Vầng trăng tuổi ngọc

VẦNG TRĂNG TUỔI NGỌC đoạt giải "Truyện có nội dung cảm động, hay" trong cuộc thi "Truyện Việt hôm nay, văn học Mạng ngày mai" trên DIỄN ĐÀN VĂN HỌC MẠNG VIỆT NAM


Tìm đâu một thuở xa xôi/ Trăng nghiêng in bóng hai người bên nhau

Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên

Bỗng ai đem lại cánh hoa tim

Cho tôi ép nốt dư dòng lệ

Rỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.

(Hai sắc hoa Ti gôn – TTKH)

 

Chị Nga đưa tôi xem tấm ảnh cũ, hình ảnh một nữ sinh mặc áo dài trắng tha thướt bên chiếc xe đạp dưới ánh trăng huyền ảo, không rõ mặt, thiếu nữ chỉ như tô điểm cho cảnh đẹp đêm trăng. Chị hỏi tôi:
- Em có nhận ra cảnh này ở đâu không?
Tôi cố gắng tìm những ký ức xa xưa của một Hà Nội 20 năm về trước, hỏi lại:
- Có phải đường lên Nhật Tân không chị? Đoạn này qua khách sạn Thắng Lợi.
- Đúng đấy, bây giờ thay đổi hết rồi em ạ, nhà cửa mọc kín, chả còn đâu cảnh thơ mộng như ngày ấy.
Tôi lại hỏi:
- Ảnh chị à?
Chị cười:
- Không phải chị em ơi, thời của chị làm gì đã có áo dài. Em nhìn đằng sau đi.
Tôi lật tấm ảnh lại, có 2 câu thơ, chữ con trai rất đẹp: Tìm đâu một thuở xa xôi/ Trăng nghiêng in bóng hai người bên nhau!
* *
*
Chị Nga là hàng xóm của tôi, chị hơn tôi 15 tuổi, đã nghỉ hưu, hai đứa con đang học ở Úc, chị khá nhàn rỗi. Tôi một mình nuôi con nên hay gửi con cho chị mỗi khi bận bịu. Cùng là dân Hà Nội vào TPHCM, cùng bản tính mơ mộng nên chúng tôi khá thân nhau. Những lúc nhớ Hà Nội, chúng tôi hay ngồi tâm sự cùng nhau. Tháng trước chị ra Hà Nội, khi chị vào, tôi thấy khuôn mặt chị như bừng sáng, đã thuộc lớp người U60 rồi mà chị vẫn đẹp, đẹp mặn mà, đặc biệt là đôi mắt, đôi mắt bồ câu đẹp và buồn thăm thẳm, chắc hồi trẻ chị đẹp lắm.
Chị Nga cầm lại tấm ảnh và nói:
- Ảnh này bạn chị chụp năm 1992, nếu hồi ấy có bức ảnh này thì có lẽ cuộc đời chị đã khác.
Chị thở dài, đôi mắt mơ màng xa xăm, đẹp lạ lùng. Đẹp và buồn đến mức tôi phải quay đi, không dám nhìn vào đôi mắt ấy.
Chị kể tôi nghe mối tình đầu của chị.
* *
*
Đây là lần đầu tiên và có lẽ là lần cuối cùng chị kể chuyện này cho người khác nghe, chị đã nghĩ là chị sẽ mang theo nó xuống mồ.
Hồi trẻ, chị rất đẹp, là hoa khôi của trường, chị đẹp và học giỏi nên rất được mọi người quí mến, đặt biệt danh cho chị là “Búp bê Việt Nam”. Năm 1972 chị học lớp 10, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi toán của trường. Chị ham học lắm, cứ đến giờ ra chơi là lại tranh thủ giải mấy bài toán khó, chả để ý gì đến xung quanh. Một hôm, chị đang đánh vật với bài hình thì có một giọng nói: “Bạn thử kẻ đường phụ này xem”, chị kẻ và bài toán trở nên rõ ràng. Chị quen anh ấy từ ngày đó. Anh ấy mới từ trường khác chuyển vào được một tuần nên không tham gia đội tuyển nhưng anh ấy rất giỏi, chị đi học bồi dưỡng về lại mang bài ra cũng làm với anh ấy. Năm đó chị dược giải ba Toán Học sinh giỏi Thành phố Hà Nội, công lao của anh ấy không nhỏ.
