Nếu ngày ấy pháp luật nghiêm khắc với sai phạm của ngành Dầu khí?...

Những ngày này, dư luận cả nước đang nóng lên về vụ án xét xử ông Đinh La Thăng và các quan chức ngành Dầu khí, tôi lại nhớ đến loạt bài bài phóng sự của nhà báo Xuân Ba viết về sai phạm của ngành Dầu khí đăng trên báo Tiền phong cách đây hơn hai mươi năm. Ngầy ấy, vì bài báo này, nhà báo Xuân Ba bị khởi tố, phải lên hồ Ba Bể lánh nạn. Tôi tự hỏi, nếu ngày ấy, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng nghiêm khắc với sai phạm của quan chức ngành Dầu khí, liệu có ngăn ngừa sai phạm của hôm nay?.

Lánh nạn

Tôi có 7 năm làm việc ở Tòa nhà Báo Tiền Phong, 15. Hồ Xuân Hương, cơ quan anh Xuân Ba. Tôi làm ở tầng 7 (khác cơ quan với anh), anh làm ở tầng 2. Thi thoảng tôi ghé vào phòng anh, lúc thì “véo” ít thuốc lào, lúc anh gọi xuống cho chai rượu “thu hoạch” từ quán rượu của nhà báo lừng danh Trần Đình Bá. Phòng làm việc của anh chừng mười mét vuông, kín đáo, ít gây phiền hà cho đồng nghiệp. Dưới gầm bàn tiếp khách lủng củng chai lọ và nhiều loại điếu cày. Căn phòng lúc nào cũng đóng kín, nồng nặc mùi thuốc lào và rượu mạnh. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi hút thuốc lào vặt, nói chuyện tầm phào, tuyệt nhiên không nhắc lại kỷ niệm cũ.

Mới đây, trong bữa cơm bụi với anh và anh Hữu Ước (Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước), tôi hóng chuyện hai anh nói về vụ án ở ngành Dầu khí liên quan tới công tác nhân sự cấp cao của Đảng đang nóng dư luận, bèn nhắc tới vụ anh Xuân Ba bị khởi tố cách đây hơn 20 năm. Anh Hữu Ước ngạc nhiên hỏi “Vụ án ấy thế nào?”. Anh Xuân Ba bảo “Tao suýt chết vì vụ đó, mày không nhớ à?”. Hai anh sàn tuổi nhau, thân nhau nên vẫn bỗ bã thân mật gọi tao mày. Rồi chỉ vào tôi, anh Xuân Ba tiếp: “Vụ đó, bọn tao phải chạy lên chỗ thằng này lánh nạn không ở nhà công an họ vồ rồi!”. Khi anh Hữu Ước có việc về trước, anh Xuân Ba gõ chén rượu với tôi: “Dà, ngày ấy vui hầy, vui hầy”…

Cái ngày “vui hầy, vui hầy” ấy là ngày buồn, ngày anh Xuân Ba đi lánh nạn. Chợt nhớ câu thơ “Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui…” của Tế Hanh trong “Bài thơ tình ở Hàng Châu”. Đúng là bây giờ nghĩ lại thấy vui. Vui vì chuyện rắc rối của anh đã qua lâu rồi; vui vì sự đổi mới phát triển của nền báo chí nước nhà. Những ngày này, dư luận cả nước đang nóng lên về những tiêu cực ở ngành Dầu khí. Thực ra, cách đây hơn 20 năm, dư luận đã nóng lên qua loạt bài phóng sự điều tra về ngành Dầu khí của Xuân Ba đăng trên báo Tiền Phong. Loạt bài mang tính dự báo, gây nóng dư luận thời ấy đã khiến Nhà báo Xuân Ba bị khởi tố, anh phải lên hồ Ba Bể lánh nạn.

Thời ấy, tôi làm ở báo Bắc Thái và là cộng tác viên của báo Tiền phong. Sau khi loạt phóng sự điều tra của anh Xuân Ba về ngành Dầu khí đăng trên báo không lâu, các anh ở báo Tiền Phong lên Thái Nguyên rủ tôi và anh Đồng Khắc Thọ đi Ba Bể…chơi. Khi đó anh Đồng Khắc Thọ là Giám đốc Bảo tàng Bắc Thái, là cộng tác viên đặc biệt của báo Tiền Phong. Trong đoàn còn có anh Phạm Nguyên Bảng, Trưởng Ban Kinh tế của báo - nay đã nghỉ hưu; anh Tô Nam, Phó Ban Kinh tế sau này là Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong và anh Hà, lái xe.

