Chuyện tình Pha Dùa và động Bo Cúng - kỳ quan “Đệ nhất xứ Thanh”!

Mặc dù tuổi không còn trẻ nhưng vốn “ham chơi”; vả lại cũng để thử sức mình qua những chuyến theo bạn bè ngược rừng lên vùng cao, tôi mới nhận ra rằng: nhiều năm làm việc ở xứ Thanh, nhiều lần lên công tác miền núi. Nhưng, để hiểu, nhận biết vẻ đẹp tiềm ẩn, những huyền thoại làm say đắm lòng người nơi vùng sơn cước quả là còn nhiều hạn chế


Núi Pha Dùa chứng tích chuyện tình Pha Dùa. Ảnh: Vũ Do

Mở đầu cho chuyến hành trình tìm hiểu về những gì còn ẩn chứa trong bạt ngàn núi non trùng điệp của miền Tây Thanh Hóa, là huyện Quan Sơn. Đây là vùng đất trước thuộc huyện Quan Hóa, năm 1997, từ một huyện miền núi rộng lớn, núi non hiểm trở, là vùng cao giáp với nước bạn Lào, huyện Quan Hóa được trên cho tách ra lập thêm 2 huyện mới là Quan Sơn và Mường Lát. Kể từ ngày đó, cái tên Quan Sơn ngày càng thân thiết với người dân xứ Thanh cũng như đồng bào cả nước. Quan Sơn hùng vĩ, núi non trùng điệp theo QL 217 kéo ngược đến cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Mảnh đất “sơn thủy hữu tình” này còn ẩn chứa trong mình khá nhiều danh thắng lung linh sắc màu huyền thoại, gắn liền với đời sống của cư dân các Mường! Và vô cùng hấp dẫn với những ai tò mò muốn khám phá nét đẹp huyền bí mang đậm màu sắc mà sử thi “đẻ đất đẻ nước” đã từng phác họa.
Theo tuyến đường vành đai biên giới - nay là QL 16 nối với QL 217 -  không xa, trước khi khám phá động Bo Cúng ở bản Chanh xã Sơn Thủy, hãy thả bộ từng bước nhẹ nhàng để nghe tiếng gió rừng lao xao, tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo như đang kể với du khách về một câu chuyện tình bất tử! Chuyện rằng: xưa lắm rồi ở Mường Mìn (Mường ngoài) có người con gái được sinh ra trong gia đình giàu có. Càng lớn, người con gái ấy càng xinh; nàng xinh đẹp đến độ núi non phải nghiêng mình nhìn ngắm, suối sông phải ngừng chảy mỗi khi nàng vén váy lội qua… Khi đến tuổi trưởng thành, nàng đem lòng yêu chàng trai ở Mường Xia (Mường trong), mặc dù gia cảnh chàng rất nghèo. Biết chuyện, cha mẹ nàng ra sức ngăn cấm không cho nàng gặp gỡ chàng trai Mường Xia. Nhưng, gia đình nàng càng ngăn cấm bao nhiêu thì trái tim yêu thương chàng trai nghèo lại thổn thức bấy nhiêu. Nàng đứng ngồi không yên khi mỗi ngày không được nghe chàng khặp (hát) không được thấy hình bóng chàng trên non cao hay dưới sông suối…
Nhiều ngày bị “cấm cửa”, nàng và chàng chỉ còn cách ngồi hai bên chân núi hát cho nhau nghe. Tiếng hát giao duyên bay qua ngọn núi cao, hòa tan trong rừng đại ngàn làm cho muông thú ngơ ngác xao lòng thương cảm… Tiếng hát của đôi trai gái yêu thương nhau nhưng bị cấm đoán đã làm cho núi cao sừng sững cũng động lòng thương xót. Và, vào một ngày đẹp trời ngọn núi đá sừng sững, giới tuyến của sự chia cắt chàng và nàng bỗng dưng tách làm đôi để hình thành con đường mòn dẫn