Anh ấy là người toàn tài, có đủ 10 cái hoa tay nên khéo lắm. Môn anh ấy giỏi thực sự là làm đồ chơi. Chị Nga cười. Lớp 10 không có môn thủ công chứ nếu có thì chắc anh ấy toàn điểm 10 thôi. Thỉnh thoảng anh ấy lại mang cho chị một món đồ chơi anh ấy làm, khi thì là con búp bê bằng vải, khi là con châu chấu tết bằng lá dừa, có lúc lại là mấy bông hoa dại anh ấy tạo thành hình ngộ nghĩnh. Bây giờ kể ra thì mọi người thấy buồn cười chứ hồi ấy bọn chị chơi những thứ đó hồn nhiên lắm, mà làm gì có đồ chơi. Thế nhưng, có một lần anh ấy không đưa chị đồ chơi mà úp úp mở mở rồi nói: “Có một bài thơ dịch rất trúc trắc, tôi đố Nga đọc thuộc được trong ba lần”. Chị cầm bài thơ và đọc:
ANH YÊU ĐÔI MẮT CỦA EM
Anh yêu đôi mắt của em
Mặt anh dù có tăng thêm nét già
Mắt em khi đã nhìn qua
Nếp nhăn cũng hết, tuổi già sẽ đi
Anh yêu đôi mắt của em
Mắt em làm đẹp đẽ thêm cuộc đời
Mắt đầy sáng tạo em ơi
Mắt em tha thứ bao người xung quanh
Anh yêu đôi mắt của em
Mắt em cháy bỏng khát thèm yêu thương
Cho anh cả một thiên đường
Dẫn anh đi khắp nẻo đường tình yêu
Anh yêu đôi mắt của em
Mắt em anh hiểu rõ thêm về mình
Yêu em đôi mắt anh tìm
Mắt em anh thấy rõ anh, khi nhìn.
Hồi đó chị hiếu thắng lắm, chị không nhìn thấy ẩn ý gì trong đấy cả, tập trung đọc trong hai lần là thuộc và trả lại anh ấy bài thơ. Anh ấy thua cứ gãi đầu cười mãi.
Rồi bọn chị cùng nhau ôn thi đại học. Hồi ấy, ngoài việc ôn thi, bọn chị còn phải làm thêm hàng chứ không phải cả nhà chăm chút cho như các cô cậu bây giờ, chị hay sang bóc lạc thuê cho một Hợp tác xã. Tranh thủ được lúc nào rỗi là bọn chị trao đổi bài lúc ấy, thường là buổi tối. Có một hôm trời rất nắng, chị đi bóc lạc về vào lúc 2h chiều, bố chị bảo: “Minh đến tìm con, chắc có việc gì cần lắm”. Nghe bố chị nói vậy, chả kịp ăn uống gì, chị mải mốt đạp xe lên nhà anh ấy. Hoá ra, có một người bạn đi Lạng Sơn mang về biếu mẹ anh ấy mấy quả mận hậu, anh ấy mang xuống cho chị 1 quả mận.
- Em biết không, 1 quả mận xanh thôi nhé, một quả mận mà bọn chị phải đi hơn 20 cây số giữa trưa hè nắng oi ả, chị giữ mãi chẳng dám ăn. Quả mận đó là kỷ niệm đẹp nhất của đời chị.
Chị Nga dừng lại, khẽ chấm giọt nước mắt, nghẹn ngào một chút rồi kể tiếp:
Những ngày tháng ấy thật đẹp em ạ, rồi chị vào đại học, còn anh ấy ra trận, cuộc chiến ở miền Nam đang vào thời kỳ khốc liệt nhất rồi. Như bao nhiêu bạn bè thời ấy, chị tiễn anh ấy đi, chưa nói gì nhưng bâng khuâng nhiều lắm, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã lột tả rất chính xác tâm trạng của thế hệ chị qua bài thơ Hương thầm “Mắt chợt nhìn nhau rồi lại quay đi, nào ai đã một lần dám nói”. Rồi thư từ đi lại, vẫn chẳng ai dám nói gì.