Đường từ Tp. Thái Nguyên nơi tôi làm việc lên Ba Bể gần 180 km, rất xấu. Ngày ấy, Ba Bể hoang vu, chưa có nhà nghỉ. Buổi tối hôm đó, các anh trong đoàn ngủ trong ngôi nhà sàn của gia đình người Tày ở bản Pác Ngòi, còn tôi và anh Xuân Ba mượn chủ nhà chiếc thuyền độc mộc ra hồ Ba Bể. Thuyền độc mộc được làm từ thân cây gỗ nguyên khối, có chiều dài chừng bốn mét, rộng khoảng nửa mét, rất khó lái. Cạnh lối xuống hồ có cây sung trĩu quả. Anh Xuân Ba lái thuyền tới dưới tán cây sung đu lên vặt quả để đêm nhắm rượu. Đó là đêm cuối tháng 9 mênh mông và hoang dại. Đang là tiết thu. Mặt hồ mờ mịt hơi sương. Bốn bề trắng xóa. Tiếng những loài chim lạ, tiếng côn trùng và cả tiếng của những loại thú hoang nghe rất hãi. Sau này tôi mới biết, hồ Ba Bể nằm trong khu vười nguyên sinh có tới 81 loài thú, 322 loài chim, 44 loài bò sát lưỡng cư; lòng hồ có 106 loài cá, trong đó có cả rái cá. Khi làm ở báo Bắc Cạn, tôi đã nghe đồng bào nơi đây kể rằng, nhiều con thú dữ đã từng bơi ra hồ và đồng bào đã bắt được con cá chép 32 kg, râu của nó như hai con lươn. Vậy mà đêm đó, chúng tôi neo thuyền độc mộc giữa hồ cởi trần ngồi uống rượu nhắm với sung, hút thuốc lào, nói chuyện trắng đêm, không hề biết rằng rất nhiều mối nguy hiểm đang rình rập. Chúng tôi không ngủ vì muỗi nhiều vô kể và vì câu chuyện đầy éo le của anh…

Cuộc họp khẩn cấp

Anh Xuân Ba kể: Sau khi báo Tiền Phong đăng bài báo “Bùng nhùng ở mỏ dầu khí Đại Hùng” viết về ngành Dầu khí được một ngày, anh và anh Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh), Tổng biên tập báo Tiền Phong nhận được công văn đóng dấu hỏa tốc của Văn phòng Chính phủ triệu tập dự cuộc họp khẩn cấp. Anh hết sức ngạc nhiên! Không hiểu sao một nhà báo chức trưởng ban của tờ báo (khi đó anh Xuân Ba là Trưởng Ban Phóng sự và Phóng sự điều tra của báo) mà cũng có giấy mời họp của Văn phòng Chính phủ đóng dấu hỏa tốc? Tham dự cuộc họp có ông Hồ Đức Việt, khi đó là Bí thư thứ Nhất BCH Trung ương Đoàn cùng nhiều tổng biên tập các báo. Anh Xuân Ba hỏi anh Dương Xuân Nam về nội dung cuộc họp. Anh Nam bảo cũng không biết cuộc họp khẩn bữa nay nội dung gì, nhưng xem ra quan trọng! Người chủ trì cuộc họp là ông Lê Xuân Trinh, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Thoạt tiên, ông Lê Xuân Trinh phê bình gay gắt báo Tiền Phong đã để lộ bí mật quốc gia trong bài viết về ngành Dầu khí mà anh Xuân Ba là tác giả. Ông Lê Xuân Chinh còn tuyên bố, vụ việc này sẽ chuyển cho cơ quan pháp luật khẩn trương xem xét! Nghe vậy, anh phát hoảng.

Sau ý kiến của ông Lê Xuân Trinh là ý kiến của anh Hồ Đức Việt – người đứng đầu cơ quan chủ quản báo Tiền Phong. Anh Hồ Đức Việt nói đại ý: Đến đây ông mới biết nội dung của cuộc họp. Ông sẽ đọc lại bài báo. Tác giả cũng như người phụ trách tờ báo cần tường trình rõ tài liệu cũng như động cơ, mục đích viết bài báo. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng cũng như người có trách nhiệm sẽ có những bước xử lý tiếp trên cơ sở Luật báo chí cũng như hệ thống pháp luật hiện hành! Tan họp, anh Hồ Đức Việt gặp riêng anh, bảo: chỉ có động cơ trong sáng không vụ lợi và chỉ có sự thật mới cứu được các anh!

Ai đã cứu  nhà báo?

Đúng như kết luận cuộc họp khẩn cấp, sau đó không lâu, báo Tiền Phong bị cơ quan điều tra khởi tố vì loạt bài về ngành Dầu khí. Tuy nhiên, quyết định của cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố vụ án chứ chưa khởi tố bị can. Đó là cái lí để Tổng Biên tập Dương Xuân Nam cử các anh đi công tác, thực ra là đi lánh nạn. Anh Xuân Ba là tòng phạm của vụ án; anh Phạm Nguyên Bảng, Trưởng Ban kinh tế của báo và anh Tô Nam, phó ban, đều liên đới tới vụ việc nên sẽ bị cơ quan điều tra triệu tập bất cứ lúc nào. Vì thế, ông Tổng biên tập cử các anh đi công tác, vụ việc ở nhà ông và BBT lo liệu, bao giờ thấy ổn, ông sẽ gọi các anh về.