lối cho nàng gặp chàng. Họ gặp nhau, biết không thể cùng nhau chung sống, chàng và nàng đã cắt ngón tay lấy máu ăn thề với nguyện ước: “cùng chết bên nhau, cho hồn lìa khỏi xác, để chúng mình được ở bên nhau. Cùng chết bên nhau để được biến vào núi Pha Dùa, sống bên làn mây trắng, bước lên đỉnh núi cao làm thần hai Mường”! Chiêm ngưỡng hai ngọn núi mà đôi trai gái hai Mường hóa thân, đắm chìm trong huyện thoại Pha Dùa, tôi như người bị thôi miên rồi thốt lên: “Anh về Mường Mìn tìm em/ Tìm không thấy ngẩn ngơ đứng ngắm/ Núi đá cao chia đôi hai phía/ Phía Mường Xia anh đợi… em về!... Đang “lảm nhảm” như người bị lên đồng, bỗng Hà Xuân Tân, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy nói to: đến động Bo Cúng rồi nhà báo ơi!
Định thần, phóng tầm mắt nhìn, chao ôi sao cảnh sắc nơi này đẹp đến thế! Đẹp như bức tranh thủy mặc. Dòng suối Xia uốn lượn như dải lụa mềm quanh dãy núi Bo Cúng hùng vĩ. Chúng tôi lội qua suối và leo lên bờ suối Xia chừng 50m, cửa động Bo Cúng hiện ra. Đang hứng chịu cái nắng nóng tháng 7 như đổ lửa, vừa lọt vào trong động, không khí mát dịu trong lành tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi khám phá những gì đã, đang tồn tại trong lòng núi Bo Cúng. Thật tuyệt vời với những gì đang hiện ra trước mắt đoàn “thám hiểm”. Những nhũ đá đủ các hình hài, sắc màu lung linh huyền ảo. Chỗ này là hình tượng Phật tọa trên đài sen, chỗ kia là hình cụ già ngồi câu cá. Rồi ruộng bậc thang, người cày cấy, những búp măng tre, luồng, vầu... đặc sản của vùng sơn cước lúc ẩn lúc hiện. Nhũ đá có lúc như suối tóc mượt mà duyên dáng của thiếu nữ, lúc thì lung linh tráng lệ nguy nga hệt cung điện nơi trần thế…
Càng đi sâu vào trọng động, hàng ngàn nhũ đá với muôn màu muôn vẻ quần tụ về đây, là kiệt tác trời đất ban cho vùng đất này. Tôi đã thăm nhiều hang động ở Thanh Hóa, như động Hồ Công (Vĩnh Lộc), động Từ Thức (Nga Sơn), động Tiên Sơn (Tp Thanh Hóa) hay động Trường Lâm (Tĩnh Gia)… không ngoa ngôn một chút nào khi nói rằng động Bo Cúng ở nơi đây có thể mệnh danh “Thanh Hoa đệ nhất động” – (Thanh Hoa là tên cũ của tỉnh Thanh Hóa.  Động Bo Cúng sâu vào núi khoảng trên dưới 1000m. Có lối sâu xuống lòng đất, có hang thông lên trời cao. Vì thế trong lòng hang có chỗ rộng trên 50m cùng nhiều ngõ ngách đã làm cho bầu không khí trong hang mát dịu, rất phù hợp với con người. Điều đáng nói là động Bo Cúng gần như còn hoang sơ, chưa bị tác động nhiều của con người. Và chính vì điều này mà động Bo Cúng cũng hấp dẫn hơn, khác biệt hơn và cũng cần nhiều hơn sự quan tâm của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa đầu tư. Để biến sự tráng lệ mà hoang sơ, trầm mặc của Bo Cúng trở thành điểm du lịch sinh thái, mạo hiểm hấp dẫn khách du lịch thập phương đến với miền Tây Thanh Hóa.

Cao Ngọ

 

Tác giả trong động Bo Cúng

 

Quần thể nhũ đá trong động Bo Cúng