Chị Nga kể đến đây, sự xúc động khiến mắt chị ầng ậng. Tôi rất sợ chị khóc, nên ôm chị, khẽ nói: Chị ơi, chuyện tình của chị đẹp thật ấy, chị kể làm em ngưỡng mộ quá, nhưng em phải đi đón cháu rồi. Ngày mai, nhất định chị kể tiếp em nghe nhé.
- Ừ, nhất định chị sẽ kể nốt em nghe, chị còn muốn nhờ em một việc.
*
Hôm sau, tôi mua cân mận hậu, mời chị sang. Chị em tôi lại ngồi với nhau rất lâu. Chị kể cũng đã bình tĩnh hơn, tôi không ngờ chỉ sau ngày đó ít hôm chị ra đi.
- Chị không bao giờ mua mận hậu, chị sợ chạm vào kỷ niệm cũ.
Chị Nga nhìn đĩa mận và nói. Tôi tự giận sự vô duyên của mình.
- Không sao đâu em.
Như đọc được ý nghĩ của tôi, chị Nga cầm quả mận lên ăn và chậm rãi kể tiếp câu chuyện của chị:
Khi chị học đại học năm thứ 2 thì bố chị mất, mẹ chị ốm yếu lắm, 3 đứa em chị đang học dở dang, thế là chị phải bỏ học. Hồi ấy ở trường đại học cũng có mấy anh theo đuổi chị, nhưng chị chả để ý đến ai. Khi chị thôi học, những người đó cũng không đến thăm chị nữa, chị cũng chả thấy buồn. Trong lòng chị chỉ có hình ảnh của anh ấy, bài thơ anh ấy đố chị, những thứ đồ chơi anh ấy làm cho chị, quả mận xanh giữa trưa hè nắng gắt, và trên hết cả chị tưởng tượng ra người lính trong khói lửa chiến tranh. Bọn chị vẫn viết thư đều cho nhau, anh ấy nói về nỗi nhớ Hà Nội da diết, chị kể chuyện Hà Nội cho anh ấy nghe… chỉ vậy thôi mà viết mãi không chán.
Rồi mẹ anh ấy mất nên anh ấy được về phép, lúc ấy là sau năm 1975, đã hoà bình rồi nhưng không phải ai cũng được về phép vì mẹ mất đâu, anh ấy may mắn lắm mới được về. Cùng chung một nỗi đau, chị và anh ấy đến nghĩa trang thắp hương cho các cụ. Mấy ngày anh ấy ở Hà Nội, chị xin nghỉ phép, bọn chị quấn quít bên nhau, lúc xuống mộ, lúc đi thăm bạn bè. Trước ngày anh ấy phải trả phép, anh chị đã cùng nhau đến thăm một người bạn ở làng Nhật Tân và đi trên con đường này.
Đêm ấy mất điện, trăng sáng lắm, hai đứa đạp xe song song bên nhau, chẳng ai nói gì cả. Bỗng nhiên có điện, đài nhà ai đó vọng ra tiếng hát của Khánh Ly, anh ấy khẽ nói: “Sơn ca 7, Nga ơi”. Bọn chị dừng xe lại và nghe hát, nghe hết bài này sang bài khác, vẫn chẳng ai nói gì, chị im lặng chờ anh ấy nói, còn anh ấy lặng im nghe hát. Lúc sau, chị bảo: Muộn rồi, mình đến nhà bạn rồi còn về. Rồi bọn chị chia tay nhau vẫn chỉ là: “Mắt chợt nhìn nhau rồi lại quay đi”.
Chị đâu có ngờ đêm trăng ấy là lần cuối cùng bọn chị được bên nhau.
