“Kiếp người” của Trung tướng Hữu Ước có như trong tiểu thuyết?

Trong giới cầm bút ở Việt Nam không ai có thân phận đặc biệt như ông Hữu Ước: Đang là Đại úy, Trưởng phòng Thời sự Báo Công an Nhân dân (CAND) thì bị đi tù. Ra tù, ông phấn đấu trở thành Tổng Biên tập của chính tờ báo CAND, sau đó kiêm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Lực lượng (Bộ Công an) với hàm Trung tướng. Ông là nhà báo duy nhất được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động

Trong sáng tác, ông nổi tiếng là người đa tài: sáng tác văn xuôi, thơ, kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện, vẽ tranh, sáng tác ca khúc… Nhiều vở kịch của ông được các đoàn sân khấu chuyên nghiệp dàn dựng, giành Huy chương Vàng trong các hội diễn. Mới đây, sau khi về hưu, ông viết bộ tiểu thuyết “Kiếp người” 2 tập. Tập 1 có tên là SỐNG, 497 trang trang in và tập 2 có tên là LỬA, 399 trang.

Tiểu thuyết “Kiếp người” ra đời thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Đã có nhiều bài viết về sự hấp dẫn, những thành công của “Kiếp người”. Trung tâm Bảo tồn Nghiên cứu và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam còn tổ chức tọa đàm "Trung tướng- Nhà văn  Hữu Ước với văn học nghệ thuật" do GS. Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm chủ trì; PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ điều hành. Tại buổi tọa đàm này, đã có hơn 20 bài viết của các tác giả tên tuổi trong lĩnh vực văn chương, sân khấu, đánh giá vai trò của ông với văn học, nghệ thuật và tiểu thuyết “Kiếp người”.

 

Hôm tặng tôi bộ tiểu thuyết “Kiếp người”, tôi ngó qua dòng chữ đề tặng, chữ ông Hữu Ước lởm chởm như chông. Tôi ngạc nhiên hỏi, lâu nay anh viết tay hay gõ phím? Ông bảo, toàn viết tay. Chợt nhớ, thời ông nổi tiếng với mấy vở kịch đoạt giải cao, có người kể, ông Hữu Ước gặp một tác giả trẻ, hỏi “Vở kịch của tao mày viết đến đâu rồi?”. Ấy là họ nghi ngờ sức viết của ông. Nhưng đọc kịch của ông (đã xuất bản thành sách) và bây giờ đọc “Kiếp người”, tôi khẳng định rằng, không ai có thể thay ông Hữu Ước sáng tạo ra từng con chữ chứa đựng những cung bậc cảm xúc của riêng ông! Lại hỏi, anh viết bằng tay mà lóng ngóng thế bao giờ mới mới xong những tập sách dày thế này? Ông bảo, rỗi là viết, bạ đâu viết đấy. Cứ “bạ đâu viết đấy” mà đến nay, sách của ông xếp cả gang, với 5 tập văn xuôi, 5 tập kịch bản phim truyện nhựa, 10 kịch bản sân khấu và bộ tiểu thuyết “Kiếp người”, mới thấy sức làm việc của ông khó ai sách được.

Tôi lại ngạc khi đọc thông tin về “Kiếp người” in trên trang xi – nhê: Số lượng in tập một 50 nghìn cuốn; tập 2 in 30 nghìn cuốn, bèn hỏi, anh in nhiều thế này có bán được không? Ông Ước thản nhiên, bán tốt chứ. Tôi bỏ tiền ra in, tự phát hành, thu lãi hơn 3 tỉ đồng. Rồi anh “bày” cho tôi những kinh nghiệm trong đầu tư xuất bản sách của mình, rằng, nên chọn khổ in thế nào? Chất liệu giấy ra sao? Rồi cách phát hành. Ông bảo, đừng tiếc tiền biếu tặng. Sách cũng là thứ hàng hóa, phải để người đọc “nếm” đã, rồi chính họ quảng bá cho mình…Tôi gật gù nghe, nghĩ bụng, ông là Trung tướng, từng nhiều năm làm Tổng Biên tập báo CAND, quan hệ rộng, sách ông “ấn” đâu chẳng được.

