Dư âm một ngày với thơ
Thật hiếm hoi lắm, Vĩnh Lộc đầu xuân mới có một ngày người đông nườm nượp, mà không phải dự hội nghị, đó là dự ra mắt thơ. Hội trường của UBND huyện Vĩnh Lộc, mới 8h30 sáng đã chật cứng bà con và học sinh của cô giáo Quách Lan Anh và nhà thơ kiêm võ sư Lê Gái. Đây là sự kiện chưa có bao giờ người dân ở huyện được tham dự. Bởi trước đó ai làm thơ thì âm thầm in, rồi lặng lẽ tặng người yêu thơ, chứ nào ai bỏ ra cả đống tiền để ra mắt thơ.
Nhiều người đùa vui là đi dự đám cưới thơ. Vì ngoài việc dự nghe thơ, nghe ca nhạc xong còn được "oánh chén". Tôi chẳng dám hỏi 2 nhà thơ là họ mời bao nhiêu khách, chuẩn bị bao nhiêu mâm cỗ. Nhưng nhiều người nói vui với tôi rằng cũng phải đến gần trăm mâm, ăn từ tối thứ 7 và trưa chủ nhật.
Sẽ nhiều người chậc lưỡi là hai mẹ con nhà thơ Lê Gái và Quách Lan Anh chơi sang thật. Và sau cái chậc lưỡi ấy là đủ ý tứ khác nhau. Nhưng với tôi, dù sao vì thơ mà tốn tiền tốn sức là đáng khen rồi.
Có thể nói lần đầu tiên một cuộc ra mắt thơ quy tụ được rất nhiều gương mặt thi nhân, và cả những người bạn yêu thơ trong và ngoài tỉnh. Trong đó, nhà thơ Văn Đắc nhiệt tình lên sân khấu giao lưu cùng hai tác giả rất vui vẻ, trân trọng và không kém phần sang trọng.
Tác giả Lê Hải Chinh (Lê Gái) sinh ra ở xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, một vùng đất thơ mộng nằm bên bờ sông Mã. Tuổi thanh xuân, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau khi đất nước giải phóng, bà chuyển ngành về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc. Ngoài công việc cơ quan và chăm lo gia đình, bà còn mở một lò võ đạo, phụ trách khu vực miền Bắc, nhằm rèn luyện sức khỏe, giáo dục nhân cách đạo đức và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Hiện nay tác giả Lê Gái đang là hội viên nhiều Hội, CLB thơ trong và ngoài tỉnh.
Ấn phẩm “Tự khúc chiều xuân” - do Nhà Xuất bản Thanh Hóa ấn hành năm 2017 là ấn phẩm thứ 2 của tác giả Lê Hải Chinh giới thiệu đến bạn đọc, sau tập thơ “Người về từ độ thanh xuân” ra mắt năm 2016.
Còn Quách Lan Anh, “Hò hẹn với cô đơn” là tập thơ thứ 3 của chị, sau “Khúc ru tình” và “Đêm đàn bà”. Chị không chỉ là hội viên Hội VHNT Thanh Hóa, hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, mà còn là thành viên của nhiều CLB, diễn đàn thơ trẻ trong tỉnh và cả nước. Lan Anh được người yêu thơ biết đến trước hết là những vần thơ trên mạng, trên facebook. Chị có giọng thơ nữ hiện đại, đằm thắm, mãnh liệt và sâu sắc. Thơ Lan Anh là những nỗi cô đơn của một người đàn bà nhiều nỗi niềm, song không chút ủ rũ, đớn đau. Đó hoàn toàn là những lời thủ thỉ, tâm sự, khát yêu và được yêu. Người đọc nhận thấy ở chị đằng sau những con chữ là niềm yêu và hạnh phúc hơn dù Lan Anh cứ muốn hò hẹn với cô đơn. Thực ra, đó chỉ là cô đơn trên trang giấy, trong những vần thơ mà thôi.
Tôi thích hình ảnh "Cây xương rồng kiêu hãnh vẫn nở hoa":
Đừng đợi một ngày đá sẽ nở hoa
Đừng đợi kiếp sau lạc vào hành tinh khác
Đừng đợi một ngày người nói tiếng thủy chung
Lời ái ân lung linh lúc đêm đang mê ngủ
Hãy ký thác hết nỗi buồn vào gió
Học cách yêu chính mình...
Dẫu chẳng có bình an trong ánh mắt chứa hoàng hôn màu bạc
Cây xương rồng kiêu hãnh vẫn nở hoa.
Bởi tôi nghĩ phải là người đủ tự tin, kiêu hãnh và đam mê mới có thể viết được những câu thơ như thế này. Cái cách ra mắt thơ của mẹ con Quách Lan Anh cũng vậy. Dù người ta chưa quen, dù có nhiều đánh giá khác nhau. Nhưng chắc chắn chả ai đầu tư cho thơ nếu thực sự không có đam mê. Có thể đây là kiểu đam mê cuồng nhiệt, nhưng tôi thích điều đó.
Thà cứ đam mê còn hơn chả mê đắm điều gì. Nhất là đam mê thơ thì chả bao giờ sợ bị phản bội. Hy vọng sau lần ra mắt thơ này, không chỉ riêng Lê Gái - Quách Lan Anh mà chúng tôi cũng được “kích hoạt” niềm yêu văn chương.