Anh ấy đi rồi, chị nhớ nhung khôn xiết, chị biết anh ấy yêu chị nhưng sao anh chẳng nói gì? Hàng tuần chị đến nghĩa trang thắp hương cho bố chị và mẹ anh ấy. Thế rồi, đến một ngày chị nghe Ngân, người bạn cùng học ở gần nhà anh ấy kể rằng anh ấy yêu bạn của Ngân, xinh đẹp lắm, con một cán bộ cao cấp mới đi học ở nước ngoài về. Chị không tin, không tin, tình cảm của bọn chị thắm thiết thế cơ mà, suốt thời gian nghỉ phép anh ấy ở bên chị mà, không thể thế được. Nhưng chị chợt nghẹn lại: “Sao anh ấy không tỏ tình với mình? chắc mình ngộ nhận rồi”. Rồi chị so mình với cô gái ấy, thấy mình thấp kém hơn mọi điều. Chị bắt đầu nghi ngờ tình cảm của anh ấy, chị không ngủ được. Sau nhiều đêm dằn vặt, chị viết cho anh ấy một bức thư. Lá thư ấy, chị không nói em yêu anh, nhưng bất kỳ ai đọc đều thấy tình cảm của chị lồ lộ trong đó. Chị muốn khẳng định lại cảm nhận của chị. Lá thư ấy chị không có hồi âm.
Kể đến đây, chị Nga bảo tôi: Em, đừng bao giờ em nghi ngờ con tim của mình, đừng bao giờ nghi ngờ cảm nhận của mình, và nhất là đã yêu rồi thì không bao giờ nên tự ái. Chị đã tự ái, đã nghi ngờ để đánh mất đi tình cảm đẹp nhất của đời mình. Làm sao anh ấy có thể trả lời chị khi mà hơn 30 năm sau, anh ấy mới nhận được lá thư ấy của chị.
Gửi thư đi rồi, chị ngóng chờ thư anh, chờ hoài, chờ mãi, rồi chị cũng nhận được thư, không phải thư của anh ấy mà là của một người lính cùng đơn vị anh ấy, nói rằng anh ấy phải nhận công tác đặc biệt, không viết thư cho chị được. Trong hai ngày, chị sút 3kg, chị cùng Mỹ, cô bạn cùng lớp đến quân khu Thủ đô, đến mọi nơi có thể hỏi được tin tức của anh, không có tin gì, chị ốm. Đau đớn hơn, chỉ độ 10 ngày sau, Ngân kể với chị rằng anh ấy có viết thư và gửi quà cho bạn của cô ấy, người mà anh đã yêu. Chị héo hon, tại sao anh ấy lại cư xử với chị như vậy? Anh ấy không thích chị thì thôi, có thể nói thẳng với chị mà, tại sao phải hạ nhục chị như vậy? Chị đã nghĩ: “Thà anh chết còn hơn, thà anh chết tôi sẽ để tang anh suốt đời. Nhưng anh sống mà không dám đối diện tôi, hạ nhục tôi. Tôi thề sẽ lấy người hơn anh nhiều lần”.
Một tháng sau, chị lấy chồng, chồng chị bây giờ đấy. Chồng chị theo đuổi chị đã lâu, chị không để ý, nhưng khi giận anh ấy, chị đã nhận lời chồng chị, cái gật đầu trả thù anh ấy, ngờ đâu chính chị là người phải chịu đòn thù, chịu đớn đau nhiều như thế này. Chị bỏ thiếp cưới gửi cho anh ấy với một sự hoan hỉ trả thù, một năm sau, khi chị đã quên anh ấy, bằng lòng với cuộc sống của mình, sinh đứa con đầu thì nhận được thư của anh ấy, chỉ vẻn vẹn mấy chữ: “Chúc Nga hạnh phúc, lâu nay Minh không gửi thư cho Nga vì Minh quên địa chỉ nhà Nga, quên Hà Nội rồi”.
Quên địa chỉ nhà chị? Quên Hà Nội? Sáu năm trời, hàng tuần bọn chị viết thư cho nhau, vậy mà anh ấy nói quên, chị hiểu rằng chị đã phụ tình anh ấy rồi. Có lẽ nào anh ấy sẽ không về Hà Nội nữa, chị ôm lá thư ấy và khóc suốt, chị là người phụ tình rồi.