Thú thật, ban đầu tôi đọc “Kiếp người” là vì tò mò muốn biết “Kiếp người” trong tiểu thuyết có như thân phận của ông Hữu Ước? Quả nhiên, ngay những trang đầu đã thấy tác giả miêu tả nhân vật Thanh Hữu, nguyên Trưởng phòng thời sự - chính trị của tờ báo Minh An bị đi tù, vừa được “phóng thích” từ khám Chí Hòa, tôi đã nghĩ rằng, nhân vật Thanh Hữu là nguyên mẫu của chính là tác giả rồi?; “Kiếp người” thực chất là tự truyện về cuộc đời của ông Hữu Ước rồi! Để xem, sau khi nghỉ hưu, ông Hữu Ước sẽ cho bạn đọc biết, ai đã đẩy ông Hữu Ước vào tù? Trong tù, ông Hữu Ước đã sống ra sao? Và sự thật sẽ được ông phơi bày trong bộ sách như thế nào?

 

Cuộc đời thật của ông Hữu Ước như thế này: Ông tên thật là Nguyễn Hữu Ước, sinh 20 tháng 5 năm 1953 tại xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1970, ông nhập ngũ, tham gia lực lượng bộ đội biên phòng. Sau khi xuất ngũ, ông theo học Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), sau đó trở thành nhà báo của Báo CAND. Vào tháng 9 năm 1985, khi đang là Đại úy, Trưởng phòng Thời sự Báo CAND, ông bị bắt. Trong lệnh bắt giam ông chỉ ghi có mấy dòng mơ hồ “vi phạm pháp luật” mà không có tội danh nào cụ thể. Sau khi bị bắt, ông bị tống vào Chí Hòa, giam chung với những kẻ đầu trộm đuôi cướp, đám lưu manh chuyên nghiệp. Sau 3 năm bị giam và trải qua 4 phiên tòa, ông được xử trắng án. Khi trở lại Báo CAND, ông bị xếp vào diện giảm biên chế, phải làm nhiều việc để kiếm sống, sau đó mới được làm việc tại cơ quan cũ; rồi được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an. Từ Tạp chí này, ông mở ra chuyên trang An ninh thế giới. Năm 2003, ông làm Tổng Biên tập Báo CAND và mở hàng loạt chuyên trang:An ninh Thế giới Cuối tháng; An ninh Thế giới Giữa tháng; Cảnh sát Toàn cầu và chủ trì thành lập Truyền hình Công an (ANTV). Ông được thăng hàm Thiếu tướng từ năm 2006, Trung tướng năm 2010. Năm 2015, ông nghỉ hưu.

