Nhà báo Hạnh Loan ra mắt hai tập thơ sau nhiều năm vắng bóng
Ngày 11/3, tại HI-BAR caphe 43 Nguyên Hồng Hà Nội, Nhà sách phương Đông Books và Nhà sách Sunflower Books phối hợp Nhà xuất bản Văn học sẽ tổ chức ra mắt 2 cuốn sách. Đó là tập thơ tình Hãy nói yêu khi hoa hồng nở và tập thơ học trò Khoảng trời sau cửa sổ của nhà báo Hạnh Loan, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh. Các nghệ sỹ biểu diễn tại chương trình có NSND Vương Hà, NSUT Hồng Liên, ca sỹ Sao Mai Đinh Thành Lê.
Hình ảnh tại buổi ra mắt 2 tập sách của nhà báo Hạnh Loan.
Khách mời của chương trình có Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Nhà thơ Hồng Thanh Quang, Nhà thơ Đặng Huy Giang, Nhà thơ Dương Xuân Nam, Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, Nhà thơ Phan Huyền Thư, Nhà thơ Hữu Việt, Nhà thơ Lữ Mai, Nhà thơ Nguyễn Ngọc Vượng, Nhà thơ Bùi Quang Thanh …., Nhà văn Hữu Ước, Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, Nhà văn Nguyễn Vặn Thọ, Nhà văn Sương Nguyệt Minh, Nhà văn Như Bình, Nhà văn Nguyễn Phúc Thành, Nhà văn Trịnh Đình Nghi, Nhà văn Nguyễn Thế Hùng, Nhà văn Võ Hồng Thu, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cùng Nhạc sỹ - NSND Nguyễn Tiến, Đạo diễn – NSND Nguyễn Thước. Tham dự chương trình còn có Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Nhà báo Tạ Bích Loan, Nhà báo Tùng Lâm, Nhà báo Nguyễn Thu Hà, Nhà báo Phan Thanh Phong… , đại diện Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội và nhiều bạn bè của tác giả. MC của Chương trình là Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Thanh và MC Nhật Minh.
Nhà báo Nguyễn Thị Hạnh Loan, sinh ngày 21/07/1976 tại Hà Tĩnh, chị hiện là Phó Trưởng phòng Chuyên đề , Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh.
Tập thơ học trò Khoảng trời sau cửa sổ
Tập thơ Khoảng trời sau cửa sổ có 3 chương với 53 bài thơ, trong đó có 46 bài thơ chị viết từ thuở 10-17 tuổi, khi là học sinh chuyên văn trường THCS Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh, bây giờ là Trường THCS Lê Văn Thiêm, Thành phố Hà Tĩnh và cho đến khi là học sinh khóa 1, trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Thời học trò, thơ chị đã được đăng tải trên các báo Tiền phong, Hoa học trò, Tạp chí Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh.
Về tập thơ này, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “ Đối với Nguyễn Thị Hạnh Loan, viết cho thiếu nhi, cũng là viết cho chính mình. Chị viết cho mình, cho tuổi thơ mình, ở những khoảnh khắc riêng tư nhất mà rồi chị lại gặp được các em. Tâm hồn chị rất trong. Thơ chị cũng thế. Nó là vẻ đẹp của những làn sương sớm bay trên thảm cỏ ban mai. Vẻ đẹp ấy, ta thường chỉ thấy trong cái nhìn thơ ngây của con trẻ…” Còn nhà thơ Đặng Huy Giang cho rằng : “ Đó là phát hiện và cảm xúc trong suốt của tuổi thơ trong suốt, của những gì một đi không trở lại.” …
Phát hiện đó dòng chảy suốt trong thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan, với cảm xúc trong trẻo của tuổi hoa niên.
Khi chị mới là một cô bé với bầu trời của mình và bạn bè, thầy cô, theo thời gian với những rung cảm khôi khôi nguyên :
Có những lúc mây cuồn cuộn
Như sóng xô trên thăm thẳm biển xanh
Có lúc là một đàn thỏ trắng tinh
Khi là bầy gấu trong rừng thẳm
Hay bác gà có cái mào đỏ thắm
Hay cô tiên xinh đẹp dịu hiền
Đấy là bầu trời ở trên mái nhà em
Nơi cô gió có phép mầu kỳ lạ
Đã hoá trời xanh thành biển cả
Thành cánh rừng cổ tích tuổi thơ em...
( Bầu trời của em – Trích Khoảng trời sau cửa sổ)
Tiếng thở nào rất khẽ
Bao mầm cây bồi hồi
Nụ đào vừa mới chớm
Chở mùa xuân đến rồi
Có tiếng chim rất mỏng
Như sợi tơ ngang trời
Làn gió xuân thổi nhẹ
Căng tưởng chừng đứt đôi
( Mùa xuân và em – Trích Khoảng trời sau cửa sổ )
Nhớ ngày thầy đến lớp
Viết lên chiếc bảng này
Bao nhiêu dòng ánh sáng
Dưới dịu mềm búp tay…
Yêu sao khi đứng ngắm
Bao chân trời hiện lên
Chỉ bằng dòng chữ trắng
Rạng ngời trên bảng đen.