Chị là người phụ tình rồi, chị Nga nghẹn ngào nói lại từ đó, nước mắt lặng lẽ rơi. Nhưng ngay sau đấy, chị rút khăn lau nước mắt rồi kể tiếp:
Mấy tháng sau, anh ấy phục viên, chị biết qua bạn bè chứ anh ấy không đến thăm chị. Rồi chị bị tai nạn giao thông, bạn bè cùng lớp kéo đến thăm chị, anh ấy đi cùng mọi người. Trong lúc mọi người rộn ràng thăm hỏi chị, anh ấy đứng ở một góc, lặng lẽ nhìn chị, đôi mắt của anh ấy buồn thương oán trách, suốt cuộc đời này ánh mắt ấy đè nặng lên chị. Và đến tận lúc ấy, nhìn tất cả các bạn bên nhau, chị mới phát hiện ra một điều: Ngân yêu anh ấy. Oái ăm sao, câu chuyện Ngân dựng lên lại đúng vào lúc bọn chị thất lạc tin nhau. Tim chị gần như vỡ tan.
Vài năm sau, gia đình chị chuyển vào TPHCM.
Chị có một cuộc sống bình yên và khá đầy đủ, nhưng lúc nào chị lại bị ám ảnh bởi ánh mắt của anh ấy, tê tái, buồn thương. Đêm đêm, một tảng đá vô hình đè lên ngực chị, và chị phải chịu đựng một nỗi đau có thực. Có những đêm, chị đau đến mức phải ngồi dậy ôm lấy ngực mình và cố gắng quên, cố gắng đi vào vô thức, nhưng chị cứ nhìn thấy đôi mắt của anh ấy mà không sao thoát ra được. Nỗi đau đớn, dày vò ấy kéo dài 10 năm, đến ngày anh ấy lấy vợ.
Chị vẫn chưa biết vợ anh ấy, chỉ nghe bạn bè nói là cô ấy xinh đẹp, trẻ hơn anh ấy 15 tuổi và họ sống rất hạnh phúc. Chị mừng cho anh ấy, chị không bị đau ngực nữa, chị đã có những giấc ngủ bình yên. Chị nghĩ là chị đã quên được anh ấy. Chị toàn tâm chăm lo cho gia đình của mình.
Thong thả uống hụm nước, lặng lẽ một chút, rồi chị kể tiếp:
Cuộc đời có những điều nằm ngoài ý muốn, cứ như là sự sắp xếp của thượng đế vậy. Vào lúc chị nghĩ là chị đã tìm được chút bình an thì chị gặp anh ấy. Năm 2006 chị ra Hà Nội, đúng vào dịp cô bạn cùng lớp tổ chức cưới cho con trai, lớp chị lại gặp nhau trong tiệc cưới đó. Vẫn như trước đây, anh ấy lảng tránh chị, nhưng mâm cỗ 10 người, vừa đủ để lớp chị ngồi với nhau. Chuyện xa, chuyện gần thế nào Mỹ kể lại những ngày chị và Mỹ đi tìm tin tức của anh ấy và chị ốm. Anh ấy ngạc nhiên nhìn chị dò hỏi, chị giải thích với tất cả mọi người: “hồi ấy có thư của anh Lạc nào đó báo rằng Minh phải đi công tác đặc biệt, không viết được thư về, Minh nhờ anh ấy báo cho Nga và bảo Nga đừng viết nữa, nó hơi khác thường nên Nga với Mỹ quá lo lắng”. Anh ấy ngơ ngác, khẽ à một tiếng như nhận ra điều gì rồi nói: “Có một dạo Minh phải nhận nhiệm vụ đặc biệt, nhưng chưa bao giờ Minh nhờ ai viết thư cho Nga”. Đấy là lần đầu tiên chị và anh ấy nói chuyện với nhau sau 28 năm. Dự tiệc cưới về, chị đang đắm chìm trong kỷ niệm thì nhận được điện thoại của anh ấy, bọn chị nói chuyện với nhau gần 2 tiếng đồng hồ, hỏi thăm về từng người thân, nhắc lại từng kỷ niệm cũ, chị cảm động vì anh ấy không quên điều gì cả, cả những việc chị đã quên anh ấy vẫn nhớ. Buông điện thoại xuống, chị mới nhận thấy khắp người chị sũng mồ hôi. Chị khóc, khóc rất nhiều.