Một nhà báo, nhà văn, là sĩ quan cao cấp của ngành Công an mà có thân phận như vậy thì khác nào câu chuyện trong tiểu thuyết! Chuyện ông bị đi tù oan cũng ít người biết tường tận và ông cũng không kêu ca oán trách, kiện tụng những người đã gây đau khổ cho mình và gia đình. Thì giờ đây, tôi và có lẽ nhiều bạn đọc khác đều tò mò muốn biết, ông Hữu Ước sẽ tái hiện cuộc đời của ông như thế nào trong “Kiếp người”? Những sự thực gì đã được ông phơi bày? Nhưng tôi đã nhầm! Cuốn sách như thứ ma lực, càng đọc càng cuốn hút, không thấy lộ diện những chi tiết ám chỉ ác ý. Ông Hữu Ước cứ dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác; càng kích thích sự tò mò của người đọc. Rồi khi gấp cuốn sách lại, tôi vẫn không thấy thứ văn “ám chỉ” mà chúng ta đã từng thấy trong tiểu thuyết của một số nhà văn sau khi nghỉ hưu. Thậm chí, “Kiếp người” không đơn thuần là tự truyện của tác giả, mà cao hơn thế, cuốn sách nói về nỗi khổ của con người qua một thế hệ bị va đập trong sự biến động của xã hội mà tác giả là nhân vật điển hình. Những kiếp người trong “Kiếp người” như “hắn” (nhân vật Thanh Hữu), Đại đội trưởng Ba, o Lệ, cô Tuyết, cô Ly, ông Bảy, ông Thanh, ông Chín, Trần Lâm, Trần Đồng, Hoàng Đoàn... là những người mà ta đã gặp trong trong thời thơ ấu ở nông thôn, trong chiến trường hay trong tòa soạn báo…Đó là những kiếp người thật đáng thương, đáng trân trọng. Cuốn sách kể về nỗi buồn, nỗi khổ của con người nhưng vẫn truyền cho chúng ta nguồn cảm hứng cao đẹp về cuộc sống, về niềm tin vào con người. Tôi cho rằng, đây là bộ tiểu thuyết của Việt Nam hay nhất trong vài chục năm nay mà tôi đã đọc.

Sự hấp dẫn của “Kiếp người”, trước hết đó là tính chân thực. Những trang viết về chiến trường được ông miêu tả vô cùng sống động. Đó là trận giao chiến với lũ biệt kích thám báo Mỹ - ngụy để bảo vệ hàng trăm thương bệnh binh và giữ gìn an toàn tuyến đường chiến lược. Đó là chuyến đi băng rừng 5 ngày liền  cùng một chiến sĩ mang 10 kilô gạo đến cho bà con Khơ Mú ở hai bản bản Lò Ó và Bông Va, miền Tây tỉnh Quảng Trị bị bom B52 Mỹ chạy vào hang động đang sắp chết vì đói…

Chuyện ở tòa báo Minh An, nơi Thanh Hữu làm việc thời khốn khó cũng được tác giả tái hiện thật như sờ nắm được. Đó là chuyện Trưởng phòng Biên tập cứ rình giữa trưa, lúc Tổng biên tập đi ngủ, mới trình bày cái sự phát hiện lỗi sai ở các bản thảo "nó mới quan trọng làm sao". Rồi chuyện buôn lậu của cánh phóng viên báo Minh An, hàng đánh vào Nam là thuốc lá sợi, phanh xe đạp Đức – Liên Xô, cho tới cả thuốc tránh thai và bao cao su. Cánh phóng viên ảnh thì buôn phim, giấy ảnh…Đặc biệt là chuyện oan khuất của Thanh Hữu được kể lại từ chương XIX cho đến hết chương XXIV.

Nhiều trang văn trong “Kiếp người” cũng đẹp lạ thường. Không sống những ngày ở chiến trường ác liệt thì chắc rằng ông Hữu Ước khó miêu tả hình ảnh như thế này: "Mặt trời đã ló ra, chan hòa ánh nắng tỏa xuống mặt đất xua dần đi những đám hơi sương nhờ đục như sữa làm lộ ra những vạt đất rừng bị cháy đen. Lạ thế, lẫn giữa mênh mông của màu đen, nham nhở của chết chóc, mầm sống đã lại hiện lên, tươi non mơn mởn. Đó là ngàn ngàn các cây con  đủ các loại  đang nảy mầm và đã nảy mầm chui lên từ lòng đất. Những nụ mầm, những lá non xanh tươi ướt đầm sương lung linh lả lướt trong gió sớm như vẫy chào  ngày mới, như tỏ rõ sức sống quật cường và bất diệt của núi rừng".

Nhưng cái sự hay của “Kiếp người” thì mấy chục nhà văn, nhà phê bình văn học nổi tiếng  đã khen rồi, đã được tập hợp in thành sách rồi; tôi chỉ nêu vài cảm tưởng của mình khi đọc xong “Kiếp người”.

9/1/2018