Đậm đà hương vị cà phê L’amant
Nhiều người sành thưởng thức Cà phê ở Việt Nam và một số quốc gia ở châu Âu , châu Mỹ đã quen và “nghiền” hương vị Cà phê thương hiệu L’amant của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Thành phố PleiKu của tỉnh Gia Lai. Ông chủ Thái Như Hiệp, Giám đốc công ty, quả quyết rằng: Nhiều người say đắm và không thể bỏ được Cà phê L’amant sau khi thưởng thức vài lần bởi lẽ những giọt Cà phê L’amant được chắt chiu tinh lọc từ sương nắng của cao nguyên đất đỏ Gia Lai.
Với hương thơm tự nhiên dịu dàng sâu lắng chứ không phải thứ mùi thơm nhân tạo hương liệu sực nức của hóa chất, và với vị đặc trưng chỉ ở Cà phê thật mới có ngăm đắng ở đầu lưỡi nhưng ngọt đằm nơi cuối họng… lượng Cafein trong ly Cà phê L’amant vừa đủ để những trái tim nhạy cảm thăng hoa đến ngây ngất .
Tôi đã đi cả nghìn cây số đến Plei Ku, tìm đến Công ty Vĩnh Hiệp để được nhấm nháp ly Cà phê L’amant, để được hưởng thụ giá trị thật của thứ Cà phê thật này. Quả là danh bất hư truyền, tiếng đồn không ngoa chút nào. Khi bà Phó Giám đốc công ty Trần Thị Lan Anh pha ly Cà phê L’amant đưa lại, cảm giác đầu tiên của ta thưởng thức bằng thị giác là bọt kem tự nhiên của ly Cà phê nổi lên. Thứ bọt kem trong và lành chứ không phải loại bọt được hình thành từ chất tạo bọt nhân tạo ngầu đục mà ta hay bắt gặp ở các cửa hàng đây đó. Ta cũng rất dễ nhận ra màu Cà phê thật tuy nâu đen nhưng trong lòng chén vẫn trong và nhìn thấy đáy. Rót Cà phê sang ly khác, thành của cốc hoặc chén gần như sạch bong, không vương gợn lại những vệt nước Cà phê bám vào thành. Thưởng thức xong thứ Cà phê “xịn” tôi buột miệng thốt lên : “ Té ra trước đây tôi đã uống khá nhiều thứ Cà phê giả !”. Bà Lan Anh kịp đính chính lại ngay:
- Không hoàn toàn là giả. Trên thị trường có một số cà phê tan đóng gói, trong đó có tỷ lệ Cà phê thấp, khoảng trên 10% gì đó. Ngoài ra là các chất độn như bắp và đậu tương rang cháy xay trộn vào. Mùi hương thơm ngào ngạt đó là hương liệu sản xuất từ hóa chất chứ Cà phê thật không có mùi hương như vậy.
- Như vậy Cà phê thứ thiệt với hàng chất lượng thấp có thể lẫn lộn trên thị trường ?
- Vàng với thau không lẫn lộn được. Những người thưởng thức Cà phê có đẳng cấp cao phân biệt được ngay. Hương, vị và chất đặc trưng của thứ Cà phê hoàn toàn thật khác nhau một trời một vực. Nhất là Cà phê L’amant của chúng tôi xuất khẩu 90% tổng sản lượng ra thị trường nước ngoài. Ở đó, ngoài sự kiểm định, đánh giá của SCAA ( Hiệp hội Cà phê rang xay thế giới) thì nhiều nước còn có các máy móc phân tích cực kỳ chính xác. Chỉ một lô hàng có hạt thu hái từ cây trồng trên vùng đất chưa được xử lý chất Dyoxin, hoặc bón phân hóa học lẫn vào…máy kiểm tra phát hiện ra ngay và toàn bộ số hàng sẽ bị đóng băng lại. Ấy là chưa kể những cái miệng của người ở các nước Âu, Mỹ thưởng thức Cà phê tinh tường như một môn nghệ thuật ẩm thực. Vậy nên đem giá trị thật của Cà phê thật đến với người tiêu dùng cũng là sự sống còn của chúng tôi.