Sau lần nói chuyện đó, bọn chị cũng không nói chuyện và không gặp nhau.
Năm 2009, ba năm sau cái lần gặp gỡ trước, đột nhiên anh ấy gọi điện cho chị, giọng phấn khởi:
- Minh vừa họp bạn chiến đấu cũ về, anh chính trị viên nói hôm trước soạn lại đồ, thấy một cái thư của Nga. Minh cảm động quá nên báo cho ngay cho Nga
Vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, chị bảo:
- Vậy Minh photo rồi gửi cho Nga xem với
- Minh đã nhận được đâu, anh bạn báo cho khi họp mặt đơn vị, anh ấy hẹn về nhà sẽ gửi bảo đảm về cơ quan cho Minh, mà quê anh ấy ở tận Hoà Bình. Đợt này Minh phải đi công tác, Minh dặn mọi người là: “Anh sắp có một lá thư gửi bảo đảm đến, anh đi vắng, ai mà làm gì động đến thư đó là anh đuổi việc”.
- Gì mà quan trọng thế?
- Minh nói thật đấy, ai chạm vào thư này của Nga là Minh đuổi việc luôn.
Chị không thể nào quên được buổi đàm thoại đó và hồi hộp chờ lá thư của mình.
Chị là người theo chủ nghĩa duy vật, nhưng đến lần này thì chị tin rằng có duyên số, có nhân quả, chắc kiếp trước chị và anh ấy có tiền duyên gì đây, muốn tránh mà không tránh được. Trầm ngâm một lát, chị nói tiếp:
− Năm 2009, chị bị ung thư.
− Chị bị ung thư? Tôi ngạc nhiên hỏi lại
− Ừ, năm 2010, khi chị mọc lại tóc thì em đến thuê nhà nên em không biết.
− Vậy chị khỏi hẳn chưa
− Chị vẫn đang phải uống thuốc phòng.
− Vậy mà em chả biết gì cả, trông chị vẫn khoẻ và đẹp.
Chị Nga cười, kể tiếp: Chị cầm kết quả xét nghiệm trên tay, cảm thấy trời đất quay cuồng. Bỗng nhiên điện thoại của chị reo, chị nhấc lên, là số của anh ấy.
- Nga à, Minh đang ở Sài Gòn, bây giờ Minh qua nhà Nga được không?
- Nga đang ở bệnh viện, Nga bị ung thư
- Bệnh viện nào, Minh đến ngay.
Chị ngồi hàng ghế bệnh nhân, chờ anh ấy. Tại sao nhỉ? Tại sao người đầu tiên chia sẻ với chị giờ phút này lại là anh ấy nhỉ? Chị cứ tự hỏi mình.
Anh ấy đến, an ủi chị, và nói:
- Minh nhận được thư đó rồi, nhân tiện đi công tác, Minh mang vào cho Nga.
- Gửi bưu điện cũng được mà
- Thư này, Minh phải trao tận tay cho Nga, làm sao gửi qua bưu điện được.
Bỗng nhiên chị quên hết bệnh tật, chị thật hạnh phúc.
Vài tháng sau, khi chị đang chạy hoá trị, anh ấy lại đến thăm chị lần nữa. Lúc này, chị lo mình chết, chết rồi mà vẫn không nói được lòng mình, chết rồi mà chưa xin lỗi anh ấy, chị làm sao đi được. Chị hỏi anh ấy:
- Minh còn nhớ trước hôm trả phép, chúng mình đi ở đường Nhật Tân không
- Minh quên sao được, hôm ấy chúng mình nghe Sơn Ca 7, bắt đầu là bài Hạ Trắng
- Nga có làm một bài thơ về đêm trăng ấy, Minh có muốn nghe không
- Nga đọc đi
- Bài thơ Nga đặt tựa đề: QUÊN: “Quên đi một thửa xa xôi/ Quên đi tuổi ngọc thơ ngây học trò/ Quên đi tháng đợi năm chờ…” đọc đến câu kết: “Gọi tên nhau đến bạc đầu bạn ơi”. Chị đã khóc
Anh ấy nắm tay chị, im lặng rất lâu, mắt cũng đỏ hoe…
Chị run run hỏi anh ấy:
- Sao cái ông chính trị viên vô tâm thế? Đến bây giờ mới đưa thư của Nga cho Minh.
