Sức mạnh U22 Việt Nam, bình tâm nhìn lại
Với một thế hệ cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản, có phẩm chất kỹ thuật tốt và được chuẩn bị khá kỹ cho Seagames 29 thì việc kỳ vọng của giới mộ điệu vào lứa cầu thủ trẻ mà phần lớn là các cầu thủ thuộc HAGL là điều dễ hiểu. Không vượt qua được vòng loại của Seagames 29 là cú “sốc” lớn đối với người hâm mộ, khi tiếng còi trận đấu với U22 Thái Lan chưa kết thúc. Nhận túi bụi “gạch đá’ trong bối cảnh, không biết lần thứ bao nhiêu bóng đá Việt Nam lại tan tác trước người Thái đối với HLV Hữu Thắng và các học trò là tức thời và có phần thái quá. Có phải đội tuyển U22 chúng ta mạnh thực sự nhưng thiếu may mắn? Nếu bình tâm “sức mạnh” ấy dần được lộ diện khi khách quan nhìn lại các trận đấu bán kết và chung kết của Seagames 29.
Kỹ thuật và kỹ năng chơi bóng:
Phải thừa nhận đã lâu rồi bóng đá Việt Nam đang sở hữu lứa cầu thủ có phẩm chất kỹ thuật đầy tiềm năng sau nhiều năm được đào tạo khá bài bản mà công đầu thuộc về “bầu” Đức đối với lứa cầu thủ này. Tuy nhiên kỹ thuật và kỹ năng chơi bóng lại là một vấn đề lớn của làng túc cầu và nó hoàn toàn khác biệt thứ bóng đá nghệ thuật đường phố. Kỹ thuật và biểu diễn là vậy nhưng áp dụng trong tình huống thi đấu cụ thể với một chiến thuật cụ thể là một bài toán phức hợp dài tập. Điển hình như Công Phượng, mẫu cầu thủ có kỹ thuật cá nhân tốt của lứa cầu thủ trẻ hiện nay nhưng trong các pha phối hợp với đồng đội động tác “thừa” của Công Phượng khá nhiều, vì thế dễ nhận thấy độ sắc sảo của Công Phượng không cao so với các đối thủ và rất dễ bị bắt bài. Ngược lại đội tuyển U22 Thái Lan đến Seagames 29 lần này, ít thấy tài năng nổi trội, nhưng các tiền đạo của Thái phối hợp xử lý bóng linh hoạt, động tác qua người hết sức hợp lý, chớp thời cơ dứt điểm sắc sảo và di chuyển không bóng khá hay. Rất nhiều tình huống chỉ có 2 tiền đạo hoặc tiền vệ của Thái nhưng hàng thủ đến 4 hoặc 5 người của U22 Việt Nam rơi vào trạng thái lúng túng, điều này hoàn toàn đối lập và trái ngược đối với hàng công Việt Nam. Đó là mấu chốt của cả quá trình huấn luyện, rèn luyện tư duy chơi bóng, vận dụng kỹ thuật cá nhân trong chiến thuật thi đấu của tập thể và là tiền đề để nhận diện kỹ năng đẳng cấp của một đội bóng. Ở điểm này U22 của chúng ta và bóng đá Việt Nam còn kém người Thái một bậc.
Chiến thuật đơn điệu, nhạt nhòa:
Việc sử dụng gần như “nguyễn y vân” một đội hình trong cả 5 trận đấu vòng bảng của U22 Việt Nam là minh chứng cho chiến thuật đơn điệu và khá “non tay” đối với một đội bóng “lớn” muốn đi tới đích cuối cùng. Ngay cả 3 trận đầu khi đấu với các đấu thủ yếu ở vòng loại, mặc dù đã ghi được nhiều bàn thắng U22 Việt Nam vẫn chưa cho thấy “bóng dáng” của một đội bóng có đẳng cấp. Cầm bóng nhiều nhưng không điều tiết được nhịp độ trận đấu, không rõ nét chiến thuật chủ động phòng thủ, nhường bóng cho đối phương ở khu trung tuyến. Lối chơi ban bật nhỏ, khá mất sức khi bị đối phương áp sát, trong khi 4 đội có mặt tại bán kết tuy chiến thuật khác nhau nhưng điểm chung họ đều có lối chơi quây rát, áp sát nhanh, điều này dễ dàng khắc chế bắt bài, vô hiệu hóa lối chơi nhỏ của U22 Việt Nam. Nhìn chung dấu ấn chiến thuật của U22 Việt Nam thể hiện tại Seagames 29 là khá nhạt nhòa. Điều này khác biệt và có độ chênh lớn so với thời HLV Miura, khi ông yêu cầu các cầu thủ chơi nhanh một chạm đưa thật nhanh bóng về phía trước và đội hình xuất trận rất khó đoán với phương án khác nhau.