Ngày ấy Ba Bể chưa có sóng điện thoại di động. Muốn liên hệ qua điện thoại cố định phải ra thị trấn chợ Rã, cách hồ Ba Bể chừng 15 cây số. Trong lo lắng, bấn loạn; trong mối nguy hiểm bởi loài thú dữ của rừng già Ba Bể, anh Xuân Ba vẫn cùng tôi uống rượu. Rồi anh hát. Giọng thuốc lào khê khê của anh qua những bài hát Nga trong hoang vu nghe thật buồn.

Ngày hôm sau, chúng tôi vào Chợ Đồn – huyện vùng cao cách thị xã Bắc Cạn hơn 50 cây số cũng chỉ để…chơi. Đây là địa bàn tác nghiệp thông thuộc của tôi với nhiều mối quan hệ thân thiết. Vừa vào tới phòng làm việc của anh Nông Văn Kỉnh, Bí thư huyện ủy, anh Xuân Ba đã xin gọi nhờ điện thoại bàn. Xong, anh thông báo với mọi người trong đoàn, ông Dương Xuân Nam đã có đơn với hơn 100 chữ kí của nhà báo đề nghị đình chỉ chỉ vụ án…

Sau khi trở về tòa soạn, anh Xuân Ba viết thư cho tôi cho hay, vụ việc rất phức tạp, anh liên tục bị cơ quan điều tra gọi lên truy hỏi người cung cấp tư liệu cho nhà báo để viết bài tiêu cực về ngành dầu khí?

 

…Gõ tiếp với tôi chén rượu, anh Xuân Ba nói: “Lạ! Bài báo tao viết ngày ấy nêu tiêu cực trong ngành Dầu khí, trong đó một số các nhân đã cấu kết để tham nhũng tiền Nhà nước. Đáng lẽ các cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ những nội dung báo nêu để có biện pháp chấn chỉnh, ngăn ngừa tiêu cực. Đằng này, cơ quan điều tra lại khởi tố nhà báo và truy tìm người cung tài liệu cho báo chí. Mỗi việc ấy mà cơ quan điều tra gọi tao lên tới ba mươi lần; vụ việc kéo dài tới 2 năm”. Tôi hỏi: “Cuối cùng họ có tìm được người cung cấp tư liệu cho anh không?”. Anh Xuân Ba bảo: “Tìm thế nào được! Pháp luật quy định nhà báo có quyền từ chối cung cấp nguồn tin…”. Lại hỏi: “Nhưng trong vụ việc này, nếu Viện Kiểm sát ra văn bản yêu cầu anh cung cấp thông tin, anh từ chối thế nào được! Pháp luật quy định như vậy mà.”. Anh bảo: “Đúng vậy. Sau nhiều lần tao dùng quyền của nhà báo không cung cấp nguồn tin, người ta lên Viện KSNDTC để lấy yêu cầu này. Mày biết ngày ấy người ký lệnh buộc tao phải cung cấp nguồn tin cho cơ quan điều tra là ai không?”. Tôi lắc đầu. Anh bảo: “Là ông Phạm Sĩ Chiến đấy. Lúc ấy, ông Phạm Sĩ Chiến là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Sau này ông ta bị khởi tố trong một vụ án lớn, mày biết rồi”. Anh ngừng lời nhằn miếng xương rồi nhổ phì, tiếp: “Trước yêu cầu của Viện Kiểm sát, buộc tao phải “phun” rằng, tài liệu mà nhà báo nhận được là của một bạn đọc không biết tên, gửi qua đường bưu điện”.  Lại hỏi: “Sau hai năm, vụ án mới được đình chỉ. Hỏi thật, ai đã cứu các anh?”. Gõ với tôi chén nữa, anh Xuân Ba hào hứng: “Chẳng ai cứu cả! Động cơ trong sáng và sự thật đã cứu chúng tao”.  Chợt, giọng anh chùng xuống, nao nao: “Đúng ra, ở vụ việc này chúng tao gặp may. May vì người đứng đầu cơ quan chủ quản thời ấy là anh Hồ Đức Việt đã đồng cảm, thương cánh nhà báo và đã dũng cảm, bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải; may vì có ban biên tập khôn ngoan, đã che chắn, bảo vệ phóng viên. Nghề báo dữ lắm mày ạ. Mày biết đấy, đồng nghiệp chúng ta, ai cũng từng bị tai nạn nghề nghiệp. Những lúc ấy mà lãnh đạo cơ quan chủ quản dửng dưng, ông tổng biên tập chối bỏ trách nhiệm. Khi đó, chúng ta biết nương tựa vào đâu?”.

Chợt nhìn thấy bộ tiểu thuyết “Kiếp người” của anh Hữu Ước vừa tặng tôi để trên bàn, anh Xuân Ba nói vui: “Dưng mà nếu chẳng may ngày ấy tao bị đi tù, biết đâu, ra tù tao cũng viết được cuốn sách như thằng Ước!...”