- Đừng nói thế Nga, nhờ có anh ấy mà Minh còn sống trở về đấy.
- Nga vẫn không thể chấp nhận được.
- Nga không hiểu đâu. Lính tráng bọn mình không biết sống chết thế nào nên chia sẻ với nhau mọi thứ. Thư từ đến đọc chung cả. Lá thư này đến vào lúc Minh đi công tác đặc biệt, anh Lạc là chính trị viên nên cất lại thư này và sợ Nga buồn vì không có thư của Minh nên đã gửi thư cho Nga đấy. Khi Minh hoàn thành nhiệm vụ trở về, thì Nga đã đi lấy chồng,  làm sao anh ấy có thể đưa thư này cho Minh?
Một giọt nước mắt lăn xuống, anh ấy nói tiếp: Nếu anh ấy vô tâm, làm sao anh ấy giữ thư này đến bây giờ? Là người lính, bọn mình phải chấp nhận mọi thứ thôi Nga à...
- Minh, cho Nga xin lỗi về mọi thứ
- Nga yên tâm chữa bệnh đi, mọi chuyện qua rồi mà.
10 ngày sau, anh ấy lại bay từ Hà Nội vào thăm chị, và đưa chị những tấm ảnh này, anh ấy chụp trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, những nơi in dấu kỷ niệm của bọn chị, nhưng đến năm 2006 thì không chụp nữa. Hoá ra anh ấy không quên chị và vẫn đi tìm ảo ảnh xưa.
Tôi cầm tập ảnh lên xem, toàn hình ảnh Hà Nội: Hồ Gươm, Công viên Thống Nhất, Hồ Tây, Lăng Bác v.v… ảnh nào cũng là hình ảnh một hoặc vài cô nữ sinh, và ảnh nào cũng được viết một câu thơ, kiểu như: “Tuổi thơ đã qua đi không trở lại”, “Bao giờ cho đến ngày xưa…?,”….
Chị Nga kể tiếp:
- Từ ngày ấy, bọn chị không gặp nhau nữa, anh ấy ra Hà Nội, thi thoảng gọi điện động viên chị. Hết đợt xạ trị, các cháu đón chị sang Úc. Chị gọi cho anh ấy, nói dối là chị sang Úc ở hẳn, chị thay số điện thoại và chủ động không gặp lại bạn bè cũ nữa.
- Sao vậy chị, anh Minh yêu chị thế cơ mà?
- Không phải em ơi, chị chỉ là hình bóng, là ảo ảnh của anh ấy thôi. Tình yêu thực sự của Minh là vợ con anh ấy.
- Em chả hiểu gì cả?
- Những lúc nói chuyện, Minh kể về vợ anh ấy với một sự trân trọng đặc biệt, chị nhận ra tình yêu của anh ấy ở đấy. Và chị thực sự mừng cho Minh, anh ấy có tình yêu và hạnh phúc, chị mới hết day dứt về những lầm lỡ của mình. Với lại, chị biết anh ấy đã từng yêu chị và không quên chị, trân trọng tình yêu của chị, thế là đủ. Chị mãn nguyện lắm em ạ.
Im lặng một chút, chị nói tiếp:
- Anh Minh đẹp trai lắm, em có muốn xem ảnh anh ấy không.
Chị lại lấy tôi xem tấm ảnh cũ lắm, chụp lớp 10 của anh chị và chỉ anh Minh cho tôi. Tôi bàng hoàng. Minh là anh họ tôi, quả đất này đúng là tròn thật.