- Như vậy nghĩa là từ khâu trồng trọt đến khâu chế biến đòi hỏi những quy trình rất khắt khe?
- Đúng thế, khi rang xay Cà phê chúng tôi sử dụng quy trình khép kín một chiều và hoàn toàn tự động của công nghệ PROBAT( Cộng hòa Liên bang Đức). Cùng với các chuyên gia có trình độ rất cao có thể dùng nhiệt độ và thời gian rang để điều tiết sản phẩm cho ra các mẻ Cà phê với 900 mùi và vị khác nhau. Nhưng để máy móc có thể khai thác và đưa ra những sản phẩm kỳ diệu và đủ loại từ hạt Cà phê như thế thì hạt Cà phê phải chuẩn. Nghĩa là ngay từ khâu làm đất, chọn vùng khí hậu, độ cao, thổ nhưỡng, giống Cà phê v.v… nước tưới cũng phải chọn nguồn phù hợp. Đặc biệt phân bón chỉ được dùng nguồn phân hữu cơ. Trang trại 45 héc ta trông toàn Cà phê của chúng tôi ở huyện Chư Sê mà các anh đã thăm quan rồi đấy, phải nuôi kèm một đàn bò hàng trăm con chỉ để lấy phân bón cho cây Cà phê. Khi thu hái phải lựa những quả Cà phê chín, đủ tuổi, đủ kích cỡ quy định. Giai đoạn ngâm ủ phải tuyệt đối đúng quy trình kỹ thuật.
- Vậy là để có một ly Cà phê L’amant đậm đà hương vị như hôm nay thật không đơn giản?
- Vâng, cái giá mà chúng tôi phải trả không thể đong đếm được. Bao nhiêu năm học hỏi, đầu tư về kinh phí, về tri thức, kinh nghiệm, có cả những hy sinh, mất mát và những thất bại cay đắng của gia đình, bè bạn và những người cộng sự tâm huyết cùng mình. Chỉ có điều những thành công của Vĩnh Hiệp hôm nay, khi nhận được những lời khen của khách hàng trong và ngoài nước, phần nào cũng đem lại cho chúng tôi hạnh phúc và niềm kiêu hãnh về một hướng đi đúng của cuộc đời.
Trò chuyện với bà Lan Anh, một người được gọi là linh hồn của doanh nghiệp Vĩnh Hiệp, ta dễ nhận thấy tình yêu vô bờ bến của bà với nghề Cà phê. Bà yêu đến mức tâm niệm :“ Đời tôi chỉ có anh Hiệp (chồng) và Cà phê thôi”. Bà chọn tên đặt cho sản phẩm Cà phê, cũng là đứa con tinh thần của mình, là L’amant ( người tình) cũng vì như thế. Người dân Gia Lai, những khách hàng yêu quý từ mọi miền xa xôi vẫn đọc trại đi thành cái tên trìu mến và thân mật là Cà phê Lan Anh.
Tham vọng của Vĩnh Hiệp không dừng ở những thành công hiện tại. Ban giám đốc và những chuyên gia kỹ thuật ở đây còn muốn đưa ra thị trường những sản phẩm phong phú khác nhau. Ngoài giống cà phê đang trồng hiện tại như Arabica hay Robusta trên độ cao 700m thì công ty còn muốn vươn tới tìm địa điểm có đủ độ cao trên 1000m so với mực nước biển để trồng được giống Cà phê Moka thơm ngon và quý phái mà từ những năm 30 của thế kỷ trước người Pháp đã trồng thành công trên cao nguyên Lâm Đồng của vùng Tây nguyên này…Còn có cả những ước mơ thật hồn nhiên và đáng yêu nữa là : Mọi cán bộ và nhân viên của Vĩnh Hiệp đi đâu cũng luôn tìm cách nâng tầm thưởng thức Cà phê của khách hàng gần xa. Chỉ khi hình thành được nền tảng văn hóa Cà phê thì người Việt mới cảm nhận được giá trị thật của Cà phê thật, và xứng đáng với vị thế của một quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu Cà phê.