( Nhớ thầy – Trích Khoảng trời sau cửa sổ)
Em như thể đóa cúc tần cô lẻ
Đứng tần ngần trên lối rẽ vào thu
( Vào thu – Trích Khoảng trời sau cửa sổ)
Hoặc đằm thắm, yêu thương khi chị đã trở thành người mẹ
Con yêu ạ! Con hãy luôn mơ ước
Dù biết con như một vì sao giữa ngàn vạn thiên hà
Cô gái Mộc Lan yểu điệu có thể thành danh tướng
Bởi có niềm tin và tình yêu của mẹ cha
Mỗi cuốn phim là lời nhắn gửi
Cho con yêu mở cánh cửa vào đời
Thế giới nhiệm màu khi con hiểu được
Chúng ta mang trái tim, khối óc của loài người .
( Nhắn con – Trích Khoảng trời sau cửa sổ)
Trở lại thi đàn sau nhiều năm vắng bóng, Nguyễn Thị Hạnh Loan đăng nhiều thơ trên trang cá nhân và một số bài đã được chọn đăng trên các báo Trung ương. Tập thơ “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở”có 61 bài thơ, tập hợp các bài thơ chị viết từ lúc 18 tuổi cho đến nay, đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết trong lời tựa cuốn sách này : “ Chọn tựa đề “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” để đặt tên cho tập thơ, là một chọn lựa trẻ trung và tinh tế của Hạnh Loan. Phải chăng nàng cũng đang mang một “trái tim hoa hồng” trước tình yêu vĩnh cửu?Hãy gắn chặt môi nhau bằng nụ hôn da diết
Khi tim ta đã bừng nở những đóa hồng... (Hãy nói yêu khi hoa hồng nở)” Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng viết :
“Vào đầu thế kỷ trước, phụ nữ làm thơ đã là một sự dấn thân can đảm vì thường bị phụ, mẫu cấm đoán. Nữ sĩ Anh Thơ đã từng trốn cha mẹ để viết nên tập thơ “Bức tranh quê” đoạt giải thưởng khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn, dù nội dung chỉ tả những vẻ đẹp của cảnh quê. Đến thời nay thì phụ nữ làm thơ như một phong trào rộng rãi đến nỗi có người phải thốt lên như một nhận xét tổng kết “Văn học âm thịnh”. Điều đó cũng chẳng có gì lạ. Nhưng cái lạ là thơ nữ giới ngày nay không chỉ tả cảnh, mà còn công khai những bí mật tâm hồn không hổ thẹn. Đó là điều cần quan tâm hơn cả. Dám công khai bí mật trước bàn dân thiên hạ, dù chỉ bằng thơ cũng là điều đáng nể. Người khoét sâu vào những bí mật thầm kín. Người táo bạo tiết lộ những bí mật phòng the. Người tuyên ngôn về tự do ái tình. Thơ tỏ tình, thơ sex xuất hiện nhiều chưa từng thấy với ngôn ngữ ma mị hay ngôn ngữ bình dân, v.v… Hạnh Loan cũng xuất hiện trong trào lưu ấy, nhưng nàng có một đặc tính can đảm riêng. “Nói gần nói xa chẳng qua nói thật”, phải chăng đó cũng là đặc tính của thơ nàng?
Đó không phải bài thơ em viết cho anh
Bài thơ ấy em viết cho người khác
Người đến bên em khi tình anh phai nhạt
Và yêu em thật nhiều như anh đã từng yêu.
(Điều giản dị - Trích Hãy nói yêu khi hoa hồng nở)
Hoặc:
Dẫu anh yêu em em vẫn chỉ người thứ hai
Đừng an ủi, nước mắt em vẫn chảy
Giọt lệ yêu anh, giọt lệ ghen tuông
Đông đặc tim em nỗi buồn hoang dại
…Anh hãy để một lần em câm lặng
Nghẹn nuốt nỗi buồn của kẻ đến sau....
Trái tim chỉ sợ chai mòn
Sống không yêu lòng rỉ sét
Chi bằng hãy chết còn hơn
( Đừng dọa em bằng cái chết – Trích Hãy nói yêu khi hoa hồng nở )
Anh có nghĩ một mai em là đất
Điềm nhiên nâu dưới trảng cỏ xanh rì
Nếu lúc đó anh nghẹn lòng đắng chát
…Thì bây giờ anh bóp vụn em đi!
( Dự cảm – Trích Hãy nói yêu khi hoa hồng nở)
Ấn tượng với 2 tập thơ ra mắt cùng lúc , sách còn là một ấn phẩm đẹp về hình thức do Nhà sách Sunflower Books thiết kế và xuất bản. Sách được ấn hành tháng 1/2017 và in 1000 cuốn.
Trong veo với những cảm xúc của tuổi hoa niên, đằm thắm, cháy bỏng với những cảm xúc rất đàn bà, thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan chạm đến trái tim người đọc bởi người đọc có thể thấy bóng mình trong đó. Nhiều comment đặt mua sách trên trang cá nhân Nguyễn Thị Hạnh Loan lý giải vì sao thơ chị được độc giả đón nhận và đặt mua sách, đó là thơ chị đã nói hộ lòng nhiều người
Hai tập thơ – Một dòng chảy cảm xúc , theo năm tháng và lớn lên, trưởng thành dần của một cô bé, trở thành thiếu nữ, rồi trở thành người đàn bà, làm vợ, làm mẹ, với những trải nghiệm yêu thương, những triết lý về cuộc sống và tình yêu, đó chính là sự độc đáo và hấp dẫn mà hai tập sách của Nguyễn Thị Hạnh Loan có thể mang tới cho độc giả yêu thơ trong tháng 3 này.
Nguồn: giadinhvietnam.com.vn