Cháu Hiếu được Bác Hồ thương yêu ngày ấy…
“Cháu Hiếu” được Bác Hồ thương yêu ngày ấy là Nguyễn Kim Nữ Hiếu, con gái cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Sau này,“cháu Hiếu” là Phó giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu là phu nhân của GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng; là mẹ của hai người con thành đạt: PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội Khoá 14 – là một trong những chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam và TS. Nguyễn Kim Nữ Thảo, Trưởng phòng Công nghệ cao của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học
Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu khám bệnh cho bộ đội tại chiến trường Quảng Trị
Tháng 11 năm 1946, một trí thức 38 tuổi có bằng Tiến sĩ Văn khoa và Cử nhân Luật của Pháp, rất ngạc nhiên khi nhận được tấm danh thiếp của Chủ tịch Hồ Chủ tịch mời lên gặp. Tại buổi gặp mặt, Bác Hồ trực tiếp giao cho anh đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Anh băn khoăn thưa với Bác là chưa tham gia công tác cách mạng bao giờ. Bác đã ân cần động viên anh:” Cứ làm đi rồi sẽ làm được”. Lời động viên thân ái ấy đã là sức mạnh to lớn giúp Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đem hết tâm trí ra góp phần xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục của nước ta cho đến tận những giờ phút cuối cùng của đời mình.
Hôm Bác sang Pháp cùng đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, trong đó có anh. Tình cờ tại sân bay Gia Lâm, Bác thấy đồng chí Phạm Văn Đồng bế một cháu bé gái nhỏ khoảng bốn tuổi. Bác rất vui khi biết đó là bé Hiếu “con gái của bố Huyên”, và Bác đã bế bé Hiếu một lúc trước khi lên máy bay. Khoảnh khắc ngắn ngủi như vậy nhưng sau này Bác Hồ vẫn không quên cháu Hiếu.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi chưa đầy mười tuổi, bé Hiếu không may bị ốm liệt giường vì bệnh lao xương. Khi biết tin, Bác Hồ đã cho người tìm thuốc và cao hổ cốt để giao cho “chú Huyên”đem về chạy chữa cho bé. Mỗi lần họp Hội đồng Chính phủ, Bác lại hỏi thăm Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên:“Cháu Hiếu đã khỏi chưa? Nếu cháu bắt đầu chơi đùa được là không đáng lo đâu”
Năm 1953, bé Hiếu đã hoàn toàn lành bệnh và được cùng một số khá đông thiếu nhi Việt Nam sang học tập tại nước bạn. Bác rất vui khi được báo tin này. Bác tìm một hộp sữa và một mảnh vải ka-ki màu vàng để “chú Huyên” mang về cho bé Hiếu. Bác còn dặn:“Chú bảo cô may gấp cho cháu một cái áo bằng mảnh vải này nhé.”
Nhiều năm trôi qua, một lần tại Hà Nội, Hiếu được cùng một số “cháu ngoan Bác Hồ” lên Phủ Chủ tịch và được gặp Bác. Bác Hồ ân cần thăm hỏi từng cháu. Khi nghe Hiếu mạnh dạn thưa: “Cháu là con bố Huyên”, Bác đã ôm lấy đầu em và âu yếm hỏi: “Có phải cháu là Hiếu không?”.
Tấm lòng của Bác Hồ đã góp thêm biết bao sức mạnh trong suốt cuộc đời của Nguyễn Kim Nữ Hiếu. Từ một bé gái gầy gò ốm yếu, Nữ Hiếu đã phấn đấu học tập, rèn luyện trở thành bác sĩ, sau đó giấu cơ quan chuyện có thai để vào chiến trường. Suốt dọc đường hành quân, cô bác sĩ trẻ Nữ Hiếu cũng uống nước suối, hái rau rừng ăn… ở cả nơi Mỹ rải chất độc da cam. Suốt thời gian ở chiến trường, dù ốm nghén mệt mỏi, Nữ Hiếu vẫn luôn hoạt động tích cực, vừa làm bác sĩ điều trị, vừa làm y tá, hộ lý phục vụ, chăm sóc thương binh. Đến tháng 6/1972, khi cái thai trong bụng đã sang đến tháng thứ 7, Nữ Hiếu mới nhận nhiệm vụ đưa thương binh ra Bắc.
Là Phó Giám đốc Bệnh viện 108, PGS. TS. Đại tá Nguyễn Kim Nữ Hiếu đã cống hiến to lớn cho sự phát triển của Bệnh viện 108 cũng như của quân đội và nền Y học nước nhà. Bên cạnh đó, bà còn có công nuôi dạy hai người còn thành tài, góp ích cho xã hội. Người con trai đầu lòng mà bà mang thai vượt Trường Sơn vào chiến trường Quảng Trị ác liệt ngày ấy sau này là PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu, vừa trúng cử Đại biểu Quốc hội Khoá 14. Anh là một trong những chuyên gia tim mạch hàng đầu của Việt Nam; đã được rất nhiều báo chí ca ngợi về tài năng và phẩm chất cao quý của người thầy thuốc.
Em gái Nguyễn Lân Hiếu là Nguyễn Kim Nữ Thảo, theo nghề Vi sinh vật học của bố- GS. Nguyễn Lân Dũng. Thảo cũng có thành tích học tập rất đáng nể. Cô đã từng đoạt giải Olympic Sinh học quốc tế tại Bỉ, giải nhất Sinh học toàn quốc ở lớp 11 và giải nhì ở lớp 12. Thảo theo học lớp Cử nhân tài năng tại Đại học Khoa học tự nhiên, Đai học Quốc gia Hà Nội…Sau khi đi thực tập tại Nhật, Thảo đã cùng các chuyên gia Nhật Bản phát hiện được một số loài xạ khuẩn mới từ các chủng phân lập tại Việt Nam. Thảo được nhận học bổng đi học tại Mỹ. Sau khi có bằng Tiến sĩ Thảo đã về nước phục vụ với số lương hạn chế như mọi cán bộ khoa học khác.