“Nhát kiếm quyết định trên không”
Bàn thắng bằng đầu cùng một kịch bản ở những phút cuối của 2 trận bán kết tại Seagames 29, khi mà các phương án tấn công của hai đội đi vào ngõ cụt, có thể nói là “nhát kiếm quyết định trên không” mà người Thái và Malaysia dành cho Myanmar và Indonesia. Trong trận chung kết hai đội này đã dành cho nhau khá nhiều ngón đòn “không chiến” này. Đây là đòn “độc” và cũng tạo ra điểm rất khác biệt đối với U22 Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung, khó nhận diện cầu thủ nào của U22 Việt Nam có cơ hội lập công quyết định từ tình huống “không chiến”, rất hiếm khi đội tuyển của Việt Nam có “nhát kiếm quyết định trên không” đối với những trận cầu đỉnh cao. Lần chúng ta làm được điều đó cách đây đã 10 năm, khi mà AFF Cup 2008 được tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình, bàn thắng đánh đầu ngược của Công Vinh đã đưa chúng ta qua mặt người Thái để đăng quang ngôi hậu tại AFF 2008.
Sức mạnh tinh thần:
Các phương tiện truyền thông và các bình luận viên nước nhà ở nhiều giải đấu luôn đề cao “vũ khí tinh thần” là một trong những điểm mạnh của đội tuyển Việt Nam. Điều đó đúng nhưng dường như chưa hẳn đủ bởi nếu xem các đội thi đấu ở 2 trận bán kết Seagames 29 mới cảm nhận độ “máu lửa” của các cầu thủ đội bạn khi vào tới bán kết. Trong sự đeo bám quyết liệt của đối thủ, những bước chạy bứt tốc quên mệt (mà tiêu biểu như “máy chạy” Văn Toàn) là hình ảnh đáng quý và trân trọng, nhưng chính sự lạnh lùng, điềm tĩnh, “lỳ lợm” của mỗi cầu thủ mới làm nền tảng cho sức mạnh tinh thần để khẳng định bản lĩnh đẳng cấp của đội bóng lớn. Điểm này U22 Việt Nam rất lép so với người Thái và Malysia.
Chiến thắng của người Thái ngay trong thánh địa Malaysia trong trận chung kết thể hiện đẳng cấp của đội bóng số 1 Đông Nam Á với lối chơi chắc chắn (7 trận đấu của giải chỉ để thua bàn duy nhất từ chấm Penalty) đĩnh đạc, đầy mưu lược, đồng thời bản lĩnh, tinh thần thép của đội bóng lớn được cầu thủ Thái được minh chứng trước áp lực hơn 8 vạn khán giả trên sân ShahAlam.
Cơn khát vàng của bóng đá Việt Nam tại đấu trường Seagames lại vật vã kéo dài sau rất nhiều lần hụt hơi, thất vọng. Tuy nhiên, nếu bình tâm nhìn lại thì đấy là quãng đường không dễ ngày một, ngày hai để bước qua. Việc sử dụng HLV nội hay ngoại đối với nền bóng đá nước nhà còn cả câu chuyện lùm xùm phức tạp. Thực tiễn chỉ ra rằng các HLV nội mà chúng ta từng sử dụng cầm quân cấp độ đội tuyển đều có điểm chung: Không nâng cấp được tư duy chơi bóng cho các cầu thủ mặt khác rất khó nhận ra dáng dấp, cái uy của một đội bóng có đẳng cấp khi HLV nội cầm quân. Đội bóng của HLV Hữu Thắng dừng bước tại vòng loại âu cũng là điều hợp lý, nếu nhìn lại trình độ của đối thủ đã thể hiện tại các trận bán kết và chung kết của Seagames 29./.