Chị Nga không biết hồi anh tôi từ bộ đội về, bao nhiêu là cô thích mà anh ấy chả để ý đến ai, cả nhà tôi giục mãi, anh ấy chỉ cười. Thế rồi, một hôm anh đến nhà tôi đúng lúc Thu bạn tôi đến chơi. Anh ấy cứ ngây ngô kiểu gì ấy, như là trúng sét ái tình. Loanh quanh vài tháng, Thu đã thành chị dâu của tôi. Điều đặc biệt là Thu rất giống chị Nga, giống cả hình thức đến tính tình, ông anh tôi cực kỳ cưng chiều vợ, mọi người cứ bảo “Chồng già vợ trẻ nâng niu”. Giờ tôi mới hiểu.
- Cúc à, chị kể hết cho em nghe rồi, chị muốn nhờ em một việc.
- Việc gì chị?
- Em phải hứa là sẽ giúp chị
- Bất cứ việc gì, làm được giúp chị là em sẽ làm
- Việc này em làm được, và chị chỉ tin em thôi
- Vâng, chị nói đi
- Chị muốn, khi chị mất em thay quần áo cho chị
- Chị này, nói gở, chị đang khoẻ mà
- Chị biết mình lắm, dạo này chị lại bị đau ngực, đau hơn hồi xưa nhiều, chị lại đang bị K, nên lo sẵn là vừa, vừa rồi chị ra Hà Nội cũng là cố về quê hương lần cuối. Khi em thay quần áo cho chị, em nhớ để vào hai tấm ảnh này, chị chẳng còn kỷ vật gì của anh ấy cả.
Chị Nga đưa tôi tấm ảnh cô nữ sinh và ảnh lớp 10 của chị. Tôi thương chị quá, ngay cả tấm ảnh kỷ niệm cũng là hình ảnh một cô gái khác.
Tôi cầm 2 tấm ảnh mà nước mắt chạy vòng quanh.
- Đừng khóc em, chị Nga thủ thỉ. Chị hạnh phúc thực sự mà. Chị đã có anh ấy. Còn bệnh tật như chị mà sống được đến tuổi này là thọ lắm rồi, vui lên đi em.
Sau buổi nói chuyện đó một tuần, chị Nga đi. Nửa đêm, chị bị một cơn nhồi máu cơ tim, chúng tôi đưa chị đến bệnh viện nhưng không kịp. Tôi đau đớn không ngờ mình phải làm điều chị Nga trăng trối sớm như vậy. Lo xong mọi việc cho chị, chưa kịp nghỉ ngơi thì tôi nhận được điện của Thu. Thu vừa khóc vừa kể: “Đêm qua, anh Minh bị một cơn nhồi máu cơ tim, may mà nhà gần bệnh viện, cấp cứu kịp thời nên anh Minh đã qua cơn nguy kịch, đang điều trị tại viện 108”. Tôi vừa mừng cho anh tôi tai qua nạn khỏi, vừa thắc mắc tại sao hai người lại bị bệnh cùng một lúc. Một thời gian sau, tôi ra Hà Nội thì anh Minh đã khoẻ lắm rồi, anh cười tếu táo kể với tôi: “Lúc ấy anh đi rồi, đang định bắt tay Diêm Vương, nhưng nghe tiếng Thu khóc ghê quá, Thu bảo: Anh đừng bỏ mẹ con em, con còn nhỏ lắm anh ơi, thế là anh quay lại”.
Tôi nhìn anh, vừa thương, vừa giận, anh đâu biết đêm hôm ấy, một người đã ra đi, mà vẫn mang theo hình bóng anh.
Suốt thời gian ở Hà Nội, tôi lăn tăn mãi không biết có nên kể chuyện chị Nga cho anh tôi nghe không? Hay cứ để anh tưởng chị đang sung sướng ở bên Úc. Cuối cùng, tôi đã im lặng, đấy chả phải điều mà chị Nga của tôi muốn hay sao.
Quay lại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi ngồi viết câu chuyện này như một nén hương tưởng nhớ chị Nga.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10/2013