Một vài kỷ niệm với Giáo sư của nhà nông

Trên trang web tacpham moi.net, tôi đọc được thông tin về tang lễ giáo sư Nguyễn Lân Tuất, người con cả của gia đình Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, gia đình đại trí thức vào hàng số một của đất nước ta. Ông Nguyễn Lân Tuất từ trần tại CHLB Nga.

Ảnh: Gs. Nguyễn Lân Hùng hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp tại ruộng

 

Lê Phương

(Nhà giáo, nguyên Chuyên viên Phòng GD& ĐT

Sầm Sơn, Thanh Hóa)

 

Trong đại gia đình rất nổi tiếng này, tôi may mắn có thời gian được công tác với anh Nguyễn Lân Hùng, con trai của nhà giáo Nguyễn Lân. Năm 1967, anh Hùng tốt nghiệp khoa Sinh ĐHSP Hà Nội, được Bộ GD & ĐT phân công vào dạy tại khoa Sinh ĐHSP Vinh.

Lúc bây giờ Trường ĐHSP Vinh đang sơ tán tận miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa. Điều kiện sinh hoạt cuả sinh viên và cán bộ nhà trường vô cùng khó khăn , lương thực thiếu thốn, trong năm đa số ăn toàn sắn, khoai và mạch. Anh Hùng không những dạy tại k6 (khoa 6 - Sinh ) mà còn phải thường xuyên đảm nhận giáo trình “ Sinh Lý thực vật “ của k7 ( là khoa thí điểm đầu tiên của Bộ GD&ĐT), đào tạo giáo viên cấp II có trình độ đại học, chuẩn bị đội ngũ cho cải cách giáo dục năm 1979. Lúc bấy giờ Bộ GD&ĐT đã có tầm nhìn lâu dài chuẩn bị cho nền giáo dục nước ta sau khi đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước.

Là người dân gốc của Hà Nội nhưng anh Nguyễn Lân Hùng, nhìn bề ngoài có vẻ không có một tí chút nào dáng dấp của người Hà Thành. Quanh năm dép lốp, mũ kè với cái xe đạp cà tàng , tác phong sôi nổi có phần tất bật đã làm cho đội ngũ sinh viên vô cùng nể phục người thầy giáo trẻ mới ra trường. Ngoài giờ lên lớp, buổi chiều thầy cũng đi cuốc đồi trồng bí ngô, trồng rau để cải thiện thêm. Không thấy thầy vắng bóng trên bãi bóng đá buổi nào, cũng la hét hết cỡ, cũng quần thảo tơi bời trên bãi đất ven đồi . Có một chuyện mà đến bây giờ sinh viên vẫn nhắc:  thầy Hùng mỗi khi đi họp vắng, không bao giờ thầy “cắt cơm” nhà ăn tập thể. Thầy bảo sinh viên: Mình đi họp. phần cơm của mình các cậu cứ nhận ăn nhé, nhớ đấy, mình không báo cắt đâu !

Không những giỏi chuyên môn mà các lĩnh vực như âm nhạc, hội họa anh đều giỏi. Một lần tôi ngồi kể cho anh nghe thời gian tôi ở rừng quốc gia Cúc Phương đi thực tế làm tiêu bản; anh nghe rất chăm chú. Liền sau đó, anh lấy giấy bút ra ngồi hý hoáy độ mươi lăm phút, đưa cho tôi bản nhạc một bài hát: “Cúc Phương ơi”, nhạc: Nguyễn Lân Hùng, thơ Lê Phương và anh hát ngay cho tôi nghe. Bài hát “Cúc Phương ơi” đã lan tuyền trong sinh viên của khoa và sau này cứ mỗi khi đi thực tế tại rừng Cúc Phương, ai cũng hát bài này.

Tôi nhớ lắm hồi tháng 4 năm 1969 khi anh Hùng xuống k7 dạy. Một tối trời đổ mưa rào rất to, quá nửa đêm anh thúc tôi dậy. Tôi vừa thức đã thấy anh chỉ mặc độc một cái quần cộc, trên đầu đội mũ kè, không biết anh đã chuẩn bị từ khi nào mà trên tay một bó đuốc nứa cháy rừng rực. Anh hyaso hức bảo: “Chúng mình đi bắt ếch”. Tôi vụt lao dậy thay quần áo và theo anh ra đồng, cánh đồng xã Cẩm Bào mới gặt, nước trắng xóa , rộn ràng tiếng ếch cặp đôi. Hai anh em chúng tôi mê mãi rình, lúc bấy giờ ếch đã từng đôi bấu chặt nhau, chỉ việc đỡ chúng cho vào giỏ, sáng hôm sau cô Dung trong tổ Sinh khéo léo chế biến một bữa “tiệc” thịnh soạn ếch nấu dọc mùng cho cả tổ. Anh - một học sinh sinh ra, lớn lên trên đất Hà Nội mà đi bắt ếch, đến tôi dân nhà nông cũng phải bái phục.

Sau này khi anh ra công tác ở Khoa Sinh trường ĐHSP Hà Nội và nhất là khi anh thường xuyên lên các chường trình “Bạn nhà nông” trên VTV – Đài Truyền hình VN, tôi mới lý giải được tình cảm, tâm huyết của anh đối với nông dân VN, anh đã dành cả cuộc đời của mình đến với nhà nông, đến với những người nông dân nghèo khổ để truyền cho họ những tri thức làm giàu từ cây, con. Nhà nông khắp nơi trên đất nước đều gọi anh bằng cái tên trìu mến từ khi anh chưa là Giáo sư : Vị giáo sư của nhà nông .

L.P