Huyện đoàn chủ trì. Chương trình ngắn gọn, chủ yếu là động viên anh em nhập ngũ phấn khởi lên đường. Một đồng chí trong chúng tôi phát biểu cảm tưởng, hứa hẹn. Sau đó xem bộ phim “Lửa trung tuyến”. Đúng chín giờ tối chúng tôi hành quân lên ga Đông Anh chờ tàu hỏa.

Chẳng biết là ngược hay xuôi đây. Ngược thì Yên Bái hay Thái Nguyên, mà xuôi thì Hải Phòng hay Nam Hà… Tôi cứ tự đặt ra câu hỏi như vậy.

Đúng mười giờ đêm, chúng tôi lên chuyến tàu từ Hà Nội ngược. Khi tàu ra khỏi cột ghi mới chắc là ngược Yên Bái.

Lên tàu, các toa dành riêng cho bộ đội, không có lẫn khách. Riêng tiểu đội tôi ngồi, toa có một đồng chí già già, đen đen. Ngồi một lát, đồng chí ấy đã cởi áo quân phục móc vào mắc, chỉ mặc áo lót Đông Xuân cộc tay. Tôi nghĩ: Chắc đi xa chứ chẳng phải một, hai ga gì. Tôi lại hỏi anh Tý:

- Đồng chí già già, đen đen ấy cấp gì?

- Thiếu úy, đại đội phó hoặc trung đội trưởng bố ạ. Vài hôm nữa gặp tướng, gặp tá, gặp soái bố cũng biết cho mà coi.

Tôi lại ngồi im, tầm đến ga Phúc Yên hay Hương Canh vào cỡ mười một giờ đêm. Thôi thì trên bàn, anh em mua đầy bánh nướng, bánh quy, kẹo lu-ga…Tôi với cái túi xách ở trên giá xuống định lấy bánh mì ăn.

Trong túi có mười một đồng: mẹ vợ cho sáu đồng, bố đẻ cho năm đồng. Nhẩm tính mua thứ cần thiết như: dép cao su, giấy bút viết thư… Bộ đội được người ta phát cho súng đạn, cuốc xẻng, quần áo, giày vải chứ ai người ta phát cho những thứ đó. Tôi thoáng nghĩ như vậy.

Trong lúc tôi đang loay hoay kéo cái túi xách xuống thì anh Tý hỏi:

- Lấy gì đấy ông tướng?

- Bánh mì.

- Ai lại ăn bánh mì lúc này.

- Chưa có lệnh, nhưng tôi có mấy cái ngoài tiêu chuẩn.

- Ai mà nuốt được.

- Ở nhà, mình ăn độn khoai ngô quanh năm, thế này là tốt quá rồi còn gì nữa.

- Thôi, đã bảo mà, ông cất đi cho tôi nhờ...

Cũng lúc đó, đồng chí thiếu úy già phát lệnh: “Ăn nốt cái bánh mì còn lại”.