Xin đừng quên!
Cách đây đúng 30 năm, ngày 14/3/1988, hai tàu Hải quân của ta chở vật liệu ra xây dựng đảo đá ngầm GẠC MA, nằm trong khu vực đảo TRƯỜNG SA thuộc chủ quyền nước ta, đã bị tàu chiến của Trung quốc đánh chìm. Sau đó, lính của họ đổ bộ lên chiếm đảo, các chiến sĩ của ta là lính công binh, tay không vũ khí, nhưng đã chiến đấu dũng cảm, 64 chiến sĩ đã hy sinh, có người bị trúng đạn của kẻ thù, vẫn hiên ngang đứng lên quấn cờ Tổ quốc vào thân để khẳng định CHỦ QUYỀN ĐẤT NƯỚC.
Đánh chiếm Gạc Ma không phải là hành động riêng lẻ, mà nằm trong âm mưu thôn tính các quần đảo của ta để độc chiếm biển Đông, phục vụ ý đồ bành trướng của nhà cầm quyền Trung quốc. Năm 1956, lợi dựng lúc Pháp bại trận ở Đông dương, họ đã chiếm một số đảo ở phía đông Hoàng sa. Năm 1974, sau hiệp định Paris, biết Mỹ phải rút quân khỏi Việt nam, biết rõ số phận của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, từ 17/1 đến 20/1/1974, họ đánh chiếm Hoàng sa, để tạo nên sự việc đã rồi khi ta giải phóng Miền Nam. Năm 1979, sau khi không cứu nổi bè lũ Pôn Pốt, đất nước Campuchia được giải phóng, họ ra mặt đánh ta ở 6 Tỉnh biên giới, bị bại trận, buộc phải rút quân, năm 1988 họ quay ra đánh chiếm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường sa của ta.
Ngày nay, trong xu thế hoà hoãn, các nước cùng hợp tác để cùng phát triển, nhà nước ta đã bình thường quan hệ với Trung quốc, nhưng vẫn luôn luôn khẳng định chủ quyền của ta với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ta có đày đủ chứng cứ và cơ sở pháp lý để khẳng định HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM.
Hơn 4000 năm dựng nước, chúng ta luôn bị các triều đại phong kiến Trung Hoa trước đây và nhà cầm quyền Trung quốc hiện nay, tìm cách thôn tính và đô hộ, nhưng đều bị nhân dân ta đánh bại. Thực dân Pháp, Phát xít Nhật, Đế quốc Mỹ cũng có thời kỳ xâm chiếm và cai trị nước ta, nhưng sau thất bại, họ đã biết rút ra bài học kinh nghiệm, từ bỏ ý định xâm lược. Tại Thủ đô nước Mỹ, đã xây một bức tường ghi tên các binh sĩ tử nạn trong chiến trang Việt nam, như để nhắc nhở các chính quyền đương thời đừng đụng tới nước ta. Hiện nay, các nước Nhật, Pháp và Hoa kỳ đang hợp tác về mọi mặt và hỗ trợ chúng ta khắc phục hậu quả chiến tranh. Chúng ta mong muốn Trung quốc cũng hành xử như vậy, để nhân dân hai nước cùng được chung sống hoà bình, phát triển tình hữu nghị như một thời đã có.